Tuân thủ pháp luật, yếu tố sống còn của tổ chức tín dụng
Các nhà băng luôn được bao phủ bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ‘trói chặt’ gấp nhiều lần các lĩnh vực khác, bởi hoạt động gắn liền với ‘rất nhiều tiền’, đi kèm đó là trách nhiệm nặng nề về dân sự, hình sự…
Bởi vậy, mối quan tâm chung lớn nhất của các lãnh đạo trong toàn hệ thống ngân hàng là tuân thủ các quy định pháp luật.

Sửa điều lệ đảm bảo tuân thủ quy định

Trao đổi với Ðầu tư Chứng khoán về lý do lùi thời gian tổ chức Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) năm 2019 đã công bố là ngày 28/3/2019 sang thời gian mới là ngày 24/4/2019, một lãnh đạo cấp cao LienVietPostBank cho biết, Ngân hàng đang hoàn thiện việc chỉnh sửa Ðiều lệ nhằm đảm bảo tuân thủ Thông tư 13/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

“Bộ phận pháp chế đang rà soát lại để sửa những điểm chưa phù hợp”, vị lãnh đạo LienVietPostBank chia sẻ.

Về vấn đề này, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết: “Về nguyên tắc, các ngân hàng phải thực hiện theo Thông tư từ ngày 1/1/2019. Nếu phát hiện ra điều lệ không phù hợp sẽ phải sửa. Nhưng sửa điều lệ là thẩm quyền của ÐHCÐ nên phải đưa ra trình trước đại hội”.

Nội dung của Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định rất nhiều lĩnh vực như kiểm soát nội bộ, tuân thủ, quản lý rủi ro, kiểm toán nội bộ… với hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019; đánh giá mức độ đủ vốn có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Thị trường chung nhận định, tác động của những quy định này sẽ làm thay đổi, định hình, điều chỉnh hoạt động kinh doanh của không ít ngân hàng trong thời gian tới.

Ví dụ khái niệm “HÐQT điều hành” có thể còn tồn tại nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ giảm đi rất nhiều và dần nhường chỗ cho khuôn khổ quản trị theo chuẩn mực quốc tế. HÐQT tập trung thực hiện đúng vai trò quản trị và chức năng giám sát cần thiết của mình, trong khi Ban điều hành thực hiện công việc hàng ngày dưới sự giám sát của HÐQT và các ủy ban giúp việc. Mức độ trưởng thành của hệ thống quản trị cũng sẽ được nâng cao hơn.

Thông tư 13 cũng đề cập đến các nguyên tắc quản lý rủi ro chính mà ngân hàng phải đối mặt. Mặc dù quản lý rủi ro tín dụng vẫn là cấu phần cơ bản và lớn nhất của các ngân hàng, những vấn đề liên quan đến quản lý rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động sẽ được chú trọng nhiều hơn trong tương lai. Do đó, xu hướng đổi mới và nâng cấp hệ thống quản lý tài sản có, tài sản nợ cũng như kiện toàn các công cụ quản trị rủi ro hoạt động là những nội dung các nhà băng buộc phải đẩy mạnh trong thời gian tới.

Thực tế, việc tuân thủ các quy định pháp luật luôn được các tổ chức tín dụng đề cao và nghiêm túc thực hiện, bởi đó là một đòi hỏi quan trọng “sống còn” hàng đầu đối với mỗi cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng. Ðặc biệt, theo Thông tư số 52/2018/TT-NHNN của NHNN ban hành ngày 31/12/2018 quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kể từ ngày 1/4/2019, việc xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có hiệu lực.

“Nội dung Thông tư 52 ghi rõ, việc xếp hạng sẽ đảm bảo phản ánh đầy đủ thực trạng hoạt động, rủi ro của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và việc tuân thủ đúng quy định của pháp luật được đánh giá cao”, vị lãnh đạo cao cấp của NHNN nói trên cho biết.

Năm 2018, NHNN ban hành 54 văn bản quy phạm pháp luật

Không chỉ các tổ chức tín dụng, mà chính cơ quan quản lý nhà nước cũng đang nỗ lực tạo hành lang pháp lý vững chắc để các tổ chức tín dụng dễ dàng hơn trong việc tuân thủ quy định pháp luật.

