Thêm kết quả...

May mặc phụ liệu

Đẩy mạnh phát triển ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới

Nhìn tổng thể tình hình xuất khẩu ngành may mặc trong những năm gần đây thấy rằng, tăng trưởng trong xuất khẩu ngành dệt may của Việt Nam biến động theo xu hướng xuất khẩu chung của cả nước. Năm 2022, ngành dệt may chịu nhiều áp lực lớn. Xuất khẩu dệt may tăng trưởng tương đối tốt trong nửa đầu năm 2022, tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2022, các thị trường chính của dệt may Việt Nam rơi vào lạm phát, sức mua suy giảm mạnh, đến quý IV/2022, đơn hàng đã giảm đến 30%, có doanh nghiệp giảm đến 70% đơn hàng ở thị trường châu Âu, do lạm phát cao làm giảm chi tiêu của người dân, trong đó may mặc là mặt hàng bị cắt giảm chi tiêu nhiều. Bên cạnh đó, bất lợi về tỷ giá với các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch Covid-19, yêu cầu truy soát nguồn gốc bông, vải, sợi, hay xanh hóa dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đối mặt. Ngoài ra, các thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… vẫn trong năm 2022 áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống Covid-19, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Mặc dù khó khăn, nhưng theo Báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), với những biến động phức tạp của nền kinh tế thế giới, Vinatex vẫn đạt các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất, kinh doanh, với doanh thu hợp nhất ước đạt 19.535 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch tăng 15% cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch, tương đương 75% năm 2021. Kết quả sản xuất, kinh doanh Công ty mẹ với doanh thu ước đạt 2.158 tỷ đồng, đạt 123% kế hoạch, tăng 32% cùng kỳ. Lợi nhuận ước đạt 336 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, tăng 8% so với năm 2021. Trong đó, thị trường xuất khẩu trọng tâm Hoa Kỳ với 13,9 tỷ USD, các nước trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) 4,733 tỷ USD, các nước EU là 3,63 tỷ USD, Hàn Quốc là 2,525 tỷ USD, Trung Quốc là 925 triệu USD. Quần áo may mặc các loại vẫn là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, tới 29,1 tỷ USD. Ngoài quần áo, ngành dệt may Việt Nam cũng xuất khẩu vải với 2,13 tỷ USD, xơ sợi 4,083 tỷ USD, phụ liệu may 1,165 tỷ USD, vải địa 747 triệu USD.

Cho đến nay, ngành may mặc đã xuất khẩu sản phẩm đến 66 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là sự bứt phá của Ngành trong phát triển thị trường. Bên cạnh đó, số mặt hàng duy trì xuất khẩu khoảng 47-50 mặt hàng khác nhau vào thị trường toàn cầu và chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu là quần áo may mặc các loại. Đặc biệt, đối với thị trường EU, nếu như trước đây dệt may Việt Nam chỉ tập trung vào một số nước lớn, như: Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, thì nay đã xuất khẩu vào 26/27 quốc gia ở EU.

Năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã có 10 thương hiệu đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam, bao gồm: sản phẩm thời trang Viettien (Tổng Công ty May Việt Tiến), thương hiệu Merriman (Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ), thương hiệu Mattana & Novelty (Tổng Công ty May Nhà Bè), trang phục An Phước (Công ty TNHH May thêu giày An Phước), May10 Series, May10 Suits & Eternity GrusZ (Tổng Công ty May 10), thời trang Thái Tuấn (Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn), khăn bông Mollis (Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú). Mục tiêu từ nay tới năm 2025, Việt Nam sẽ có 20 thương hiệu thời trang không chỉ trong nước mà còn vươn ra tầm thế giới.

Có được kết quả trên là do ngành may mặc Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng để có thể bắt kịp với xu hướng thế giới. Trong đó, nổi bật nhất là các doanh nghiệp đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất; nâng cao trình độ tay nghề; chuyển hướng sản xuất từ hình thức chỉ nhận gia công sang hình thức tự chủ nguồn nguyên liệu, tự thiết kế và hoàn thành sản phẩm; đặc biệt, việc các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chống chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, điều kiện giao hàng nhanh…

Ngoài ra, Nhà nước đã hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trong việc tổ chức các cuộc hội thảo, xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu; Nhà nước cũng hỗ trợ trong việc thu hút vốn đầu tư vào ngành dệt may…

Mặc dù đạt được một số kết quả, nhưng ngành may mặc Việt Nam còn có những hạn chế, đó là:

Thứ nhất, hiện nay, tình trạng yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay “xanh hóa” dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải giải quyết để có thể hưởng ưu đãi từ các hiệp định này.

Thứ hai, ngành dệt may gặp các khó khăn trong ngắn hạn về thu hẹp thị trường, sụt giảm đơn hàng và đơn giá, khó khăn nội tại về nguồn vốn, chi phí đầu vào, logistics, nguồn lao động…

Thứ ba, hiện nay, ngành đang đứng trước các thách thức lớn về yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ mô hình sản xuất theo hướng bền vững, xanh, tuần hoàn và đáp ứng các quy định mới liên quan đến lao động, nguồn gốc xuất xứ, khả năng tái chế của sản phẩm từ các thị trường chủ chốt, như: Mỹ, EU.

Thứ tư, công nghiệp hỗ trợ trong ngành may mặc chưa phát triển mạnh, chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, dẫn đến có sự khan hiếm nguồn nguyên liệu trong nước, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu và khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Thứ năm, dệt may của Việt Nam cũng đang gặp phải cạnh tranh lớn từ một số nước đang phát triển hiện đang đẩy mạnh sản xuất trong bối cảnh phục hồi kinh tế và thực hiện hiệu quả chiến lược “xanh hóa” các nhà máy sản xuất.

Thứ sáu, thực trạng thiếu thông tin về thị trường, về nguồn cung nguyên liệu là một trong những lý do khiến doanh nghiệp ngành dệt may khó dịch chuyển lên phương thức sản xuất cao hơn là thiếu thông tin về khách hàng, về các nhà cung cấp và thị trường nguyên phụ liệu, thiếu đội ngũ cán bộ mua hàng am hiểu thị trường và có năng lực quản lý chuỗi giá trị.

 

 

Nguồn: Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo

1 Tháng Mười Hai, 2023 / by / in
Ngành may mặc phụ liệu bứt phá kỷ lục về thị trường xuất khẩu trong năm 2023

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, mặc dù năm 2023 gặp nhiều khó khăn, dự kiến xuất khẩu dệt may giảm hơn so với năm 2022 nhưng năm 2023 cũng ghi nhận sự bứt phá kỷ lục của ngành may mặc phụ liệu về thị trường xuất khẩu.

