Cả ngày được vài ba khách, bác xe ôm “thở ngắn thở dài”

Vui mừng vì được đi làm trở lại nhưng đứng cả ngày cũng chỉ vài ba khách, ông Trần Đình Hay (sinh năm 1964, trú phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chỉ biết “thở ngắn thở dài”.

Đứng trước cổng chợ Cồn (phía đường Hùng Vương), mỗi lần thấy có người đi bộ từ trong chợ đi ra, ông Hay lại hỏi: “Có đi xe về không?”. Thấy khách lắc đầu, ông Hay thụt người lại, mặt buồn tiu nghỉu.

Ông Hay làm nghề chạy xe ôm trước cổng chợ Cồn đã mười mấy năm nay. Ngoài chở khách, ông Hay còn chở hàng cho các tiểu thương. Nếu như trước đây khi chưa có dịch, mỗi ngày ông Hay cũng kiếm được 150.000 – 200.000 đồng.

Thế nhưng, ảnh hưởng dịch bệnh, nhu cầu đi lại của người dân giảm, nhiều tiểu thương nghỉ bán, ông Hay cũng không có khách.

Cả ngày được vài ba khách, bác xe ôm thở ngắn thở dài - 1

Theo ông Hay, vợ chồng ông có 2 con, trong đó một người bị bệnh, người còn lại đang là sinh viên năm thứ tư. Do phải ở nhà chăm sóc con ốm bệnh nên vợ ông không đi làm. Cả nhà sống nhờ vào những chuyến xe ôm ngược xuôi chở khách của ông Hay.

Đợt dịch vừa qua, khi TP Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, ông Hay phải nghỉ việc ở nhà một tháng rưỡi.

“Thời gian này, gia đình phải vay mượn tiền của anh em, bạn bè và sự hỗ trợ của thành phố, chính quyền địa phương để sống qua ngày”, ông Hay chia sẻ.

Vui mừng vì được đi làm lại sau thời gian giãn cách xã hội nhưng ông Hay lại buồn vì không có khách. Khách hàng của ông Hay thường là người đi chợ, tiểu thương trong chợ hoặc tiểu thương ở Quảng Nam ra đây lấy hàng về bán. Tuy nhiên, sau dịch, tiểu thương buôn bán ế ẩm, người dân khó khăn nên hầu như không có nhu cầu đi xe ôm, thuê chở hàng.

“Ngày nào nhiều thì có 3 – 4 khách, kiếm được 70.000 – 80.000 đồng. Ngày ít được một vài khách, không kiếm nổi 50.000 đồng”, ông Hay thở dài.

Đứng chờ hoài cả ngày không có khách cũng chán nhưng ở nhà mãi còn chán hơn. Vì thế, hầu như ngày nào ông Hay cũng đi làm đến tối mịt mới về.

Cách ông Hay không xa, ông Nguyễn Phúc Khánh (sinh năm 1972, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cũng đang ngóng khách trước chợ Cồn.

Cả ngày được vài ba khách, bác xe ôm thở ngắn thở dài - 2

Ông Khánh cho hay, nhà chỉ có 2 vợ chồng, ông làm nghề chạy xe ôm còn vợ đi bán bánh lọc dạo. Đợt dịch, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, cả 2 vợ chồng đều phải nghỉ việc ở nhà. Không có thu nhập, không trả được tiền thuê trọ, vợ chồng ông Khánh phải về nhà mẹ đẻ ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) ở nhờ.

“Được đi làm lại, tôi mừng lắm nhưng không có khách. Mỗi ngày kiếm dăm chục nghìn đồng mà cũng khó nhưng không đi làm không được”, ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, tổ xe ôm trước cổng chợ Cồn phía bên đường Hùng Vương bình thường có hơn 20 người nay chỉ còn khoảng 5 – 6 người. Do không có khách nên nhiều người nghỉ, không mặn mà với công việc này nữa.

Có những ngày, khu vực này chỉ có ông Hay và ông Khánh. Những lúc đợi hoài không có khách, hai ông đồng nghiệp xe ôm lại đến trò chuyện với nhau cho đỡ buồn.

Nguồn: dantri.com.vn

Vui mừng vì được đi làm trở lại nhưng đứng cả ngày cũng chỉ vài ba khách, ông Trần Đình Hay (sinh năm 1964, trú phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chỉ biết “thở ngắn thở dài”. Đứng trước cổng chợ Cồn (phía đường Hùng Vương), mỗi lần thấy có người… Xem bài viết