Cuộc đua khốc liệt nâng cao năng lực tài chính giữa các ngân hàng thương mại

Làn sóng mua bán, sáp nhập ngân hàng cùng loạt quy định và mục tiêu về nâng cao năng lực tài chính… đang đặt các ngân hàng thương mại trước nhiều sức ép.

Để không bị đi sau, đi lùi trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, các ngân hàng buộc phải có kế hoạch, chiến lược mang tính đường dài.

1. Những cuộc chạy đua

Kết thúc năm 2020, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam tiếp tục được “sàng lọc” bởi hàng loạt mục tiêu, gồm mức độ hoàn tất Basel II, tất toán gọn nợ tại Công ty quản lý tài sản (VAMC), tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu đến đâu (nhất là trong bối cảnh môi trường tiềm ẩn rủi ro bởi Covid-19)… Nếu theo những tiêu chí trên, Vietcombank, MB, Techcombank… đã sớm về đích. Theo đó, tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu tại MB cũng đạt tới hơn 144% đến cuối quý I/2021.

Ngay quý I/2021, nhiều NHTM đã lần lượt công bố lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ 2020, thậm chí tính bằng lần như tại MSB, SeABank và MB; hoặc một số đạt tăng trưởng cao từ 50 – 70%… Bên cạnh lợi nhuận, mở rộng quy mô tổng tài sản cũng là cuộc cạnh tranh giữa các thành viên. Vị thế đang quyết liệt giữa nhóm các NHTM cổ phần tư nhân hàng đầu. Đến cuối 2020, MB đang dẫn đầu, sát kề là Sacombank, ACB, Techcombank và VPBank.Một cuộc chạy đua khác không kém sôi động trong giới ngân hàng là cuộc đua tăng vốn điều lệ. Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay, Techcombank dự kiến tiếp tục không chia cổ tức tiền mặt, Sacombank và Eximbank thì đang trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để có thể tăng vốn qua trả cổ tức sau nhiều năm tạm ngừng.

Thành viên đang nắm ưu thế thị phần và tổng tài sản là MB (gần 495.000 tỷ đồng cuối 2020) đã tính toán phương án tăng mạnh vốn điều lệ, dự kiến tăng gần 40% năm nay. Kế hoạch định rõ, một cấu phần vốn tăng thêm sẽ tập trung đầu tư cho thị trường phía Nam; một cấu phần tiếp tục tăng cường năng lực công nghệ thông tin – điểm mà MB tạo thu hút trên thị trường những năm gần đây qua loạt dự án chuyển đổi số và mở rộng nhanh chóng hệ sinh thái ngân hàng số.

Hay tại ACB, kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 25% đã được ĐHĐCĐ thông qua ngày 6/4, cùng tham vọng sẽ nâng tổng tài sản lên mức gần 500.000 tỷ đồng cuối năm nay. Đại diện lãnh đạo ACB lạc quan với kế hoạch trên, khi nhận định năm 2021 sẽ có nhiều thuận lợi, gắn với triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam, với hướng mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6 – 6,5% năm nay.

2. “Đường dài mới biết ngựa hay”

Mùa ĐHĐCĐ của ngân hàng đang ở giai đoạn cao điểm. Đến nay, hàng loạt các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn đang được các ngân hàng đề ra, cụ thể và rõ ràng để không chỉ hoàn thành các kế hoạch trước mắt mà còn tính toán cho con đường dài phía trước.

Tại ĐHĐCĐ lần này, Hội đồng quản trị Ngân hàng OCB sẽ trình kế hoạch kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020; tăng vốn điều lệ lên gần 14.450 tỷ đồng từ mức 10.959 tỷ đồng hiện nay, tương đương tăng 32%; mục tiêu cổ tức đạt 20 – 25%. Tuy nhiên, mục tiêu của ngân hàng này không dừng ở đó. Tổng Giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, ngân hàng xác định trong 5 năm tới sẽ trở thành Top 5 NHTM cổ phần tư nhân dẫn đầu thị trường về doanh thu.

Hiện, OCB đang ở Top 7 ngân hàng có doanh thu lớn nhất. “Như vậy, còn 2 bước nữa để hoàn thành mục tiêu. Chúng tôi thực hiện kế hoạch này bằng cách mang đến những dịch vụ, sản phẩm khác biệt cho nhóm khách hàng ở phân khúc trung cấp tại Việt Nam bằng cách kết hợp các chuỗi và hệ sinh thái để đem đến trải nghiệm khác biệt” – ông Tùng nói.Mùa ĐHĐCĐ năm nay, nhiều “ông lớn” cũng có những kế hoạch mang tính “lội ngược” xu hướng. Trong khi, đa số các ngân hàng mong muốn dùng hết room sở hữu của cổ đông nước ngoài, thậm chí, nhiều ngân hàng chật vật mời gọi cổ đông nhiều năm nhưng chưa có kết quả thì một số ngân hàng như SHB, MB… lại “chê” con số room tối đa 30% này.

Tại tờ trình cổ đông mới đây của SHB, ngân hàng này đề xuất hạ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ mức 30% theo quy định xuống 10% vì muốn giữ lại một phần tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược do SHB lựa chọn có năng lực phù hợp và hỗ trợ mang lại lợi ích tốt nhất. Trước SHB, MB cũng từng có một thời gian dài tự hạ room ngoại, bỏ ngỏ khả năng tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng. Tuy vậy, sau nhiều năm, đến tháng 3/2020, MBBank đã trích một phần room ngoại để thực hiện đợt chào bán riêng lẻ cổ phiếu cho 8 nhà đầu tư tài chính.

Nguồn: kinhtedothi.vn

Làn sóng mua bán, sáp nhập ngân hàng cùng loạt quy định và mục tiêu về nâng cao năng lực tài chính… đang đặt các ngân hàng thương mại trước nhiều sức ép. Để không bị đi sau, đi lùi trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, các ngân hàng buộc phải có kế hoạch,… Xem bài viết