Phát biểu tại Họp báo hội nghị tổng kết Vitas 2023 do Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức sáng 23/11, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2023 ngành dệt may chịu tác động, lượng hàng hoá tồn kho toàn cầu thách thức rất lớn, làm cho nền công nghiệp dệt may chịu tác động lớn. Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Xuất khẩu hàng may mặc ước giảm 3,1 tỷ USD, tương đương 8,9%, xuất khẩu vải ước giảm 186 triệu USD, tương đương 6,9%, xuất khẩu sơ sợi ước giảm 485 triệu USD tương đương 10,3%, xuất khẩu nguyên phụ liệu ước giảm 218 triệu USD, tương đương 16%.

Năm 2023, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự thay đổi rõ rệt. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh như đồ nỉ, quần short, quần áo trẻ em… Ở chiều ngược lại, các mặt hàng như đồ bảo hộ lao động, bộ comple, quần áo y tế, quần jeans lại tăng nhanh.

“Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng năm 2023 là năm xuất khẩu may mặc phụ liệu bứt phá về thị trường, chưa năm nào ngành dệt may xuất khẩu vào nhiều thị trường như vậy với 104 thị trường, vùng lãnh thổ”, ông Vũ Đức Giang cho biết.

Trong đó, thị trường lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam vẫn là thị trường Mỹ, trong 9 tháng sản phẩm may mặc xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt trên 11 tỷ USD, Nhật Bản khoảng 3 tỷ USD, Hàn Quốc là 2,4 tỷ USD, EU là gần 2,9 tỷ USD. Đây là 4 thị trường trọng điểm của ngành dệt may.
Tiếp đó, ngành dệt may xuất khẩu sang Canada khoảng 850 triệu USD, Trung Quốc 830 triệu USD, Campuchia hơn 600 USD, Anh 504 triệu USD…

“Chúng ta xuất khẩu sang 104 thị trường đây là thách thức, khi thị trường xuất khẩu lớn giảm thì các doanh nghiệp phải tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu như Châu Phi, Nga, Ấn Độ…Chính những người Việt ở các nước này là cầu nối cho xuất khẩu may mặc phụ liệu xuất sang các quốc gia này”, ông Vũ Đức Giang cho biết thêm.

Để đạt được những kết quả trên, theo ông Vũ Đức Giang, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đã đặt mục tiêu cho cộng đồng doanh nghiệp khẳng định vị thế của ngành, cùng đó, xây dựng giải pháp cùng cộng đồng doanh nghiệp trong chiến lược phát triển bền vững, đạt chuẩn mực trong các điều khoản hợp đồng thương mại, tổ chức đánh giá. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã đạt rất tốt.

Đặc biệt, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng tích cực thực hiện xanh hóa, phát triển bền vững, đầu tư hạ tầng cơ sở trong giảm phát thải nhà kính, thúc đẩy giải pháp phát triển sản phẩm có tính bền vững, chuyển đổi nồi hơi nước bằng điện thay cho đốt than, củi… Cùng với đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đầu tư mạnh về phát triển công nghệ số, tạo minh bạch trong sản xuất kinh doanh.

“Cùng với việc sử dụng sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường như sợi gai, sợi tre… ngành dệt may Việt Nam cũng sắp xếp mô hình cộng đồng doanh nghiệp, chuyển dịch nhanh nhà máy từ thành phố về vùng sâu, vùng xa.. Trong những năm qua, dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn đầu tư nhiều nhà máy mới nên giữ được tỷ trọng trong xuất khẩu. Chúng tôi kỳ vọng dịp Noel tháng 12 và Tết dương lịch, các thị trường nhập khẩu lớn sẽ thúc đẩy cho năm 2024 khi họ giảm bớt hàng tồn kho. Trong quý 4/2023, ngành dệt may Việt Nam đã nhận được tín hiệu đơn hàng tốt hơn, thị trường bắt đầu nóng lên, đây là xu thế tốt cho mục tiêu 2024 đang đến gần”, ông Vũ Đức Giang cho hay.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Thách thức với các doanh nghiệp may mặc phụ liệu chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền Con người và Môi trường trong Chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may…

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam vẫn có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 Hiệp định thương mại tự do (trong đó: 16 FTA đã ký kết và thực thi; 3 FTA đang trong quá trình đàm phán) và là quốc gia duy nhất ký kết Hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga. Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035 được Chính Phủ phê duyệt mới đây sẽ là nền móng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi – dệt – nhuộm, tạo cơ hội cho ngành dệt may tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định.

Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, VITAS xây dựng mục tiêu toàn ngành năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp, lấy lợi ích của doanh nghiệp dệt may làm trọng tâm. Cụ thể, Hiệp hội thực hiện tốt vai trò kết nối các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, phối hợp với các tổ chức quốc tế uy tín triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, thiết kế, xây dựng thương hiệu…

Đặc biệt, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt giao lưu, quảng bá hình ảnh; truyền tải kịp thời thông tin về ngành, kinh tế – xã hội trong nước và thế giới đến Hội viên. Đặc biệt, VITAS luôn phát huy vai trò là cầu nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý Nhà nước với khối doanh nghiệp dệt may, phản ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, làm tốt vai trò là thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng.

“Mục tiêu xuyên suốt năm 2024 của ngành may mặc phụ liệu Việt Nam là tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển bền vững đi đôi với thích ứng mục tiêu đòi hỏi của thị trường toàn cầu về xanh hoá, giảm rác thải nhà kính, đầu tư sâu vào hệ thống nồi hơi đốt bằng điện, giảm dần nồi hơi đốt bằng nhiên liệu hóa thạch. Trong đó, đầu tư vào quản trị số, kiểm soát thích ứng với ngành công nghiệp dệt may toàn cầu, thực hiện công nghệ hoá, tự động hoá ở một số dây chuyền sản xuất thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao và tập trung giải pháp phát triển công nghiệp thời trang…”, Chủ tịch VITAS cho hay.

Người đứng đầu Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết thêm, hiện nay là cơ hội số 1 cho dệt may thâm nhập vào thị trường toàn cầu nhờ các FTA nhưng có 3 yếu tố cần tuân thủ. Đó là doanh nghiệp cần thích ứng nhanh luật chơi toàn cầu của các nhãn hàng, chủ động nền công nghiệp thời trang. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chủ động, xây dựng chuỗi chặt chẽ với nhà sx sợi, nhuộm, tạo chuỗi trong chiến lược phát triển, tiến tới làm chủ cuộc chơi về thương hiệu toàn cầu.

 

Nguồn: Báo Tin tức – TTXVN

27 Tháng Mười Một, 2023 / by / in
Ngành phụ liệu may mặc châu Á gặp khó khăn vì nhu cầu yếu

Lạm phát cao đang ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng của người dân, đồng thời khiến khó khăn bủa vây ngành may mặc. Tình hình này dự báo sẽ còn khó khăn hơn trong thời gian tới.

Xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu giảm

Theo dữ liệu hải quan Mỹ, xuất khẩu hàng may mặc phụ liệu và giày dép từ các nhà sản xuất ở Campuchia, Bangladesh, Myanmar và Việt Nam đã giảm khoảng 20-30% về giá trị trong 4 tháng đầu năm.

Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) cũng bắt đầu chậm lại. Số liệu cùng kỳ cho thấy xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh sang EU giảm 3% và của Campuchia cũng giảm nhẹ.

Trong khi đó, xuất khẩu phụ liệu may mặc của Việt Nam sang EU đã tăng gần 20%, trong khi Myanmar duy trì mức tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, số liệu tháng 4 cho thấy lượng hàng xuất khẩu đã giảm đáng kể so với tháng trước.

Vốn phụ thuộc nhiều vào hàng may mặc, giày dép và du lịch, Campuchia đã chứng kiến xuất khẩu giảm 30% trong 4 tháng đầu năm nay.

Ken Loo, Tổng thư ký của Hiệp hội Dệt may, Giày dép & Du lịch tại Campuchia, cho biết lạm phát cao và tình hình kinh tế suy yếu do xung đột Nga – Ukraine là 2 yếu tố chính dẫn đến sự suy giảm này. Hiện tượng này đã bắt đầu từ năm ngoái và có thể kéo dài suốt năm 2023.

Tuy nhiên, ông cho biết vẫn chưa xảy ra tình trạng mất việc trong ngành công nghiệp với hơn 700.000 lao động này. Ông cũng cho rằng Quốc hội Mỹ đã không gia hạn điều khoản ưu đãi, cho phép một số hàng hóa từ các nước đang phát triển được miễn thuế khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Điều này dẫn đến việc xuất khẩu hàng hóa du lịch giảm 27% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái.

Với Myanmar, xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu dần ổn định sau khi ngành này bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và bất ổn chính trị. Một số công ty quần áo và may mặc quốc tế cũng đã cắt đứt quan hệ thương mại với quốc gia này trước lo ngại về điều kiện lao động dưới chính quyền mới.

Tại Bangladesh, bức tranh của ngành phụ liệu may mặc cũng ảm đạm. Ông Mostafiz Uddin, giám đốc điều hành một nhà máy may mặc, cho biết số đơn đặt hàng giảm mạnh và nhiều nhà máy không thể hoạt động hết công suất, dẫn đến việc công nhân phải giảm số giờ làm việc và ít có cơ hội tăng ca.

Thách thức đối với các doanh nghiệp thời trang

Sheng Lu, phó giáo sư khoa thời trang Đại học Delaware, cho biết các công ty thời trang đang phải đối mặt với thách thức trong việc tìm nguồn cung ứng do lạm phát tăng cao ảnh hưởng tới chi tiêu của hộ gia đình, buộc họ phải ưu tiên cho chi phí sinh hoạt thay vì mua sắm.

Với tình hình nhu cầu giảm, nhiều công ty thời trang Mỹ đã giảm sản lượng để giảm hàng tồn kho, dẫn đến việc giảm lượng đơn hàng với các nhà sản xuất hàng phụ liệu may mặc và giày dép tại Đông Nam Á. Các nhà sản xuất đang phải tìm cách thích nghi với thị trường mới và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang các quốc gia khác như Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Đối mặt với nhu cầu giảm, nhiều công ty thời trang Mỹ đã chọn cắt giảm đơn đặt hàng và giải phóng hàng tồn kho, dẫn đến khối lượng giao thương giảm”, ông Sheng Lu chia sẻ thêm.

Một số thương hiệu lớn đã phải sa thải nhân viên trong những tháng gần đây. Nhà bán lẻ Gap của Mỹ đã thông báo vào tháng 4 rằng họ sẽ cắt giảm khoảng 1.800 nhân viên, gã khổng lồ H&M của Thụy Điển cũng cho biết sẽ sa thải 1.500 công nhân vào tháng 11 năm nay, Adidas cũng đang sắp xếp lại hoạt động ở Bắc Mỹ.

Ông Lu cho biết ngoài áp lực kinh tế, các thương hiệu Mỹ cũng đang phải đối mặt với những căng thẳng thương mại. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục áp dụng thuế quan đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc. Một số nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa cũng đang muốn tước bỏ tình trạng quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn của Trung Quốc.

Ông Lu cho hay: “Trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng không chắc chắn, việc giảm rủi ro trong nguồn cung ứng cũng như có nguồn cung linh hoạt là một trong những ưu tiên hàng đầu của các công ty thời trang năm nay”.

Ông cũng cho biết các thương hiệu rất muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại các khu vực khác, nhưng các quốc gia ở Đông Nam Á sẽ vẫn hấp dẫn.

 

 

Nguồn: Nikkei, Retail Insider

31 Tháng Mười, 2023 / by / in
Tình hình đơn hàng ngành may mặc xuất khẩu đang có dấu hiệu cải thiện trở lại

Tình hình đơn hàng dệt may mặc xuất khẩu đang có dấu hiệu cải thiện, kỳ vọng nhu cầu tại các thị trường lớn sẽ hồi phục.

Mức giảm xuất khẩu nhỏ dần

Trong 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành may mặc của Việt Nam đạt 22,8 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tất cả các mặt hàng đều suy giảm như hàng phụ liệu may mặc đạt 17,8 tỷ USD, giảm 13,2%; vải đạt 1,37 tỷ USD, giảm 18%; xơ sợi đạt 2,5 tỷ USD, giảm 20,7%; nguyên phụ liệu đạt 700 triệu USD, giảm 17%; vải không dệt giảm 25%.

Nguyên nhân khiến hoạt động xuất khẩu của ngành phụ liệu may mặc sụt giảm là do xung đột địa chính trị, hậu quả dịch bệnh Covid-19, lạm phát cao, nhu cầu tiêu dùng giảm, tồn kho tăng.

Dù vậy, tháng 7 đã có chuyển biến tích cực hơn. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 7/2023, giá trị xuất khẩu sợi và ngành hàng may mặc của Việt Nam tăng 9,15% và 3,2% so với tháng 6, đạt 392 triệu USD và 3,2 tỷ USD; đặc biệt, giá trị xuất khẩu xơ sợi tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu sợi đạt 2,5 tỷ USD, giảm 20,7%; hàng may mặc đạt 18,9 tỷ USD, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm 2022 (mức giảm của quý I/2023 lần lượt là 35,1% và 17,6%).

Xét cơ cấu thị trường, trong 7 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ đạt 8,5 tỷ USD, giảm 23,8%; Hàn Quốc đạt 1,6 tỷ USD, giảm 2,9%; Canada đạt 665 triệu USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng hàng may mặc xuất khẩu sang Nhật Bản ghi nhận tăng trưởng 4,8%, đạt 2,2 tỷ USD và thị phần đạt 16,2%, mức cao nhất kể từ năm 2020.

Về xơ sợi, trong 7 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,3 tỷ USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 50,4% tổng kim ngạch xuất khẩu xơ sợi. Xuất khẩu sợi sang Hàn Quốc giảm 28% so với cùng kỳ, xuống còn 223 triệu USD.

