Phương án sản xuất an toàn giúp doanh nghiệp không bị đứt gãy sản xuất

Phương án sản xuất an toàn giúp doanh nghiệp không bị đứt gãy sản xuất

SKĐS – Sau khi tỉnh Bình Dương trở về trạng thái bình thường mới, nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp tại địa phương này đã lên kế hoạch cho việc khôi phục hoạt động sản xuất sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch COVID-19.

SKĐS – Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát khiến cho số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lao động diễn ra ở tất cả các ngành.

Theo quan sát của phóng viên, hiện nay, các doanh nghiệp ở Bình Dương đang hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” chuyển sang sang mô hình “3 xanh”, giải tỏa áp lực khi tập trung lao động tại nhà máy kéo dài.  Theo đó, công nhân được đi về từ nhà máy đến các khu nhà trọ xanh có tâm lý thoải mái hơn, tích cực sản xuất. Chính quyền địa phương cũng phối hợp hỗ trợ giám sát giữ vững các khu nhà trọ xanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN chuyển đổi mô hình sản xuất.

Nhiều tỉnh, thành thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động do công nhân về quê sau thời gian giãn cách.
Ảnh minh họa

Ông Châu Hoài Hiếu, quản lý Công ty TNHH DS Vina, KCN KBS (xã Đất Cuốc) chia sẻ, thời gian qua, công ty có 110 lao động làm việc “3 tại chỗ” để bảo đảm đơn hàng, 100% lao động đã được tiêm vaccine. “Hiện tại, công ty chúng tôi đang tiến hành sản xuất các mặt hàng ba lô, túi xách… sẵn sàng tung ra thị trường cuối năm. Phương án sản xuất an toàn giúp doanh nghiệp sẽ không bị đứt gãy sản xuất, bảo đảm đơn hàng và chung tay bảo vệ vùng xanh toàn huyện. Đó cũng là điều kiện để công ty tiếp tục phát triển”.

Về phương án giải quyết việc làm cho công nhân, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương – ông Lê Minh Quốc Cường cho biết, hiện số doanh nghiệp được chấp thuận đăng ký mới và điều chỉnh phương án “3 tại chỗ”  “1 cung đường, 2 điểm đến” và “3 xanh” có khoảng 1.598 doanh nghiệp với tổng số lao động 360.211 lao động. Có 382 doanh nghiệp (với số lao động 91.402) xin tạm ngưng và chưa triển khai vì có F0 trong công ty, không có nguồn nguyên liệu, đơn hàng không ổn định, người lao động không chịu ở lại làm việc,… Có 1.008 doanh nghiệp xin giảm lao động với tổng số lao động giảm là 9.926 lao động.

“Tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch nhanh chóng đưa các nhà máy trở lại hoạt động, giải quyết việc làm cho công nhân. Khi có việc làm, có thu nhập thì công nhân sẽ không về quê nữa mà sẽ tiếp tục ở lại an tâm sản xuất”, ông Cường cho biết.

Để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, từ đầu tháng 10/2021, Bình Dương đã trở về trạng thái bình thường mới. Tất cả doanh nghiệp ở địa bàn vùng xanh tổ chức hoạt động lại bình thường. Người dân, người lao động được phép di chuyển đi lại để làm việc. Theo dự báo, thời gian tới, số lượng các doanh nghiệp hoạt động trở lại rất cao. Tiếp đó, các doanh nghiệp từ hoạt động “ba tại chỗ” sẽ quay về hoạt động bình thường. Đây là cơ hội cho người lao động trong thời gian dài mất việc làm vì dịch bệnh sẽ có việc làm trở lại.

Theo ông Võ Văn Minh, tỉnh Bình Dương sẽ tạo điều kiện đi lại cho người lao động đến các nhà máy sản xuất trên nguyên tắc giữ vững an toàn. Đồng thời phối hợp với các tỉnh, thành trong khu vực thống nhất phương án lưu thông cho người lao động và sẽ sớm đưa ra phương án cụ thể. Phía cộng đồng doanh nghiệp cần sớm có phương án tái sản xuất để các ngành kiểm tra tính an toàn, từng bước mở cửa trở lại sản xuất trong tình hình mới.

Các địa phương gồm TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh và Đồng Nai dự kiến thiết lập vùng di chuyển liên thông để tạo thêm nguồn lao động trong khu vực.

Dự báo về thị trường lao động trong thời gian tới, theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, thị trường lao động tại địa phương sẽ có cầu lớn hơn cung và cần ít nhất 40.000 lao động phục vụ tái sản xuất. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, các doanh nghiệp ở Bình Dương cần tới 100.000 lao động để đáp ứng các đơn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp lễ tết. “Chúng tôi đang phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp trong việc đào tạo tay nghề khẩn cấp cho người lao động để đáp ứng yêu cầu công việc”, ông Cường cho hay. “Hiện, các doanh nghiệp trong tỉnh đang quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng, vừa cố gắng giữ chân người lao động. Nhiều doanh nghiệp khẳng định “lực lượng lao động là vốn quý nhất của DN” và xác định tiêm vaccine vẫn là biện pháp phòng dịch tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động trở lại. Ban Quản lý khu công nghiệp đang ưu tiên phối hợp với các địa phương để đón chuyên gia, người lao động quay lại làm việc; tiếp tục phối hợp để tổ chức tiêm vaccine đầy đủ cho tất cả người lao động”.

Chia sẻ về giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất trong thời gian tới, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, bao gồm: Hỗ trợ tín dụng, thực hiện các chính sách thuế – bảo hiểm xã hội, các chính sách về lao động, tiếp cận thị trường, tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo lộ trình cụ thể. Các sở, ngành sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuế đất trong năm 2021.

Đồng thời, các sở, ngành tiếp tục thống kê tình hình lao động, xử lý, giải quyết các vướng mắc về lao động trong các doanh nghiệp và có giải pháp để động viên tinh thần của người lao động; đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau giãn cách, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Nguồn: suckhoedoisong

Phương án sản xuất an toàn giúp doanh nghiệp không bị đứt gãy sản xuất SKĐS - Sau khi tỉnh Bình Dương trở về trạng thái bình thường mới, nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp tại địa phương này đã lên kế hoạch cho việc khôi phục hoạt động sản xuất sau... Xem bài viết