Thêm kết quả...

sản phẩm nhựa

Tiềm năng phát triển ngành sản xuất Nhựa Việt Nam năm 2023

Ngành nhựa là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trên toàn cầu. Vậy tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp nhựa Việt Nam năm 2023 cụ thể như thế nào? Cùng YP.VN tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé:

1. Ngành nhựa thế giới

Hiện nay, các sản phẩm của ngành sản xuất nhựa được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống cũng như ngành sản xuất công nghiệp.

Sản lượng tiêu thụ nhựa trên toàn thế giới ngày càng có xu hướng gia tăng.

Số liệu theo báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO):

  • Năm 2015, sản lượng tiêu thụ nhựa trên thế giới đạt khoảng 322 triệu tấn
  • Năm 2019, sản lượng tăng hơn 367 triệu tấn, cho thấy tốc độ tăng trung bình là 2,8% mỗi năm.

Trong đó, các quốc gia châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ là những thị trường có sản lượng tiêu thụ lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng.

Trên thế giới hiện nay có rất nhiều loại nhựa được sử dụng tùy theo mục đích và nhu cầu của từng ngành.

Trong đó, polyethylene là loại nhựa được sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất, cụ thể nó chiếm khoảng 35% tổng sản lượng nhựa trên toàn thế giới.

2. Ngành nhựa Việt Nam

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp nhựa nói chung đang có tín hiệu phát triển tốt. Cụ thể như sau:

  • Năm 2020, tổng sản lượng sản xuất các sản phẩm nhựa tại Việt Nam đạt khoảng 7,9 triệu tấn, tăng trưởng 6,8% so với năm trước (theo Báo cáo Tổng quan Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2021)
  • Năm 2022 sản lượng vẫn tăng nhưng mức độ tăng trưởng không mạnh. Cụ thể, sản lượng ngành nhựa đạt 9,54 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng là 1,9%.
  • Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam tiếp tục tăng nhưng thấp hơn một nửa (10,5%) so với năm 2021, đạt 5,44 tỷ USD. Tổng doanh thu khoảng 25,18 tỷ USD, tăng 5,68% so cùng kỳ.

3. Nhận định về ngành nhựa năm 2023

3.1 Cơ hội lớn :

Năm 2023 được đánh giá là năm có nhiều cơ hội lớn đối với ngành công nghiệp nhựa Việt Nam.

Cụ thể như sau:

  • Tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung đang tạo ra nhu cầu tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có cả ngành công nghiệp nhựa
  • Nhu cầu sử dụng các sản phẩm của ngành nhựa đang ngày càng tăng cao trong đời sống và các ngành công nghiệp, tập trung trong các ngành như ngành bao bì, đóng gói, ngành vật liệu xây dựng….
  • Thị trường xuất khẩu rất tiềm năng cho các sản phẩm nhựa của Việt Nam có thể vươn ra thế giới.
  • Ngành nhựa Việt Nam có rất nhiều ưu thế cạnh tranh so với thị trường ngành nhựa chung trên thế giới như về giá cả, chất lượng (do Việt Nam có nguồn lao động dồi dào và chi phí thấp)
  • Đặc biệt, chính phủ Việt Nam đang có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư vào ngành nhựa: chính sách thuế, chính sách khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp….

Từ đó có thể cho thấy, ngành công nghiệp nhựa Việt Nam có cơ hội lớn để có những bước tiến phát triển vượt bậc trong năm 2023.

3.2 Thách thức :

Theo ý kiến của các chuyên gia, ngành nhựa Việt Nam hiện phát triển nhưng vẫn chưa có sự đồng đều và vẫn đang gặp phải những thách thức nhất định.

Cụ thể như sau:

  • Nguyên liệu đầu vào chủ yếu là sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu vẫn phải từ nước ngoài nên vẫn chưa thể tối ưu nhất về mức giá
  • Vì được hưởng mức thuế thấp nên các sản phẩm nhựa của Việt Nam phải đáp ứng được quy tắc chặt chẽ của Hiệp định.
  • Ngành nhựa của Việt Nam phải cạnh tranh với ngành nhựa của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có mức chi phí sản xuất thấp như Trung Quốc và Ấn Độ.
  • Trình độ cũng như công nghệ sản xuất của ngành nhựa Việt Nam chưa phát triển đầy đủ
7 Tháng Chín, 2023 / by / in
Ngành sản phẩm nhựa trong xây dựng còn nhiều dư địa

Trải qua 2 năm đầy khốc liệt, giờ đây, với dự báo còn nhiều khó khăn trong năm 2023, thị trường nhựa sản phẩm sẽ càng trở nên khốc liệt.

Trải qua năm 2020, 2021 đầy khốc liệt, “ông lớn” Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP) đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 đạt 1,440 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán ở mức 885 tỷ đồng, thấp hơn 14%.

Đặt mục tiêu năm nay có doanh thu 6.357 tỷ đồng và lãi sau thuế 651 tỷ đồng, thì hết quý I/2023, DN đã đi được gần 1/4 chặn đường (23%) về doanh thu và gần nửa chặng đường (43%) về lãi sau thuế.

Nhận định về kết quả kinh doanh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị BMP Nguyễn Hoàng Ngân nhận định, tình hình thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, bắt đầu từ 6 tháng cuối năm 2022, kéo dài đến năm nay và cũng có nhiều dự đoán tiếp tục gặp khó khăn trong nửa cuối năm 2023. Sản lượng bán hàng đầu năm vẫn bị ảnh hưởng như các nhà sản xuất khác ở Việt Nam và trong khu vực.

Tuy nhiên, lãnh đạo BMP cho biết, sẽ tập trung hoàn thành kế hoạch doanh thu mục tiêu năm 2023 đạt 6.357 tỷ đồng, tăng 9,1% so với mức thực hiện năm trước. Doanh thu kế hoạch của BMP trong năm 2023 dù chỉ dự kiến tăng trưởng 1 chữ số nhưng lại là mức doanh thu cao kỷ lục của công ty từ trước đến nay.

Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh trực tiếp (cùng phân khúc sản phẩm nhựa) với Nhựa Bình Minh là Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong), 3 tháng đầu năm 2023 đạt 1.300 tỷ đồng doanh thu, tăng 20% so với cùng kỳ, đã dẫn tới biên lợi nhuận cải thiện từ 25% lên 29%.

Nhìn lại năm 2022, kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất của Nhựa Tiền Phong đã ghi nhận ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây với tổng doanh thu đạt 5.685,1 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng so với năm 2021 và lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 564,48 tỷ đồng.

