Kiến nghị 2 – 3 năm sau nghỉ việc mới được rút bảo hiểm một lần

Bảo hiểm xã hội TPHCM kiến nghị điều chỉnh điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần là phải có thời gian nghỉ việc, không đóng bảo hiểm xã hội 2 – 3 năm, thay vì quy định một năm đang áp dụng.

Ngày 9/12, trao đổi với PV Dân trí, Giám đốc BHXH TPHCM Phan Văn Mến cho biết, đơn vị đã có đề xuất gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố về góp ý điều chỉnh Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết 93 về chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Theo đó, BHXH thành phố kiến nghị kéo dài thời gian quy định để người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần lên 2 – 3 năm (tùy trường hợp). Cụ thể, nếu muốn rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động phải có thời gian nghỉ việc, không tham gia bảo hiểm xã hội 2 – 3 năm. Việc này giúp người lao động có động lực tìm việc mới hoặc có phương án tài chính thay thế để không quá trông chờ vào tiền bảo hiểm.

Ông Mến cho rằng, xu hướng “rút bảo hiểm một lần” ở TPHCM tăng nhanh trong thời gian qua. Năm 2015 chỉ 75.000 nhưng đến năm 2020 đã lên hơn 111.000 người. Trong 11 tháng đầu năm 2021 đã có hơn 95.000 người nhận trợ cấp một lần với số tiền hơn 6.000 tỷ đồng. Độ tuổi nhận cũng trẻ hóa, năm 2015 trung bình là 39,9 tuổi thì năm 2020 chỉ còn 35.4 tuổi.

Kiến nghị 2 - 3 năm sau nghỉ việc mới được rút bảo hiểm một lần - 1

Chia sẻ thêm về vấn đề trên, Phó Giám đốc BHXH TPHCM Trần Dũng Hà cho biết: “Hồ sơ rút bảo hiểm xã hội liên tục tăng nhanh. Trong thời gian giãn cách xã hội vào tháng 7, 8, 9, BHXH TPHCM giải quyết hơn 14.000 hồ sơ rút bảo hiểm một lần, bình quân mỗi tháng 4.700 hồ sơ. Tháng 10, có hơn 9.000 hồ sơ được giải quyết, tháng 11, có hơn 12.000 hồ sơ, tăng hơn 4.000 hồ sơ so với cùng kỳ” .

Ông Hà cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Đầu tiên, do thành phố giãn cách dài ngày khiến việc đi lại nộp hồ sơ khó khăn nên vừa hết giãn cách lượng người nộp hồ sơ tăng nhanh.

Tiếp đó, do ảnh hưởng Covid-19 khiến nguồn thu nhập của người lao động giảm sút và người lao động còn thói quen sau khi nghỉ việc một năm là hưởng bảo hiểm một lần và coi đây là nguồn thu nhập sau khi nghỉ việc. Họ rút bảo hiểm một lần để làm kinh phí trang trải cuộc sống

“Mục tiêu của BHXH là khi người lao động hết tuổi lao động thì sẽ được hưởng lương hưu, có nguồn thu nhập ổn định khi về già, không phải để giải quyết chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần. Chính vì vậy, người chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ có rất nhiều thiệt thòi so với người hưởng lương hưu”, ông Hà khẳng định.

Cụ thể: số tiền nhận sẽ thấp hơn so với người hưởng lương hưu. Ví dụ, cùng một mức đóng, cùng một thời gian tham gia, điều kiện giống nhau… thì người chọn hưởng lương hưu sau khoảng 6 năm đối với nam và hơn 5 năm đối với nữ sẽ nhận số tiền bằng với người hưởng một lần.

“Người hưởng lương hưu được nhà nước điều chỉnh về tiền lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Khi hết tuổi lao động, khi về già, sức khỏe giảm sút nhanh, chi phí điều trị rất lớn, nếu không có thẻ bảo hiểm thì chi phí bỏ ra khá nhiều. Mặt khác, nếu khi về già không có lương hưu, không có tiền thì rất dễ mặc cảm, tự ti. Ngoài ra, người hưởng lương hưu khi chết thì người thân được hưởng chi phí mai táng và các khoản trợ cấp tuất hàng tháng hoặc một lần”, Phó Giám đốc BHXH TPHCM chia sẻ thêm.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 60 và Khoản 1 Điều 77 Luật BHXH năm 2014, người lao động được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ thời gian đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;

b) Ra nước ngoài để định cư;

c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

d) Trường hợp người lao động sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí, khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu hàng tháng.

Ngoài ra tại Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/NQ-QH13 quy định trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Cuối tháng 3/2015, hàng chục nghìn công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) đã ngừng việc nhiều ngày phản đối Điều 60, yêu cầu được hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau một năm nghỉ việc. Chiều 22/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 93 với tỷ lệ tán thành trên 81%.

Trong 5 năm từ thời điểm Luật bảo hiểm xã hội hiệu lực (1/1/2016), hơn 3,7 triệu người chọn hưởng chính sách này thay vì chờ lương hưu.

Nguồn: dantri.com.vn

Bảo hiểm xã hội TPHCM kiến nghị điều chỉnh điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần là phải có thời gian nghỉ việc, không đóng bảo hiểm xã hội 2 – 3 năm, thay vì quy định một năm đang áp dụng. Ngày 9/12, trao đổi với PV Dân trí, Giám đốc BHXH TPHCM… Xem bài viết