Đâu là cơ hội với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19?

Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư TP Hồ Chí Minh, trong 8 tháng đầu năm 2021 (tính đến ngày 20/8) tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn TP Hồ Chí Minh đạt 2,17 tỷ USD, chỉ bằng 56,41% tổng vốn đầu tư so cùng kỳ 2020. TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách, nhiều doanh nghiệp (DN) không thể tiến hành các thủ tục thực hiện dự án đầu tư mới, hoặc điều chỉnh các dự án đầu tư.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó phòng Kinh tế đối ngoại – Sở Kế hoạch – Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết: “Kinh nghiệm cho thấy, thường sang quý 4, các nhà đầu tư sẽ tập trung mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, với tình hình giãn cách, khó khăn như hiện nay, thì việc tăng đột phá trong những tháng cuối năm sẽ có những khó khăn. Khả năng năm 2021, tổng vốn đầu tư để đạt bằng năm 2020 thì phải cần có sự nỗ lực rất lớn của TP cũng như niềm tin rất lớn của các nhà đầu tư”.

7-0.jpg -0

Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) cho thấy, hoạt động của DN Pháp đang đầu tư tại Việt Nam sụt giảm mạnh trong 2 tháng qua. Cụ thể, 78% DN được khảo sát cho biết hoạt động của họ giảm ít nhất 40% (trong đó 72% DN dừng hoặc giảm ít nhất 80%). Chỉ 17% DN cho biết hoạt động của họ ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; nếu tình hình không được cải thiện trong 6 tháng tới, nhiều DN sẽ phải buộc ngưng hoạt động.

Đây cũng là khó khăn chung của các DN FDI  hiện đang đầu tư tại Việt Nam. Ông Phạm Tuấn Anh cho rằng khó khăn lớn nhất của các DN FDI là chi phí. Trong thời gian giãn cách, các chi phí về nguyên vật liệu, vận chuyển, vận tải gia tăng, cộng thêm chi phí chi trả cho người lao động để đảm bảo an toàn vừa sản xuất vừa chống dịch… Việc đứt gãy chuỗi cung ứng khiến DN khó khăn duy trì hoạt động sản xuất. TP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ lớn, nên khi giãn cách đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của các nhà đầu tư, nguồn lao động thiếu, chính sách bảo đảm an toàn trong dịch bệnh cũng hạn chế…

Tuy nhiên, đâu đó nhà đầu tư cũng nhìn thấy cơ hội của mình. Trong thời điểm hiện nay khi giãn cách nhiều DN chấm dứt hoạt động, tạm dừng hoạt động thì đây cũng sẽ là cơ hội cho những DN thật sự có năng lực, có khả năng, có quyết tâm, niềm tin vượt qua cú sốc. Chi phí thuê mặt bằng giảm cũng có lợi cho nhà đầu tư. Chính phủ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như: chính sách vay vốn, thuế, tiền điện… các thủ tục hành chính về đăng ký đầu tư, đăng ký DN hỗ trợ thực hiện trực tuyến, miễn phí, rút ngắn thời gian… Vì vậy, các nhà đầu tư cần có sự cân nhắc kỹ.

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thì khối DN FDI có tỷ trọng xuất khẩu (XK) lớn so với DN trong nước. Bà Đinh Ánh Tuyết, Trưởng Văn phòng Luật IDVN, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhìn nhận: Dịch COVID-19 đã gây nhiều sức ép cho DN FDI và DN có hoạt động XNK. Những rủi ro của các DN sản xuất, XK, chính từ việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), trong đó biện pháp chống bán phá giá và điều tra chống trợ cấp được xem là 2 biện pháp cạnh tranh không lành mạnh.

7-2.jpg -0

Trong thời gian qua, DNXK của Việt Nam (bao gồm DN FDI) đã gặp không ít vụ kiện chống bán phá giá của nước nhập khẩu (NK). Họ nộp đơn kiện chứng minh hàng Việt Nam đã gây thiệt hại cho hàng hóa sản xuất trong nước của họ. “Tuy nhiên, khá nhiều vụ việc mà chúng tôi đại diện cho DN Việt Nam, đã tìm ra được các thông tin cho thấy rằng, ngành sản xuất trong nước của họ thật sự có bị thiệt hại, nhưng thiệt hại đó là do những vấn đề khác như: Ảnh hưởng dịch COVID–19 làm họ dừng sản xuất, chính phủ áp dụng biện pháp giãn cách làm cho họ ngừng sản xuất trong thời gian rất dài… là nguyên nhân gây thiệt hại. Vậy thì những trường hợp trên, DN Việt Nam có cơ hội để chứng minh với cơ quan điều tra rằng, thiệt hại của DN trong nước của nguyên đơn kiện không phải là do hàng XK của Việt Nam”, bà Tuyết nói.

Theo bà Tuyết, khi bị nước NK áp thuế các biện pháp PVTM thì không chỉ áp cho 1 DN mà sẽ áp thuế với tất cả các DN có XK mặt hàng đó vào thị trường NK. Vì vậy, khi DN Việt Nam thấy có cuộc điều tra khởi xướng đối với sản phẩm XK của mình thì lập tức liên lạc với cơ quan điều tra để đăng ký tham gia. Bởi nếu không đăng ký tham gia thì bị coi là không hợp tác, phải chịu mức thuế cao nhất và mức thuế này sẽ làm khả năng XK hàng hóa không còn nữa.

Theo kinh nghiệm tư vấn cho các DN Việt Nam của mình, bà Tuyết cũng đã đúc kết một số kinh nghiệm cho DN để phòng ngừa rủi ro và chuẩn bị kháng kiện nếu DNXK của Việt Nam thấy nguy cơ có khả năng bị kiện: Đa dạng thị trường XK và nguồn cung cấp nguyên liệu để giảm thiểu rủi ro; Cập nhật thông tin thị trường từ bên nước NK. Theo dõi số liệu XK, các vụ việc PVTM thường diễn ra khi lượng hàng hóa XK gia tăng mạnh.

Đặc biệt, DN phải xây dựng hệ thống kế toán có khả năng đáp ứng các yêu cầu trong điều tra chống bán phá giá. Có hệ thống lưu trữ thông tin (số hóa) khoa học, đầy đủ các chứng từ, hóa đơn, tài liệu, số liệu sản xuất, bán hàng, tồn kho, logictics…

Về lâu dài, DN nên có chương trình đào tạo nhân viên để họ hiểu về các vụ kiện chống bán phá giá hoặc PVTM, có chương trình chuẩn bị kiểm soát số liệu thích hợp để khi DN có nguy cơ bị kiện thì đối phó tốt hơn và đạt kết quả tốt hơn.

Nguồn: cand.com.vn

Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư TP Hồ Chí Minh, trong 8 tháng đầu năm 2021 (tính đến ngày 20/8) tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn TP Hồ Chí Minh đạt 2,17 tỷ USD, chỉ bằng 56,41% tổng vốn đầu tư so cùng kỳ 2020. TP Hồ Chí Minh thực… Xem bài viết