Kết quả này đã vượt 9,8% kế hoạch doanh thu và 21,4% kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Ban lãnh đạo công ty đã đề ra mục tiêu cho năm 2023 ở mức cao với doanh thu thuần đạt 5.875 tỷ, sản lượng đạt hơn 100.000 tấn và lợi nhuận đạt 535 tỷ đồng, duy trì mức tăng trưởng 5%.

Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong Đặng Quốc Dũng chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, cụ thể là trong vòng 10 năm trở lại, công ty luôn duy trì ổn định tỷ suất lợi nhuận/doanh thu từ 9 – 11%/năm. Để có tỷ suất lợi nhuận như vậy, Nhựa Tiền Phong đã phải áp dụng những chính sách linh hoạt, bám sát thị trường, chính sách phù hợp trong mua dự trữ nguyên liệu”.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 của Công ty CP Nhựa Bình Minh, một số cổ đông đã bày tỏ lo ngại về việc sẽ có nhiều DN mới muốn gia nhập ngành sản phẩm nhựa trong thời gian tới khi nhìn thấy kết quả kinh doanh khả quan. Do vậy, mức độ cạnh tranh ngành nhựa sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Với việc ngành nhựa Việt Nam có đến 90% là DN nhỏ và vừa, nhưng chỉ chiếm khoảng 30% doanh số của toàn ngành. Nếu nói thị trường chỉ là cuộc đua 70% còn lại giữa Tiền Phong và Bình Minh, thì các DN giàu tiềm lực như Hoa Sen, Tân Á Đại Thành đang có vẻ “chờ thời” vươn lên vị trí dẫn đầu.

Đơn cử, với Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, chính thức có mặt trên thị trường từ năm 2008, nhưng chỉ sau gần 14 năm phát triển, Nhựa Hoa Sen tập trung vào mảng ống nhựa dân dụng như ống uPVC, ống PPR và đã có được những thành công đáng kể không chỉ ở khu vực phía Nam mà còn vươn rộng ra thị trường miền Bắc và miền Trung.

Về mảng sản xuất kinh doanh nhựa, Hoa Sen tiếp tục củng cố hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty CP Nhựa Hoa Sen, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc phát hành cổ phiếu ra công chúng và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán vào một thời điểm phù hợp.

Dự kiến, trong khoảng thời gian 2024 – 2026, nếu tình hình kinh tế thuận lợi, hội đồng quản trị sẽ hoàn thiện phương án để trình đại hội đồng cổ đông xem xét, thông qua.

Dự báo về thị trường trong thời gian tới, đại diện Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết, các DN nhựa cần có sự chuẩn bị về những vấn đề liên quan đến giảm thải carbon cũng như những yêu cầu bắt buộc mà Nhà nước đưa ra.

Nếu những DN nhỏ muốn phát triển để hội nhập với nền kinh tế thế giới hiện nay thì cần nhiều thay đổi. Ngành sản phẩm nhựa cần tuân thủ những nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn, phải thu gom, tái chế và có những giải pháp đáp ứng được các yêu cầu quốc tế.

“Các DN mặc dù nhỏ, nhưng nếu có định hướng và lộ trình cụ thể sẽ tiếp tục đi lên phát triển. Ngược lại, nếu một số DN cảm thấy quá nhiều áp lực và không thể tiếp tục được nữa sẽ rất khó để họ đi tiếp trên con đường kinh doanh” – đại diện VPA chia sẻ.

 

30 Tháng Bảy, 2023 / by / in
Cùng hướng đến phát triển ngành nhựa xanh trong nền kinh tế tuần hoàn

Thông tin tại buổi họp báo trước Triển lãm Quốc tế lần thứ 10 về công nghệ, nguyên phụ liệu, thiết bị máy móc ngành nhựa và cao su Việt Nam (Plastics & Rubber Vietnam, Hanoi 2023) do Công ty Informa Markets Việt Nam tổ chức sáng ngày 22/6, ông Tee Bong Teong (BT Tee), Tổng giám đốc Informa Markets Việt Nam cho biết, thị trường sản phẩm nhựa Việt Nam dự kiến tăng trưởng ổn định ở tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) ước đạt 8%. Dù những ảnh hưởng của đại dịch đến ngành nhựa là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành hàng tiêu dùng và xây dựng – những nhóm đầu ra lớn nhất của ngành nhựa hiện tại hé lộ tương lai khôi phục mạnh mẽ của công nghiệp nhựa Việt Nam.

Theo ông BT Tee, thị trường Việt Nam đang được chiếm lĩnh bởi hai phân ngành chính là bao bì nhựa và nhựa xây dựng. Trong đó, bao bì tiếp tục chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường nhựa, với 35% tổng quy mô thị trường theo doanh thu. Dự báo tốc độ tăng trưởng của bao bì nhựa đạt 15% – 20% trong giai đoạn 2023 – 2028.

“Hơn 900 nhà máy hiện đang hoạt động trong lĩnh vực này, với khoảng 70% trong số đó nằm ở khu vực phía Nam, chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Các yếu tố như trọng lượng nhẹ, khả năng chống chịu nhiệt, hóa chất và ăn mòn khiến nhựa tiếp tục là lựa chọn khả thi nhất cho hoạt động đóng gói tại Việt Nam. Trong đó, PET (Polyethylene terephthalate) hiện tại là một trong những nguyên liệu được sử dụng nhiều nhất trong đóng gói bao bì ở Việt Nam, đặc biệt trong ngành thực phẩm và đồ uống” – ông BT Tee thông tin.

Đại diện Informa Markets Việt Nam khẳng định, trong tương lai gần, nhu cầu ngày càng tăng từ ngành xây dựng dự kiến ​​sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường nhựa. Phân khúc nhựa xây dựng hiện đang chiếm 1/4 thị phần ngành nhựa Việt Nam. Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, cùng số lượng ngày càng nhiều nhà máy được lắp đặt mới đang làm gia tăng mạnh nhu cầu về nhựa xây dựng và nhựa kỹ thuật trong nước.

Theo Quy hoạch phát triển ngành nhựa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 của Bộ Công Thương, ngành nhựa sẽ chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng các nhóm sản phẩm nhựa bao bì và nhựa gia dụng, tăng dần tỷ trọng nhóm nhựa vật liệu xây dựng và nhựa kỹ thuật có tính chất cơ lý đặc biệt chuyên dùng trong thi công công trình và hoạt động công nghiệp.

Nghị quyết 01 Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2023 – 2030 đặt mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân tại hơn 350 khu công nghiệp Việt Nam cũng thúc đẩy mạnh mẽ nhu nhu cầu nhựa xây dựng.

