Hóa đơn điện tử giúp ích gì cho doanh nghiệp?

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc áp dụng hóa đơn điện tử có ý nghĩa rất quan trọng cho quản lý thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp.

Tổng cục Thuế đã thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định mới, đây được coi là điểm nhấn quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành thuế và tài chính, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia

Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38, kể từ 1/7/2022 mọi tổ chức, cá nhân sẽ phải bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy hiện nay. Để đưa chính sách thuế vào cuộc sống, Tổng cục Thuế đã xây dựng lộ trình triển khai hóa đơn điện tử theo hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 triển khai tại 6 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định. Những địa phương này chiếm tới 70% hóa đơn điện tử của cả nước, với khoảng 4 tỷ hóa đơn/năm từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022. Giai đoạn 2 từ tháng 4-7/2022, triển khai tiếp tại 57 tỉnh, thành phố còn lại.

Theo Bộ Tài chính để triển khai giai đoạn 1, ngành đã phối hợp với Ủy ban nhân dân 6 tỉnh/thành phố rà soát, phân loại tổng thể người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn là đối tượng sử dụng các loại hoá đơn điện tử theo quy định để thông báo đến từng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh về kế hoạch triển khai áp dụng hoá đơn điện tử để chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng và giải pháp công nghệ thông tin để thực hiện việc lập hóa đơn điện tử, chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế, gửi hóa đơn điện tử cho người mua và các nội dung khác về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã triển khai các giải pháp công nghệ thông tin đáp ứng triển khai hoá đơn điện tử. Theo đó hệ thống hóa đơn điện tử được thiết kế kiến trúc tổng thể hệ thống trên nền tảng công nghệ 4.0.

Kiến trúc hệ thống theo hướng triển khai cho hệ thống dữ liệu lớn (Big Data), phù hợp với yêu cầu về xử lý số lượng lớn giao dịch về hóa đơn, các khối chức năng xử lý nghiệp vụ được thiết kế triển khai linh hoạt, có độ mở cao, theo mô hình xây dựng phần mềm mới là vừa xây dựng phát triển phần mềm, vừa triển khai và vận hành mà không ảnh hưởng tới hoạt động của ứng dụng.
Tổng cục Thuế cũng đã khai trương Trung tâm điều hành triển khai hóa đơn điện tử tại trụ sở Tổng cục Thuế và 6 cục thuế địa phương thuộc giai đoạn 1.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, trong bối cảnh triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hoá đơn, chứng từ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ với nhiều nội dung mới, thời gian triển khai ngắn, chắc chắn sẽ có vướng mắc phát sinh cần giải đáp, xử lý kịp thời cho cả người nộp thuế và cán bộ, công chức cơ quan thuế. Do đó, việc ngành thuế thiết lập các trung tâm điều hành trong quá trình triển khai hóa đơn điện tử là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo các mục tiêu cơ bản.

Là một trong 6 cục thuế thí điểm triển khai hóa đơn điện tử đầu tiên trong cả nước, ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, hệ thống hóa đơn điện tử là một giải pháp, một bước tiến quan trọng trong hiện đại hóa quản lý thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, quốc gia và hướng tới chính phủ số.

Trung tâm điều hành triển khai hóa đơn điện tử đặt tại Cục Thuế Hà Nội đã được thành lập với đầy đủ các trang thiết bị cơ sở vật chất: kết nối trực tuyến thông suốt 24/24 với hệ thống trung tâm điều hành của Tổng cục Thuế, hạ tầng truyền thông ngành tài chính; hệ thống các máy trạm hỗ trợ, máy in, máy chiếu; cũng như bố trí đầy đủ nhân sự có năng lực và kiến thức chuyên môn tốt, hệ thống số điện thoại đường dây nóng cũng như hệ thống email tiếp nhận xử lý thông tin hỗ trợ về hóa đơn điện tử.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc áp dụng hóa đơn điện tử có ý nghĩa rất quan trọng cho quản lý thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp. Bởi vì, khi thực hiện hóa đơn điện tử, các doanh nghiệp có thể đối chiếu, kiểm tra một cách chính xác nhất số thuế mà mình phải nộp và hóa đơn điện tử phát hành, tiết giảm chi phí in ấn, bảo quản, lưu giữ hóa đơn của các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá, hóa đơn điện tử rất thuận lợi và nhanh trong quá trình thực hiện nộp và hoàn thuế. Đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng thuận lợi trong kiểm tra, kiểm soát, giảm chi phí. Đồng thời, khi phát hành hóa đơn điện tử cũng chống được nạn hóa đơn giả và chống hoàn thuế không đúng đối tượng, hay nói cách khác là chống trục lợi thuế.

Anh Lại Khánh Hưng, Giám đốc Công ty TNHH XNK Dương Phong (Lạng Sơn) cho biết, công ty đã chính thức chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử từ đầu tháng 3/2021 dưới sự hỗ trợ, tư vấn của cơ quan thuế địa phương. Từ đó đến nay, doanh nghiệp đã hoàn toàn chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy.

Theo anh Lại Khánh Hưng việc sử dụng hóa đơn điện tử rất thuận tiện đối với một doanh nghiệp làm dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa. Sau khi mở tờ khai với cơ quan Hải quan, công ty ngay lập tức có hóa đơn điện tử cùng với đó là giấy đi đường. Việc này tạo thuận lợi cho việc di chuyển, lưu thông hàng hoá.

Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế Toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cũng cho rằng với các lợi ích của hóa đơn điện tử như tăng hiệu quả phân tích, thống kê vào quản lý tài chính, kế toán và kê khai nộp thuế tại doanh nghiệp cũng như giảm sai sót, công ty đã tư vấn cho hàng trăm khách hàng chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử.

Nguồn: bnews.vn

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc áp dụng hóa đơn điện tử có ý nghĩa rất quan trọng cho quản lý thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp. Tổng cục Thuế đã thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định mới, đây được… Xem bài viết