Đối thoại với Thủ tướng, doanh nghiệp đề nghị được tự mua test nhanh

Đối thoại với Thủ tướng, doanh nghiệp đề nghị được tự mua test nhanh

 

TTO – ‘Các bộ xét nghiệm nhanh từ châu Âu khá chính xác. Do đó, chúng tôi đề xuất các doanh nghiệp lớn được phép nhập khẩu các bộ xét nghiệm nhanh’ – ông Trần Bá Dương – chủ tịch HĐQT Công ty CP ôtô Trường Hải – đề nghị.

Công nhân chế biến suất ăn công nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” sẵn sàng chuẩn bị bình thường mới tại một doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) ngày 25-9
Ảnh: TỰ TRUNG

 

Đó là một trong nhiều đóng góp, đề nghị của doanh nghiệp đến Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp bàn về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 ngày 26-9.

Gửi lời cảm ơn tới cộng đồng doanh nghiệp trong suốt gần hai năm vừa qua đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân phòng chống dịch và phát triển kinh tế – xã hội, song Thủ tướng cho rằng: “Cảm ơn bao nhiêu cũng không đủ, chúng ta phải bằng hành động cụ thể”.

Chuyển từ “không COVID” sang thích ứng an toàn…

Các đại biểu dự hội nghị đã ủng hộ chủ trương của Chính phủ là chuyển trạng thái từ “không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”. Và Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay Chính phủ đang khẩn trương xây dựng hướng dẫn tạm thời để thực hiện chủ trương này.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng: Một chính sách không thể phủ kín hết mọi góc cạnh của cuộc sống trên phạm vi cả nước, hướng dẫn phải phù hợp tình hình, tăng tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể, của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trên từng địa bàn (như thôn, ấp, doanh nghiệp, khu công nghiệp…).

Việc phòng chống dịch vẫn phải dựa trên các trụ cột là xét nghiệm, cách ly, điều trị, vắc xin, ý thức của người dân. Nhưng theo Thủ tướng, “phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể. Nhưng phải quyết liệt, chặt chẽ, lãnh đạo, chỉ huy, chính sách tập trung, thống nhất…”.

Về cải cách và hoàn thiện thể chế, Thủ tướng cho hay Chính phủ sẽ phân cấp, phân quyền tối đa để chính quyền gần dân hơn, gần doanh nghiệp hơn… Chính phủ và các bộ ngành cũng đang tích cực cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đóng góp các ý tưởng, công nghệ và cả các sản phẩm cụ thể phục vụ công tác này.

Công khai kịch bản điều hành trong từng tình huống

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Bá Dương – chủ tịch HĐQT Công ty CP ôtô Trường Hải – cho rằng nếu xem các xã là pháo đài chống dịch thì doanh nghiệp cũng tình nguyện là một pháo đài chống dịch. Với nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất, doanh nghiệp chấp nhận chịu chế tài, trách nhiệm nếu để lây lan ra dịch hay để xảy ra những trường hợp nặng, tử vong.

“Hiện chúng tôi đã phân loại những nhân viên có nguy cơ lớn để điều chuyển sang làm các công việc ít nguy cơ. Còn những lao động là thanh niên, lực lượng có sức khỏe, chúng ta nên đề cao việc sống chung với COVID-19” – ông Dương nói và cho hay tại tỉnh An Giang đã cho tự cách ly riêng, vừa làm vừa cách ly.

Về xét nghiệm nhanh, nên cho người dân và doanh nghiệp tự chủ xét nghiệm nhanh. “Vừa rồi chúng tôi đi các tỉnh, phải dừng lại xét nghiệm PCR, trong khi các bộ xét nghiệm nhanh từ châu Âu khá chính xác. Do đó, chúng tôi đề xuất các doanh nghiệp lớn được phép nhập khẩu các bộ xét nghiệm nhanh” – ông Dương nói.

Ông Chu Tiến Dũng – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM – nhấn mạnh chỉ nên xét nghiệm nhóm nguy cơ cao, và cho hay các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” đều thua lỗ, chủ yếu duy trì để hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, nguồn lao động chủ chốt.

Qua khảo sát nhanh, có đến 40% số doanh nghiệp cho rằng vốn chỉ còn đủ hoạt động trong một tháng, các doanh nghiệp đã sức cùng lực kiệt nên cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sát sườn.

Về công tác chống dịch, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, chính quyền địa phương công khai thông tin về chiến lược, bộ tiêu chí phòng chống dịch và kịch bản điều hành kinh tế – xã hội tương ứng với các tình huống để tạo đồng thuận và chủ động điều chỉnh sản xuất kinh doanh.

Đề nghị ngành y tế không quy định bắt buộc các doanh nghiệp hoạt động phải xét nghiệm toàn bộ người lao động định kỳ 3 ngày hay 7 ngày/lần mà chuyển sang chỉ xét nghiệm đối với đối tượng có nguy cơ cao để giảm chi phí.

Ông Đặng Hồng Anh – chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam – đề nghị ngành ngân hàng giãn nợ đồng loạt 6-9 tháng cho các doanh nghiệp để không xuống nhóm nợ, trừ các ngành vẫn hoạt động tốt trong đại dịch như ngành y tế, thực phẩm, sắt thép…

Trước rất nhiều đề nghị của doanh nghiệp về lãi suất lâu nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định thời gian sắp tới sẽ tăng hạn mức tín dụng có thể cho các ngân hàng và điều chỉnh phù hợp lãi suất theo đúng cam kết. Trong đó, tập trung cho vay đối với các hợp tác xã để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ thường xuyên rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và quản trị, điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, ưu tiên tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Nguồn: Tuổi trẻ

 

Đối thoại với Thủ tướng, doanh nghiệp đề nghị được tự mua test nhanh   TTO - 'Các bộ xét nghiệm nhanh từ châu Âu khá chính xác. Do đó, chúng tôi đề xuất các doanh nghiệp lớn được phép nhập khẩu các bộ xét nghiệm nhanh' - ông Trần Bá Dương - chủ tịch... Xem bài viết