Mở cửa đón khách du lịch hậu covid, doanh nghiệp băn khoăn giữa ‘ngã ba đường’

Phú Quốc sắp đón khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine”, khởi đầu cho việc phục hồi ngành du lịch, đây được coi là cơ hội để doanh nghiệp thức dậy sau kỳ nghỉ đông dài.

Ngay sau khi kế hoạch đón thí điểm du khách quốc tế của Phú Quốc được phê duyệt, nhiều địa phương khác đã đánh tiếng muốn mở cửa ngành du lịch như: Quảng Nam, Bình Thuận, thậm chí là “điểm nóng” COVID-19 TP.HCM cũng đang rục rịch tổ chức thêm nhiều tour tại những “vùng xanh”. Đây được coi là tín hiệu tích cực, khởi đầu cho kế hoạch táo bạo: Mở cửa ngành du lịch Việt Nam giữa đại dịch COVID-19.

Theo các chuyên gia, “nhân vật” trung tâm không thể thiếu trong kịch bản này đó là các doanh nghiệp lữ hành và ngành phụ trợ. Nhưng không phải tất cả đều đã sẵn sàng nhập cuộc trong bối cảnh siêu khó khăn hiện nay.

Nóng lòng muốn chớp cơ hội

Đã đến lúc phải thức dậy“, đó là quan điểm của ông Trần Đạo Đức – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CEO chuyên hoạt động trong lĩnh vực Du lịch – Quản lý khách sạn, khi nghe tin ngành du lịch đang có kế hoạch mở cửa trở lại. Ông Đức cho rằng, các doanh nghiệp đã nỗ lực rất nhiều trong suốt thời gian xuất hiện dịch bệnh để duy trì hoạt động nhằm bảo đảm an sinh xã hội, công việc cho người lao động và uy tín của mình. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp gần như đều đã cạn kiệt nguồn lực và cần đến “ống thở” để duy trì sức khỏe. “Việc sớm trở lại trạng thái bình thường mới để doanh nghiệp có thể dần hồi phục và phát triển kinh tế là rất cần thiết. Ngành du lịch Việt Nam buộc phải trải qua kỳ “nghỉ đông” quá dài, đã đến lúc cần thức dậy để khôi phục lại vị thế và sức hấp dẫn của mình“, ông Đức nhấn mạnh.

Cũng chính bởi tâm lý này nên ông Đức bày tỏ sự tự tin, hứng khởi được nắm bắt cơ hội “vàng” để phục hồi sau 2 năm chống chọi với đại dịch.

Hiện tại, Tập đoàn CEO đang sở hữu 2 khách sạn 5 sao tại Phú Quốc với quy mô hơn 1.500 phòng. Chúng tôi đã chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự để sẵn sàng cho việc đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine và khách du lịch trong nước có “thẻ xanh” ngay khi được sự cho phép của chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp đã xây dựng các kịch bản trong trường hợp cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho du khách và người lao động. Mỗi khách sạn đều xây dựng các phương án, từ việc thực hiện sàng lọc, giãn cách, khử khuẩn… ngay từ khi khách đến“, ông Đức thông tin.

Mở cửa đón khách du lịch, doanh nghiệp băn khoăn giữa 'ngã ba đường' - 1

Đồng quan điểm với ông Đức, bà Hoàng Phương Thảo – Giám đốc Kinh doanh Tiếp thị Salinda Resort Phú Quốc – cũng đánh giá việc đón khách quốc tế thông qua “thẻ xanh” vaccine là cơ hội vực dậy với ngành du lịch, từ đó mang đến niềm hy vọng sớm hồi phục cho các doanh nghiệp. “Chúng tôi rất nóng lòng được chào đón du khách sớm trở lại“, bà Thảo nói. Tuy nhiên, theo bà Thảo, đi kèm với cơ hội chắc chắn là thách thức và khó khăn buộc doanh nghiệp phải lường trước để sẵn sàng ứng phó: “Doanh nghiệp cần dự phòng những tình huống có thể xảy ra, từ đó chuẩn bị kế hoạch dài hơi hơn như về ngân sách, nhân sự và kiến thức để thích ứng mọi hoàn cảnh”, bà Thảo nhận định.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Indochina Unique Tourist Co., Ltd tỏ ra lạc quan và tin tưởng đây là cơ hội để kích cầu du lịch, vượt qua khó khăn.

