Doanh nghiệp, hộ kinh doanh ‘xanh’ gặp khó vì thiếu lao động

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh ‘xanh’ gặp khó vì thiếu lao động

 

TP HCMDù đáp ứng đủ tiêu chí “xanh”, nhiều quán ăn, nhà hàng cho biết bị thiếu nhân sự nên chưa hoạt động hết công suất, số khác vẫn “án binh bất động”.

Bà Phan Trang Hương, Trưởng Phòng kinh tế quận 7 cho biết, 150 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán mang đi); siêu thị, cửa hàng tiện lợi; nhà thuốc; xây dựng; dịch vụ công chứng… được cấp phép thí điểm hoạt động trên địa bàn đã được gắn bảng “doanh nghiệp xanh”, “hộ kinh doanh xanh”. Quận này cũng ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, qua việc cấp mã QR khai báo y tế điện tử và hướng dẫn về các yêu cầu phải tuân thủ khi hoạt động.

Cũng theo bà Trang, ngoài việc đã cấp thí điểm với 150 đơn vị trên, quận đã giao cho 10 phường nhận đăng ký thêm của các đơn vị trên địa bàn có nhu cầu hoạt động. Khi nhận đăng ký, phường sẽ tổ chức thẩm định nếu cơ sở đủ tiêu chí sẽ hướng dẫn gắn bảng “doanh nghiệp xanh, hộ kinh doanh xanh”.

Tuy nhiên, ghi nhận của VnExpress cho thấy, nhiều hộ kinh doanh vẫn còn lúng túng và khá dè chừng trong việc hoạt động lại vì nhiều lý do.

Trong đó, thiếu nhân sự đang là bài toán khó với nhiều quán ăn, cửa hàng nhỏ lẻ. Chị Hạnh, chủ quán bún bò trên đường Nguyễn Thị Thập (quận 7) cho biết, quán chị đã được treo biển “hộ kinh doanh xanh”. Tuy nhiên, thay vì có nhân viên phụ việc thì gia đình chị hiện phải tự làm mọi khâu.

“Với quy định nhân viên bán hàng phải được tiêm vaccine đầy đủ nên tôi vẫn chưa tuyển dụng được người phụ quán. Do đó, công suất để bán hàng trở lại chỉ đạt khoảng 50% so với trước dịch”, chị Hạnh nói. Theo chị, phải hết tháng 9 và đầu tháng 10 khi TP HCM cho phép mở cửa dần toàn thành phố, quán mới có thể hoạt động hết công suất.

Tại một cửa hàng gạo ở phường Tân Phú (quận 7) – nơi cũng vừa được chấp nhận là “hộ kinh doanh xanh” hôm 18/9, chị Loan, chủ cửa hàng cho biết, việc bán hàng khá tấp nập. “Nếu trước đây, cửa hàng chỉ bán cho các đơn vị mua hộ hoặc mua qua kênh online thì nay đã có khách cá nhân đến đông hơn”, chị Loan nói. Dù vậy, khó khăn lớn nhất của chị Loan là thuê được người phụ việc đã tiêm đủ 2 mũi vaccine để bán hàng theo ca, hay giao hàng.

Nhân viên làm việc tại cửa hàng Gong Cha khi chuẩn bị trà sữa tặng lực lượng chống dịch hồi tháng 7/2021.
Ảnh: Gong Cha

Ngoài việc thiếu lao động, nhiều đơn vị còn bỡ ngỡ vì lần đầu tiếp cận “3 tại chỗ”. Đại diện chuỗi trà sữa Gong Cha đã vận hành trở lại cửa hàng đầu tiên tại quận 7 vào ngày 16/9 nhưng cũng gặp nhiều vướng mắc khi làm việc theo mô hình này.

“Lần đầu tiên chúng tôi tiếp cận với quy định làm việc 3 tại chỗ nên khâu chuẩn bị mất nhiều thời gian. Các cửa hàng phải chuẩn bị cơ sở vật chất, các tiện ích cho nhân viên ăn ở lại nên bước đầu còn khó khăn”, đại diện Gong Cha nói.

