Mưa lũ làm giao thông nhiều nơi tê liệt

Mưa lớn nhiều ngày khiến nước lũ dâng cao, nhiều tuyến giao thông ở Bình Định, Phú Yên… bị chia cắt, việc đi lại của người dân gặp khó khăn.

 

Mưa lớn suốt 4 ngày khiến nước lũ ở Bình Định lên nhanh, sáng 30/11. Huyện Tuy Phước là nơi ngập nặng nhất tỉnh. Nhiều đoạn trên tỉnh lộ 640 qua huyện này ngập sâu 0,4-1,2 m. Người dân phải sử dụng dịch vụ xe cơ giới để qua các đoạn ngập, với giá 50.000 đồng mỗi người một xe máy.

Đoàn rước dâu về nhà chú rể ở thôn Kỳ Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) phải thuê xe tải để vượt qua đoạn nước lũ chia cắt trên tỉnh lộ 640.

Tài xế vẫy tay xin nhờ một xe tải khác để kéo xe chở hàng bị chết máy trên tỉnh lộ 640, đoạn qua thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, Tuy Phước.

Thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa mênh mông nước. Hàng chục cảnh sát, bộ đội dùng cano, thuyền máy tiếp cận khu vực nguy hiểm, đưa người dân đến nơi an toàn.

Thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa mênh mông nước. Hàng chục cảnh sát, bộ đội dùng cano, thuyền máy tiếp cận khu vực nguy hiểm, đưa người dân đến nơi an toàn.

Điểm trường ở khu phố Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước ngập gần nửa mét phải ngừng dạy học. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định, mưa lũ làm 66.000 học sinh không thể đến trường.

Nhiều khu dân cư ở TP Quy Nhơn cũng bị ngập nặng do mưa lớn. Nhiều người được chính quyền di dời đến nơi an toàn.

Đến trưa 30/11, TP Quy Nhơn đã di dời 254 hộ với 683 người; Phù Cát đã di dời 36 hộ ở núi Gành, xã Cát Minh do ngọn núi này thường xuyên bị sạt lở; thị xã An Nhơn di dời 137 hộ với 278 người đến nơi an toàn.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, lũ lụt năm nay đạt đỉnh tương đương đợt lũ lịch sử năm 2016. Huyện Phù Cát bị ngập hơn 1.500 nhà, huyện Tuy Phước ngập 11.000 nhà, thị xã An Nhơn ngập gần 3.000 nhà, thị xã Hoài Nhơn ngập hơn 500 nhà, huyện An Lão ngập gần 250 nhà, Hoài Ân ngập gần 1.500 nhà, TP Quy Nhơn ngập hơn 1.300 nhà.

Thủy điện Sông Ba Hạ ở Phú Yên xả lũ chiều 30/11.

Chủ tịch UBND Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết đã thống nhất cho thuỷ điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ xả lũ, tổng lượng về hạ lưu có thể lên 9000 m3/giây. Tuy nhiên, thuỷ triều có thể đạt đỉnh lúc 19h, nên tỉnh yêu cầu hai thuỷ điện xả lũ bảo đảm lượng nước về hạ lưu phù hợp lịch thủy triều, giảm thiệt hại cho người dân ở cuối nguồn.

Ôtô bị mắc kẹt khi qua đoạn ngập ở khu phố Định Thọ, thị trấn Phú Hòa, Phú Yên.

Sáng nay, mực nước sông Kỳ Lộ, huyện Đồng Xuân, vượt báo động 3. Nhiều khu dân cư tại xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam, Xuân Quang 3 bị ngập sâu, có nơi gần nửa mét khiến một số nơi bị cô lập. Tỉnh lộ 641, 642, 647 cũng ngập, có đoạn hơn một mét. Chính quyền huyện đã sơ tán 1.900 người dân ở các điểm thấp trũng, sung yếu đến nơi an toàn.

Công an Phú Yên rào chắn một số đoạn ngập để người dân không đi lại trong mưa lũ.

Tại Gia Lai, hàng chục nhà dân và hàng trăm ha cây hoa màu của người dân thị xã Ayun bị ngập sâu trong nước. Tại phường Đoàn Kết, hơn chục 14 người bị mắc kẹt do nhà bị ngập và được chính quyền giải cứu.

Vợ chồng người Ba Na ở thị xã Ayun Pa mang áo quần, đồ đạc sang nhà hàng xóm ở nhờ.

Ngoài thị xã Ayun, mưa lớn làm nhiều nơi ở huyện Ia Pa, Phú Thiện, Đăk Pơ, K’bang… bị ngập. Trong đó, tại huyện Ia Pa, thôn Bôn Jứ (xã Ia Broăi) với hơn 1.200 người dân bị cô lập.

Đến trưa 30/11, quốc lộ 27C đoạn qua xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng vẫn tê liệt vì sạt lở. Tại hiện trường, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng đã huy động hai máy múc hoạt động hết công suất để giải phóng khối lượng đất lớn. Tuy nhiên công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn do vẫn mưa lớn. Sau khi nắm được thông tin quốc lộ này bị sạt lở, nhiều phương tiện đã lựa chọn hành trình từ Lâm Đồng đi Khánh Hòa hoặc ngược lại trên quốc lộ 27 (qua Ninh Thuận).

Miền Trung và Tây Nguyên có mưa lớn bốn ngày qua. Hôm 29/11, Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, lượng mưa đo được 200-375 mm.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng áp thấp và không khí lạnh, nhiễu động gió đông trên cao, hôm nay miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục có mưa. Lượng mưa từ 40 đến 200 mm.

Mưa lớn khả năng gây ra ngập úng, lũ quét, sạt lở đất nhiều nơi. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai và Đăk Lăk có rủi ro thiên tai cấp 2. Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Thuận, các khu vực khác ở Tây Nguyên rủi ro thiên tai cấp 1.

Nguồn: vnexpress

Mưa lớn nhiều ngày khiến nước lũ dâng cao, nhiều tuyến giao thông ở Bình Định, Phú Yên… bị chia cắt, việc đi lại của người dân gặp khó khăn.   Mưa lớn suốt 4 ngày khiến nước lũ ở Bình Định lên nhanh, sáng 30/11. Huyện Tuy Phước là nơi ngập nặng nhất tỉnh…. Xem bài viết