Những mô hình ‘3 tại chỗ’ thành công

Những mô hình ‘3 tại chỗ’ thành công

 

Bên cạnh rất nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất do không đáp ứng nổi “3 tại chỗ”, một số doanh nghiệp đã triển khai thành công mô hình này, đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn trong suốt giai đoạn căng thẳng chống dịch.

Công ty TNHH Một thành viên Cao su 75 là 1 trong những đơn vị triển khai thành công mô hình “3 tại chỗ”

ẢNH: H.MAI

Công ty nuôi tốt nên…tăng cân!

“Nói chung là tốt lắm, anh em còn trêu nhau khổ quen rồi, giờ đi ở tập trung mà lại sướng quá, không chịu được” – anh N.Tú, công nhân của Công ty TNHH Một thành viên Cao su 75 (Nhà máy Z175 thuộc xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội) hào hứng kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian hơn 1 tháng thực hiện “3 tại chỗ” theo quy định của Nhà máy.

Từ 6.9, theo quyết định mãn “lệnh” Chỉ thị 16 đối với khu vực vùng xanh của UBND TP.Hà Nội, Nhà máy Z175 đã tháo dỡ các chốt kiểm soát. Tuy nhiên, anh Tú cùng nhiều anh em công nhân vẫn tiếp tục đi làm bình thường, không cần thời gian về nhà nghỉ ngơi sau hơn 30 ngày ở tập trung tại Công ty. Theo anh Tú, ở lại thì nhớ vợ nhớ con nhưng do cơ sở vật chất, chỗ ăn, chỗ ngủ Nhà máy lo chu đáo nên anh em công nhân cũng nhanh chóng làm quen và không bị ảnh hưởng nhiều về tâm lý.

“Căn phòng khoảng 60 m2, 4 giường tầng, 8 anh em ở mà có tới 3 cái máy lạnh, 3 cái quạt trần, 8 cái bóng điện. Nhà vệ sinh thì khép kín, sạch sẽ. Có nhiều người ở nhà cũng còn chẳng sướng được như vậy. Ăn uống thì Công ty lo ngày 3 bữa đầy đủ, anh em nào làm ca 3 (ca đêm) thì được thêm bữa thứ 4. Ở 30 ngày mà còn béo lên đây” – anh Tú cười, hài hước nói.

Trường mẫu giáo được tận dụng làm khu nhà ở cho công nhân thực hiện “3 tại chỗ”

Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thành công mô hình “3 tại chỗ”, ông Phan Chiến Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cao su 75 khẳng định quan trọng nhất là cơ sở vật chất và tinh thần của người lao động. Tận dụng lợi thế có khu tập thể gia đình công nhân ngay bên ngoài khu vực sản xuất, ngay khi UBND TP Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện “3 tại chỗ” mới được tiếp tục hoạt động, ông Thắng đã làm việc với tổ dân phố và xã Xuân Sơn thành lập 3 chốt kiểm soát người di chuyển, tạo lập thành 1 vùng an toàn tương tự như mô hình vùng xanh mà sau đó được nhiều địa phương triển khai.

Với tổng số 500 công nhân viên, ban lãnh đạo Nhà máy đã linh hoạt chia thành 2 nhóm đối tượng. Trong đó, những gia đình có tất cả thành viên đều là công nhân trong nhà máy, nhà ở cũng trong khu tập thể nhà máy thì được phép về nhà nhưng hàng ngày chỉ được di chuyển từ nhà tới khu sản xuất, sinh hoạt trong phạm vi khu tập thể theo quy định giãn cách của tổ dân phố. Còn lại, những gia đình có người làm tại nơi khác, thường xuyên di chuyển thì yêu cầu người làm việc trong Nhà máy phải vào ở tập trung để tách rời, tránh nguồn lây nhiễm. Với cách làm như vậy, số lượng người lao động phải ở tập trung tiết giảm được còn 150 công nhân.

Công nhân tại Nhà máy Z175 dù áp dụng “3T” vẫn thực hiện giãn cách, chia 3 ca để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình làm việc

Đối với khu vực ở tập trung, Nhà máy Z175 tận dụng Trường mầm non trong giai đoạn các cháu nghỉ ở nhà tránh dịch. Trường vốn đã được chia phòng rộng rãi, thoáng mát, có máy lạnh, khu vệ sinh riêng từng lớp cho các cháu. Do vậy, Công ty chỉ cần cải tạo lại khu vệ sinh để phục vụ người lớn, kê giường tầng, mua chăn, chiếu cho công nhân là có thể vào ở. Ngay sát bên cạnh Trường mầm non là khu tập thể giành cho lực lượng công nhân còn độc thân, chưa có gia đình cũng được trưng dụng làm khu cách ly, kiểm soát chặt. Khu ở tập trung còn được phân cấp tổ trưởng, nhóm trưởng để giao trách nhiệm tự quản. Hàng ngày, các nhóm trưởng, tổ trưởng kiểm soát, báo cáo lịch trình của các tổ viên, ai vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của công ty.

Về phần thực phẩm, Nhà máy Z175 đã có sẵn khu nhà ăn khang trang sức chứa khoảng 200 người để phục vụ cho người lao động. Khi áp dụng thực hiện “3 tại chỗ”, khu nhà ăn đã điều chỉnh, thay đổi giờ ăn, chia ca từng bữa ăn thành 2 – 3 nhịp, thay vì dồn vào 1 khung giờ như trước, đảm bảo khoảng cách an toàn.

