Ông Võ Văn Thưởng: Phòng, chống tham nhũng không ngừng nghỉ

Quyết tâm chính trị của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không ngừng nghỉ trên tất cả các lĩnh vực”.

Sáng 23/11, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.

Trước ý kiến một số cử tri đề cập đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Võ Văn Thưởng nêu rõ đây là vấn đề được đặc biệt quan tâm và có yếu tố sống còn đối với vận mệnh của Đảng, Nhà nước, chế độ, với sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay.

Theo ông, quyết tâm chính trị của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn ở mức độ cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngừng nghỉ trên tất cả các lĩnh vực, kể cả lĩnh vực lập pháp, các chủ trương, chính sách trong xây dựng pháp luật. Quốc hội vừa qua đã nhấn mạnh vấn đề không được để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách; không để các bộ ngành, cơ quan trong quá trình xây dựng luật cài cắm lợi ích của tập thể, cơ quan, của nhóm vào trong các văn bản chính sách.

Sau Đại hội XIII, có cán bộ vừa được bầu vào Trung ương nhưng khi cơ quan chức năng phát hiện ra sai phạm thì các cấp có thẩm quyền đã kiên quyết xử lý; cùng với đó, nhiều tướng lĩnh cấp cao có sai phạm cũng bị xử lý nghiêm túc, tinh thần là “rõ đến đâu xử lý đến đó”.

Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri TP Đà Nẵng.
Ảnh: Nguyễn Đông

Thường trực Ban Bí thư nói những quy định của Đảng sau Đại hội XIII đều chặt chẽ, rõ ràng, tính khả thi, tính phòng ngừa rất cao. Như mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Vấn đề miễn nhiệm, từ chức đã được đề cập hơn 10 năm qua, song trong thực tế thực hiện rất ít. Tuy nhiên, sau khi Quy định số 41 ban hành tháng 11 thì cuối tháng Trung ương đã miễn nhiệm 2 cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Điều này cho thấy sự quyết liệt trong thực hiện Quy định.

Ngoài ra, Quy định 41 cũng hướng tới việc nếu cán bộ có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút thì khuyến khích từ chức; đồng thời tạo ra áp lực chính trị từ tổ chức Đảng và của cơ quan để cán bộ từ chức khi uy tín giảm sút, không chờ đến cuối nhiệm kỳ. Trung ương cũng luôn hướng tới việc xây dựng quy chế để làm sao cán bộ không dám, không thể, không cần và không muốn tham nhũng.

“Hình phạt phải đúng mức, người ta mới không dám tham nhũng. Còn với không thể tham nhũng thì cơ chế chính sách phải chặt chẽ, minh bạch; sự giám sát của người dân phải được tăng cường một cách hiệu quả để cán bộ thấy rằng làm việc gì người dân cũng biết”, ông Thưởng nói, cho biết ở mức độ cao hơn là không cần, không muốn tham nhũng thì cần có thời gian.

Ông cũng cho rằng, không hẳn cứ tăng lương là cán bộ không cần tham nhũng. Ở những nước giàu có, thu nhập rất cao vẫn xảy ra tham nhũng. “Trong thực tế khi chúng ta xử lý cán bộ, giải quyết các vụ án liên quan đến tham nhũng thì những cán bộ tham nhũng không phải do nghèo khó. Thậm chí những cán bộ đó có điều kiện sống tốt hơn nhiều người khác”, ông nói thêm.

Về phát triển kinh tế-xã hội TP Đà Nẵng, Thường trực Ban Bí thư nói Đề án xây dựng Trung tâm tài chính thành phố là một bước tiến lớn nhưng cũng còn nhiều câu hỏi về mô hình, cơ chế vận hành như thế nào…, phải được nghiên cứu kỹ lưỡng; lãnh đạo thành phố cần nỗ lực chuẩn bị và sớm báo cáo Trung ương.

Ông Thưởng nhìn nhận, quá trình phát triển của Đà Nẵng thời gian qua đạt được nhiều thành tích lớn nhưng cũng có rất nhiều thiếu sót, khuyết điểm, sai lầm. “Để khắc phục tháo gỡ các vấn đề này đòi hỏi sự kiên trì, tích cực và phối hợp giữa cơ quan Trung ương với TP Đà Nẵng thì mới giải quyết được. Đặc biệt là trong thực hiện các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và các bản án đã có hiệu lực”, ông nói.

Theo ông, nhiều vấn đề Đà Nẵng nêu lên khi giải quyết được thì không chỉ có tác dụng cho thành phố mà còn với các địa phương khác, vì những vấn đề đó không chỉ Đà Nẵng vướng mà một số tỉnh cũng đang vướng.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, thông tin về công tác phòng chống dịch, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, đến nay thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh; số ca nhiễm hàng ngày giảm so với các địa phương trong cả nước.

Tuy vậy, thành phố không lơ là, chủ quan, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các biện pháp để phòng, chống dịch; phấn đấu đến tháng 12/2021 sẽ bao phủ mũi 2 cho những người trong độ tuổi tiêm vaccine.

Ông Quảng cũng thông tin, riêng đợt dịch lần thứ 4, thành phố chi hơn 2.500 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch, trong đó hơn 1.200 tỷ cho công tác an sinh xã hội.

Cử tri Nguyễn Trí Tổng nêu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Đông

Cử tri Nguyễn Trí Tổng nêu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Đông

Trước đó, cử tri Nguyễn Trí Tổng (quận Hải Châu) nêu kiến nghị cần sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng để đưa ra các chế tài mạnh mẽ hơn.

Cử tri Đinh Văn Đào (quận Sơn Trà) cho rằng thời gian qua Trung ương đã có nhiều quan tâm, tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát triển. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết 43 về phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đang có nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là các động lực tăng trưởng.

Ông Đào nói, thành phố đã điều chỉnh quy hoạch chung nhưng đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế xử lý những khu đất liên quan đến các vụ án còn tồn đọng. “Tôi đề nghị Quốc hội giúp cho Đà Nẵng cùng với Chính phủ tháo gỡ những vấn đề còn ách tắc, nhất là các khu đất vàng để trở thành nguồn lực đầu tư phát triển”, ông nói.

Nguyễn Đông – vnexpress

Quyết tâm chính trị của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không ngừng nghỉ trên tất cả các lĩnh vực”. Sáng 23/11, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri… Xem bài viết