Mở cửa trở lại, doanh nghiệp Hà Nội hứng khởi “bắt nhịp” sản xuất

Hà Nội đã mở cửa trở lại, cuộc sống “bình thường mới” được tiếp diễn. Vì thế, các doanh nghiệp Thủ đô đã nhanh chóng bắt tay ngay vào đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thành “sinh khí” phục hồi nền kinh tế bị đình trệ sau thời gian dài giãn cách.

1. Đốc thúc sản xuất kịp tiến độ

Là một trong những doanh nghiệp lớn của Hà Nội, 2 năm qua, Tổng công ty May 10 đã liên tục “đóng – mở” hoạt động sản xuất kinh doanh, nên chiến lược kinh doanh đã chủ động và linh hoạt hơn, đặc biệt là với những đơn hàng xuất khẩu. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 chia sẻ, Hà Nội nới lỏng các biện pháp chống dịch là điều rất đáng mừng với các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp chủ động sản xuất và lưu thông hàng hóa hơn. Sản phẩm may mặc thời trang là mặt hàng đặc thù theo mùa vụ. Trước kia, May 10 thường có kế hoạch nhận hàng và sản xuất đơn hàng từ 3-6 tháng, nhưng kể từ khi có dịch thì đã chủ động thực hiện theo tuần, thậm chí là ngày.

Mở cửa trở lại, doanh nghiệp Hà Nội hứng khởi “bắt nhịp

Với biện pháp như trên, lượng đơn hàng của May 10 vẫn ổn định. Do đó, ngay khi có thông tin Hà Nội nới lỏng giãn cách, ông Việt cho biết Công ty đã huy động người lao động làm việc thêm giờ để bù đắp lượng hàng còn thiếu hụt, kịp thời giao hàng cho đối tác đúng tiến độ.

Tương tự, đại diện Công ty Cổ phần Thương mại quốc tế Thịnh Long cho hay, doanh nghiệp đã lên mọi phương án, kể cả kịch bản xấu nhất trong thời gian giãn cách xã hội tại Hà Nội, như nhập 100% nguyên vật liệu trong nước để dự phòng hàng hóa đầu vào trước những lo ngại về đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhưng với việc mở cửa trở lại trong hơn chục ngày qua, doanh nghiệp đã đốc thúc sản xuất để trả hàng cho đối tác kịp thời, đúng tiến độ. Trước đó, để tận dụng cơ hội trong khó khăn của dịch bệnh, Công ty đã đầu tư máy móc thiết bị, chuyển sang phân khúc may khẩu trang y tế cao cấp N95, với công suất đạt khoảng 15 triệu chiếc/tháng đủ đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Hà Nội trong quý 3 của Cục Thống kê TP Hà Nội cho thấy, chỉ có 5% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 3 tốt hơn quý 2; gần 77% doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Nếu những tháng tiếp theo tình hình dịch Covid-19 được khống chế, hơn 37% doanh nghiệp dự kiến quý 4 sẽ tốt lên, nhưng cũng có trên 36% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Vì thế, việc Hà Nội mở cửa trở lại cho hoạt động của doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo sinh khí để khôi phục sản xuất, kinh doanh.

2. Mở cửa nhưng vẫn sẵn sàng “trực chiến”

Trong khi đó, xác định ngay từ đầu tinh thần sống chung với dịch, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi mô hình hoạt động từ offline sang online. Nên thời gian giãn cách xã hội vừa qua là cơ hội để thử nghiệm khách hàng và chiến lược kinh doanh. Cho nên, kể cả khi Hà Nội đã mở cửa trở lại, đại diện một chuỗi cung ứng thực phẩm tại Hà Nội cho biết kênh kinh doanh online vẫn đang làm một lợi thế có đà để tiếp tục khai thác nên sẽ chiếm 70% hoạt động chính.

Hơn nữa, xác định “sống chung với đại dịch”, ổn định sản xuất, nên các doanh nghiệp tại Hà Nội đều xác định tâm lý là “sẵn sàng trực chiến”, luôn chú trọng phòng, chống dịch tại nơi làm việc. Đặc biệt, các doanh nghiệp đều đã quan tâm, liên hệ với Thành phố để tiêm vắc xin cho người lao động. Tổng giám đốc May 10 cho hay, Công ty luôn nêu cao tinh thần mỗi người lao động là một “chiến sĩ”, doanh nghiệp lại là một “pháo đài”, không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất mà còn đóng góp vào chiến lược phòng chống dịch bệnh, khôi phục kinh tế chung của Hà Nội.

Cũng nói về vấn đề này, đại diện Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội cho biết, doanh nghiệp đã tuân thủ nghiêm quy định nhân lực tại các bộ phận gián tiếp đi làm ở mức 50%; khối bán lẻ mở cửa kinh doanh trở lại đóng cửa lúc 21 giờ hàng ngày, khách vào cửa hàng đều phải khai báo y tế bằng mã QRcode… Nhờ đó, dù là trước hay sau khi Hà Nội mở cửa trở lại, doanh nghiệp vẫn duy trì và đạt được kết quả kinh doanh khả quan.

Mặc dù đã có nhiều thuận lợi hơn nhờ Chỉ thị 22/CT-UBND về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới của UBND TP Hà Nội, nhưng các doanh nghiệp vẫn mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, do 3 tháng cuối năm là cao điểm sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp phải tăng tốc mạnh mẽ để kịp tiến độ với khách hàng đã ký, làm cơ sở cho những hợp tác tiếp theo của năm 2022. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mong chờ các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ và Hà Nội sẽ đi vào thực tiễn hiệu quả hơn.

Nguồn: haiquanonline.com.vn

Hà Nội đã mở cửa trở lại, cuộc sống “bình thường mới” được tiếp diễn. Vì thế, các doanh nghiệp Thủ đô đã nhanh chóng bắt tay ngay vào đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thành “sinh khí” phục hồi nền kinh tế bị đình trệ sau thời gian dài giãn cách…. Xem bài viết