Bên cạnh đó, sự gia tăng đầu tư nước ngoài ​​​đang mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp ngành nhựa. Việt Nam hiện đang có nhiều chính sách để thu hút dòng vốn FDI thông qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi với nhiều điều khoản mở thuận lợi cho doanh nghiệp quốc tế. Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 cũng hứa hẹn tạo nhiều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khi chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Về phía các doanh nghiệp trong nước, nhiều hiệp định mới được ký kết như EVFTA, UKVFTA, RCEP giúp sản phẩm nhựa của Việt Nam xuất khẩu đi các nước thành viên được hưởng thuế suất 0% hoặc gần bằng 0%. Đây là cơ hội rất lớn để tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nhựa Việt Nam trên thị trường quốc tế, trong khi rất ít các đối thủ cạnh tranh khác được hưởng mức thuế này.

“Nhựa là mắt xích quan trọng của nhiều chuỗi giá trị, bao gồm đóng gói, chăm sóc sức khỏe, xây dựng, hàng không, vận tải, quần áo và ngày càng nhiều ngành công nghiệp khác. Nhựa đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp, tạo việc làm và cải thiện cuộc sống của mọi người. Nhưng khi việc sử dụng nhựa ngày càng tăng, các chi phí môi trường và xã hội cũng tăng theo” – ông BT Tee phân tích.

Lãnh đạo Informa Markets Việt Nam cho biết, thị trường nhựa tái chế trên thế giới đang tăng trưởng hết sức nhanh chóng. Dự kiến đến năm 2030, nhựa tái chế sẽ chiếm trung bình dưới 15% tổng nguồn cung nhựa. Để nâng cao con số này, có ba nhóm yếu tố chính cần được thúc đẩy bao gồm việc cải tiến công nghệ mới, phát quan hệ kinh doanh bền chặt để đảm bảo chuỗi cung ứng liên tục ở cả đầu vào và đầu ra, cùng với những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ chính phủ.

Đối với ngành cao su, đại diện Informa Markets Việt Nam cho biết, thị trường cao su tại Việt Nam ẩn chứa nhiều cơ hội để phát triển với biên độ lợi nhuận cao, trong đó phải kể đến sự phục hồi của thị trường lốp ô tô tại Trung Quốc hay làn sóng FDI vào Việt Nam và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông BT Tee phân tích cụ thể, một phần lớn cao su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc – thị trường chính ngạch lớn nhất của cao su Việt Nam, được sử dụng để phục vụ cho nhu cầu sản xuất lốp ô tô. Với tốc độ tăng trưởng đạt 7% sau đại dịch, sự phục hồi của ngành ô tô tại Trung Quốc là động lực khả quan cho tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao su Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng kép ở mức 7% giai đoạn 2021 – 2025 nhờ vào sự dịch chuyển chuỗi cung từ Trung Quốc sang Việt Nam, sự phát triển cơ sở hạ tầng, nới lỏng chính sách và tăng cường ký kết các hiệp định thương mại. Hơn hết, chi phí nhân công và vận hành thấp cũng là một trong những đặc điểm thu hút đầu tư nước ngoài cho ngành cao su nói riêng và các ngành công nghiệp khác nói chung.

Dù có nhiều dư địa để phát triển, xong đại diện Informa Markets Việt Nam cũng nhìn nhận, ngành cao su Việt Nam đang đứng trước nhiều áp lực lớn để đáp ứng quy tiêu chuẩn quốc tế. Bởi sản lượng xuất khẩu sản phẩm từ cao su tự nhiên như khối cao su, mủ cô đặc, lốp xe, nguồn cung y tế, đế giày đã bùng nổ từ 2,9 tỷ đôla năm 2015 lên gần 5,5 tỷ đôla năm 2020. Tuy nhiên, các công ty quốc tế lớn như: Nike, Adidas đều yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp chứng nhận bảo vệ rừng FSC cùng nhiều tiêu chuẩn khác. Trong khi phần lớn trang trại cao su Việt Nam thuộc chủ sở hữu nhỏ lẻ, khó tiếp cận công nghệ trong trồng trọt, thu hoạch và sơ chế mủ đạt chuẩn.

29 Tháng Bảy, 2023 / by / in
Ngành nhựa nước ta vẫn lép vế so với sản phẩm ngoại nhập

85-90% các sản phẩm nhựa thương hiệu Việt Nam hiện có trong hệ thống siêu thị của cả nước. Tuy nhiên, công nghệ thấp dẫn đến sản phẩm không đồng nhất về chất lượng, tiềm lực tài chính hạn chế khiến các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh kém.

Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết ước tính năm 2022 doanh thu của ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng ở mức 10,9% so với năm 2021, tổng doanh thu khoảng 22,18 tỉ USD.

Dù trong hệ thống các siêu thị của cả nước có đến 85-90% các sản phẩm nhựa mang thương hiệu Việt Nam, tuy nhiên công nghệ thấp dẫn đến sản phẩm không đồng đều về mặt chất lượng. Tiềm lực tài chính còn hạn chế cũng khiến các doanh nghiệp nhựa gia dụng đối mặt với sức ép cạnh tranh từ đối thủ ngoại, nhất là ở phân khúc sản phẩm cao cấp. 

Điều này dẫn đến các doanh nghiệp ngoại có biên lợi nhuận tốt hơn so với các sản phẩm Việt Nam chất lượng trung bình.

Theo ông Hồ Đức Lam – chủ tịch VPA, các doanh nghiệp sản phẩm nhựa nội địa cần nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách cải tiến công nghệ sản xuất, cải thiện năng lực quảng cáo, dịch vụ… nếu muốn cạnh tranh tốt với các sản phẩm ngoại.

Ông Hồ Đức Lam cũng cho hay, năm 2022, ngành nhựa Việt Nam vẫn duy trì được sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu, đạt 3,654 tỉ USD, nhưng mức tăng 6,3% chỉ bằng một nửa so với năm 2021, và “không đạt như kỳ vọng do phải đối đầu với nhiều khó khăn thách thức”.

Thách thức lớn nhất là suy thoái sâu và tăng trưởng chậm ở các tháng cuối năm, do COVID-19 tại thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam như Nhật Bản và EU, dù có lợi thế tại những thị trường này. Sản phẩm cùng loại từ các nước khác nhập khẩu đang bị áp mức thuế khá cao, từ 10-30%.

“Xét về góc độ cạnh tranh, các doanh nghiệp sản phẩm nhựa Việt Nam hiện vẫn bị lép vế, do nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 15-25% nhu cầu cho các chủng loại nguyên liệu nhựa, 85% còn lại đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Số lượng mẫu mã, chủng loại sản phẩm của ngành nhựa còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng”, ông Lam thông tin.  

