Doanh nghiệp than thở đang làm khán giả trong phục hồi kinh tế

Doanh nghiệp than thở đang làm khán giả trong phục hồi kinh tế

 

“Nói theo ngôn ngữ bóng đá, chúng tôi còn ngồi ghế dự bị khá nhiều, thậm chí là ngồi ở hàng ghế khán giả dù đang trong quá trình phục hồi nền kinh tế”, đại diện doanh nghiệp nói.

Phát biểu khai mạc cuộc gặp mặt Hội doanh nhân trẻ Việt Nam sáng 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh tinh thần doanh nhân Việt Nam rất lớn lao trong cơn đại dịch vừa qua, các doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp, xông pha trên nhiều mặt trận để hỗ trợ thành phố trong dịch bệnh.

Trong cuộc gặp mặt này, Chủ tịch nước mong muốn nghe những đề xuất, sáng kiến, giải pháp phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Gói hỗ trợ vốn như “oxy” cho doanh nghiệp

Tại hội nghị, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, đưa ra một số kiến nghị với Chủ tịch nước.

Về di chuyển và vận chuyển, ông nhấn mạnh đây là ưu tiên hàng đầu với doanh nghiệp. Dù Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có nhiều quyết sách hàn gắn đứt gãy này, hội đề xuất Bộ GTVT nên tham mưu ý kiến các địa phương trước khi ra quyết sách để tránh tình trạng các tỉnh làm theo quan điểm riêng, gây phát sinh nhiều vấn đề.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ doanh nhân TP.HCM sáng 12/10.
Ảnh: Chí Hùng.

Ông Hồng Anh cũng cho biết gói hỗ trợ vốn hiện như “oxy cho doanh nghiệp”. Chủ tịch hội gợi ý sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong 5 năm mà Quốc hội đã phê duyệt để hỗ trợ doanh nghiệp. Ví dụ, dự án 1-2 năm nữa mới triển khai thì có thể sử dụng trước khoản này. Bên cạnh đó, chính quyền có thể lấy một phần dự trữ ngoại hối để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Hồng Anh cho rằng nhiều hội viên chưa được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Doanh nghiệp gặp khó với yêu cầu chứng minh nguồn thu nhập và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đó, ông đề nghị xem các thành phần kinh tế đều bị ảnh hưởng và ban hành chính sách chung cho doanh nghiệp giãn nợ 6-12 tháng đi kèm một số điều kiện.

Như vậy, thủ tục hành chính sẽ đơn giản hơn, Ngân hàng Nhà nước tại các địa phương cũng nên có hotline để doanh nghiệp liên hệ khi cần hỗ trợ.

Ông Hồng Anh cũng kiến nghị chính quyền truyền thông mạnh và nhiều kênh hơn để hỗ trợ người lao động, đưa người lao động về thành phố để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Về vaccine, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam mong Chính phủ tiếp tục ưu tiên cho các tỉnh, thành có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cao, ví dụ 19 tỉnh, thành phía nam và các tỉnh, thành phát triển du lịch. Như vậy, các tỉnh có thể nhanh chóng bổ sung nguồn lực cho TP.HCM khi cần.

Doanh nghiệp đang dự bị trong phục hồi kinh tế

Ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM, cho rằng làn sóng dịch vừa qua là cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ. Đánh giá cao nỗ lực chưa từng có của hệ thống; tuy nhiên, ông cho rằng tư duy xin – cho, sợ trách nhiệm vẫn còn xuất hiện trong quá trình ra quyết sách.

Tuy nói doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế, ông cho rằng “tế bào” này chưa được hoạt động và tận dụng đúng mức.

“Nói theo ngôn ngữ bóng đá, chúng tôi còn ngồi ghế dự bị khá nhiều, thậm chí là ngồi ở hàng ghế khán giả dù đang trong quá trình phục hồi nền kinh tế. Nếu không tận dụng nguồn lực này trong quá trình xây dựng quyết sách sẽ là lãng phí lớn”, ông nói.

 

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp. Ảnh: Chí Hùng

 

Thêm vào đó, ông cho rằng chính sách chống dịch và phục hồi phải nhất quán cấp quốc gia vì không gian phát triển của doanh nghiệp luôn hướng tới cấp quốc gia và toàn cầu.

Muốn doanh nghiệp bật lên xa thì phải nhanh chóng tháo gỡ rào cản; do đó, ông Trường kiến nghị nhanh chóng loại bỏ tư duy cũ, thay bằng chính sách “luật không cấm thì được làm”. Chính quyền cần để doanh nghiệp tham gia đóng góp chính thức, trực tiếp trong xây dựng chiến lược, khôi phục và phát triển kinh tế. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của doanh nhân.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng bất động sản như lò xo bị nén nên xu thế tất yếu là sẽ phục hồi, tăng trưởng trở lại sau đại dịch. Thời gian tới, doanh nghiệp bất động sản không xin tiền mà chỉ xin tháo gỡ các cơ chế chính sách.

