Doanh nghiệp TP HCM đau đầu với bài toán thiếu lao động

Doanh nghiệp TP HCM đau đầu với bài toán thiếu lao động

 

Nhiều doanh nghiệp sau ngày 1/10 cho biết chưa thể đưa công suất sản xuất trở lại như trước dịch vì nguồn lao động đang thiếu trầm trọng.

Sau khi UBND TP HCM cho phép nhiều ngành nghề hoạt động bình thường từ hôm nay (1/10), khảo sát nhanh của VnExpress cho thấy phần đông doanh nghiệp hứng khởi nhưng đều có những nỗi lo, nhất là bài toán nan giải liên quan nguồn lao động thiếu hụt.

“Nghe tin thành phố mở cửa lại, chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì công ăn việc làm trở lại nhưng bây giờ phần lớn nhân sự đã về quê, chưa biết cách nào để đưa họ trở lại thì sản xuất làm sao”, Phó chủ tịch YBA Nguyễn Gia Huy Chương nói.

Trước đó, khoảng một phần tư trong số 800 hội viên của Hội Doanh nhân trẻ TP HCM (YBA) là doanh nghiệp quy mô nhỏ, dưới 100 lao động và không đủ điều kiện thực hiện phương án “3 tại chỗ” nên đã dừng sản xuất trong nhiều tháng qua.

Công nhân Công ty Pouyuen ra về trong cơn mưa chiều 9/6. Ảnh: Hữu Khoa

Theo ông Chương, UBND TP HCM hôm nay cho phép mở cửa nhưng hôm qua mới lấy ý kiến về phương án tổ chức giao thông với 5 tỉnh lân cận nên doanh nghiệp rối bời trong việc bố trí nhân sự sản xuất trở lại.

Ông cho rằng, dự thảo cũng chưa nhắc đến một số địa phương mà người lao động từ TP HCM trở về nhiều như Bình Phước, Ninh Thuận, Đắk Lắk. “Việc tuyển dụng lao động thời vụ trong giai đoạn này cũng khó thực hiện bởi doanh nghiệp muốn được sản xuất ngay và tiết giảm những chi phí phát sinh”, ông Cương chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Bé – Chủ tịch Hiệp hội các khu công nghiệp TP HCM (HBA) cho rằng, việc các địa phương không đồng bộ về phương án mở cửa khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình thế bị động, chỉ hứng khởi tinh thần nhưng không sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất và nguyên vật liệu để hoạt động ổn định.

Theo thống kê của HBA, hiện các khu công nghiệp và khu công nghệ cao có khoảng 43.000 lao động ở các tỉnh. Khoảng 14.000 người trong số này làm việc tại khu chế xuất Linh Trung 1, 2 và đã tiêm vaccine mũi 1. Hiệp hội đã đề xuất thành phố ưu tiên vaccine cho công nhân để trở lại làm việc nhưng vì hầu hết cư ngụ tại Dĩ An, Thuận An (Bình Dương) nên không thể di chuyển qua lại.

“Nơi tiêm vaccine nằm trên vĩ tuyến giáp ranh giữa TP HCM và Bình Dương và các tỉnh mà họ còn không di chuyển được thì để đi làm hàng ngày rồi trở về gần như bất khả thi”, ông Bé lo ngại.

Lãnh đạo hai hiệp hội cùng nói thêm, phương án mới của thành phố cũng chưa đề cập đến việc giải phóng thế nào lực lượng lao động “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp chưa phủ hết vaccine thắc mắc người lao động của họ có được trở về nhà hay tiếp tục ở lại. Bởi nếu trở về thì họ không thể quay lại nhà máy và kéo theo thiếu hụt nhân sự dây chuyền cho doanh nghiệp.

Tại buổi họp báo ngày 30/9, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Hoà Bình cũng dự đoán tình trạng khan hiếm lao động sẽ xảy ra khi mở cửa trở lại. Theo ông Bình, khi thành phố mở cửa lại, các doanh nghiệp sản xuất sẽ thiếu lao động rất nhiều. Bằng chứng là sáng 30/9, khi cho 45 công trình xây dựng thi công trở lại chỉ có 30-40% công nhân làm việc.

Ông Bình kêu gọi công nhân ở lại, nhận gói hỗ trợ thứ ba, tiêm vaccine và tiếp tục tham gia lao động sản xuất.

Để tháo gỡ phần nào bài toán thiếu lao động này, ngày 30/9, TP HCM đã chốt phương án đón người lao động trở lại làm việc. Theo đó, để trở lại thành phố, người lao động ở các tỉnh phải được tiêm vaccine mũi 1 đủ 14 ngày, hoặc có xác nhận khỏi Covid-19 và xét nghiệm âm tính nCoV còn hiệu lực.

Việc vận chuyển người lao động đến TP HCM bằng đường bộ có 3 phương thức. Cách thứ nhất, đơn vị sử dụng lao động tự tổ chức đưa đón. Cách thứ hai là Ban quản lý khu chế xuất, Ban quản lý khu công nghệ cao… làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị mà mình quản lý, phối hợp Công ty cổ phần xe khách Phương Trang lên kế hoạch vận chuyển. Cách thứ ba là thành phố tổ chức tuyến xe khách cố định đi từ bến xe khách ở các địa phương đến TP HCM.

Ngoài câu chuyện thiếu lao động, việc thiếu đơn hàng hay tâm trạng lo sợ thành phố tái siết chặt nếu bùng dịch lại cũng đang đè nặng doanh nghiệp khiến nhiều đơn vị dè dặt hoạt động lại.

Ông Trịnh Chí Cường – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Đại Đồng Tiến nói rằng, đến lúc này mới cảm nhận dấu hiệu hồi sinh của TP HCM sau nhiều lần trông chờ rồi lại hụt hẫng. Tuy nhiên, ông chưa thể đưa công ty trở lại cường độ sản xuất như trước dịch mà dành ngày hôm nay dọn dẹp, sau đó theo dõi diễn biến dịch bệnh hàng tuần để ra quyết định tiếp theo.

“Mỗi ngày thành phố vẫn có khoảng 4.000 ca mắc mới. Nếu tổ chức sản xuất lại toàn bộ mà dịch bùng phát tiếp, thành phố tái siết chặt thì doanh nghiệp khó càng thêm khó hơn”, ông Cường giải thích.

Đơn hàng giảm mạnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp ông Cường chưa để 700 công nhân trở lại nhà máy cùng lúc dù toàn bộ đã tiêm 1 mũi vaccine, trong đó 35% tiêm đủ 2 mũi.

Ông Cường cho biết, quý III thường là giai đoạn cao điểm tiếp nhận đơn hàng xuất khẩu phục vụ mùa Giáng sinh. Bốn tháng giãn cách buộc doanh nghiệp phải từ chối nhiều đơn đặt hàng nên giờ chỉ còn lại những đơn hàng trong nước và đối tác thân quen.

Phương Đông

Nguồn: vnexpress.net

Doanh nghiệp TP HCM đau đầu với bài toán thiếu lao động   Nhiều doanh nghiệp sau ngày 1/10 cho biết chưa thể đưa công suất sản xuất trở lại như trước dịch vì nguồn lao động đang thiếu trầm trọng. Sau khi UBND TP HCM cho phép nhiều ngành nghề hoạt động bình thường từ hôm... Xem bài viết