Chưa kể, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa vẫn chưa hướng đến phát triển ngành nhựa tái chế để góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm. Giảm được giá thành sản phẩm nhựa xuất khẩu sẽ cạnh tranh được với nhiều thị trường xuất khẩu sản phẩm nhựa trên thế giới.

23 Tháng Bảy, 2023 / by / in
Ngành sản xuất sản phẩm nhựa Việt Nam được ví như ngành gia công

Ngành nhựa đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10-12% mỗi năm. Doanh thu ngành năm 2022 cũng đã đạt hơn 25 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Hồ Đức Lam – Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ngành sản xuất nhựa Việt Nam hiện có gần 4.000 doanh nghiệp trên cả nước, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 90%.

“Ngành nhựa đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10-12% mỗi năm. Doanh thu ngành năm 2022 cũng đã đạt hơn 25 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021”, ông Lam chia sẻ.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ngành sản phẩm nhựa Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại từ đầu năm 2023 đến nay trước tình hình suy thoái kinh tế toàn thế giới nói chung và tác động dai dẳng của đại dịch Covid-19 nói riêng.

Các Công Ty Sản Xuất Hạt Nhựa Lớn Tại Việt Nam

Ngành nhựa Việt Nam được ví như ngành gia công vì phần lớn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ 70-80% trong nhiều năm qua, máy móc thiết bị cũng được nhập khẩu gần như 100% từ các thị trường chính như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật, Đức, Ý….

Theo ông Lam, năng lực sản xuất nguyên liệu sản phẩm nhựa của ngành đang được cải thiện rõ rệt và kỳ vọng thời gian tới có thể đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu trong nước với sự tham gia của một số nhà máy cung ứng lớn như Hyosung, tập đoàn SCG của Thái Lan, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Với xu hướng chung của thế giới về phát triển kinh tế tuần hoàn cũng như tại Việt Nam, thời gian tới, Chính phủ sẽ có chủ trương đẩy mạnh công tác thu gom, tái chế, tái sử dụng nhằm hạn chế tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường như đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường được ban hành vào năm 2020. Điều đó sẽ góp phần gia tăng đầu tư máy móc công nghệ mới phục vụ nhu cầu thị trường, tạo cơ hội cho các nhà cung ứng thiết bị máy móc và nguyên vật liệu mới trong tương lai.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cùng với sự phát triển của ngành sản xuất trong nước, ngành công nghiệp nhựa, bao bì, in ấn cũng ghi nhận sự tăng trưởng nhanh, được đánh giá là ngành công nghiệp hỗ trợ có tiềm năng lớn ngày càng yêu cầu những sản phẩm có công nghệ cao, quy trình sản xuất và quản lý hiện đại để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Hiện Việt Nam đã trở thành một cơ sở sản xuất các sản phẩm nhựa, phục vụ cho các thị trường nhập khẩu lớn. Nhằm mục đích tập hợp các ngành công nghiệp hàng đầu từ các lĩnh vực về nhựa, in ấn và bao bì để thúc đẩy đổi mới công nghệ và hỗ trợ phát triển kinh doanh, HanoiPlasPrintPack 2023 – Triển lãm Quốc tế lần thứ 11 về máy móc thiết bị công nghiệp ngành Nhựa, Cao su, In ấn & Bao bì đã trở lại một cách hoành tráng.

Lợi nhuận ngành nhựa phân hóa mạnh mẽ

Được tổ chức bởi Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Vinexad trực thuộc Bộ công thương phối hợp với Công ty TNHH MTV Yorkers Exhibition Service Vietnam, triển lãm diễn ra từ ngày 8 tới 11/6/2023 tại I.C.E – Trung tâm Triển lãm quốc tế I.C.E Hanoi (91 Trần Hưng Đạo, hà Nội).

Triển lãm này quy tụ các ngành công nghiệp hàng đầu về nhựa, cao su, in ấn và bao bì, nhằm thúc đẩy chuyển đổi và nâng cấp công nghiệp ở miền Bắc.

Triển lãm được tổ chức với quy mô gồm 130 đơn vị triển lãm, chiếm 340 gian hàng trên diện tích triển lãm 6.500 mét vuông tạo nên một sân chơi ấn tượng. Đại diện cho các quốc gia và và vùng lãnh thổ đa dạng như Belgium, Trung Quốc, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Thái Lan, UK, và Việt Nam.

Ông Judy Wang – Chủ tịch công ty Yorkers chia sẻ, sự phát triển của ngành nhựa Việt Nam thực sự tăng đáng kể, với sản lượng sản phẩm nhựa đạt 11,2 triệu tấn năm 2022. Điều này thể hiện mức tăng đáng kể 12,5% so với năm trước.

“Tại triển lãm của chúng tôi, hi vọng bạn nắm bắt cơ hội quý giá này để nâng cao năng lực thiết bị của bạn và khám phá vô số cơ hội kinh doanh mới”, ông Judy Wang cho biết.

22 Tháng Sáu, 2023 / by / in
Ngành sản xuất sản phẩm nhựa cần các tiêu chuẩn tái chế phù hợp

Báo cáo của VPA về hoạt động sản xuất – kinh doanh ngành sản phẩm nhựa 6 tháng cuối năm 2022 cho biết, đến cuối tháng 12/2022, cả nước có trên 3.300 doanh nghiệp nhựa với trên 250.000 lao động; lượng tiêu thụ chất dẻo/ đầu người là khoảng 52kg, so với các nước ASEAN và trên thế giới là ít hơn nhiều. Sản lượng toàn ngành đạt 5,9 triệu tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ năm 2001; doanh thu đạt trên 13,1 triệu USD, tăng 14,6 %, tuy nhiên, giá đầu vào và chi phí tăng từ 10% đến 30%.

Tôi đi làm công nhân- Bài 2: Quay cuồng trong xưởng nhựa

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp Hội Nhựa Việt Nam cho biết, sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội đan xen với thách thức. Như với các doanh nghiệp sản xuất nhựa, thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản tăng đơn hàng nhập khẩu từ các nhà cung ứng Việt Nam do họ đang khó khăn trong sản xuất ngành nhựa và giá tăng; Dự kiến đến năm 2035 tỷ lệ nhựa trong máy móc (ô tô, xe máy…) nâng lên 35%. Đặc biệt là, đến cuối tháng 8, Hoa Kỳ sẽ xúc tiến mở nhà máy lắp ráp máy bay tại Việt Nam…

Song song đó, ngành sản xuất nhựa phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là việc xử lý rác thải nhựa. Do vậy yêu cầu trước tiên là công nghệ ngành nhựa phải đáp ứng tiêu chuẩn và xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.