“Mọi thứ chúng tôi đã sẵn sàng rồi, bây giờ chỉ chờ chính quyền điều chỉnh, công bố các tiêu chí đảm bảo an toàn khi hoạt động là sẽ bắt tay vào công việc nay. Chúng tôi đã họp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam để triển khai các tiêu chí an toàn, sẵn sàng cho việc hoạt động trở lại”, ông Thủy cho biết.

Trong khi đó, Vinpearl (thuộc tập đoàn Vingroup) cũng khẳng định đã sẵn sàng đón khách đến với quần thể nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí Phú Quốc United Center nằm trên bờ biển Bãi Dài, phía bắc đảo Ngọc nhằm vừa hướng đến mục tiêu phát triển du lịch – kinh tế đồng thời đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt, an toàn cho du khách. Vinpearl dự kiến 100% nhân viên trực tiếp phục vụ du khách sẽ được tiêm vaccine 2 mũi theo lộ trình tiêm chủng của thành phố Phú Quốc. Tất cả nhân viên được tham dự khóa đào tạo đặc biệt, trong đó, nhân viên phục vụ khách trong vòng 24 giờ đầu được đào tạo chuyên sâu hơn, bao gồm cả phương án bảo hộ đúng chuẩn.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đưa ra bộ tiêu chuẩn an toàn nâng cao. Cụ thể, toàn bộ nhân viên phục vụ khách du lịch hộ chiếu vaccine đều được bố trí “3 tại chỗ”, khoanh vùng các bước sinh hoạt để đảm bảo an toàn cao nhất, theo dõi tất cả lịch trình tiếp xúc của mỗi người, kiểm tra thân nhiệt đầu và cuối ngày làm việc.

Lo “lực bất tòng tâm”

Tuy những hy vọng hồi phục đang được nhen nhóm nhưng nhiều doanh nghiệp khẳng định không quá nuôi kỳ vọng bởi khó khăn, bất cập vẫn còn. Đại diện một đơn vị lữ hành ở Hà Nội phân tích, việc tính toán chi phí phù hợp cho giá bán tour hay các dịch vụ lúc này rất khó, do thị trường đang đóng băng, không phản ánh đúng bản chất.

Ngoài ra, hình thức vận chuyển khách tới Phú Quốc là chuyến bay charter (bay thuê chuyến) cũng khiến doanh nghiệp băn khoăn vì rủi ro thua lỗ rất lớn nếu chuyến bay không thể lấp đầy khách. Các thị trường xa ví dụ như khách Mỹ sẽ chưa thể đến Phú Quốc lúc này vì chưa có chuyến bay charter còn nhiều thị trường gần với Việt Nam thì vẫn đang hạn chế người dân đi du lịch, do vậy nguy cơ chuyến bay thiếu khách rất dễ xảy ra.

Mở cửa đón khách du lịch, doanh nghiệp băn khoăn giữa 'ngã ba đường' - 2

Nếu là khách nội địa, với những quy định khác nhau của các địa phương thì sẽ rất khó vì đi du lịch là để thay đổi không khí, nghỉ dưỡng chứ không ai muốn phiền phức bởi các quy định phải cách ly sau chuyến đi.

Khách không thể từ Nghệ An, Hà Tĩnh vào Đà Nẵng du lịch rồi sau đó trở về địa phương phải thực hiện cách ly. Vì vậy, điều quan trọng nhất là sự đồng bộ trong cả nước”, ông Duẩn nói và cho biết thêm, nếu Chính phủ cho phép được đón khách nội địa là người tiêm 2 đủ mũi vaccine, những F0 đã khỏi bệnh… thì cơ hội đón khách đi du lịch sẽ cao hơn.

Ông Duẩn nêu thực tế, từ tháng 3/2020 đến nay, nhiều khách sạn ở Đà Nẵng hầu như “cửa đóng then cài” vì không có khách. Thực tế nguồn khách trong nước như hiện nay quá khó, nên chăng thành phố tính phương án triển khai việc đón công dân ở nước ngoài về có thực hiện cách ly y tế, từ đó các khách sạn hoạt động trở lại mới hy vọng có nguồn thu.