Ngoài ra, chi phí đầu vào của ngành phụ liệu may mặc được đánh giá đã chạm đáy. Giá bông gần đây có diễn biến đi lên, sau khi chạm mức thấp nhất 80 USD/pound vào tháng 7, cho thấy nhu cầu bông đầu vào cho ngành dệt may gia tăng, nhằm đón đầu triển vọng hồi phục thời gian tới. Giá dầu thô và chi phí vận chuyển đã tăng kể từ đầu quý III/2023, thể hiện sự cải thiện về nhu cầu chung.

Triển vọng nhìn về cuối năm

Kết quả hoạt động tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023 của một số doanh nghiệp dệt may cho thấy bức tranh kinh doanh đang dần sáng lên.

Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã chứng khoán TCM) cho biết, tình hình xuất khẩu gần đây có những tín hiệu tích cực và các đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á đến Việt Nam tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng so với trước. Kỳ vọng, hoạt động xuất khẩu dệt may và nguyên liệu sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm. Theo đó, lượng xuất khẩu hàng dệt may nửa cuối năm sẽ tăng so với nửa đầu năm.

Riêng tại Dệt may Thành Công, trong tháng 7 vừa qua, tình hình kinh doanh khả quan hơn do thị trường Mỹ và EU bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Sang quý IV, chuẩn bị cho mùa lễ, tết, hoạt động xuất khẩu sẽ tích cực hơn.

Trong 7 tháng, Dệt may Thành Công đạt 78,9 triệu USD doanh thu, giảm 27%; lợi nhuận sau thuế 5,2 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của Công ty đến từ 3 mảng chính, trong đó sản phẩm may chiếm 76%, vải chiếm 16%, sợi chiếm 6% tổng doanh thu.

Về tình hình đơn hàng, Dệt may Thành Công đã nhận khoảng 76% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý III/2023 và nhận khoảng 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý IV/2023.

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán TNG) cho biết, khó khăn nhất đã qua khi doanh thu tháng 7/2023 đạt 782 tỷ đồng, tăng 11,5% so với tháng 6 và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, Công ty đạt doanh thu 4.116 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, 98% doanh thu của TNG đến từ xuất khẩu, các thị trường xuất khẩu trọng điểm là Mỹ chiếm 47%, Pháp chiếm 15%, Canada chiếm 8%.

Với Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán MSH), kết quả kinh doanh quý II/2023 được Công ty Chứng khoán SSI đánh giá là vượt trội so với các công ty cùng ngành khi trở thành doanh nghiệp duy nhất đạt được mức tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ, mặc dù lợi nhuận sau thuế giảm 2%. Biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) của May Sông Hồng trong nửa đầu năm 2023 là 10,6%.

Tại Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã chứng khoán STK), doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 695 tỷ đồng, giảm 40,5%; lợi nhuận sau thuế đạt 39,1 tỷ đồng giảm 73,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là trong quý II/2023, doanh số và giá bán bình quân thấp hơn cùng kỳ, vì các khách hàng gián tiếp và trực tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng. Chi phí tài chính và thuế thu nhập doanh nghiệp giảm, nhưng vẫn không cải thiện được chỉ tiêu lợi nhuận. Mặc dù vậy, hoạt động kinh doanh từ nay đến cuối năm của STK được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ sức cầu tiêu dùng có triển vọng tốt hơn.

Ngân hàng Thế giới dự báo, GDP thực tế năm 2023 của các thị trường trọng điểm như Mỹ tăng 1,1%, Nhật Bản tăng 0,8%, Trung Quốc tăng 5,6%, dẫn đến sự gia tăng thu nhập, kéo theo niềm tin người tiêu dùng hồi phục. Với tâm lý tích cực hơn, người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cao hơn mùa lễ, tết sắp tới.

Đáng chú ý, hàng tồn kho của các thương hiệu thời trang lớn như Nike, H&M, GAP, Inditex đang thấp hơn nhiều so với hồi giữa năm 2022. Việc bổ sung hàng dự trữ trong thời gian tới sẽ đem lại triển vọng tích cực cho các doanh nghiệp dệt may.

Hiện tại, đà phục hồi chậm khiến nhiều doanh nghiệp phụ liệu may mặc vẫn chật vật tìm kiếm đơn hàng và lo ngại khả năng khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngành dệt may được một số công ty chứng khoán nâng mức đánh giá từ trung lập lên tích cực khi những khó khăn nhất của ngành dệt may dần đi qua, bức tranh kinh doanh sẽ cải thiện kể từ quý III.

Trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới năm 2023 dự kiến giảm 8 – 10%, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam năm nay ước đạt khoảng 40 tỷ USD, giảm 9 – 10% so với năm ngoái.

 

9 Tháng Mười, 2023 / by / in
Doanh nghiệp FDI ngành dệt may bị sụt giảm mạnh về đơn hàng

Sụt giảm mạnh về đơn hàng, nên xuất khẩu hàng dệt may của doanh nghiệp có vốn FDI 6 tháng đầu năm 2023 mới đạt 9,59 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Sức mua của các thị trường chính như Mỹ, châu Âu tiếp tục suy giảm, các yếu tố bất lợi của thị trường trên đà tiếp diễn, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành may mặc nửa đầu năm nay đã sụt giảm 15% so với cùng kỳ.

Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng dệt may tháng 6/2023 đạt 3,06 tỷ USD, tăng 4,9% so với tháng 5/2023 nhưng giảm 14,7% so với tháng 6/2022.

Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc của doanh nghiệp có vốn FDI đạt 9,59 tỷ USD, chiếm 61% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Mỹ luôn đứng đầu về kim ngạch, đạt 6,96 tỷ USD, chiếm 44,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022; xuất sang EU đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt 1,88 tỷ USD, chiếm 11,9%, giảm 10,3%; tiếp đến thị trường Nhật Bản, đạt trên 1,75 tỷ USD, chiếm 11,1%, tăng 4,9%.

Đứng thứ 4 là thị trường Hàn Quốc đạt 1,34 tỷ USD, chiếm 8,5%, giảm nhẹ 1,9% và sang Canada đạt 572,13 triệu USD, chiếm 3,6%, giẩm 13,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Hàng phụ liệu may mặc xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á chiếm 5,8%, đạt trên 911,16 triệu USD, giảm 10,5% so với 6 tháng năm 2022.

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 3% trong tổng kim ngạch, đạt 484,82 triệu USD, giảm 10,3%.

Các tháng của quý III, ngành phụ liệu may mặc được dự báo tiếp tục thiếu hụt đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao, các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa hồi phục. Tổng cầu dệt may thế giới dự kiến đạt 700 tỷ USD, giảm 8% so với 2022, thấp hơn năm 2020 khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cùng đó là đòi hỏi khắt khe từ các nhãn hàng như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, giao hàng nhanh, yêu cầu cao hơn về chất lượng…

Năm ngoái, xuất khẩu dệt may đạt 36,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2021, xơ sợi đạt 4,7 tỷ USD, giảm 16%, còn lại là nguyên phụ liệu. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt khoảng 44 tỷ USD.

