Khuyến nghị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ngành Thiết bị điện công nghiệp

Đối với Nhà nước

Cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp nói chung và ngành sản xuất thiết bị điện công nghiệp nói riêng cần được xây dựng theo hướng tạo điều kiện hỗ trợ tối đa và thuận lợi cho doanh nghiệp.

a. Về thu hút đầu tư:

Cần đổi mới chính sách thu hút FDI theo hướng tăng chế tài chuyển giao công nghệ từ các FIE cho các doanh nghiệp trong nước, đặt tiêu chuẩn nhằm đáp ứng các yêu cầu về tiêu hao năng lượng, môi trường và an ninh quốc gia của các dự án đầu tư. Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư tài chính, chất xám vào sản xuất các phụ tùng thay thế cho các phụ tùng, linh kiện còn phải nhập ngoại của các nhà máy đã đi vào hoạt động hay đang có kế hoạch đầu tư.

b. Về nguồn nhân lực:

Cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo nhân lực, đồng thời theo đó kết hợp đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.  Xây dựng và nâng cao hiệu quả, mức độ lan tỏa của các chương trình đào tạo phối hợp giữa công ty có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước. Khuyến khích thuê chuyên gia nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho các dự án sản xuất sản phẩm mới.

c. Về khoa học, công nghệ:

– Cần đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học – công nghệ, theo đó, đặc biệt quan tâm đến phát triển những mô hình về tổ chức trung gian, bởi mô hình này sẽ tạo nên cơ hội để nhà đầu tư tìm kiếm được các sáng chế, kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa trong mọi lĩnh vực để ứng dụng phục vụ cho mục đích phát triển. Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất và áp dụng mô hình quản lý sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

d. Về liên kết phát triển:

– Cần xây dựng các chương trình kết nối các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước thông qua việc tiếp tục nâng cao hiệu quả các chương trình kết nối như triển lãm, hội chợ, tổ chức các đoàn doanh nghiệp,…  qua đó, tạo được mạng lưới, hợp tác và liên kết kinh doanh, tập trung hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

e. Về tạo dựng năng lực cạnh tranh:

Cần tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh và tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện các chương trình chuyển giao công nghệ, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực và phát triển thị trường.

Đối với doanh nghiệp

a. Xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp, qua đó cần đánh giá được thực trạng phát triển, phân tích các nhân tố ảnh hưởng, xác định tầm nhìn và các chiến lược thành phần như chiến lược sản phẩm; lựa chọn sản phẩm gì trong danh mục sản phẩm của doanh nghiệp thiết bị điện công nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường của từng quốc gia. Trong chiến lược cần có những kế hoạch cụ thể về cấp độ chất lượng sản phẩm phải đạt được sau một thời gian nhất định. Chiến lược về thị trường, cần nghiên cứu rõ qui mô của từng thị trường, những đặc tính, quy định và các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật… đối với mặt hàng mà doanh nghiệp sẽ xuất khẩu sang thị trường đó. Từng bước tiến hành xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm tại nước ngoài để chủ động điều phối hàng hóa tại các thị trường lớn. Xây dựng mối quan hệ liên kết, hợp tác kinh doanh với nhà phân phối lớn, các hệ thống phân phối đại chúng ở mỗi thị trường.

b. Tập trung và đẩy mạnh liên doanh, liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ, từng bước hình thành các cụm liên kết ngành, trong đó cần có sự hợp tác của nhiều bên, đặc biệt là sự tham gia của chính quyền địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp.

c. Tham gia vào các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để tận dụng sự hỗ trợ, cùng nhau kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, ngoài ra, sẽ tận dụng được các cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp trong hiệp hội, học hỏi kinh nghiệm trong kinh doanh, trong quản lý.

d. Tăng cường liên kết, hợp tác theo chiều dọc lẫn chiều ngang giữa các doanh nghiệp để tận dụng nguồn lực của nhau và những ưu thế sẵn có của doanh nghiệp về nguồn vốn, quan hệ các đối tác trong và ngoài nước, kinh nghiệm quản lý điều hành.

e. Chú trọng đổi mới và hiện đại hóa công nghệ để tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, mặc dù đổi mới và hiện đại hóa công nghệ không phải dễ dàng đối với các doanh nghiệp bởi hầu hết các doanh nghiệp trong ngành có qui mô nhỏ và vừa nên thường không đủ vốn để đầu tư, hơn nữa một số doanh nghiệp thiết bị điện công nghiệp vẫn chưa thể đánh giá được tính hiệu quả của đầu tư, do đó không dám mạo hiểm. Tuy vậy, muốn hay không thì các doanh nghiệp cũng phải có lộ trình đổi mới, hiện đại hóa công nghệ để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng.

f. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, áp dụng tiêu chuẩn ISO và các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hệ thống này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Trong giai đoạn hội nhập việc quản lý và sản xuất theo một tiêu chuẩn quốc tế phù hợp cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tạo được thương hiệu nhất định, tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước cũng như sự đánh giá tốt của đoi tác cũng như khách hàng.

Đối với Nhà nước Cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp nói chung và ngành sản xuất thiết bị điện công nghiệp nói riêng cần được xây dựng theo hướng tạo điều kiện hỗ trợ tối đa và thuận lợi cho doanh nghiệp. a. Về thu hút đầu tư: Cần đổi mới chính sách thu… Xem bài viết