Nhựa gia dụng: Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường - Báo Bình Dương Online

Về giải pháp, công nghệ phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành sản xuất nhựa, ông Nguyễn Như Khuê, Tổng giám đốc Công ty công nghệ hóa nhựa Bông Sen chia sẻ, hiện tại công nghệ tái chế nhựa đã tiến lên mức hoàn thiện, cùng lúc có thể tách mực in, phân loại màu, khử mùi, tẩy rửa… cho ra nguyên liệu nhựa trắng, nhựa màu. Cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất nhựa Việt Nam tiếp cận công nghệ là các hội chợ toàn cầu và sắp tới là Hội chợ ngành công nghiệp nhựa và cao su “K – Dusseldorf 2022” diễn ra tại Đức dự kiến tổ chức tháng 2-2023.

Theo VPA, tại châu Âu, doanh nghiệp tái sinh nhựa được hỗ trợ 409 USD/tấn rác thải nhựa. Hiện các doanh nghiệp tái chế nhựa Việt Nam thì phải chi khoảng 700 USD/tấn rác thải nhựa. Để góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp này hoạt động, VPA sẽ đẩy nhanh thành lập Trung tâm Thu gom, tái chế rác thải nhựa, thông qua nguồn tài trợ của các tập đoàn đa quốc gia có quan hệ hợp tác với VPA.

12 Tháng Sáu, 2023 / by / in
Sản phẩm nhựa hàng Việt dần chiếm lĩnh thị trường trong nước

Kể từ khi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai sâu rộng, người tiêu dùng (NTD) đã dần thay đổi thói quen chuyển sang dùng các sản phẩm nhựa do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng nhựa gia dụng đã đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất ra những sản phẩm đẹp, chất lượng và giá thành hợp lý.

Nguồn Hàng đồ Nhựa Gia Dụng Giá Rẻ | Mekoong - Kinh Doanh Thông Minh

Sự phát triển nhanh chóng về công nghệ sản xuất cũng như mẫu mã, màu sắc trong những năm gần đây của ngành nhựa gia dụng Việt Nam đã giúp nhiều thương hiệu nhựa trong nước “đánh bật” hàng nhựa Thái Lan, Trung Quốc… trên thị trường nội địa. Mặt hàng gia dụng bằng nhựa ngày càng được NTD sử dụng nhờ sự tiện lợi, giá cả phải chăng, mẫu mã phong phú.

Từ nỗ lực của các nhà sản xuất trong nước nên đến nay, hàng nhựa gia dụng Việt Nam đã chiếm phần lớn thị phần nội địa. Đặc biệt, với phân khúc bình dân, đồ nhựa Việt Nam hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường; trong đó nổi bật có sản phẩm của các thương hiệu lớn Đại Đồng Tiến, Duy Tân, Long Thành, Song Long… Lợi thế của hàng Việt Nam chính là giá thành rẻ hơn hàng ngoại nhập 20 – 30%; bên cạnh đó màu sắc, mẫu mã phong phú, đa dạng.

Mở cửa hàng kinh doanh đồ nhựa gia dụng không thể thiếu 3 yếu tố nào?

Anh Nguyễn Văn Hiệp, tiểu thương ở phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, cho biết khoảng 90% hàng nhựa anh bán sản xuất trong nước. “NTD ngày càng kỹ tính hơn với đồ nhựa. Ngoài kiểu dáng, độ bền, họ quan tâm nhiều đến sự an toàn, ít người mua hàng tái chế do sợ phát sinh chất độc có hại cho sức khỏe. Nắm bắt tâm lý này, các nhà sản xuất trong nước đã nhanh chóng tung ra nhiều mặt hàng giá vừa phải, bảo đảm chất lượng, cạnh tranh hơn hàng ngoại nhập”, anh Hiệp nói.

Còn chị Đặng Thị Loan, ở TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Trước đây tôi thường mua các sản phẩm bằng nhựa ngoại nhập, gần đây tôi chuyển sang mua các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất như Việt Nhật, Đại Đồng Tiến. Vì mẫu mã, màu sắc cũng như độ bền không thua kém hàng ngoại nhập mà giá lại rất cạnh tranh. Mua hàng sản xuất trong nước vừa bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp, còn vừa thể hiện được lòng yêu nước khi sử dụng chính sản phẩm do người Việt Nam sản xuất”. Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều NTD hiện nay đều có chung quan điểm như chị Loan và cho rằng, chất lượng, giá cả của hàng Việt vẫn là vấn đề được họ quan tâm hàng đầu.

Bà Trịnh Thị Mai Hân, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opMart (TP.ThủDầu Một), cho biết so với vài năm trước, hàng gia dụng do Việt Nam sản xuất có sự tiến bộ vượt bậc về chất lượng, mẫu mã, giá cả phù hợp. Bà Hân dẫn chứng, thời gian qua, tỷ lệ hàng nhựa gia dụng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất có mặt tại siêu thị chiếm hơn 95%; chủng loại các mặt hàng nhựa ngày càng được NTD tin tưởng sử dụng. Mặt khác, doanh nghiệp cũng chuyên nghiệp hơn trong khâu hậu mãi, ghi nhận ý kiến phản hồi từ phía khách nên hàng hóa lưu thông trên thị trường gặp sự cố đều được kịp thời giải quyết.

Kinh nghiệm mở cửa hàng kinh doanh đồ nhựa gia dụng siêu lợi nhuận

Theo nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh đồ nhựa trong tỉnh, trên thị trường xuất hiện hàng chục thương hiệu Việt uy tín về sản xuất nhựa gia dụng; trong đó nhiều thương hiệu được NTD tin tưởng bầu chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao, đã góp phần tăng sức cạnh tranh của hàng nhựa do doanh nghiệp trong nước sản xuất trên thị trường. Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất hàng nhựa gia dụng trong nước đang nỗ lực tiếp cận công nghệ và phương hướng sản xuất mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh cao trên thị trường.

10 Tháng Sáu, 2023 / by / in
Nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE thích ứng với biến đổi khí hậu

Ứng dụng công nghệ lồng nuôi HDPE (kiểu Na Uy) nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nông dân Khánh Hòa có thể nuôi cá tại các vùng biển xa bờ, chịu được sóng gió lớn cấp 12, giảm thiệt hại thấp nhất khi xảy ra bão lũ.

