Covid-19: Doanh nghiệp Việt Nam ‘cầm cự tối đa được 6 tháng’?

Covid-19: Doanh nghiệp Việt Nam ‘cầm cự tối đa được 6 tháng’?

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục có các cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp trong những tuần qua.

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói doanh nghiệp sẽ sụp đổ nếu giãn cách xã hội mãi và tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực.

Thông điệp được ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nói tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp vào sáng Chủ nhật 26/9.

Ông Công đề nghị với Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng trong cơ cấu Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 các cấp cần có sự tham gia của đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Báo cáo được lãnh đạo VCCI trình bày tại hội nghị mô tả “tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực” và nghiêm trọng nhất là các lĩnh vực du lịch, chế biến thủy sản, giao thông vận tải.

Báo cáo này cho biết chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản các tỉnh thành phía Nam còn hoạt động trong khi hơn 50% doanh nghiệp ngành gỗ tại khu vực Đông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản.

Chủ tịch VCCI nói rằng nhiều doanh nghiệp chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng trong đó khả năng chịu đựng thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản khoảng 4,7 tháng, thông tin truyền thông khoảng 4,9 tháng và doanh nghiệp xây dựng khoảng 5,3 tháng.

Ông Phạm Tấn Công lấy quy mô các gói hỗ trợ của Chính phủ một số nước trong khu vực năm 2020, như Thái Lan là 12,4% GDP, Indonesia 5,4% GDP, Philippines 3,6% GDP. Với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ, các gói hỗ trợ của Chính phủ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ.

“Cuộc chiến với Covid-19 hiện nay chính là ngọn lửa thử thách với cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong giữ vững vị thế, cơ đồ mà chúng ta đã đạt được”, ông Phạm Tấn Công được Vnexpress dẫn lời.

Hà Nội bỏ một số rào chắn tại các điểm phong tỏa khi chuyển sang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

Trong khi đó lãnh đạo Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam đề xuất Thủ tướng Phạm Minh Chính khẩn cấp hỗ trợ doanh nghiệp tại buổi làm việc này.

Ông Đặng Hồng Anh Chủ tịch hội này mô tả việc công cuộc chống dịch hết sức tốn kém, đặc biệt là chi phí xét nghiệm nhanh.

Ông Hồng Anh đề xuất Bộ Y tế chủ trì cùng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất bộ kit xét nghiệm nhanh bởi nếu mua được “giá gốc” với số lượng lớn đến 100 triệu bộ (ước tính giá 1,5 USD/bộ) thì có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỉ đồng.

Ông cũng được dẫn lời nói rằng điều kiện giãn nợ trong vòng 12 tháng theo thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước theo đó buộc phải chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi COVID-19 và được ngân hàng đánh giá có khả năng trả nợ sau thời gian giãn nợ là “rất khó cho doanh nghiệp”.

Tại buổi họp này, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo cơ quan này đánh giá và xem xét phương án giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như điện, xăng với mức 10-30%.

Được biết cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị Thủ tướng Chính chỉ đạo tháo gỡ rào cản làm ách tắc lưu chuyển hàng hóa giữa các địa phương, công nhận kết quả xét nghiệm, kiểm dịch một lần, cách ly một lần đối với người di chuyển giữa các địa phương, linh hoạt trong thực hiện các quy định về chính sách nhập cảnh đối với chuyên gia, theo truyền thông Việt Nam.

“Thời gian có hạn, công việc nhiều, nội dung khó, yêu cầu đòi hỏi cao nên trong một hội nghị không thể giải quyết được tất cả các vấn đề đặt ra, quan trọng nhất là các bên cầu thị, khiêm tốn lắng nghe ý kiến của nhau, phát hiện các vướng mắc để tiếp tục chung tay tháo gỡ trong thời gian tới,” Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại hội nghị. “Khi có rủi ro thì mỗi bên gánh vác một ít để giảm nhẹ khó khăn. Còn không ai có thể làm được tất cả”.

Cần có một lộ trình rõ ràng

Hội nghị diễn ra 10 ngày kể từ khi một loạt hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài gửi thư cho Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi Chính phủ Việt Nam “cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ”.

Thư của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) đề ngày 17/9 nói: “Chúng tôi mong muốn được hợp tác với Ngài [Thủ tướng Phạm Minh Chính] để có thể mở cửa và phục hồi an toàn cho Việt Nam, đặc biệt cho Thành phố Hồ Chí Minh và Khu vực kinh tế phía Nam.”

Thư nói “Doanh nghiệp cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ”.

“Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại. Đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi. Ngay cả các doanh nghiệp hiện tại cũng có hầu hết các kế hoạch đầu tư đang bị trì hoãn, do những bất ổn hiện tại,” bức thư đề ngày 17/9 viết.

Quan điểm “Cần có một lộ trình rõ ràng để mở cửa trở lại” được Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) nhắc lại trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.

“Cần phải có một lộ trình rõ ràng để mở cửa trở lại và phát triển bền vững cho việc thiết lập kế hoạch kinh doanh, cũng như phúc lợi và sinh kế của người dân. Điều này bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa và người lao động giữa các tỉnh..

“Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều khi các công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng các tín hiệu hỗn hợp hiện tại, sự gián đoạn và sự chậm trễ trong lộ trình kiểm soát Covid-19 và cho phép mở cửa trở lại sẽ hạn chế tiềm năng này,” bà Mary Tarnowka, Giám đốc AmCham nói với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.

Ngân hàng Phát triển châu Á vào ngày 22/9 có Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á và ở phần Việt Nam mô tả kinh tế nước này “dự kiến tăng trưởng chậm hơn do sự bùng phát trở lại của dịch, làm gián đoạn nguồn lao động, giảm sản lượng công nghiệp và gây đứt gãy chuỗi giá trị nông nghiệp”.

“Đại dịch COVID-19 và các đợt phong tỏa kéo dài đã làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư, hạn chế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam”, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định.

“Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu đại dịch COVID-19 được kiểm soát vào cuối năm 2021 và đến quý II năm 2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng”.

Nguồn: BBC

Covid-19: Doanh nghiệp Việt Nam 'cầm cự tối đa được 6 tháng’?   Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục có các cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp trong những tuần qua. Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói doanh nghiệp sẽ sụp đổ nếu giãn cách xã hội mãi và tất... Xem bài viết