Người lao động thực hiện giãn cách tại khu vực nhà ăn. Mỗi bàn có tấm chắn ngăn giọt bắn và ngồi quay về 1 hướng

“Tất nhiên tổ chức sinh hoạt, ăn uống cho người lao động có vất vả hơn nhưng quan trọng là tư tưởng của người lao động. Nếu cơ sở vật chất không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của họ. Do đó, công tác chuẩn bị, tuyên truyền phải thật tốt”- ông Thắng nói và cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng đơn đặt hàng giảm nhưng Ban lãnh đạo Nhà máy vẫn đảm bảo sản xuất cho công nhân bằng cách tìm kiếm các đơn hàng mới, hoàn thiện các đơn hàng đã ký. Song song, tiết giảm các chi phí để giữ chỉ tiêu kinh doanh. Nếu trước đây lợi nhuận đưa vào các kế hoạch sửa chữa lớn về cơ sở hạ tầng, bây giờ có thể lùi sang năm sau. “Đảm bảo thu nhập của người lao động cũng là yếu tố quan trọng giúp họ an tâm hơn. Cộng với môi trường quân đội có kỷ luật, anh em công nhân cũng toàn người đã gắn bó nhiều năm với Công ty nên tâm lý cũng vững vàng, tốt hơn” – ông Phan Chiến Thắng chia sẻ.

Bữa sáng đầy đủ dưỡng chất của công nhân tại Nhà máy Z175

Thu nhập cao hơn khi thực hiện “3 tại chỗ”

Cũng là 1 trong những ví dụ điển hình về thành công thực hiện “3 tại chỗ”, Công ty CP Sợi Thiên Nam, tại Khu Công Nghiệp Thuận An, Binh Dương đã trải qua gần 2 tháng sản xuất an toàn mặc dù nằm ngay khu vực cao điểm của dịch bệnh.

Ngay từ khi tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường tại TP.HCM và có nguy cơ đe dọa đến Bình Dương, Thiên Nam đã chủ động bố trí sản xuất “3 tại chỗ” rất sớm. Để làm được việc này có hiệu quả, lãnh đạo công ty đã cùng công đoàn làm công tác tư tưởng đến toàn thể cán bộ công nhân viên. Lập danh sách công nhân viên tình nguyện “3 tại chỗ” tại công ty. Với khoảng 700 công nhân tình nguyện, công ty đã tổ chức sản xuất theo chế độ 2 ca 3 kíp. Toàn thể công nhân viên được xét nghiệm PCR trước khi vào chiến dịch và được xét nghiệm Covid- 19 nhanh mỗi tuần một lần. Tất cả công nhân viên của công ty đều đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Thiên Nam là 1 trong những doanh nghiệp triển khai rất sớm “3 tại chỗ” để đảm bảo an toàn cho người lao động

Theo ông Trần Lê Hạ, Tổng Giám Đốc Công ty CP Sợi Thiên Nam, để đảm bảo đời sống sinh hoạt hàng ngày an toàn nhất cho người lao động, doanh nghiệp đã tổ chức đội cung ứng thực phẩm theo hình thức đội vận chuyển và bếp ăn giao nhận không gặp mặt. Phòng ăn và phòng nghỉ được bố trí giãn cách nhau trên 2m. Song song, thường xuyên phun khử khuẩn tại những vị trí dễ lây nhiễm virus như nhà vệ sinh, tay cầm cửa.. 3 lần trong ngày. Công nhân được phát đầy đủ khẩu trang và trang phục bảo hộ lao động để thay đổi.

Bên cạnh đó, người lao động được cung cấp miễn phí 3 bữa ăn mỗi ngày và được bồi dưỡng thêm sữa tươi, trái cây, vitamin C hàng ngày. Ngoài ra, mỗi công nhân được phụ cấp thêm 100.000đồng/ngày, giờ tăng ca được trả lương tăng 50% so với bình thường. Do vậy, thu nhập bình quân của công nhân tham gia “3 tại chỗ” tăng lên đến 15 triệu đồng/người/tháng, trong khi không phải tốn chi phí ăn ở so với bình thường.

Khu vực nhà ăn được bố trí giãn cách

“Tuy số lượng công nhân thực hiện “3 tại chỗ” chỉ bằng 75% nhưng chúng tôi đã duy trì được sản xuất kinh doanh khoảng trên 90% so với bình thường. Cho đến nay vẫn chưa bị thủng lưới dịch bệnh (chưa phát hiện FO). Nhiều công nhân trước đây không đăng ký “3 tại chỗ” nay đã xin tham gia nhưng chúng tôi vẫn đang theo dõi, xem xét vì lo ngại họ mang mầm bệnh vào nhà máy” – ông Trần Lê Hạ chia sẻ.

Thiên Nam hiện được xem là một trong những doanh nghiệp sợi có năng suất và chất lượng điển hình nhất trong nước. Nhà máy đã kéo được các loại sợi đơn chải kỹ đến chi số 50 – 60 để dệt vải cao cấp mà trong nước hiện nay chỉ có vài đơn vị sản xuất được.

Nguồn: Thanh Niên

Những mô hình '3 tại chỗ' thành công   Bên cạnh rất nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất do không đáp ứng nổi "3 tại chỗ", một số doanh nghiệp đã triển khai thành công mô hình này, đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn trong suốt giai đoạn căng thẳng chống dịch. Công... Xem bài viết