Chung nỗi lo, bà Hương, đồng sở hữu khách sạn 4 sao cho rằng, các khách sạn đóng cửa đã quá lâu, nay được hoạt động trở lại là tín hiệu vui nhưng nỗi lo cũng không ít.

Thứ nhất là nỗi lo có khách hay không vì khi hoạt động trở lại thì cả một hệ thống phải làm việc với đầy đủ nhân viên của bộ phận. Gọi nhân viên đi làm mà không có khách, không có nguồn thu thì thất bại.

Thêm nữa, rất nhiều các quy định về phòng chống dịch như tiêm vaccine, xét nghiệm… cho nhân viên theo định kỳ nên ngoài kinh phí sửa sang lại phòng ốc đây cũng là điều doanh nghiệp phải tính đến trong bối cảnh đang rất khó khăn hiện nay.

Chúng tôi sẵn sàng, nhưng đang đau đầu vì những khó khăn phía trước đặt ra là hiện hữu. Thậm chí những khó khăn ấy mình không lường trước được vì những tính toán đưa ra nhiều khi rất xa với thực tế. Ví dụ như đợt 30/4 và 1/5 vừa qua, tất cả đã lên kịch bản nhưng không thể ngờ dịch bùng phát quá nhanh, chỉ trong 1 ngày, khách hủy tour, cả hệ thống khách sạn rơi cảnh điêu đứng đến bây giờ”, bà Hương lo lắng.

Mở cửa đón khách du lịch, doanh nghiệp băn khoăn giữa 'ngã ba đường' - 4

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, những quy định về đảm bảo an toàn dịch bệnh rất dễ gây tâm lý ức chế cho du khách. “Khi khách quốc tế đến Việt Nam sẽ muốn di chuyển từ địa danh A đến địa danh B rồi đến địa danh C, thời điểm này là vẫn chưa được do mỗi địa phương đòi hỏi các yêu cầu khác nhau về phòng chống dịch bệnh; Hay như dịch vụ ăn uống, chỗ này được mở, chỗ kia không được mở…dẫn đến khách hàng không có quyền tự do di chuyển trong kỳ nghỉ của mình”, bà Lan phân tích.

Chính một số doanh nghiệp cũng thừa nhận thực tế này, khi nắm bắt được tâm lý của khách quốc tế không muốn cách ly hay chỉ ở một khu trong suốt 7 ngày, thậm chí không muốn làn xanh vì cho rằng đã tiêm chủng thì phải được tự do vui chơi tại điểm đến. “Đây chắc chắn là thách thức lớn để du lịch Việt Nam hút khách thời điểm này, khi mà không ít du khách chia sẻ rằng họ không đến Việt Nam nếu thủ tục quá phức tạp và phải cách ly“, đại diện một doanh nghiệp lữ hành tiết lộ.

Tuy nhiên, mối lo lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là đối diện với dịch bệnh. “Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là làm sao vừa hồi phục và phát triển hoạt động của doanh nghiệp vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn du khách và người lao động, thực hiện mục tiêu kép: ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh trong khi vẫn đặt yếu tố an toàn phòng chống dịch lên hàng đầu“, ông Trần Đạo Đức bày tỏ.

Doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải có khoản chi dự phòng cho an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu phát hiện khách mắc COVID-19 thì sẽ điều trị, cách ly và chi phí như thế nào vì họ không thể bay về nước? Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ thế nào nếu xuất hiện ca bệnh trở lại? Theo tôi, Chính phủ, các bộ ngành cần tính toán thật kỹ và thật chi tiết để xây dựng một quy trình chuẩn hóa, từ Trung ương đến địa phương nhằm giúp doanh nghiệp yên tâm hoạt động“, lãnh đạo một doanh nghiệp lữ hành cho biết.

Nguồn: vtc.vn

Phú Quốc sắp đón khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine”, khởi đầu cho việc phục hồi ngành du lịch, đây được coi là cơ hội để doanh nghiệp thức dậy sau kỳ nghỉ đông dài. Ngay sau khi kế hoạch đón thí điểm du khách quốc tế của Phú Quốc được phê duyệt, nhiều… Xem bài viết