Dự báo 3 tháng tới nguyên liệu tôm sẽ thiếu trầm trọng, doanh nghiệp không thể đáp ứng đơn hàng cho đối tác nước ngoài những tháng cuối năm.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Quang đề xuất chính quyền cần khuyến khích người dân thả nuôi tôm ngay từ bây giờ để cuối tháng 11, tháng 12 có tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu đi các nước. Ông cũng đề nghị các địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động để họ sớm trở lại sản xuất.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng các địa phương cần sớm cho các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Hiệp hội mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có ý kiến tới các địa phương sớm phê duyệt phương án hoạt động “3 tại chỗ” để doanh nghiệp sớm hoạt động và xem xét bỏ quy định cách ly 14 ngày đối với lực lượng đi thu hoạch cá tại các tỉnh bằng việc xét nghiệm PCR.
Theo tính toán của VASEP, thời gian trung bình để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất cần từ 3 – 6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng – 1 năm; để khôi phục 100% công suất sản xuất cần khoảng 1,5 – 2 năm.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, cho biết ngành cá tra cũng đang gặp áp lực rất lớn. Hàng nghìn tấn cá tra quá lứa nằm chờ dưới ao, nông dân nguy cơ thua lỗ nhưng công nhân thu hoạch cá tra dù đảm bảo điều kiện phòng chống dịch, khi vào địa phương vẫn bị bắt buộc phải cách ly 14 ngày, dẫn tới đứt gãy cả chuỗi sản xuất. “Nếu tình hình này còn tiếp diễn, ngành cá tra sẽ còn bị ảnh hưởng đến cả năm 2022. Hiện, chúng tôi vẫn may mắn duy trì 50% công suất, nhưng để khôi phục lại 100% như trước, công ty còn chưa biết đến giờ,” bà Khanh cho hay.
Đại diện VASEP cho biết, thời điểm giữa tháng 7, nhiều doanh nghiệp chỉ tính toán dịch kéo dài 2 – 3 tuần, không ai đánh giá được dịch kéo dài đến 2 tháng hoặc hơn. Trong trường hợp doanh nghiệp được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách sau 15/9, khả năng đáp ứng được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng khá hạn chế. Còn những đơn hàng mới hầu như khó thực hiện.
LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG KHÓ PHỤC HỒI NHƯ TRƯỚC
Bên cạnh việc thiếu nguồn cung nguyên vật liệu, việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp thủy sản còn đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi nguyên nhân khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu. Lý do là bởi công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, đang điều trị Covid-19… hay việc vận hành “3 tại chỗ” thời gian dài cũng khiến người lao động mệt mỏi.
Hiện, chỉ có khoảng 30% các nhà máy chế biến thủy sản tại khu vực này duy trì được sản xuất cầm chừng theo điều kiện đảm bảo được “3 tại chỗ”. Với những nhà máy thực hiện được, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ từ 10 – 50% số lượng lao động. Theo kết quả khảo sát của VASEP, tỷ lệ tiêm vaccine cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản các tỉnh từ Nam Trung bộ trở vào mới đạt trung bình từ 30 -35% cho mũi 1, tỷ lệ tiêm mũi 2 thì rất thấp, dưới 5%.
Việc này không chỉ tác động đến tâm lý các doanh nghiệp, mà còn đặc biệt ảnh hưởng đến phương án sản xuất và khả năng phục hồi sản xuất. Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco) cho biết tỷ lệ công nhân được tiêm vaccine ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế bởi doanh nghiệp có sức chịu đựng kém, không đủ khả năng hoạt động “3 tại chỗ”. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp sản xuất cầm chừng thì không có tiếng nói trong khi chính sách tiêm ngừa vaccine chủ yếu tập trung vào khu công nghiệp.