Tác động của đại dịch Covid – 19 tới thị trường lao động việc làm

Đại dịch Covid – 19 là cú sốc mạnh đối với thị trường kinh tế và lao động, gây ảnh hưởng trầm trọng đến nguồn cung sản xuất hàng hóa và dịch vụ, gây ra những tác động mạnh tới nhu cầu tiêu dùng và đầu tư. Tác động của cuộc khủng hoảng đã làm đứt gẫy quá trình sản xuất diễn ra trước tiên ở châu Á, sau đó lan rộng sang các chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến tình trạng việc làm trên ba khía cạnh chính: (1) Số lượng việc làm (cả thất nghiệp và thiếu việc làm); (2) Chất lượng công việc (ví dụ: tiền lương và tiếp cận an sinh xã hội); (3) Ảnh hưởng đến các nhóm cụ thể là những người dễ bị tổn thương hơn với tình trạng bất lợi của thị trường lao động

Theo cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, ước tính sơ bộ đến ngày 10 tháng 3 năm 2020, những người lao động bị nhiễm bệnh đã mất gần 30.000 tháng làm việc. Tổng thiệt hại dự kiến trong khoảng từ 860 đến 3.440 tỷ đô la Mỹ (USD) trong năm 2020. Theo ILO, ước tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2020, số giờ làm việc của quý II sẽ giảm khoảng 6,7%, tương đương với 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian (với giả định người lao động làm việc 48 giờ một tuần). Các tác động của đại dịch đều gây mức độ nghiêm trọng đối với tất cả các nhóm thu nhập, với các quốc gia có thu nhập trung bình cao, nguy cơ sẽ có mức suy giảm lớn nhất. Những khu vực có nguy cơ cao chịu tác động nghiêm trọng là các nước Ả Rập (mất 8,1% số giờ làm việc, tương đương 5 triệu người lao động toàn thời gian), châu Âu (7,8%, tức 12 triệu người lao động toàn thời gian), và châu Á  Thái Bình Dương (7,2%, tương đương 125 triệu lao động toàn thời gian)

Đại dịch Covid – 19 đã gây nên sự sụt giảm chưa từng có đối với hoạt động kinh tế và số giờ làm việc trên toàn thế giới. Trong đó, tình trạng mất việc làm và số giờ làm việc  bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Uớc tính có 1,25 tỷ lao động, chiếm 38% lực lượng lao động toàn cầu đang làm việc trong các lĩnh vực phải đối diện với sự sụt giảm trầm trọng về sản lượng, nguy cơ cao bị sa thải, bao gồm các ngành: thương mại bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống và sản xuất. Đặc biệt đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình, các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất lại có tỷ lệ cao người lao động làm các công việc phi chính thức và người lao động ít được tiếp cận với các dịch vụ y tế cũng như an sinh xã hội.

Theo ILO, các lĩnh vực được xem là có nguy cơ cao bị đình trệ là hoạt động lưu trú và ăn uống; sản xuất; bất động sản; hoạt động kinh doanh và hành chính; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa xe gắn máy và xe máy. Lao động chịu tác động lớn nhất thường là những người bị trả lương thấp và ít thuộc diện bao phủ của an sinh xã hội. Ước tính mức tăng số lượng thất nghiệp toàn cầu vào cuối năm 2020, sẽ cao hơn đáng kể so với số dự báo ban đầu 25 triệu người.

Tại Việt Nam, ước tính sơ bộ có 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc làm, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc. Hàng triệu lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là lao động giản đơn có thu nhập thấp và không thường xuyên. Trong tháng 02/2020 số người thất nghiệp trên cả nước đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 47,1 nghìn người, tăng 63,26% so với tháng 01/2020. Quý II năm 2020, lực lượng lao động của Việt Nam giảm 2,2 triệu so với quý I và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp 2,73% cao nhất trong 10 năm qua và tỷ lệ tham gia thị trường lao động giảm sâu hơn ở khu vực nông thôn và lực lượng lao động nữ. Đến hết tháng 6/2020, Việt Nam có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, bao gồm: mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, v.v. Thu nhập bình quân/tháng của người lao động là 5,2 triệu đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Những nhóm lao động dễ bị tổn thương nhất đang phải gánh chịu những tác động kinh tế nặng nề nhất của đại dịch.

Với những ước tính trên của cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động cho thấy một bức tranh tổng thể về giờ làm giảm và tình trạng thất nghiệp trầm trọng trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Đại dịch đã khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng thất nghiệp, giảm giờ làm, giảm tiền lương và rơi xuống nghèo đói. Sự tổn thất thu nhập của lao động dẫn đến sự sụt giảm các chỉ tiêu của hàng hóa và dịch vụ, tới khả năng duy trì kinh doanh liên tục của các doanh nghiệp và những khó khăn đảm bảo khả năng phục hồi cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Nguồn: vass.gov.vn

Đại dịch Covid – 19 là cú sốc mạnh đối với thị trường kinh tế và lao động, gây ảnh hưởng trầm trọng đến nguồn cung sản xuất hàng hóa và dịch vụ, gây ra những tác động mạnh tới nhu cầu tiêu dùng và đầu tư. Tác động của cuộc khủng hoảng đã làm… Xem bài viết