Cơ hội khi doanh nghiệp gỗ phục hồi sản xuất

(ĐTCK) Cổ phiếu doanh nghiệp chế biến gỗ thu hút sự quan tâm trở lại khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các nhà máy phục hồi công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thị trường xuất khẩu thuận lợi

Gỗ thuộc nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đem về hàng tỷ USD doanh số mỗi năm. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 11,97 tỷ USD, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,14 tỷ USD, tăng 30,9%, lâm sản đạt 382 triệu USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, các doanh nghiệp chế biến gỗ tập trung ở khu vực phía Nam, đặc biệt là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh… – tâm điểm của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4. Khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp gỗ đang phục hồi sản xuất trở lại một cách mạnh mẽ.

Thuận lợi lớn của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu là nền kinh tế thế giới đang dần hồi phục, nhu cầu đồ nội thất văn phòng tăng nhanh.

Thuận lợi lớn của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu là nền kinh tế thế giới đang dần hồi phục, nhu cầu về đồ nội thất văn phòng tăng nhanh. Dự báo những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, xuất khẩu đồ nội thất văn phòng của Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan nhờ các doanh nghiệp nâng công suất đáp ứng nhu cầu đơn hàng.

Từ phía doanh nghiệp chế biến gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho rằng, độ phủ vắc-xin đã được cải thiện, trong quý IV có thể phủ tới 100% lao động ngành gỗ, bên cạnh đó Chính phủ áp dụng các giải pháp phòng chống dịch linh hoạt đã tạo điều kiện để doanh nghiệp khởi động lại sản xuất thực hiện bảo đảm chuỗi cung ứng gỗ xuất khẩu.

Một tín hiệu tích cực đến với doanh nghiệp chế biến gỗ là mới đây, Việt Nam đã ký thỏa thuận với Mỹ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Việc ký thỏa thuận này sẽ góp phần nâng cao uy tín của ngành gỗ Việt Nam và làm nền tảng cho phát triển lâm nghiệp bền vững.

Doanh nghiệp lên kế hoạch tăng tốc

Mới đây, Công ty cổ phần Phú Tài (mã PTB) đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2021 rất tích cực. Doanh thu hợp nhất 9 tháng của Công ty đạt 4.792,45 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 493 tỷ đồng, tăng 19% về doanh thu và 56% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà máy của Phú Tài nằm tại Quy Nhơn, Bình Định, địa phương không chịu ảnh hưởng của làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư vừa qua, nên có điều kiện gia tăng công suất và đẩy mạnh đơn hàng. Trong khi đó, các doanh nghiệp cùng ngành ở khu vực phía Nam hầu hết phải giảm công suất xuống dưới 50% khi sản xuất “3 tại chỗ”.

Quý IV, Phú Tài đặt mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 1.871 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 164 tỷ đồng. Ước tính cả năm, Công ty đạt doanh thu 6.663 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch doanh thu năm và tăng trưởng 18% so với năm 2020; lợi nhuận ước đạt 657 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch năm, tăng trưởng 42% so với năm ngoái.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị báo doanh thu 9 tháng đầu năm đạt 779,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 61,2 tỷ đồng, tăng 38% đối với chỉ tiêu doanh thu nhưng tăng tới 1.492% về lợi nhuận.

Với kết quả này, Gỗ MDF VRG đã vượt gần 100% kế hoạch lợi nhuận cả năm (ở mức 33,3 tỷ đồng) chỉ sau 3/4 chặng đường của năm.

Các doanh nghiệp chế biến gỗ phía Nam đang đẩy mạnh tiến độ phủ vắc-xin để tiến tới nâng công suất khi trở về “bình thường mới”. Tại Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã TTF) tính đến ngày 6/10/2021, có 1.000 cán bộ công nhân viên tham gia “3 tại chỗ” đã hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 2. Đây là tiền đề để TTF vững tâm hơn khi bước vào mùa cao điểm kinh doanh cuối năm.

