Lãi suất và doanh nghiệp

Lãi suất và doanh nghiệp

 

Vay ngân hàng 6 tỷ đồng mở công ty, chúng tôi không hình dung hết rằng khi phải vay tiền, một tháng trôi qua rất nhanh.

Tôi và vài người mở chung công ty gia công hàng may mặc để xuất khẩu năm 2010, GDP của Việt Nam 6,78%, nhưng lạm phát thì lên tới 11,75%. Lãi suất chúng tôi phải trả cho ngân hàng là 20% mỗi năm. Khoản vay trong 5 năm.

Số tiền cấp tập được đổ vào máy móc thiết bị, nhập nguyên liệu và trả lương công nhân, thuê nhà xưởng, điện nước…

Tiền gốc và lãi phải trả ngân hàng hàng tháng lên đến 200 triệu trong khi giá nguyên vật liệu tăng, đầu ra sản phẩm gặp khó. Chúng tôi gặp đại diện ngân hàng để xin giảm lãi, nhưng cũng chỉ được giảm 2% trong ba tháng. Hết ba tháng, mức lãi vay về như cũ và bị cộng thêm 1% mỗi năm theo kỳ hạn mới.

Doanh nghiệp ấp ủ cuối cùng rơi vào cảnh khốn đốn và đóng cửa. Số nợ được chia ra theo đầu cổ đông, mãi sau năm năm chúng tôi mới trả hết.

Sau này, chúng tôi đều biết mình sai lầm vì chẳng mô hình kinh doanh nào có thể có lời với mức giá vốn cao đến thế.

Giá vốn vay tại Việt Nam hiện không cao như hơn 10 năm trước, nhưng cũng đang là gánh nặng với nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao.

Chủ doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu mới kể với tôi, trước dịch Covid-19, mỗi tháng công ty anh xuất khẩu chừng 30 container hàng nông sản sang Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản với giá trị trên 15 tỷ đồng.

Từ đầu năm nay, họ chỉ còn xuất đi được ba đến năm container hàng tháng, tương ứng doanh thu giảm 90%. Trong khi đó, công ty vẫn phải duy trì hoạt động, từ tiền điện, nước, tiền lương công nhân. Vấn đề là gánh nặng 300 triệu tiền lãi vay ngân hàng mỗi tháng. Cứ sau một đêm, anh phải trả 10 triệu đồng tiền lãi.

Nguy cơ giải thể, phá sản vẫn là nỗi lo thường trực của hàng nghìn doanh nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 90.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ hoàn tất thủ tục giải thể. Trung bình mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện bình quân dao động khoảng 12% mỗi năm, tùy theo hình thức vay tín chấp hay thế chấp. Trong đó, vay tín chấp bình quân dao động là 16% mỗi năm và vay thế chấp bình quân dao động 7,7% mỗi năm, theo kết quả tôi khảo sát 10 ngân hàng thương mại.

Tôi cũng khảo sát một vòng các ngân hàng, lãi suất tiết kiệm người dân gửi tiền đang ở mức phổ biến 5%-6% mỗi năm.

Như vậy, mức chênh giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng khoảng 6,5%. Con số này gấp gần 1,2 lần so với lãi suất tiết kiệm bình quân (làm phép toán 6,5% chia cho 5,5%).

Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Mức lãi suất được một số ngân hàng quốc doanh áp dụng sau khi thực hiện kêu gọi của cơ quan quản lý đang dao động ở 5%-7% mỗi năm và tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân ở mức 9% đến 11% mỗi năm, tùy khoản vay.

Tôi không dám đại diện cho mọi doanh nghiệp đang đi vay ngân hàng, nhưng từ khảo sát riêng của mình, tôi thấy mới một nhóm người vay nhận được hỗ trợ lãi suất. Một phần do chỉ 16 trong số 49 tổ chức tín dụng cam kết đồng thuận với chủ trương này. Một phần còn do chính sách của từng ngân hàng. Có ngân hàng cho biết chỉ giảm lãi vay cho một số đối tượng thuộc vùng đỏ. Khách hàng cá nhân không thuộc đối tượng bắt buộc ngân hàng phải hỗ trợ giảm lãi suất.

Tất nhiên, vì chúng ta đang hoạt động theo quy luật thị trường, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, họ cũng có quyền đặt câu hỏi về lợi ích của mình. Vì thế, tôi cho rằng, để việc hỗ trợ thực chất hơn, các tổ chức tín dụng nên được khuyến khích giảm lãi cho vay thêm tùy vào sức khỏe doanh nghiệp, giá vốn mà từng doanh nghiệp đang chịu với các khoản vay, căn cứ cụ thể trên tài sản cầm cố, thế chấp, khả năng phục hồi…

Với mức lãi suất huy động tiết kiệm đang khá thấp hiện nay, các ngân hàng hoàn toàn còn dư địa để có thể giảm thêm giá vốn cho các khoản vay của cả doanh nghiệp lẫn cá nhân kinh doanh, không phân biệt vùng xanh hay đỏ. Thời hạn giảm lãi suất có thể tối thiểu là một năm. Sau đó, hai bên đánh giá lại để điều chỉnh giá vốn vay hợp lý hơn nhưng không nên cao hơn mức trước khi giảm để “tránh sốc” cho doanh nghiệp.

Ngân hàng cũng có thể xem xét giãn nợ, khoanh nợ cho các khoản vay gặp khó khăn do đại dịch, đồng thời không tăng lãi suất trả nợ quá hạn. Ngoài ra, cho vay cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp cũng là giải pháp thiện chí để chia sẻ khó khăn với khách hàng của mình.

Chúng ta ủng hộ việc tuân thủ quy luật của thị trường, các tổ chức tài chính cũng có lý do của họ khi quyết định giảm hay không giảm giá vốn cho vay mà mệnh lệnh của cơ quan quản lý cũng là một kênh tham khảo chứ không thể ép buộc.

Nhưng tôi tin họ đều biết rõ, giảm lãi suất cho vay là “nguồn nước” quý giá cho những công ty đang hấp hối và người đi vay gặp khó. Doanh nghiệp và tổ chức tín dụng như cá với nước. Nếu không có “nước” thì “cá” sống ra sao?

Vũ Hồng Thanh

Nguồn: vnexpress

Lãi suất và doanh nghiệp   Vay ngân hàng 6 tỷ đồng mở công ty, chúng tôi không hình dung hết rằng khi phải vay tiền, một tháng trôi qua rất nhanh. Tôi và vài người mở chung công ty gia công hàng may mặc để xuất khẩu năm 2010, GDP của Việt Nam 6,78%,... Xem bài viết