Đẩy mạnh phát triển sản xuất tuần hoàn sản phẩm nhựa

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, năm 2020 ngành nhựa Việt Nam vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh tăng trưởng. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhựa đạt mức tăng trưởng đáng kể khoảng 6,3% so với năm 2019. Tuy nhiên, phát triển ngành nhựa theo xu hướng bền vững cả trong ngắn hạn và dài hạn vẫn còn đặt ra những rủi ro, thách thức không nhỏ.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID – 19 tác động đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề gặp khó khăn, trong đó có ngành công nghiệp nhựa, nhưng năm 2020 ngành nhựa vẫn duy trì khá tốt được hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trường. Sản phẩm nhựa của Việt Nam, không chỉ được sử dụng rộng rãi tới các ngõ ngách của đời sống, phục vụ cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp, trong đó có cả những ngành công nghệ cao, mà còn xuất khẩu đi 150 thị trường trên thế giới.

Số liệu của Hiệp hội Nhựa Việt Nam công bố, cho thấy, năm 2020, xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam ra thế giới đạt 3,654 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2019, đưa tổng doanh thu toàn ngành nhựa Việt Nam lên đạt mức 22,18 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2019. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu vào Việt Nam trong năm 2020 đạt khoảng 6,61 triệu tấn, trị giá gần 8,4 tỷ USD, tăng 3,3% về lượng, nhưng giảm 6,9% về trị giá so với năm 2019…

Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhựa trong bối cảnh khó khăn đã cho thấy, các sản phẩm nhựa của Việt Nam đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng, khẳng định vị trí quan trọng của ngành sản xuất nhựa trong tổng thể lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói chung. Tại thị trường nước ngoài, sản phẩm nhựa của Việt Nam đã được đánh giá là có khả năng cạnh tranh cao do công nghệ sản xuất một bộ phận lớn đã tiếp cận với trình độ hiện đại của thế giới. Sản phẩm nhựa của Việt Nam đã được tiêu thụ ở cả những thị trường có nền công nghiệp phát triển và khó tính trên thế giới như Nhật Bản, EU, Mỹ…

Tuy nhiên, toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững, phát triển ngành công nghiệp nhựa Việt Nam vẫn còn đặt ra không ít thách thức cả trong ngắn và trung hạn. Theo chuyên gia kinh tế, thì tình hình kinh tế thế giới hiện nay vẫn rất khó dự đoán trong trung hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn thì dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, vắc xin ngừa COVID-19 cũng như khả năng tiếp cận vắc xin này đối với nhiều quốc gia còn rất mù mịt. Khả năng phục hồi kinh tế trên toàn cầu diễn ra không đều và còn chậm ở các thị trường là các đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… Những yếu tố nêu trên, có thể tác động tiêu cực dẫn tới những rủi ro rất lớn tăng chi phí sản xuất…, bởi ngành công nghiệp nhựa Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ 70-80% nguyên liệu đầu vào.

Ngoài rủi ro tăng chí phí đầu vào do phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, ngành nhựa còn phải đối mặt với rủi ro tác động đến môi trường khi ngành nhựa là ngành sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Các tổ chức quốc tế đánh giá, Việt Nam là nước đứng thứ 5, thứ 6 trên thế giới về rác thải nhựa. Trong khi đó, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ là phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Muốn giải quyết thách thức này, bên cạnh việc đầu tư công nghệ hiện đại, sản xuất xanh, sạch, thì việc thu gom, tái chế rác thải nhựa là rất cần thiết.

Để từng bước giải quyết thách thức về rác thải nhựa, trong thời gian qua và hiện nay, Hiệp hội nhựa Việt Nam vẫn đang tiếp tục vận động Chính phủ hỗ trợ và kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ trong việc chống rác thải nhựa theo hướng chung tay với các doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện thu gom và tái chế sản phẩm nhựa ở trong nước, thay vì đi nhập khẩu phế thải nhựa về tái chế. Đồng thời, vận động xây dựng cơ chế, chính sách cho việc xây dựng và phát triển thị trường đối với hạt nhựa tái sinh.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, cần khuyến khích đầu tư các khu công nghiệp tái chế chuyên ngành nhựa; hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp đầu tư tái chế nhựa theo hình thức liên doanh, liên kết có quy mô thích hợp, tái chế nhựa trên cơ sở đảm bảo an toàn môi trường theo chứng chỉ quốc tế, qua đó góp phần tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, năm 2020 ngành nhựa Việt Nam vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh tăng trưởng. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhựa đạt mức tăng trưởng đáng kể khoảng 6,3% so với năm 2019. Tuy nhiên, phát triển ngành nhựa theo xu hướng bền vững cả trong ngắn… Xem bài viết