Thông tin từ các doanh nghiệp chế biến gỗ cho biết, các doanh nghiệp đang gấp rút chuẩn bị nguồn nhân lực, trang thiết bị máy móc, đặc biệt là nguyên liệu để hồi phục sản xuất.

“Nguyên liệu quyết định vấn đề thành bại của doanh nghiệp trong phục hồi sản xuất”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest nhấn mạnh.

Năm nay, ngành gỗ đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 13 – 14 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, cần tới 50 triệu m3 gỗ, trong khi doanh nghiệp mới chỉ nhập được 6 triệu m3 gỗ và khoảng 1,5 triệu m3 gỗ ván còn lại chủ yếu nguồn gỗ rừng trồng trong nước.

Nhu cầu lớn về nguyên liệu nên theo ông Đỗ Xuân Lập, để chuẩn bị tái phục hồi cần nhiều việc phải làm như nguồn cung hàng, giá nguyên liệu, logistics…, tìm ra các giải pháp đảm bảo chuỗi cung ra thế giới được tốt.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa nhận định, nếu khôi phục sản xuất được đẩy nhanh, trong ba tháng cuối năm, mỗi tháng, xuất khẩu đạt khoảng 800 triệu USD đến 1 tỷ USD thì ngành gỗ và lâm sản có thể đạt giá trị xuất khẩu 14,5 tỷ USD, thậm chí có thể đạt 15 tỷ USD.

Cổ phiếu gỗ trở lại?

Những thông tin tích cực từ hoạt động xuất khẩu gỗ cũng như kết quả kinh doanh 9 tháng của một số doanh nghiệp trong ngành đã giúp nhóm cổ phiếu gỗ có nhịp tăng tích cực trong thời gian qua. Dù có nhịp điều chỉnh nhẹ vào cuối tuần với một số cổ phiếu trong nhóm như vẫn duy trì được tốc độ tăng tốt trong vòng 1 tháng qua.

Nhiều cổ phiếu ngành gỗ có thị giá cao như ACG của Công ty cổ phần Gỗ An Cường và Công ty cổ phần Phú Tài (thị giá hơn 100.000 đồng/cổ phiếu). ACG mới chào sàn ngày 4/8/2021 với giá 125.900 đồng/cổ phiếu. Đến ngày 19/10, cổ phiếu này đang giao dịch 114.100 đồng/cổ phiếu (giảm 9,3%), PTB ngày 19/10 thị giá 116.200 đồng/cổ phiếu (tăng 88%).

Sau một thời gian dài đi ngang, TTF vừa có một tuần giao dịch khởi sắc. Đóng cửa phiên cuối tuần qua (22/10), thị giá TTF ở mức 9.150 đồng/cổ phiếu, tăng 1.050 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng hơn 10%.

Nhà đầu tư Bùi Thắng, mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán VPS cho hay, anh đang quan tâm tới nhóm cổ phiếu doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, bởi “cuối năm là mùa làm ăn của doanh nghiệp ngành gỗ, cùng mùa mua sắm trang trí nhà cửa cuối năm của các nước”, các cổ phiếu ngành gỗ kỳ vọng sẽ có sóng.

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm gỗ sang các thị trường chủ yếu gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc. Các nước này cũng có nhu cầu lớn về nội thất cuối năm thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.

Bà Mary Tarnoka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, có tới 60% các nhà sản xuất đồ gỗ, nội thất theo hợp đồng tại Việt Nam là đối tác của Mỹ.

Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu đồ gỗ và nội thất lớn nhất của Việt Nam. Dù gặp khó khăn trong quý III, nhưng quý IV là thời điểm doanh nghiệp gỗ Việt Nam khai thác tốt thị trường Mỹ vì nhu cầu mua sắm nội thất cho dịp lễ Noel rất lớn.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.com

(ĐTCK) Cổ phiếu doanh nghiệp chế biến gỗ thu hút sự quan tâm trở lại khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các nhà máy phục hồi công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Thị trường xuất khẩu thuận lợi Gỗ thuộc nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đem về... Xem bài viết