Ông Võ Tấn Long, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn công nghệ thông tin, Công ty Tư vấn PwC Việt Nam chia sẻ, thực tế các cơ quan quản lý, đặc biệt là NHNN đang rất chú trọng tới sự phát triển của các công ty FinTech. Theo đó, NHNN đã thành lập một ủy ban hỗ trợ các công ty FinTech với sự tham gia của nhiều lãnh đạo cao cấp trong ngành. Bản thân NHNN nhận thấy rằng, FinTech là một trong những động lực lớn để mở rộng và phổ cập dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Vì vậy, cơ quan này rất tích cực trong việc tìm hướng đi để các công ty FinTech có thể phát triển hơn.

“Cụ thể, hiện nay, NHNN đang xây dựng dự thảo cho quy định về ngân hàng đại lý (agent banking) và định danh khách hàng qua các phương tiện điện tử (e-KYC). Hai quy định này nếu được thông qua sẽ mở ra một sân chơi mới cho các công ty FinTech tham gia trực tiếp cung cấp các dịch vụ tài chính cho đông đảo người dân ở Việt Nam”, ông Long nói.

Cũng theo ông Long, bảo mật và an toàn tài chính là mối quan tâm hàng đầu của các công ty FinTech. Vì vậy, NHNN đang có nhiều nỗ lực trong việc nới dần những chính sách liên quan tới quản lý về an toàn, an ninh thông tin. Qua đó, có sự cân đối giữa việc mở cửa, hỗ trợ các FinTech phát triển, đồng thời kiểm soát những thông tin tài chính trên không gian mạng và không gian số. Các công ty FinTech được yêu cầu có sự hợp tác nhất định với ngân hàng trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tài chính, hỗ trợ việc nâng cao an toàn, bảo mật thông tin cho khách hàng.

Trong khi đó, ngân hàng, với tư cách là một doanh nghiệp, có đầy đủ các quyền tự chủ kinh doanh đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, các nhà băng còn được bao phủ bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật “trói chặt” gấp nhiều lần các lĩnh vực khác, bởi hoạt động luôn gắn liền với “rất nhiều tiền”, đi kèm đó là trách nhiệm nặng nề về dân sự, hành chính và hình sự.

“Mua bán hàng cấm với giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng chỉ bị phạt đến 100 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NÐ-CP. Nhưng chỉ cần mua bán vài USD hay vài chỉ vàng miếng đã có thể bị xử phạt 250 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 94/2015/NÐ-CP”, Luật sư Trương Thanh Ðức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO nói.

Cũng theo ông Ðức, ngoài việc phải nắm chắc hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp hoạt động, ngân hàng còn phải nắm bắt và chấp hành (hay ít nhất cũng đòi hỏi khách hàng phải tuân thủ) hàng nghìn văn bản thuộc mọi lĩnh vực khác nhau, từ chăn nuôi, trồng trọt, thực phẩm, thương mại, cho đến xây dựng, công nghệ, y tế, giáo dục, môi trường…

“Trách nhiệm tuân thủ hệ thống pháp luật liên quan gián tiếp đến ngân hàng, trước tiên là của khách hàng, nhưng nếu ngân hàng bỏ ngỏ, thì rủi ro pháp lý có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và nguy cơ nợ xấu, mất lãi, mất vốn vay là rất lớn. Ðặc biệt, thực tế nhiều năm qua, cứ xảy ra mất tiền tỷ là kiểu gì cán bộ ngân hàng cũng có nguy cơ trở thành tội phạm”, ông Ðức chia sẻ.

Ðược biết, tính từ năm 2011 đến nay, năm 2014 là năm văn bản quy phạm pháp luật được NHNN ban hành nhiều nhất với 61 văn bản và tiếp theo là năm 2018 vừa qua, khi cơ quan này ban hành 54 văn bản quy phạm pháp luật.

Nguồn: antt.vn

Các nhà băng luôn được bao phủ bởi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ‘trói chặt’ gấp nhiều lần các lĩnh vực khác, bởi hoạt động gắn liền với ‘rất nhiều tiền’, đi kèm đó là trách nhiệm nặng nề về dân sự, hình sự… Bởi vậy, mối quan tâm chung lớn nhất… Xem bài viết