Lồng tròn bằng nhựa HDPE đặc chủng, bao gồm khung lồng, túi lưới và dụng cụ neo. Lồng tròn đặc điểm tách riêng biệt với lồng khác, không kết lại thành bè với hàng chục ô như lồng gỗ truyền thống. Điều này giúp cho lồng nuôi thông thoáng, nhờ đó tỷ lệ cá sống cao hơn, ít bệnh, phát triển khỏe mạnh.

Anh Trần Ngọc Sĩ, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, cho biết, ngoài bè gỗ nuôi truyền thống, năm 2021 anh đã áp dụng nuôi cá ở lồng tròn HDPE với khoảng 1.000 con cá giò (cá bớp). Lồng nuôi này được anh thực hiện theo Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá giò giai đoạn 2020-2022”, do Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa hỗ trợ.

Anh Sĩ cho biết, khác với lồng bè truyền thống có kích thước bề mặt 4x4m và cao từ 5-10m; còn lồng HDPE tròn, đường kính 10m, thể tích lồng 500m3 do Việt Nam sản xuất, giá khoảng 180 triệu đồng, giá thấp hơn một nửa so với lồng Na Uy nhập khẩu và có thể thả khoảng 1.000 con giống/ lồng.

Sau 7 tháng thả nuôi, tỷ lệ cá sống đạt từ 80-90%, cao hơn so với lồng truyền thống và đạt trọng lượng khoảng 5kg/con. Tuy nhiên, hiện tại do ảnh hưởng dịch COVID-19, giá cá thấp nên anh Sĩ vẫn đang tiếp tục nuôi để chờ giá tăng cao trong dịp cuối năm. Hơn nữa, việc nuôi cá biển trong lồng tròn HPDE quy trình chăm sóc không khác với lồng truyền thống, chỉ cần 2 người là có thể vận hành tùy ý.

“Từ lúc nuôi lồng HDPE, tôi đỡ sợ hơn khi nghe tin có bão về; mặt khác với hiệu quả trước mắt như thế này, tôi sẽ tiếp tục vay mượn tiền để đầu tư thêm để nuôi tôm hùm, có giá trị kinh tế cao hơn”. Anh Sĩ cho hay.

Còn ông Nguyễn Xuân Hòa, với 21 năm nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong cho biết, năm 2017, gia đình ông mất trắng 250 lồng nuôi, thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Trong khi đó, lồng nhựa HDPE của doanh nghiệp nước ngoài trên vịnh vẫn chống chọi qua cơn bão này. Vì vậy, mô hình lồng nhựa HDPE được đưa về triển khai tại địa phương, ông Nguyễn Xuân Hòa đã đầu tư nuôi thử nghiệm 1 lồng.

“Từ năm 2020 nuôi theo mô hình mới này, cá ít dịch bệnh, năng suất cao hơn, đặc biệt là an toàn khi mùa mưa bão về. Do đó, tôi hy vọng bà con nuôi trồng của mình nếu có điều kiện thì nên chuyển đổi mô hình này để nuôi trồng thủy sản, giá cả đầu tư ban đầu hơi đắt nhưng sử dụng được lâu dài”, ông Hòa chia sẻ.

Ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh hòa cho biết, cơn bão 12 năm 2017 đổ bộ vào Khánh Hòa gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản; trong đó, có nuôi cá, tôm hùm trên biển thuộc vịnh Vân Phong. Vì vậy, Trung tâm đã nghiên cứu và đặt vấn đề với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và được hỗ trợ thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá giò giai đoạn 2020-2022”, với 6 lồng nuôi với kinh phí 4,75 tỷ đồng; trong đó, kinh phí khuyến nông hỗ trợ 3 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện dự án, Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật xây dựng mô hình, nhân rộng mô hình. Sau gần 2 năm triển triển khai dự án, do thấy hiệu quả mô hình mang lại nên bà con nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong đã học tập và làm theo, nhân rộng lên đến trên 100 lồng HDPE. Cùng với đó, hiện một số công ty ở các địa phương khác cũng về đây đầu tư, chuyển hệ thống nuôi bằng lồng gỗ sang lồng HDPE.

Từ năm 2020 đến nay, dự án đã hỗ trợ nông dân 3 lồng tròn HDPE, tính đến năm 2021 người dân tham gia dự án đối ứng vốn khoảng 1,3 tỷ đồng. Người dân tham gia dự án thu lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, trong năm 2020 một lồng nuôi HPDE với 900 con cá giò của nông dân thu hoạch được 4,2 tấn, giá bán bình quân từ 125 -140 nghìn đồng/kg, lợi nhuận thu được khoảng 88 triệu đồng.

“Quan trọng nhất về hiệu quả môi trường, mô hình này góp phần từng bước chuyển đổi phương thức nuôi trồng bằng bè gỗ truyền thống sang vật liệu nhựa sẽ thay thế vật liệu gỗ, việc việc khai thác rừng lấy gỗ để làm lồng gỗ truyền thống sẽ được giảm dần, góp phần bảo vệ môi trường”, ông Khánh nói.

Cũng theo ông Khánh, đây là định hướng của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cũng như định hướng của tỉnh Khánh Hòa trong việc chuyển hình thức nuôi từ lồng gỗ sang lồng HDPE trong thời gian tới. Theo đó, đến năm 2030, toàn bộ lồng nuôi bằng gỗ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ được chuyển sang lồng HDPE. Để thực hiện được, ngành nông nghiệp Khánh Hòa cần xây dựng chính sách hỗ trợ thay đổi lồng nuôi nhằm tạo cảnh quan môi trường, kết hợp với du lịch và tiến tới nuôi biển xa bờ.

Ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn huyện có khoảng 1.200 hộ, gần 40.000 lồng nuôi tôm hùm, nuôi cá biển. Việc chuyển đổi từ lồng gỗ sang lồng nhựa là xu hướng phù hợp với tình hình, nhất là đang biến đổi khí hậu như hiện nay. Tuy nhiên, để người dân thay đổi thói quen, Nhà nước cũng cần có thêm nhiều mô hình nuôi cũng như chính sách hỗ trợ.

“Lồng HDPE giá thành vẫn còn khá đắt. Mỗi lồng đường kính 10m là 180 triệu đồng, bà con cũng ngại đầu tư. Do đó, để người dân chủ động nuôi trồng bằng lồng nhựa HDPE cần có một chính sách hỗ trợ vốn vay hay lãi suất. Điều này cũng phù hợp với điều kiện hiện tại, ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Nguyễn Ngọc Ý cho biết.