Mục tiêu có tăng trưởng với ngành dệt may trong năm nay gần như là bất khả thi.

6 Tháng Mười, 2023 / by / in
Vừa “khát” đơn hàng, ngành may mặc phụ liệu còn chịu cảnh đơn giá giảm sâu

Chiều 19/7, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thông tin về tình hình ngành dệt may mặc Việt Nam nửa đầu năm 2023.

Theo Vitas, năm 2023, tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng những biến động chính trị trên thế giới khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm (năm 2021 tăng 6%; năm 2022 tăng 3%, dự báo năm 2023 chỉ trên dưới 2%).

Ngành dệt may mặc phụ liệu theo đó chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt đạt 18,6 tỷ USD giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD giảm 20,5% và xuất siêu 7,9 tỷ USD (cùng kỳ 2022 là 8,8 tỷ USD).

Thực hiện xuất khẩu 5 tháng 2023 sang các thị trường lớn hầu hết đều giảm: Mỹ giảm 27,1%, EU giảm 6,2%, Nhật Bản tăng 6,6%, Hàn Quốc giảm 2%, Canada giảm 10,9%…

Mức giảm sâu này không chỉ bởi tác động của nền kinh tế mà còn đến từ áp lực “xanh hóa” ngành, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD, EU và Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (có hiệu lực từ 1/1/2023).

Bên cạnh đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, nhưng do lãi suất huy động cao từ cuối năm 2022, nên lãi suất vay vẫn ở mức cao. Doanh nghiệp không tiếp cận được với các gói hỗ trợ, ví dụ giảm lãi suất 2% với gói 40.000 tỷ đồng,…

Vitas dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, do nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý III và quý IV.

“Ngoài việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường”, Vitas nêu.

Năm 2023, toàn ngành dệt may mặc phụ liệu đặt mục tiêu phấn đấu đạt 39 – 40 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu, phía Hiệp hội yêu cầu các doanh nghiệp cần chú trọng 3 vấn đề cốt lõi.

Thứ nhất, tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Thứ hai, giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác. Xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài. Khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa.

Thứ ba, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của doanh nghiệp.

17 Tháng Tám, 2023 / by / in
Ngành May mặc Việt Nam làm gì để khôi phục thị phần, duy trì động lực tăng trưởng trong bối cảnh mới

Cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine và sự thắt chặt mạnh mẽ các điều kiện tài chính ở nhiều nền kinh tế lớn đã làm ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu. Năm 2023, Worldbank dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ ở mức 2,1%, thấp hơn năm 2022. Kinh tế tăng trưởng thấp, lạm phát và lãi suất cao, rủi ro tiềm ẩn trong thị trường tài chính và một phần dư âm của giai đoạn hậu Covid – 19 dẫn đến xu thế tiếp tục thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng và hàng hóa dệt may luôn có mặt trong top 5 các mặt hàng được tiết giảm. Sức tiêu thụ của các thị trường lớn như Mỹ, EU suy giảm mạnh, hàng tồn kho của các nhãn hàng đang ở mức cao, các yếu tố bất định về địa chính trị vẫn đe dọa tăng trưởng kinh tế, các yếu tố vĩ mô trong nước cùng với năng lực cạnh tranh nội tại trong doanh nghiệp sẽ gây ra những thách thức lớn đối với ngành Dệt May Việt Nam trong thời gian tới. Trước bối cảnh mới này, ngành dệt may Việt Nam cần làm gì để khôi phục thị phần, duy trì động lực tăng trưởng?

Tổng cầu may mặc thế giới và một số thị trường chính

Dự báo tổng cầu may mặc phụ liệu thế giới năm 2023 sẽ tiếp tục giảm khoảng 8% xuống còn 700 tỷ USD (thấp hơn tổng cầu năm 2020 xảy ra dịch Covid – 19), sau khi đã giảm 6% trong năm 2022 và xu hướng cầu thấp được dự báo vẫn tiếp diễn trong năm 2024.

Thị trường Mỹ

Mỹ là quốc gia nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới (xét theo phạm vi một quốc gia) với tổng kim ngạch nhập khẩu hơn 127 tỷ USD vào năm 2022, chiếm khoảng 17% tổng kim ngạch nhập khẩu của thế giới. Tổng cầu dệt may của Mỹ có sự biến động lớn trong những năm gần đây đặc biệt là khi trải qua đại dịch Covid-19.

 

Để kiềm chế lạm phát, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp từ tháng 3/2022 đến nay, theo đó, tổng cầu dệt may mặc của Mỹ có sự ảnh hưởng nhất định. Năm 2021, chứng kiến tổng cầu dệt may của Mỹ đạt đỉnh ở mức 127,9 tỷ USD khi tăng trưởng GDP Mỹ quay trở lại ở mức 5,9%. Một phần đóng góp vào sự tăng trưởng này là do hiện tượng quá mua vào cuối năm 2021 khi người dân đổ xô đi mua sắm sau Covid-19, dẫn tới việc tiêu thụ quần áo quá mức bình thường. Tuy nhiên điều này chỉ kéo dài đến hết quý 2 năm 2022, tổng cầu dệt may có sự suy giảm rõ rệt vào 6 tháng cuối năm 2022 và tiếp tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2023. Nguyên nhân là do hiện tượng quá mua đã bị thoái trào, tiêu dùng cá nhân chưa hồi phục và xu hướng chuyển dịch sang sử dụng dịch vụ, áp lực lãi suất neo cao khiến nhu cầu dệt may của Mỹ bị ảnh hưởng rõ rệt. Tổng cầu dệt may Mỹ giảm 8,6% trong năm 2022 so với năm 2021 xuống còn 116,9 tỷ. Dự báo tổng cầu dệt may của Mỹ vào năm 2023 sẽ chỉ còn đạt 112,8 tỷ USD, giảm 3,5% so với 2022.

Thị trường EU

EU là thị trường tiêu thụ hàng may mặc phụ liệu lớn nhất với mức tiêu thụ lên tới hơn 264 tỷ USD vào 2022, chiếm khoảng 33% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của thế giới.

Ngày 4/5/2023, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%, lên mức 3,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 7 liên tiếp của ECB kể từ tháng 7/2022 để ứng phó với lạm phát cao kéo dài và sẽ tiếp tục gây áp lực lên nhu cầu hàng may mặc tại khu vực này khiến cho tổng cầu dệt may của thị trường EU được dự báo giảm còn 260 tỷ USD trong năm 2023 tương đương mức giảm 1,8% so với năm 2022.

