Tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

 

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 16-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

 

Năm 2021, dự kiến dành khoảng 118 nghìn tỷ đồng giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Kể từ thời gian đầu xảy ra dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế – xã hội trong nước, Chính phủ đã theo dõi sát diễn biến thực tế, thu thập, tổng hợp các giải pháp được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời trên cơ sở rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để kịp thời triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Bước sang năm 2021, nhận định hoạt động của doanh nghiệp, người dân vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có diễn biến còn hết sức phức tạp của dịch Covid-19 và để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cũng như ban hành theo thẩm quyền để tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ, cụ thể như: Tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021; tiếp tục thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; tiếp tục giảm mức thu 30 loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tại phiên họp sáng 16-9. Ảnh:  VPQH

 

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách nhà nước thì các giải pháp hỗ trợ chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cũng đã được triển khai thực hiện vừa qua theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, với tổng kinh phí ước tính hơn 26 nghìn tỷ đồng.

Dự kiến thực hiện các giải pháp này trong năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn dự kiến khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 3 nghìn tỷ đồng.

Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường bày tỏ nhất trí cần thiết ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 như Tờ trình của Chính phủ nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Trước đề xuất của Chính phủ là giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Thường trực Ủy ban nhất trí với nội dung tiếp thu này của Chính phủ, vì việc bổ sung thêm điều kiện này góp phần loại trừ được những doanh nghiệp có lợi thế tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh (ví dụ các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng trực tuyến, viễn thông …).

 

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung làm việc. Ảnh: VPQH

 

Mặt khác, dự thảo mới của Chính phủ đề xuất việc giảm thuế giá trị gia tăng cho một số lĩnh vực dịch vụ trong khoảng thời gian từ 1-10-2021 đến 31-12-2021. Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: Với chức năng của thuế giá trị gia tăng là đánh vào tiêu dùng, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ có tác dụng kích thích tiêu dùng đối với các loại hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế. Vì vậy, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành việc giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số lĩnh vực kinh doanh, trong đó đặc biệt là đối với các dịch vụ vận tải, kho bãi, … để kích thích tiêu dùng và giảm chi phí đầu vào cho nhiều lĩnh vực kinh doanh khác trong thời gian dịch bệnh.

Phát biểu tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, “sức chịu đựng” của doanh nghiệp thực sự đã giảm mạnh từ đợt dịch đầu năm 2020, đặc biệt là từ đợt bùng phát dịch Covid-19 vào tháng 4 vừa qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành nghị quyết nhằm hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn nặng nề của dịch bệnh. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, nhất là trong những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng của đại dịch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sử dụng cơ sở dữ liệu quản lý của ngành thuế, rà soát, xác định rõ phạm vi đối tượng, lĩnh vực ngành nghề bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh, phù hợp với tình hình thực tiễn, làm cơ sở xây dựng khung chính sách đúng mục tiêu, trúng đối tượng.

Đồng thời, khẩn trương triển khai thêm các giải pháp hỗ trợ, giảm chi phí đầu vào, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, tăng tính thanh khoản cho doanh nghiệp, xem xét khả năng thực hiện giải pháp cấp bù lãi suất hoặc có biện pháp thúc đẩy các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm hơn nữa lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân…

THẢO NGUYỄN

Nguồn: Quân đội nhân dân

Tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh   Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 16-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác... Xem bài viết