Sự ra đời của luật Doanh nghiệp năm 2000 đã cởi trói cho không biết bao nhiêu người từ bỏ
vùng an toàn để làm chủ doanh nghiệp của mình.
Ảnh minh họa
Tôi cũng không thể ngờ được chỉ vì mấy chữ DNN&V/SME thôi, mà biết bao nhiêu quốc gia trên thế giới loay hoay tìm cách hỗ trợ, phát triển từ 70 năm qua và vẫn đang tiếp tục làm việc ấy mạnh hơn. Trong 20 năm, hộp cardvisit của tôi cũng tích luỹ được khoảng vài nghìn chiếc của những người làm về phát triển DNN&V đến từ ít nhất 50 quốc gia.
Nhỏ nhưng không phải dạng vừa
DNN&V là một khái niệm quen thuộc trong tất cả các nền kinh tế và trong các ngôn ngữ chính trên toàn cầu. Các khái niệm SME trong tiếng Anh, PME trong tiếng Pháp, KMU trong tiếng Đức, PYME trong tiếng Tây Ban Nha, hay 中小企业 – “trung tiểu xí nghiệp” trong tiếng Trung/Nhật là các khái niệm tương đương với DNN&V hay Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Tuy là khái niệm được dùng chung, nhưng không có một định nghĩa thống nhất về DNN&V giữa các quốc gia.
DNN&V có thể có tới 1.200 lao động trong một số ngành ở Hoa Kỳ, dưới 250 lao động ở EU, không quá 200 lao động ở Việt Nam, 50 lao động ở Ai Cập, hoặc được định nghĩa theo quy mô của các tiêu chí khác như số vốn đăng ký, tổng tài sản, doanh thu, giá trị xuất khẩu v.v…
Thế giới hiện nay có trên 400 triệu DNN&V, ở tất cả các nước chứ không riêng gì Việt Nam, DNN&V chiếm tuyệt đại đa số, 99,99% như ở Anh, 99,7% ở Nhật Bản so với 97,4% ở Việt Nam v.v…
Về khía cạnh xã hội, hỗ trợ và phát triển DNN&V chính là phát triển khu vực trung lưu của xã hội, duy trì mô hình phát triển xã hội bền vững theo hình thoi, đồng thời giúp bảo tồn các giá trị truyền thống.
Về khía cạnh kinh tế, phát triển DNN&V giúp duy trì sự năng động thông qua khởi nghiệp, qua sự tự chèo lái, sự tham gia trong các chuỗi giá trị, đồng thời phát huy các kinh nghiệm tích luỹ vì “nhỏ không có nghĩa là mới”.
Về khía cạnh hiệu suất, phát triển DNN&V giúp phát huy sự cải tiến ở cấp gốc rễ thông qua quan niệm “nhỏ là đẹp” và về khía cạnh phát triển, điều này góp phần đẩy mạnh sự đổi mới sáng tạo, sự linh hoạt trong thích ứng, góp phần vượt qua các cuộc khủng hoảng.
Với tôi, DNN&V còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ và trao cho họ cơ hội hiện thực hoá giấc mơ làm chủ.
Trước khi học được những điều này, tôi đã không nghĩ rằng các nền kinh tế khác nhau, phát triển hay đang phát triển, đều chia sẻ những quan điểm như vậy về DNN&V.
Có lẽ phần lớn chúng ta không hình dung được DNN&V trên thế giới đã đạt được nhiều thành tựu đáng nể phục.
Ví dụ, một số “unique SME” (tạm dịch: DNN&V sản xuất các sản phẩm mà không DN nào khác sản xuất) ở Nhật có khả năng sản xuất các phụ kiện của tàu vũ trụ để bán cho Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) với trị giá khoảng vài chục ngàn USD.
Nhiều DNN&V tôi đến thăm ở Nhật Bản hoạt động trong ngành cơ khí có tuổi đời gần 100 năm tiêu thụ trên 97% số lượng sản phẩm được sản xuất cho thị trường nội địa với yêu cầu chất lượng rất cao.
Ở Hoa Kỳ, nơi có chính sách quy định mức ngân sách mua sắm tối thiểu của Liên bang dành cho các nhà thầu là DNN&V, tôi rất ngạc nhiên khi được biết Bộ Quốc phòng mặc dù là cơ quan đòi hỏi nhiều sản phẩm công nghệ rất cao lại chính là cơ quan chính phủ mua sắm nhiều nhất từ các nhà cung cấp là DNN&V.
Có rất nhiều sản phẩm chúng ta đang dùng hàng ngày ở Việt Nam đến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới bắt đầu khởi sự như một DNN&V: Apple (Steve Jobs và Steve Wozniak, 1976), Amazon (Jeff Bezos, 1994), Microsoft (Bill Gates và Paul Allen, 1975), Google (Larry Page và Sergey Brin, 1998) v.v…
Báo cáo của OECD và nhiều tổ chức quốc tế cho thấy DNN&V có hoạt động đổi mới sáng tạo rất mạnh, các DN siêu nhỏ có thể có hiệu suất kinh doanh cao hơn các tập đoàn lớn.
DNN&V Việt Nam: Vẫn còn nhiều ẩn số
Đó là câu chuyện ở nước ngoài, còn ở Việt Nam thì sao?
Tổng số DN Việt Nam được thành lập từ năm 1991 tính đến thời điểm này khoảng 1,65 triệu, tổng số DN còn hoạt động là 811.538 (tính đến hết 2020), như vậy tỷ lệ các DN sống sót sau 30 năm là khoảng 52%, một tỷ lệ khá cao so với các quốc gia thành viên OECD.
Một DN Việt Nam điển hình năm 2021 đăng ký mới có bình quân 7,3 lao động, vốn đăng ký 13,9 tỉ đồng. Với “chiều cao” và “cân nặng” như vậy, một DN (mà đa số là nhỏ) của chúng ta thực chất có sức khoẻ như thế nào?