Thị trường Nhật Bản

Nhật Bản là thị trường tiêu thụ may mặc phụ liệu lớn trong khu vực Châu Á. Hàng năm Nhật Bản nhập khẩu khoảng 35 tỷ USD hàng dệt may, chiếm 4% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của thế giới. Kinh tế Nhật phục hồi sau đại dịch với mức tăng GDP từ -4,5% trong năm 2020 lên 1,6% trong năm 2021. Ngân hàng Nhật Bản BOJ hiện vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất -0,1%. Kinh tế Nhật Bản cũng có gam màu sáng hơn khi tăng trưởng GDP 2022 đạt 2,4%. Tổng cầu dệt may Nhật Bản theo đó cũng có có xu hướng tăng từ 33,3 tỷ USD năm 2021 tăng lên 36,9 tỷ USD năm 2022, tương đương mức tăng 10,8%. Theo dự báo, năm 2023, tổng cầu dệt may Nhật Bản sẽ tăng lên mức 37,4 tỷ USD, tương đương mức tăng 1,3% so với năm 2022.

Thị trường Trung Quốc

Tổng cầu dệt may Trung Quốc có sự biến động lớn trong giai đoạn đại dịch Covid- 19 khi năm 2020 tổng cầu dệt may Trung Quốc giảm xuống 29,3 tỷ USD, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây. Năm 2021 chứng kiến tăng trưởng GDP quay trở lại sau đại dịch ở mức 8,1% và cầu dệt may Trung Quốc đã hồi phục lên mức 35,5 tỷ USD. Tuy nhiên trong năm 2022, tổng cầu dệt may chỉ đạt 31,4 tỷ USD giảm 13% so cùng kỳ. Điều này là do các thương hiệu thời trang quốc tế đang bắt đầu đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm hạn chế các rủi ro chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị khiến cho tổng cầu bị ảnh hưởng. Dự kiến trong năm 2023, tổng cầu dệt may vẫn tiếp tục giảm xuống mức 30,8 tỷ USD.

Kim Ngạch Xuất khẩu (KNXK) ngành dệt may Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 18,7 tỷ USD, giảm 17,7% so cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2022 KNXK đạt 22,7 tỷ USD, tăng 19,2% so cùng kỳ 2021). Tình hình xuất khẩu dệt may biến động xấu đi vào 6 tháng cuối năm 2022 và kéo dài cho tới nửa đầu năm 2023.

Trong khi đó, các quốc gia dệt may cạnh tranh với Việt Nam ghi nhận những bức tranh đối lập trong kết quả xuất khẩu dệt may nửa đầu năm 2023, cụ thể:

Trung Quốc xuất khẩu dệt may trong 5 tháng 2023 đạt 118,2 tỷ USD, giảm 5,5% so cùng kỳ, trong đó KNXK hàng may mặc đạt 61,3 tỷ USD, giảm 1,35% so cùng kỳ. KNXK hàng dệt, sợi, vải đạt 56,6 tỷ USD, giảm 9,58% so cùng kỳ.

Trái ngược với Việt Nam và Trung Quốc, đối thủ Bangladesh trong tháng 6/2023 đạt KNXK 4,36 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, KNXK hàng may mặc của Bangladesh đạt gần 24 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ 2022.

Xuất khẩu hàng dệt may của Ấn Độ cũng ghi nhận mức giảm 11,4% trong 2 tháng 4-5/2023 so với cùng kỳ xuống còn 5,57 tỷ USD từ mức 6,72 tỷ USD năm 2022. Tính riêng tháng 5 năm 2023, quốc gia này đã xuất khẩu lô hàng dệt may trị giá 2,8 tỷ USD, giảm 12,16% so với cùng kỳ.

Như vậy có thể thấy, trong nửa đầu năm 2023 ngoại trừ Bangladesh, các quốc gia còn lại đều gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng dệt may ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ, tuy nhiên Việt Nam với mức giảm 17,7% trong 6 tháng đầu năm là mức giảm cao nhất trong tất cả các quốc gia xuất khẩu lớn (các quốc gia nhập khẩu dệt may chính chỉ giảm ở mức 2-8%)

 

 

Nguồn: vinatex.com.vn

16 Tháng Tám, 2023 / by / in
Xuất khẩu ngành may mặc phụ liệu “lùi” thêm một bước
Kể từ quý IV/2022, xuất khẩu ngành may mặc phụ liệu liên tiếp tăng trưởng âm và tình hình đơn hàng đến nay chưa có nhiều cải thiện. Cho cả năm 2023, tăng trưởng dệt may nhiều khả năng sẽ tiếp tục ở mức thấp.

Theo báo cáo của Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tháng 4/2023, xuất khẩu dệt may Việt Nam giảm 20,6% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,06 tỷ USD (cùng kỳ năm trước đạt 3,86 tỷ USD).

Lũy kế 4 tháng năm 2023, xuất khẩu dệt may cả nước đạt khoảng 11,7 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước (trị giá tuyệt đối giảm gần 3 tỷ USD). Như vậy, kể từ quý IV/2022, xuất khẩu dệt may liên tiếp tăng trưởng âm.

Về thị trường, trong tháng 4, thống kê cho thấy tất cả các thị trường xuất khẩu chính đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường Mỹ giảm 30%, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,15 tỷ USD; thị trường Liên minh châu Âu (EU) giảm 9,7%, đạt 349 triệu USD; thị trường Hàn Quốc giảm 21%, đạt 237 triệu USD và Nhật Bản giảm 3%.

Tính chung 4 tháng, chỉ duy nhất thị trường Nhật Bản tăng 6,6%, còn lại thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm trên 30% so với cùng kỳ năm trước; thị trường EU giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

Vinatex nhận định, tổng cầu ngành dệt may thế giới trong kịch bản kinh tế thế giới suy giảm (không suy thoái) dự báo chỉ quanh mức 700 tỷ USD, thấp hơn năm 2020 – thời điểm xảy ra dịch Covid-19 do không còn nhu cầu đồ bảo hộ. Trong trường hợp kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, tổng cầu dệt may chỉ quanh mức 650 tỷ USD, giảm khoảng 13% (tương ứng 100 tỷ USD) so với năm 2022.

Trong báo cáo mới đây, Mirae Asset đánh giá,đối với mảng may mặc, trong những tháng đầu năm 2023, nhu cầu về hàng dệt may ở các thị trường chính suy yếu trước những lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế khi xuất khẩu 4 tháng giảm tới 19,3%.

Cập nhật hết quý I, giá trị xuất khẩu hàng dệt may mặc phụ liệu sang các thị trường phương Tây ghi nhận sụt giảm mạnh như: Mỹ (giảm 30,2%), EU (giảm 24%), Canada (giảm 16,3%); trong khi hai thị trường châu Á tiếp tục duy trì mức tăng trưởng dương mặc dù yếu hơn trong năm 2022, gồm: Nhật Bản (tăng 11,7%) và Hàn Quốc (tăng 5,3%). Còn thị trường EU và Canada sau năm 2022 bùng nổ đang cho thấy tín hiệu đảo ngược.

Về thị phần, hàng may mặc, áo quần Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững thị phần ở các thị trường chính như Mỹ (17,9%), Nhật (15,7%) và Hàn Quốc (30,8%) trong 2 tháng đầu năm 2023.