Trong chuyến kiểm tra thực tế nuôi cá giò trong lồng tròn HPDE kiểu Na Uy tại xã Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa ngày 16/11, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, mô hình nuôi trên lồng nhựa HDPE có hiệu quả thực tế, người dân vào cuộc nuôi theo mô hình này khá là bền vững và cần được nhân rộng ở các địa phương nuôi biển. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức các diễn đàn để giúp nhiều bà con có thể tiếp cận kỹ thuật nuôi này, kiến nghị với các cấp để có chủ trương chính sách giúp đỡ cho người nuôi Khánh Hòa.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa tăng cường các lớp đào tạo, huấn luyện, đưa bà con ngư dân những nơi chưa tiếp cận kỹ thuật này đến tham quan trực tiếp. Từ đó, những ngư dân nơi đây sẽ chuyển giao công nghệ tại chỗ cho những ngư dân khác.

Được biết, hiện nay Việt Nam có tiềm năng nuôi biển khoảng 500.000 ha. Năm 2010, sản lượng nuôi biển chỉ đạt hơn 156.000 tấn, đến năm 2019 đạt gần 598.000 tấn, với tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm. Ngành nuôi trồng thủy sản trên biển được đánh giá là ngành tiềm năng phát triển kinh tế cao trong tương lai.

Bài, ảnh: Phan Sáu (TTXVN)
25 Tháng Mười Một, 2021 / by / in ,
Doanh nghiệp nhựa lao dốc vì giá nguyên liệu tăng
(ĐTCK) Giá nguyên liệu tăng cao, hoạt động sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn vì dịch Covid-19, nên doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ngành nhựa giảm mạnh.

Áp lực chi phí tăng, sản lượng giảm

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 19/10/2021 về kết quả kinh doanh quý III và phương hướng quý IV của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Ngân thừa nhận, quý III năm nay là một kỷ lục buồn trong suốt 44 năm hoạt động, khi cả 3 tháng kinh doanh đều lỗ. Đây là quý đầu tiên BMP thua lỗ kể từ khi lên sàn chứng khoán năm 2006, với mức lỗ 26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 153 tỷ đồng.

Cả 3 tháng trong quý III/2021, BMP đều kinh doanh thua lỗ, với mức lỗ 26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 153 tỷ đồng.

Doanh thu của BMP trong quý III/2021 đạt 529 tỷ đồng, giảm 53%; sản lượng sản xuất chỉ đạt 11.000 tấn, giảm 59% so với cùng kỳ.

Được biết, khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhà máy của BMP ngừng sản xuất kể từ giữa tháng 7. Hai nhà máy chủ chốt của BMP tại Bình Dương và Long An có tổng công suất 120.000 tấn/năm, nhưng trong thời gian giãn cách xã hội chỉ duy trì được công suất ở mức 15 – 20%.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, quý III/2021 là quý cực kỳ khó khăn đối với BPM khi giá nguyên liệu tăng, doanh thu giảm và hoạt động “3 tại chỗ” khiến doanh nghiệp gánh chịu thêm nhiều khoản chi phí như phụ cấp cho công nhân, xét nghiệm y tế, ăn ở tại chỗ…

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, BMP đạt doanh thu 3.135 tỷ đồng, giảm 9%; lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá nguyên liệu tăng cao kể từ đầu năm 2021 đến nay là một áp lực lớn đối với các doanh nghiệp ngành nhựa. Lãnh đạo BMP cho biết, giá nguyên liệu nhựa tăng dựng đứng vào tháng 5/2021, sau đó có quay đầu giảm nhẹ, nhưng hiện nay bật tăng trở lại. Năm 2020, giá nguyên liệu nhựa bình quân khoảng 1.000 USD/tấn, nhưng năm 2021 có thể lên tới 1.600 USD/tấn do ảnh hưởng của nguồn cung và khó khăn trong khâu vận chuyển.

Tại Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), Tổng giám đốc Chu Văn Phương cho hay, giá nguyên vật liệu tăng, Công ty có chính sách điều chỉnh giá bán, nhưng lợi nhuận quý III/2021 vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Quý III/2021, NTP ghi nhận doanh thu hợp nhất 1.016 tỷ đồng, giảm 15%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 77,7 tỷ đồng, giảm 43,6% so với quý III/2020. Trong quý III năm nay, việc tiết giảm chi phí lãi vay và các chi phí hoạt động khác giúp NTP tăng lợi nhuận sau thuế 24 tỷ đồng, nhưng doanh thu bán hàng thành phần giảm 176 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái làm giảm lợi nhuận sau thuế 53 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, NTP ghi nhận doanh thu 3.355 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 347,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 1% và 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, tính đến 30/9/2021, hàng tồn kho cao gấp đôi so với đầu năm, đạt 1.292 tỷ đồng; nợ phải trả là 2.312 tỷ đồng, tăng 77% so với đầu năm và chiếm 45% tổng tài sản, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn (1.716 tỷ đồng, chiếm 74% tổng nợ).

Tương tự, áp lực chi phí đầu vào tăng và bối cảnh hoạt động khó khăn vì dịch Covid-19 khiến Công ty cổ phần Nhựa Đà Nẵng (DPC) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 43% và 62% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 8,21 tỷ đồng và 543 triệu đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, DPC giảm 27% về doanh thu, ghi nhận 39,4 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận đạt 6,06 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ quý I lãi cao, chủ yếu do tiết giảm các chi phí.

Chạy nước rút quý cuối năm

Ông Nguyễn Hoàng Ngân cho hay, BMP đã chuẩn bị mọi nguồn lực để quay trở lại sản xuất. Tính đến ngày 19/10, có khoảng 98% nhân viên Công ty đã tiêm vắc-xin mũi 1 và 92% tiêm mũi 2. Tỷ lệ công nhân sẵn sàng trở lại làm việc là 95%.

Tổng giám đốc BMP chia sẻ, doanh thu đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại khi trong 20 ngày đầu tháng 10, Công ty ghi nhận doanh thu bình quân mỗi ngày khoảng 21 tỷ đồng. Điều này tạo động lực cho BMP kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh tốt hơn trong quý IV/2021.

Tuy nhiên, áp lực về giá nguyên liệu vẫn là một gánh nặng. Tổng giám đốc BMP dự báo, trong quý cuối năm 2021, giá nguyên liệu có thể lên tới 1.800 USD/tấn, thậm chí lập kỷ lục ở mức 2.000 USD/tấn. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải tăng giá bán để đảm bảo biên lợi nhuận.

Thực tế, các doanh nghiệp ngành nhựa bước vào quý IV với áp lực lớn khi kết quả kinh doanh đang có khoảng cách khá xa so với mục tiêu cả năm. BMP đặt kế hoạch năm 2021 đạt doanh thu 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 523 tỷ đồng, nhưng kết thúc tháng 9 mới hoàn thành được hơn 60% chỉ tiêu doanh thu và hơn 19% chỉ tiêu lợi nhuận.