Ông Châu đề nghị Chính phủ sửa đổi một số quy định trong các luật liên quan đến bất động sản. Ông cũng mong Chủ tịch nước cùng Chính phủ ủng hộ chiến lược xây 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân ở TP.HCM. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM mong Chính phủ có giải pháp “lôi kéo” được công nhân lao động trở lại TP.HCM.

Cỗ xe tam mã

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự chia sẻ với những mất mát của nền kinh tế Việt Nam trong đại dịch. Đây không chỉ là tổn thất về kinh tế mà còn với an sinh xã hội của người dân.

Trong giãn cách xã hội, hàng trăm nghìn doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất. Riêng TP.HCM có gần 16.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động – giải thể hoặc phá sản. Tổn thất về người, tài sản là rất lớn bởi nếu doanh nghiệp không có doanh thu thì vấn đề việc làm và thu ngân sách đều bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước biểu dương tinh thần doanh nghiệp thời gian qua có nhiều giải pháp, chủ trương sáng tạo để hỗ trợ an sinh, an dân trong đại dịch.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tinh thần của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.

 

“Doanh nghiệp là rường cột của quốc gia, đóng góp vào sự phát triển rất lớn. Bàn tay, khối óc của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều đóng góp cho bản thân, gia đình và quê hương, đất nước”, ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Chủ tịch nước đề nghị trong khó khăn, doanh nghiệp cần thấm nhuần tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, cùng với đó là đoàn kết, giúp đỡ nhau bởi “mất đoàn kết là tự làm yếu mình, yếu người, làm suy yếu đất nước”. Do đó, doanh nhân trẻ cần nuôi dưỡng ý chí, vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Sau khi lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp, ông cho rằng những ý kiến góp phần hoàn thiện đề án cấp Nhà nước và TP.HCM về phục hồi nền kinh tế Việt Nam cũng như TP.HCM. Chính phủ sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến để TP.HCM phục hồi, tái khởi động nền kinh tế. Qua khó khăn này, ông cho rằng cần có chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh, an dân để phát triển TP.HCM bền vững, không đứt gãy chuỗi lao động và các chuỗi cung ứng khác.

Chủ tịch nước cũng đề nghị TP.HCM không để xảy ra tình trạng một phòng trọ có 6-7 người ở, kém vệ sinh và dễ lây nhiễm dịch bệnh. Do đó, TP.HCM cần có chủ trương, biện pháp cụ thể cải thiện tình trạng này để người lao động sớm quay lại đóng góp cho TP.

Cuối cùng, ông nhận định cần tính toán chính sách để “cỗ xe tam mã” trong phát triển gồm đầu tư – tiêu dùng – xuất khẩu cần được vận hành đồng bộ, quyết liệt.

Đặt hàng của TP.HCM với doanh nghiệp

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ sự cảm kích trước những góp ý của cộng đồng doanh nghiệp. Ông Mãi thừa nhận trong cao điểm dịch, TP.HCM bị cuốn vào và có lúc lúng túng trong các biện pháp. Khi tình hình ổn định, TP đã và đang tin tưởng, trao trách nhiệm để doanh nghiệp thật sự là chủ thể trong phòng chống dịch và phục hồi kinh tế.

TP.HCM xác định từ nay đến năm 2022 là thời gian để phục hồi. Ông cho biết đang hoàn thiện chương trình phòng chống dịch, phục hồi kinh tế và mong muốn nhận được nhiều ý kiến tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp. Ông khẳng định cộng đồng doanh nghiệp là người trực tiếp triển khai chương trình hoặc chiến lược này.

Chủ tịch TP.HCM cũng xin ý kiến Chủ tịch nước để đổi tên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. Ông cho biết TP.HCM sẽ có cơ chế thí điểm để có thể triển khai ngay, trong đó tập trung hỗ trợ sản xuất, dịch vụ chủ lực cũng như

 

 

Nguôn: zing

Doanh nghiệp than thở đang làm khán giả trong phục hồi kinh tế   "Nói theo ngôn ngữ bóng đá, chúng tôi còn ngồi ghế dự bị khá nhiều, thậm chí là ngồi ở hàng ghế khán giả dù đang trong quá trình phục hồi nền kinh tế", đại diện doanh nghiệp nói. Phát biểu... Xem bài viết