Những đôi giày làm từ rác thải nhựa có cứu được môi trường?

Những đôi giày làm từ rác thải nhựa có cứu được môi trường?

“Cuộc chiến rác thải nhựa” chỉ mới được bắt đầu và hồi kết là một ẩn số không ai biết trước được. Bên cạnh hoạt động của những tổ chức bảo vệ môi trường trên toàn thế giới, “tiếng nói” từ các thương hiệu cũng đã được cất lên trong nỗ lực góp phần làm sạch đại dương Năm 2015, Adidas đã khiến cho thế giới một phen “wow” với quyết định giày thể thao từ rác thải nhựa.

Khi giới mộ điệu vẫn đang “bán tín bán nghi” về lời hứa hẹn này thì ngay lập tức Adidas công bố kế hoạch hợp tác cùng tổ chức môi trường “Parley for Oceans” cho việc sản xuất những “đôi giày nhựa thải”. Để chế tác mẫu giày này, phía nhà sản xuất sẽ thu nhặt những chai nhựa và nilon trên biển rồi hô biến chúng thành các cuộn sợi nhựa tái chế.

Được xem như một bước tiến thế kỉ, những sản phẩm phối hợp giữa Adidas và Parley mang đến chút gì đó gọi là hy vọng cho một tương lai xanh và sạch hơn. Nhữngmẫu giày chạy adidas UltraBOOST 3.0 x Parley được đưa lên kệ năm 2017, sau đó là UltraBOOST 4.0 x Parley phát hành năm 2018 và gần đây là Alphabounce.

Adidas tính toán mỗi đôi giày UltraBOOST x Parley đã ngăn chặn được 11 chai nhựa thải ra môi trường biển. Theo thống kê National Geographic, hiện có đến 6 tỷ tấn rác thải nhựa trên toàn thế giới, nên các hãng thời trang hoàn toàn không phải lo về nguồn nguyên liệu đầu vào. Không giống như mục tiêu ban đầu, “giày nhựa thải” được làm ra để bảo vệ môi trường, một chiến dịch ghi điểm với khách hàng từ hãng giày triệu đô, giờ đây, những đôi giày này đã thành dòng sản phẩm thương mại được săn đón của adidas. Thiết kế bắt mắt cùng ý nghĩa mà dòng sản phẩm này đang có đã bắt được thị hiếu của khách hàng ngay thời điểm mà mọi người đang tích cực sống xanh. Trước những chào đón nồng nhiệt của khách hàng, adidas có thêm động lực để tiếp tục cuộc chiến chưa có hồi kết này. Hãng tự đặt cho mình KPI sản xuất thêm 11 triệu đôi giày tái chế từu rác nhựa trong năm 2019 này.

Sau những thành công liên tiếp của hãng, adidas lại đưa ra thông báo hợp tác với nhà mốt Stella McCartney để tiếp tục làm hài lòng người hâm mộ với dòng thời trang thể thao thân thiện môi trường, song cũng không kém phần thẩm mỹ.

Không riêng gì adidas, nhãn hiệu giày thể thao Veja của Pháp chủ yếu sử dụng nhựa thải từ đường phố Rio de Janeiro và Sao Paulo để tạo nên dòng sản phẩm BMesh.

Vấn đề được đặt ra lúc này là việc sử dụng giày làm từ nhựa tái chế có phải là một giải pháp bền vững trong việc bảo vệ môi trường?

Hàng triệu chai nhựa bỏ đi được “tái sinh” dưới hình hài một đôi giày thể thao, khoác lên mình một thiết kế bắt mắt cùng thương hiệu có tên tuổi trên thị trường. Thoạt nghe qua thì đây là tính hiệu đáng mừng vì nhựa trên đại dương phần nào được giảm bớt. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng những đôi giày nhựa khi hết hạn kỳ sử dụng vẫn sẽ là một phế phẩm nhựa bỏ đi. Suy cho cùng, chúng vẫn được xem là rác thải nhựa sẽ hiện hữu ở bất cứ nơi đâu trên Trái Đất này mà thôi.

Theo Céline Semaan – Đồng sáng lập Slow Factory, một tổ chức khởi tạo và phát triển những giá trị bền vững: “Hành động loại bỏ rác thải nhựa ở ngoài môi trường rất đáng được khen ngợi. Tuy nhiên, nhựa là một nguyên liệu có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con người và môi trường, vấn đề sẽ không bao giờ được giải quyết nếu chúng ta không có một vòng lặp tái chế liên tục, vì nhựa không được tái chế sẽ sớm quay lại môi trường.”

Giải pháp duy nhất được nhiều chuyên gia đồng tình nằm ở tinh thần trách nhiệm của các tập đoàn, họ phải là bên đứng ra chịu trách nhiệm về số lượng nhựa đã được đưa ra thị trường, chủ động yêu cầu người dùng hoàn trả lại sản phẩm sau khi sử dụng để tiếp tục tái chế hoặc hủy bỏ một cách phù hợp.

Các hãng sản xuất “giày rác thải” cũng đã ý thức được lời kêu gọi trên, tập đoàn Rothy’s là thương hiệu tiên phong khi phối hợp với startup PLUSfoam, không chỉ thu mua nguồn nguyên liệu tái chế từ đây, người dùng Rothy’s còn có thể nhanh chóng điền thông tin sản phẩm mà mình muốn tái chế trên nền tảng PLUSfoam và đợi người đến thu hồi sản phẩm tại nhà.

Ngoài ra, tập đoàn nổi tiếng Adidas cũng tung ra chương trình “Take Back”, rất nhiều thùng tái chế được bố trí từ năm 2016 tại nhiều địa điểm nhằm khuyến khích người dùng vứt bỏ sản phẩm một cách phù hợp. Adidas còn đi xa hơn khi cam kết chỉ sử dụng nhựa tái chế từ năm 2024, với nhiều dòng sản phẩm hiện tại đã có khả năng tái chế 100%.

Dù không thể nào loại bỏ được hoàn toàn rác thải nhựa nhưng hành động sử dụng nguồn nguyên liệu từ nhựa tái chế của các hãng giày phần nào cũng cho thấy được những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc giải cứu môi trường đang ô nhiễm vượt cả mức báo động. Thời điểm hiện tại, rác thải nhựa còn tồn tại ở mức nguy hiểm hơn dưới dạng hạt vi nhựa hòa vào đại đương, nguồn hải sản và cả trong những hạt mưa. Nên nếu như chỉ có những thương hiệu có tầm ảnh hưởng hay các tổ chức môi trường ra sức bảo vệ thì vẫn chưa đủ. Môi trường sống sẽ phản ánh cách sống của mỗi người. Vì thế, vấn đề lớn này cần xuất phát từ ý thức của mỗi người.

Ngọc Trâm / Advertising Vietnam

Tổng hợp

Những đôi giày làm từ rác thải nhựa có cứu được môi trường? “Cuộc chiến rác thải nhựa” chỉ mới được bắt đầu và hồi kết là một ẩn số không ai biết trước được. Bên cạnh hoạt động của những tổ chức bảo vệ môi trường trên toàn thế giới, “tiếng nói” từ các... Xem bài viết