DPC đặt kế hoạch năm 2021 đạt doanh thu 85 tỷ đồng, nhưng sau 9 tháng mới thực hiện được 47%. Về kế hoạch lợi nhuận, mục tiêu năm nay là 9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 11% so với mức thực hiện năm 2020, nên tính đến cuối tháng 9, Công ty đã hoàn thành được 84% mục tiêu.

NTP cũng chủ động đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2021 giảm 17% so với mức thực hiện năm 2020, ở mức 432 tỷ đồng. Kết thúc tháng 9, doanh nghiệp hoàn thành được 70% kế hoạch doanh thu và 80% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (NHH) hiện chưa công bố kết quả kinh doanh quý III/2021. Trước đó, NHH đặt mục tiêu quý III năm nay đạt doanh thu hợp nhất 550 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 50 tỷ đồng, tăng lần lượt 90% và 233% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu kế hoạch này khả thi, NHH nhiều khả năng sẽ là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan nhất trong khối các doanh nghiệp ngành nhựa quý III, khi phần lớn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và áp lực giá đầu vào.

Với triển vọng tăng trưởng mảng linh kiện nhựa truyền thống và sàn nhựa, NHH đặt kế hoạch năm 2021 đạt doanh thu 1.900 tỷ đồng, tăng 78,5% và lãi sau thuế 150 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2020.

Giai đoạn cuối năm 2021, NHH dự kiến sẽ chạy tối đa công suất nhà máy sản xuất tấm ốp sàn, tăng cường xuất khẩu tới Mỹ, mở rộng khách hàng FDI mảng nhựa kỹ thuật và khuôn mẫu chính xác.

Các doanh nghiệp đang nỗ lực triển khai các hoạt động sản xuất – kinh doanh, với tâm thế dồn lực cho tăng trưởng, chạy nước rút để hoàn thành kế hoạch năm 2021, khi dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế dần phục hồi.

Theo BVSC, các doanh nghiệp ngành nhựa đang kỳ vọng sẽ có động lực kép trong quý IV/2021. Thứ nhất, tiêu thụ sẽ phục hồi nhờ nhu cầu dồn nén trước dịch và nhu cầu trong quý IV thường lớn nhất so với các quý khác. Thứ hai, giá bán tăng sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận.

Chẳng hạn, giá nhựa PVC tăng kỳ vọng sẽ giúp BMP cải thiện lợi nhuận trong quý IV. BVSC dự phóng, năm 2021, BMP đạt doanh thu 4.627 tỷ đồng, giảm 3%; lợi nhuận sau thuế 213,5 tỷ đồng, giảm 59,1% so với năm 2020. Như vậy, lợi nhuận trong quý cuối năm 2021 của BMP dự kiến cao hơn gấp đôi 9 tháng trước đó.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

25 Tháng Mười Một, 2021 / by / in ,
Làm pin xe điện từ bã cà phê, gáo dừa, rác nhựa

TTO – Một nhóm nghiên cứu của Đại học Indonesia ở Depok đã tìm ra cách xử lý bã cà phê thành than chì, một loại carbon, để biến chúng thành vật liệu chế phần cực dương trong pin xe điện.

Theo Đài Channel News Asia, nghiên cứu này được ví như “một mũi tên bắn hai con chim” vì Indonesia vừa có lượng rác bã cà phê lớn lại vừa có tham vọng lớn với ngành sản xuất pin xe điện.

Ngoài bã cà phê, nhóm nghiên cứu cũng xử lý gáo dừa thành carbon hoạt tính, để dùng cho cực dương của viên pin.

Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Anne Zulfia Syahrial cho biết pin lithium-ion của họ được làm từ lithium titanate oxide (LTO), có khả năng tạo ra dòng điện ổn định hơn so với pin lithium graphite được sử dụng trong hầu hết các xe điện hiện nay.

LTO không dễ bị đoản mạch trong quá trình sạc nhưng dung lượng của LTO chỉ là 175 miliampe giờ/gram, kém hơn so với dung lượng của graphite là 372 miliampe giờ/gram.

Để khắc phục, họ phải chế tạo tấm Graphene để trộn với LTO. Graphene là một loại siêu vật liệu mới được các nhà khoa học phát minh ra trong khoảng 20 năm gần đây.

Phát minh này giúp nhóm tác giả đoạt giải Nobel vật lý năm 2010. Graphene có nhiều ưu điểm như mỏng nhẹ, siêu bền, siêu cứng và có tiềm năng to lớn trong ứng dụng sản xuất viên pin.

Ý tưởng sử dụng bã cà phê, rác thải nhựa, gáo dừa xuất hiện vì nhóm nghiên cứu muốn giúp giải quyết các vấn đề đau đầu về rác thải của Indonesia. Tuyệt vời hơn, các vật chất này làm viên pin lithium-ion của họ nhẹ hơn, thời gian sạc nhanh hơn.

Pin graphite lithium sử dụng trong các xe điện hiện nay nặng khoảng 500kg, trong khi pin LTO chỉ khoảng 300kg. Pin LTO chỉ cần 30 phút để sạc đầy trong khi đa số các pin xe điện hiện nay cần đến 2 giờ. Nhóm nghiên cứu đang tìm cách để giảm thời gian sạc xuống chỉ còn 15 phút.

Họ cũng sẽ xem xét các loại bã cà phê khác nhau để xác định loại nào hoạt động như than chì tốt nhất và giữa rác nhựa, bã cà phê và gáo dừa thì loại nào cho đặc tính tốt nhất.

Quy trình xử lý bã cà phê thành graphene khá đơn giản, chỉ mất vài tiếng.

1. Rửa bã cà phê với ethanol

2. Sấy khô bã cà phê ở nhiệt độ 120 độ C trong 2 giờ.

3. Nung nóng bã cà phê ở nhiệt độ 150 độ C trong 6 giờ.

4. Lọc và sấy khô cặn

5. Phân hủy cặn ở 900 độ C trong 3 giờ

6. Hòa các cặn đã phân hủy ở bước 5 vào acid sulfuric 10%

7. Kiểm tra carbon và tạo tấm Graphene.

Nghiên cứu được công bố vào tháng trước đang nhận được sự quan tâm lớn. Hiện nay, nhóm nghiên cứu cho biết họ không thể sản xuất số lượng pin lớn nếu không có sự đồng hành của các nhà sản xuất pin.

Nguồn: Tuổi trẻ

24 Tháng Mười Một, 2021 / by / in ,