Cùng với xuất khẩu yếu đi, hoạt động sản xuất cũng có các tín hiệu khó khăn khi IIP trong 4 tháng đầu năm 2023 nhìn chung không ghi nhận tăng trưởng. Chỉ số sử dụng lao động cả hai mảng Dệt và May mặc đều đi xuống với tốc độ khá tương đồng giai đoạn quý III/2021.

Hầu hết các doanh nghiệp may mặc ghi nhận kết quả kinh doanh không khả quan trong quý I/2023. Cụ thể, doanh thu các doanh nghiệp đều sụt giảm cùng biên lợi nhuận thu hẹp rất mạnh, có thể kể đến MSH giảm 50,6% so với quý I/2022, VGT giảm 14%, TCM giảm 21,9%, HTG giảm 5,4%, EVE giảm 22,4%, GIL giảm 88,9%, khiến lợi nhuận quý I suy giảm trầm trọng. Điểm sáng trong ngành là TNG tăng 6,7% khi vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng doanh thu.

Đối với mảng sợi, xuất khẩu sợi 4 tháng năm 2023 tiếp tục suy giảm mạnh 33,6% cùng kỳ. Cập nhật đến hết quý I/2023, hai thị trường chủ lực là Trung Quốc (giảm 38,7%) và Hàn Quốc (giảm 29,3% ) đều tăng trưởng âm. Hoạt động sản xuất ngành dệt may mặc phụ liệu Trung Quốc tiếp tục tiêu cực từ đầu năm 2023 mặc dù các yếu tố bất lợi liên quan đến dịch Covid-19 đã gần như chấm dứt. Khối lượng sản xuất ngành Dệt và Trang phục Trung Quốc lần lượt giảm 3,1% và 7,7% trong tháng 3/2023.

Nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may thế giới yếu đi tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, theo đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng sợi. Đến cuối tháng 4, giá cotton đã giảm về mức quanh 80 USD/pounds, giảm 46% so với cùng kỳ, ngang với trung bình giai đoạn 2012 – 2019 cho thấy nhu cầu nguyên liệu đầu vào của ngành đang suy giảm.

Ông Đặng Triệu Hoà – Tổng giám đốc CTCP Sợi Thế kỷ (mã STK) cho biết, dự kiến tình hình đơn hàng quý II/2023 không nhiều do các thương hiệu lớn (Nike, Adidas) không có đơn hàng nhiều cho mùa thu đông 2023. STK đang triển khai đơn hàng cho mùa xuân hạ 2024, thời gian giao hàng từ tháng 6 – 11/2023.

Mặc dù tăng trưởng GDP của các thị trường tiêu thụ chính của hàng dệt may Việt Nam ghi nhận con số tích cực trong quý I/2023, người tiêu dùng vẫn quan ngại về triển vọng kinh tế khi các chỉ báo niềm tin tiêu dùng ở hầu hết các thị trường đều duy trì ở mức thấp.

Nhìn chung, Mirae Asset cho rằng, với tình hình hiện tại, tiêu thụ sẽ chỉ đi lên khi các dấu hiệu tốt lên của nền kinh tế xuất hiện và người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu trở lại. Do đó, trong năm 2023, tăng trưởng giá trị xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục ở mức thấp và xuất khẩu sợi vẫn suy yếu.

 

Nguồn: vinatex.com.vn

7 Tháng Tám, 2023 / by / in
Chiến lược cạnh tranh nào trong bối cảnh thị trường may mặc phụ liệu cầu thiếu và nhiều biến động?

Năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng may mặc Việt Nam tăng trưởng trở lại sau dịch năm 2021, với tổng mức bán lẻ 11 tháng 2022 tăng trưởng gần 22% so với cùng kỳ 2021, tuy có tình trạng lạm phát cao. Theo ước tính, giá cả các mặt hàng may mặc bán lẻ tăng từ mức 5-10% tùy mặt hàng, do giá NPL đầu vào tăng 10-15%. Lạm phát cao khiến cơ cấu các mặt hàng cũng có sự thay đổi nhất định, người tiêu dùng tập trung vào các mặt hàng giá trung bình thấp tới trung bình khá, còn các mặt hàng xa xỉ, cao cấp ít được quan tâm hơn do việc cắt giảm chi tiêu dùng tại các hộ gia đình.

Theo Tổng cục Thống kê, tính tổng 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5180 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,9% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,8%). Trong đó, mức tăng chủ yếu ở nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, phương tiện đi lại (tăng trưởng 2 con số). Tổng cục Thống kê nhận định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2022 tăng 14,9% so với 11 tháng năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2022 chỉ đạt 82,5% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.

Tính từ tháng 4/2022 đến nay, ngành bán lẻ đã lấy lại được sức hồi phục sau đại dịch với nhu cầu người tiêu dùng phục hồi cùng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ mức 10% xuống 8%.

Về kênh phân phối, sau khi người tiêu dùng đã dần quen với việc mua sắm hàng online trong đại dịch thì giờ đây, thời kỳ hậu Covid, nhất là tại các thành phố lớn người tiêu dùng bắt đầu quay trở lại các kênh mua sắm truyền thống. Hiện tại mô hình bán lẻ đa kênh đang là xu hướng được nhiều hãng thời trang bán lẻ theo đuổi. Bán lẻ đa kênh là cách thức kết nối tất cả các kênh bán hàng online và offline thành một chuỗi khép kín. Khách hàng tiếp cận đến bất cứ kênh bán hàng nào cũng có trải nghiệm đồng nhất từ chương trình khuyến mãi, quyền lợi thành viên, hàng hóa đến giá cả. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu TMX, chiến lược đa kênh đang được các doanh nghiệp Việt Nam xem như một phương thức xây dựng nền móng vững chắc để phát triển trong tương lai. Có đến 76% tại Việt Nam (tỉ lệ của toàn khu vực châu Á là 46%) xem việc đầu tư vào mô hình bán hàng đa kênh là ưu tiên hàng đầu trong 3 đến 5 năm tới.

Với kênh mua sắm online, ngoài nền tảng facebook, nhiều doanh nghiệp bán lẻ lấn sân sang Tiktok và đẩy mạnh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn. Xu thế tiếp cận của các hãng thiên về thuê idol, người mẫu KOL trong quảng cáo nhãn hàng tiếp tục gia tăng. Theo Virac GSO, khách hàng độ tuổi trẻ 25-34 là nhóm khách hàng tập trung nhiều nhất vào các mặt hàng thời trang nhanh và mua sắm online so với các nhóm khách hàng khác.

Hướng tới 2023, khi cầu thị trường “èo uột” cùng niềm tin tiêu dùng giảm sút, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ hàng may mặc cần có chiến lược cụ thể nhằm trụ vững trong giai đoạn khó khăn, hạn chế đầu tư, mở rộng. Nếu định hướng đầu tư vào mảng gì là chủ đạo, ví dụ như thương mại điện tử thì đây là thời điểm vàng để chuẩn bị cơ sở vật chất, con người chuẩn bị đến khi thị trường nóng lại. Thêm vào đó, cần tìm ra cho mình một mảng thị trường ngách phù hợp, nghiên cứu lại hành vi mua hàng và tập trung gia tăng trải nghiệm khách hàng để nâng cao vị thế cạnh tranh. Thông thường, một doanh nghiệp xây dựng lợi thế cạnh tranh của mình hoặc theo hướng cạnh tranh về giá hoặc theo hướng khác biệt hóa sản phẩm/dịch vụ.