Nhiều chuỗi F&B khác vẫn chọn cách “án binh bất động”. Ông Hoàng Tiễn, Nhà sáng lập chuỗi Coffee Bike cho biết, các chi nhánh tại quận 7 vẫn đang đứng ngoài để quan sát phản ứng của người tiêu dùng trước thí điểm mở lại các cửa hàng F&B theo mô hình “hộ kinh doanh xanh”.

Theo ông Tiễn, quán cà phê thường đặt gần khu dân cư vì mục đích để khách hàng dễ đến ngồi thưởng thức, tán gẫu. Do đó, khi nào có chỉ thị mới, cho đón khách tại chỗ 5 người, 10 người hay 20 người … thì các quán đồ uống mới mạnh dạn mở cửa. “Hiện tại, đặt ly cà phê phí ship 60.000-70.000 không ai dám mua”, ông Tiễn nhận định.

Thậm chí, có đơn vị còn kéo dài kế hoạch mở lại cho đến năm sau. Đại diện Mr. 1993’s Coffee & Tea ở phường Bình Thuận cho hay, hiện vẫn chưa là lúc phù hợp để “hồi sinh”. “Giờ mở ra không có nhân sự, giao hàng liên quận vừa đắt vừa khó tìm tài xế, chi phí đầu vào vẫn rất cao nên tôi chờ 2022 bắt đầu lại”, đại diện quán nói và cho biết chi phí nguyên liệu đã tăng 15-20% tuỳ loại và vẫn khó tìm đủ để hoàn thiện thực đơn…

Co.opmart Huỳnh Tấn Phát được dán chứng nhận “Doanh nghiệp xanh”. Ảnh: Hồng Châu

Anh Minh Trí, chủ một quán bún cá Nha Trang đã trả mặt bằng cho hay vẫn chưa có ý định tìm hiểu đăng ký thí điểm “hộ kinh doanh xanh”. Anh cho rằng bài toán kinh doanh chưa khả thi vì lúc này, thuê mặt bằng mà chỉ bán mang đi sẽ lỗ.

“Nhiều người vẫn ngại ra đường sẽ bị phạt bởi một lỗi nào đó. Mua một tô bún mà mạo hiểm có thể tốn tiền triệu vì bị phạt thì rất ngại. Chưa kể các chi phí khác cũng còn rất đắt”, anh Trí nói. Theo anh, chỉ khi nào giá nguyên liệu giảm, phí ship hạ nhiệt thì anh sẽ thử nghiệm bán nhỏ lẻ mang đi tại nhà trước khi tìm thuê lại mặt bằng.

Bà Phan Trang Hương thừa nhận, thời gian đầu thí điểm, một số doanh nghiệp còn bỡ ngỡ, quận sẽ đánh giá nhằm tháo gỡ những khó khăn và rút kinh nghiệm để hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng hoà nhập và trở lại bình thường mới. Tuy nhiên theo bà, các hệ thống siêu thị đang thí điểm khá tốt mô hình “doanh nghiệp xanh”. Hầu hết nhân viên các siêu thị đều đã tiêm vaccine, nên trở lại hoạt động dễ dàng hơn so với nhóm khác.

Khảo sát của VnExpress cũng cho thấy, các doanh nghiệp kinh doanh về bán lẻ thí điểm mô hình xanh ổn định hơn và ít gặp khó khăn, vướng mắc hơn. Đại diện Saigon Co.op cho biết, các cửa hàng, siêu thị của hệ thống đều được chứng nhận “doanh nghiệp xanh”. Nhân viên siêu thị đã tiêm mũi 2 đủ 14 ngày, 5 ngày test 1 lần và khử khuẩn siêu thị 7 ngày một lần theo quy định.

Tương tự, Big C, Lottemart cũng cho biết tình hình ổn hơn bởi không chỉ nhân viên siêu thị mà khách hàng có phiếu đến siêu thị mua sắm cũng đã tiêm vaccine đầy đủ, mọi người tuân thủ quy định 5K. Hiện lượng khách đến siêu thị đã tăng hơn so với trước đó.

VnExpress

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh 'xanh' gặp khó vì thiếu lao động   TP HCMDù đáp ứng đủ tiêu chí "xanh", nhiều quán ăn, nhà hàng cho biết bị thiếu nhân sự nên chưa hoạt động hết công suất, số khác vẫn "án binh bất động". Bà Phan Trang Hương, Trưởng Phòng kinh tế quận... Xem bài viết