Chiến lược cạnh tranh nào trong bối cảnh thị trường may mặc phụ liệu cầu thiếu và nhiều biến động?

Năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng may mặc Việt Nam tăng trưởng trở lại sau dịch năm 2021, với tổng mức bán lẻ 11 tháng 2022 tăng trưởng gần 22% so với cùng kỳ 2021, tuy có tình trạng lạm phát cao. Theo ước tính, giá cả các mặt hàng may mặc bán lẻ tăng từ mức 5-10% tùy mặt hàng, do giá NPL đầu vào tăng 10-15%. Lạm phát cao khiến cơ cấu các mặt hàng cũng có sự thay đổi nhất định, người tiêu dùng tập trung vào các mặt hàng giá trung bình thấp tới trung bình khá, còn các mặt hàng xa xỉ, cao cấp ít được quan tâm hơn do việc cắt giảm chi tiêu dùng tại các hộ gia đình.

Theo Tổng cục Thống kê, tính tổng 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5180 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,9% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,8%). Trong đó, mức tăng chủ yếu ở nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, phương tiện đi lại (tăng trưởng 2 con số). Tổng cục Thống kê nhận định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2022 tăng 14,9% so với 11 tháng năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2022 chỉ đạt 82,5% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.

Tính từ tháng 4/2022 đến nay, ngành bán lẻ đã lấy lại được sức hồi phục sau đại dịch với nhu cầu người tiêu dùng phục hồi cùng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ mức 10% xuống 8%.

Về kênh phân phối, sau khi người tiêu dùng đã dần quen với việc mua sắm hàng online trong đại dịch thì giờ đây, thời kỳ hậu Covid, nhất là tại các thành phố lớn người tiêu dùng bắt đầu quay trở lại các kênh mua sắm truyền thống. Hiện tại mô hình bán lẻ đa kênh đang là xu hướng được nhiều hãng thời trang bán lẻ theo đuổi. Bán lẻ đa kênh là cách thức kết nối tất cả các kênh bán hàng online và offline thành một chuỗi khép kín. Khách hàng tiếp cận đến bất cứ kênh bán hàng nào cũng có trải nghiệm đồng nhất từ chương trình khuyến mãi, quyền lợi thành viên, hàng hóa đến giá cả. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu TMX, chiến lược đa kênh đang được các doanh nghiệp Việt Nam xem như một phương thức xây dựng nền móng vững chắc để phát triển trong tương lai. Có đến 76% tại Việt Nam (tỉ lệ của toàn khu vực châu Á là 46%) xem việc đầu tư vào mô hình bán hàng đa kênh là ưu tiên hàng đầu trong 3 đến 5 năm tới.

Với kênh mua sắm online, ngoài nền tảng facebook, nhiều doanh nghiệp bán lẻ lấn sân sang Tiktok và đẩy mạnh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn. Xu thế tiếp cận của các hãng thiên về thuê idol, người mẫu KOL trong quảng cáo nhãn hàng tiếp tục gia tăng. Theo Virac GSO, khách hàng độ tuổi trẻ 25-34 là nhóm khách hàng tập trung nhiều nhất vào các mặt hàng thời trang nhanh và mua sắm online so với các nhóm khách hàng khác.

Hướng tới 2023, khi cầu thị trường “èo uột” cùng niềm tin tiêu dùng giảm sút, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ hàng may mặc cần có chiến lược cụ thể nhằm trụ vững trong giai đoạn khó khăn, hạn chế đầu tư, mở rộng. Nếu định hướng đầu tư vào mảng gì là chủ đạo, ví dụ như thương mại điện tử thì đây là thời điểm vàng để chuẩn bị cơ sở vật chất, con người chuẩn bị đến khi thị trường nóng lại. Thêm vào đó, cần tìm ra cho mình một mảng thị trường ngách phù hợp, nghiên cứu lại hành vi mua hàng và tập trung gia tăng trải nghiệm khách hàng để nâng cao vị thế cạnh tranh. Thông thường, một doanh nghiệp xây dựng lợi thế cạnh tranh của mình hoặc theo hướng cạnh tranh về giá hoặc theo hướng khác biệt hóa sản phẩm/dịch vụ.

Đầu tiên, việc định hình rõ ràng được nhóm khách hàng mục tiêu là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp bán lẻ hàng thời trang đáp ứng sát hơn với nhu cầu người dùng. Sau đó, cần tập trung nghiên cứu kỹ vào giải pháp giá trị cho khách hàng: cần xác định rõ khách hàng muốn gì, vấn đề băn khoăn của khách ở đâu, điều gì tạo nên cảm xúc cho khách hàng, điều gì khích lệ khách hàng mua hàng? Nhìn chung, mỗi doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ “chân dung” của nhóm khách hàng của mình và truyền tải được các giải pháp giá trị của sản phẩm/thương hiệu dành cho nhóm khách hàng mục tiêu. Mỗi một nhóm khách hàng mục tiêu sẽ cần cách tiếp cận và thông điệp truyền tải khác nhau.

Hiện tại đối với ngành bán lẻ hàng may mặc, người tiêu dùng khi có nhu cầu sẽ đứng giữa rất nhiều lựa chọn về sản phẩm và nhà cung cấp. Khi đó, quyết định mua đa phần dựa trên nguyên tắc: khách hàng chỉ mua khi giá trị nhận được từ sản phẩm/dịch vụ đó xứng đáng với số tiền phải bỏ ra. Cùng với đó, để tránh đối thủ cạnh tranh sao chép giải pháp, doanh nghiệp cần đưa ra các giá trị gia tăng liên tục cho khách hàng để sao cho giải pháp của doanh nghiệp đó biến thành lợi thế cạnh tranh độc đáo, thành bản sắc doanh nghiệp, biến nhóm khách hàng mục tiêu thành khách hàng thân thiết.

Cùng với đó, thông điệp truyền thông cho từng nhóm khách hàng khác nhau là khác nhau. Câu chuyện về quảng cáo cũng cần trung thực và sát với giá trị sản phẩm vì nếu quảng cáo 10 trong khi giá trị sản phẩm chỉ có 1 thì sẽ không tạo được sự tin tưởng đối với khách hàng, và về lâu dài không thể xây dựng thương hiệu một cách bền vững. Cần gắn sản phẩm, thông điệp truyền thông với giá trị cốt lõi, tốt nhất là gắn liền với sứ mệnh và tầm nhìn của công ty.

 

Năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng may mặc Việt Nam tăng trưởng trở lại sau dịch năm 2021, với tổng mức bán lẻ 11 tháng 2022 tăng trưởng gần 22% so với cùng kỳ 2021, tuy có tình trạng lạm phát cao. Theo ước tính, giá cả các mặt hàng may mặc bán lẻ… Xem bài viết