Đầu tiên, việc định hình rõ ràng được nhóm khách hàng mục tiêu là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp bán lẻ hàng thời trang đáp ứng sát hơn với nhu cầu người dùng. Sau đó, cần tập trung nghiên cứu kỹ vào giải pháp giá trị cho khách hàng: cần xác định rõ khách hàng muốn gì, vấn đề băn khoăn của khách ở đâu, điều gì tạo nên cảm xúc cho khách hàng, điều gì khích lệ khách hàng mua hàng? Nhìn chung, mỗi doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ “chân dung” của nhóm khách hàng của mình và truyền tải được các giải pháp giá trị của sản phẩm/thương hiệu dành cho nhóm khách hàng mục tiêu. Mỗi một nhóm khách hàng mục tiêu sẽ cần cách tiếp cận và thông điệp truyền tải khác nhau.

Hiện tại đối với ngành bán lẻ hàng may mặc, người tiêu dùng khi có nhu cầu sẽ đứng giữa rất nhiều lựa chọn về sản phẩm và nhà cung cấp. Khi đó, quyết định mua đa phần dựa trên nguyên tắc: khách hàng chỉ mua khi giá trị nhận được từ sản phẩm/dịch vụ đó xứng đáng với số tiền phải bỏ ra. Cùng với đó, để tránh đối thủ cạnh tranh sao chép giải pháp, doanh nghiệp cần đưa ra các giá trị gia tăng liên tục cho khách hàng để sao cho giải pháp của doanh nghiệp đó biến thành lợi thế cạnh tranh độc đáo, thành bản sắc doanh nghiệp, biến nhóm khách hàng mục tiêu thành khách hàng thân thiết.

Cùng với đó, thông điệp truyền thông cho từng nhóm khách hàng khác nhau là khác nhau. Câu chuyện về quảng cáo cũng cần trung thực và sát với giá trị sản phẩm vì nếu quảng cáo 10 trong khi giá trị sản phẩm chỉ có 1 thì sẽ không tạo được sự tin tưởng đối với khách hàng, và về lâu dài không thể xây dựng thương hiệu một cách bền vững. Cần gắn sản phẩm, thông điệp truyền thông với giá trị cốt lõi, tốt nhất là gắn liền với sứ mệnh và tầm nhìn của công ty.

 

28 Tháng Bảy, 2023 / by / in
Ngành dệt may mặc tiếp tục đối mặt tình trạng thiếu đơn hàng

Bức tranh ngành dệt may mặc phụ liệu nửa đầu năm 2023 rất trầm lắng, những tháng cuối năm cũng chưa có tín hiệu sáng sủa hơn. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm nay ước đạt 36-37 tỷ USD, toàn ngành nỗ lực ở mức cao nhất để đạt 40 tỷ USD…

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) nhắc lại, từ cuối quý 3/2022 tình hình sản xuất kinh doanh của rất nền kinh tế khác và của nhiều ngành kinh tế khác trong đó có dệt may mặc đều rơi vào tình trạng khó khăn. Thậm chí còn khó khăn hơn giai đoạn Covid -19.

Quý 4/2022 xuất khẩu ngành dệt may chỉ đạt 8,7 tỷ USD – nếu so với bình quân trung của 3 quý trước đó thì giảm tới 15%. Sang 5 tháng đầu năm 2023 tình trạng thiếu đơn hàng, giá giảm tác động mạnh tới các doanh nghiệp.

Thống kê của Vitas cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may mặc của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 14,422 tỷ USD, giảm 21,42% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính riêng tháng 5/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 2,780 tỷ USD, giảm 8,73% so với tháng trước và giảm 27,16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may 5 tháng năm 2023 đạt 8,782 tỷ USD, giảm 21,6% so với cùng kỳ 2022.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng cho rằng tình hình rất khó khăn với mọi ngành. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2023, có tới 6/7 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có kim ngạch trên 5 tỷ USD đều giảm, giảm sâu nhất là lắp ráp điện tử, điện thoại, chế biến gỗ, thuỷ sản, dệt may, da giày.

Riêng với Vinatex, 2 lĩnh vực chính đối mặt với nhiều khó khăn nhất là ngành sợi và ngành dệt may mặc phụ liệu.

Với ngành sợi, khó khăn kéo dài từ quý 3/2022, đỉnh điểm là quý 4/2022 và tiếp tục đến tháng 6/2023 vẫn khó. Nguyên nhân là do cầu thấp, giá giảm do giá bông (nguyên liệu chính của ngành kéo sợi) biến động liên tục khi lên khi xuống và hiện giờ giảm rất sâu so với cùng kỳ năm 2022. Doanh nghiệp sợi lỗ, tồn kho lớn trong khi vẫn phải duy trì sản xuất.

Với ngành may mặc phụ liệu , từ quý 4/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún. “Chưa bao giờ các doanh nghiệp may mặc quy mô vài nghìn lao động lại phải nhận đơn hàng từ 500-1.000 chiếc áo jacket như bây giờ. Doanh nghiệp phải làm vì không làm thì khách không biết đến, không có đơn hàng”, ông Hiếu nêu thực tế.

Thậm chí mặt hàng không đúng sở trường vẫn phải làm: dệt thoi làm dệt kim, dệt kim làm dệt thoi; không có đơn hàng quần thì nhận đơn hàng áo… Để làm “trái tay” tốt, doanh nghiệp lại phải đầu tư thêm máy móc thiết bị, đào tạo tay nghề cho công nhân, nếu không trống chuyền công nhân phải nghỉ việc.

Còn với các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt kim, từ tháng 4/2022 đến nay gần như không có đơn hàng. Do giai đoạn dịch 2020-2021, khách hàng chỉ làm việc ở nhà nên khi lượng tiêu thụ lớn, các doanh nghiệp tập trung vào chủ yếu sản xuất mặt hàng này. Vì vậy, từ 2022 đến nay mặt hàng dệt kim của tất cả các nhãn hàng trên thế giới tồn kho số lượng lớn.

Không chỉ vậy, đơn giá còn giảm khủng khiếp. Thực tế nhiều đơn vị hiện nay giá gia công của ngành may mặc phụ liệu có mã hàng giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước kia 1 chiếc áo sơ mi là 1,7-1,8 USD nhưng giờ chỉ còn 85-90 cent.

Chưa kể, khi đã khó khăn thì nhiều yếu tố khó khác lại đến. Gia công xong khách hàng lại hoãn thời gian nhận hàng gây bất ổn cho doanh nghiệp trong vấn đề dòng tiền, kho chứa sản phẩm chưa xuất được ngay. Khách hàng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn…

 

26 Tháng Bảy, 2023 / by / in