Vừa chống dịch, vừa hoàn thành trọng trách được giao

Vừa chống dịch, vừa hoàn thành trọng trách được giao

Xe buýt Transerco đón công dân từ sân bay Nội Bài về nội thành

TP – Các tháng đầu năm nay được xác định là khó khăn nhất với vận tải hành khách do ảnh hưởng dịch COVID-19. Với xe buýt Hà Nội từ đầu năm đến nay, đã 2 lần phải cắt giảm hoặc dừng hoạt động vì thành phố thực hiện giãn cách. Tuy nhiên với vai trò là đơn vị “đầu tàu”, Tổng Cty Vận tải Hà Nội (Transerco) vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa hoàn thành các trọng trách được giao.

Phấn đấu đạt “mục tiêu kép”

Theo Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Thanh Nam, những tháng đầu năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp trên diện rộng. Riêng xe buýt từ đầu năm đến nay đã phải cắt giảm, thậm chí dừng hoạt động đến 2 lần. Cụ thể, lần một, dịch bùng phát trở lại từ cuối tháng 1, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của thành phố, xe buýt phải thực hiện một loạt các điều chỉnh dịch vụ, trong đó có việc xe phải thực hiện giãn cách không được chở quá 50% sức chứa và không quá 20 người trên xe trong vòng 31 ngày; lần hai là từ cuối tháng 4 đến nay, thậm chí từ 24/7, xe buýt đã phải dừng chạy hoàn toàn khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch.

Do ảnh hưởng của đợt dịch bùng phát đang diễn ra, cùng với những khó khăn vẫn còn đang tiếp diễn kể từ khi bùng phát dịch bệnh vào năm ngoái, các lĩnh vực hoạt động chủ yếu như xe buýt, bến xe, điểm đỗ xe, vận tải kinh doanh du lịch, hợp đồng… tiếp tục sụt giảm, thậm chí hoạt động du lịch, xe buýt 2 tầng dừng hoạt động. Sản lượng vé lượt xe buýt giảm gần 60% so với hồ sơ thầu, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng chuyến lượt cắt giảm 15% từ ngày 8/6 đến ngày 30/6; doanh thu bán vé giảm gần 200 tỷ đồng. Một số lĩnh vực khác giảm 20-30% so với kế hoạch, giảm 15-20% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 30-40% so với cùng kỳ năm 2019.

Phó Tổng giám đốc Transerco Nguyễn Thủy trao quà hỗ trợ lái, phụ xe buýt

Ngay khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, Ban Quản lý điều hành đã chủ động dự báo đúng tình hình, chỉ đạo tổ chức, điều hành sản xuất kinh doanh theo các kịch bản bám sát diễn biến thực tế, dự phòng nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh trong trường hợp khó khăn kéo dài. Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm, chỉ tính riêng trên lĩnh vực xe buýt, Transerco đã tham gia đấu thầu, đưa vào khai thác thêm 07 tuyến buýt với 75 xe buýt mới; rà soát, đề xuất điều chỉnh biểu đồ hoạt động 9/20 tuyến nhằm tăng kết nối giữa các tuyến ngoại thành, nội thành, hợp lý hóa năng lực phục vụ; khắc phục các bất cập về hạ tầng tại 33/76 điểm dừng đỗ; xây dựng phương án kết nối, trung chuyển, giải tỏa hành khách giờ cao điểm khi tuyến đường sắt 2A đi vào vận hành.

Đưa, đón an toàn hàng nghìn công dân cách ly

Khi dịch COVID bùng phát trên diện rộng, Hà Nội và các tỉnh thành lần lượt phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, tất cả xe cá nhân đến xe chở khách dịch vụ được yêu cầu không ra đường. Tuy nhiên, công dân từ các tỉnh thành về Hà Nội và công dân thuộc diện phải cách ly trên địa bàn Hà Nội có nhu cầu di chuyển rất cao, do vậy xe buýt là phương tiện duy nhất được UBND thành phố Hà Nội huy động để đưa đón công dân trong suốt thời gian dịch bùng phát vừa qua.

