Phát hiện mới về mức độ nguy hiểm của biến chủng Mu kháng Vaccine

Nhóm chuyên gia tại Nhật Bản cho hay Mu có khả năng kháng vaccine, miễn dịch tự nhiên mạnh mẽ, thậm chí cao hơn so với các biến chủng đáng quan ngại hiện nay.

Theo Medical News, các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản vừa đưa ra cảnh báo mới về biến chủng Mu (B.1.6.21). Nhóm tác giả của Đại học Tokyo, Đại học Kyoto, Đại học Chiba và Tokai đăng tải công trình này trên bioRxiv và đang chờ phản biện.

Trong bài báo được công bố, nhóm chuyên gia cảnh báo biến chủng Mu có nguy cơ chống lại sự trung hòa từ huyết thanh người khỏi bệnh hoặc đã tiêm chủng vaccine Pfizer. Khả năng này của Mu được nhóm đánh giá là lớn hơn tất cả biến chủng đáng quan ngại (VOCs) hoặc đáng chú ý (VOIs) khác mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp loại.

Thậm chí, nguy cơ kháng vaccine của Mu còn vượt biến chủng Beta (B.1.351, lần đầu được phát hiện ở Nam Phi) vốn được xem là có khả năng vô hiệu hóa vaccine, miễn dịch cao nhất hiện nay.

Cảnh báo mới nhất của châu Âu về biến chủng tiềm ẩn nhiều nguy cơ Mu

Để có được kết quả này, nhóm nghiên cứu đã tạo ra các giả dạng virus nCoV (pseudovirus) chứa protein đột biến của Mu hoặc những biến chủng VOIs/VOCs khác.

Các xét nghiệm trung hòa virus cho thấy biến chủng Mu có khả năng chống lại kháng thể của 8 bệnh nhân đang điều trị Covid-19. Khả năng này cao gấp 12,4 lần so với chủng nCoV ban đầu, được phát hiện từ trong tháng 4-9/2020 (khi dịch Covid-19 bắt đầu nổ ra trên toàn cầu). Ngoài ra, biến chủng Mu có khả năng kháng huyết thanh cao hơn 7,6 lần ở 10 người được tiêm vaccine Pfizer.

Đặc biệt, khi so sánh với biến chủng Beta, các pseudovirus của Mu kháng lại huyết thanh của người khỏi Covid-19 cao hơn đáng kể. Do đó, nhóm chuyên gia đưa cảnh báo Mu có khả năng kháng lại các kháng thể tự nhiên và từ vaccine khá rõ rệt.

Các chuyên gia tại Nhật Bản cũng lý giải hiện tượng này xảy ra có thể do nhiều loại đột biến mà Mu có được. Hiện nay, Mu có 8 đột biến chủ yếu là T95I, YY144-145TSN, R346K, E484K, N501Y, D614G, P681H và D950N.

Trong số này, nhiều đột biến từng được tìm thấy ở những biến chủng đáng quan ngại như E484K (cùng xuất hiện ở biến chủng Beta, Gamma), N501Y, P681H (có trong trình tự gene của Alpha) và D950N (đột biến của Delta). Đặc biệt, E484K đã được chứng minh làm giảm độ nhạy với các kháng thể và kháng miễn dịch từ vaccine.

Biến chủng Mu xuất hiện lần đầu tiên tại Colombia vào đầu tháng 1. Ngày 30/8, WHO bổ sung Mu vào danh sách biến chủng Covid-19 cần theo dõi.

Biết gì về Mu - biến thể Covid-19 mới? | Sức khỏe | Thanh Niên

B.1.6.21 đã gây ra một số chùm ca bệnh rải rác tại Nam Mỹ và châu Âu. Tuy vậy, biến chủng này không lây lan mạnh như chủng Delta. Các nhà khoa học nhận định đây không phải là mối đe dọa lớn đối với thế giới.

WHO tiết lộ lý do khiến Mu cần phải theo dõi vì “có một vài đột biến có thể có khả năng vượt qua hệ miễn dịch, giống như hiện tượng xảy ra với biến chủng Beta” và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Hiện tại, bản tin hàng tuần của WHO cho thấy chủng này chỉ chiếm ít hơn 0,1% các trường hợp mắc Covid-19 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, “tỷ lệ mắc chủng Mu ở Colombia (39%) và Ecuador (13%) liên tục tăng cao”. Các số liệu cũng cho thấy ít nhất 48 F0 nhiễm biến chủng này ở Anh.

Nguồn: zing.vn

Nhóm chuyên gia tại Nhật Bản cho hay Mu có khả năng kháng vaccine, miễn dịch tự nhiên mạnh mẽ, thậm chí cao hơn so với các biến chủng đáng quan ngại hiện nay. Theo Medical News, các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản vừa đưa ra cảnh báo mới về biến chủng Mu (B.1.6.21). Nhóm tác… Xem bài viết