Cụ thể, khi dịch bùng phát tại tỉnh Bắc Giang, có rất nhiều công dân Hà Nội đang công tác, làm việc tại đây cần trở lại Hà Nội trong thời gian tỉnh Bắc Giang ngừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Chỉ thị 16. Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký văn bản số 144 yêu cầu các sở ngành, trong đó huy động xe buýt để lên vùng “tâm dịch” Bắc Giang đón công dân Hà Nội trở về. Sau khi nhận lệnh, hàng chục xe buýt của Transerco đã phân làm nhiều đợt đón toàn bộ 300 công dân từ Bắc Giang về Hà Nội an toàn.

Đoàn xe buýt vào tâm dịch Bắc Giang đón công dân Hà Nội đưa về các địa phương

Tiếp đến khi TP HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, có hơn 400 công dân từ TPHCM về Hà Nội qua sân bay Nội Bài. Để thực hiện cách ly những người từ vùng dịch trở về theo quy định, thành phố Hà Nội đã huy động xe buýt của Transerco đón công dân về các khu như KTX sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp (Hoàng Mai); khu nhà ở sinh viên Đại học FPT (Thạch Thất); Khu nhà ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Gia Lâm)…

Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm HPTC Quản lý Giao thông công cộng cho biết, trong đợt COVID-19 bùng phát lần thứ 4, tính đến 15/8, đại diện UBND thành phố đã phối hợp với Tổng Cty Vận tải huy động 224 lượt xe buýt, đưa đón hơn 3.600 công dân di chuyển an toàn.

Chia sẻ khó khăn “mùa dịch” với người lao động

Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, dẫn đến hàng nghìn lao động trong đó có lái, phụ xe buýt đã phải nghỉ việc không lương. Để hỗ trợ khó khăn cho lao động, thời gian qua Transerco đã triển khai hàng loạt biện pháp.

Ông Vũ Hữu Tuyến, Thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công đoàn Transerco cho biết, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài từ nên từ đầu năm đến nay khiến xe buýt tại đơn vị từ hạn chế hoạt động 50% công suất, từ 24/7 đến nay thì dừng hoạt động 100% để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị của thành phố. “Điều này cũng đồng nghĩa với việc các xí nghiệp xe buýt thành viên phải triển khai thủ tục tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, trong đó có lái, phụ xe, tổng cộng trên 6.500 người”, ông Tuyến thông tin.

Từ thực tế này, để người lao động sớm được hỗ trợ theo các chính sách theo quy định của nhà nước, Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Thanh Nam đã ký văn bản số 842 gửi Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội các quận huyện trên địa bàn thành phố – nơi các đơn vị thành viên trực thuộc Tổng Cty đóng trên trên địa bàn quan tâm, tạo điều kiện tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chính sách hỗ trợ cho người lao động.

Cùng với đó, để hỗ trợ một phần khó khăn khi lao động xe buýt phải tạm nghỉ việc không lương, Công đoàn Transerco đã phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố huy động được hàng nghìn suất quà, mục đích để tặng cho một số người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn.

Là gia đình cả 2 vợ chồng cùng làm việc trên lĩnh vực xe buýt, trong đợt dịch này cả hai vợ chồng anh Vũ Ngọc Thủy – Nhân viên Xí nghiệp xe buýt nhanh Hà Nội thuộc Transerco đều phải tạm nghỉ việc hơn tháng nay.

Anh Thủy cho biết, nguồn thu chính của gia đình để phục vụ sinh hoạt, nuôi con và chi phí nhà cửa đều trông chờ vào lương hàng tháng của hai vợ chồng, nhưng nay khi xe buýt dừng chạy, cả tháng nay vợ chồng anh không có thu nhập. Từ thực tế khó khăn này, anh Thủy có nguyện vọng: cùng với sự chủ động hỗ trợ của Xí nghiệp, Tổng Cty, anh mong các sở ngành, thành phố Hà Nội kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc khi dịch COVID-19 diễn ra theo quy định của Chính phủ.

Trọng Đảng

Nguồn:Tiền Phong

Vừa chống dịch, vừa hoàn thành trọng trách được giao Xe buýt Transerco đón công dân từ sân bay Nội Bài về nội thành TP - Các tháng đầu năm nay được xác định là khó khăn nhất với vận tải hành khách do ảnh hưởng dịch COVID-19. Với xe buýt Hà Nội từ đầu... Xem bài viết