Sản xuất thiết bị điện công nghiệp là một trong những ngành công nghiệp then chốt, đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện điện khí hoá nói riêng và công nghiệp hoá nói chung. Ngoài việc cung cấp các trang thiết bị chủ yếu để phát triển lưới điện, các sản phẩm thiết bị kỹ thuật điện còn là những bộ phận quan trọng trong các thiết bị công nghệ, phục vụ hiện đại hoá công nghiệp, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và phục vụ công nghiệp tiêu dùng… Đồng thời thiết bị điện cũng đóng vai trò quan trọng trên hệ thống truyền tải và phân phối điện.
Trong giai đoạn vừa qua ngành đã phát huy tốt vai trò của mình, sản xuất nhiều sản phẩm, đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, ngành cần cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh để từng bước phát triển hơn nữa.

Thực trạng về sản xuất
Về giá trị sản xuất công nghiệp, sản xuất thiết bị điện công nghiệp được đánh giá là ngành phát triển khá tốt, năm 2015 chiếm khoảng 3% giá trị sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp và 3,3% ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đến năm 2018 chiếm khoảng 3,03% ngành công nghiệp và 3,4% ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỷ lệ giá trị tăng thêm/giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 đạt khoảng 32,7%, năm 2015 đạt khoảng 29,2%. Năm 2018 đạt khoảng 27,7%.
Về sản phẩm, doanh nghiệp trong ngành đã sản xuất được nhiều loại sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn như: công tơ điện tử, hệ thống tích hợp điều khiển bảo vệ và tự động hóa trạm biến áp 110kV, 220kV, 500kV; các loại máy biến dòng điện áp lên đến 500kV; tủ điện trung thế điện áp từ 7,2 – 40,5kV và dòng điện từ 630-3000A. Đặc biệt, dây và cáp điện được đánh giá là lĩnh vực sản xuất tốt nhất của ngành.
Về cơ bản dây và cáp điện đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu trong nước, sản phẩm nhập khẩu chủ yếu thuộc nhóm dây cáp điện phục vụ phát triển lưới điện cao thế 110-220-500 kV. Ngoài ra đối với nhóm các phụ kiện, trong nước đã sản xuất được tấm thảm cách điện, ủng cách điện và găng tay ở cấp trung áp đến 35kV. Các loại thiết bị điện sử dụng trong gia đình: như ổ điện, công tắc điện, phích cắm… đã được đáp ứng từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Thực trạng về năng lực cạnh tranh
+ Yếu tố về cầu: Nhu cầu về sản phẩm là nhân tố có ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất thiết bị điện công nghiệp . Qua phân tích từng chỉ tiêu cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện được khảo sát đều cho rằng lượng cầu trong nước hiện nay ở mức trung bình khá, trong khi đó khả năng phát triển thị trường xuất khẩu vẫn gặp khó khăn do chất lượng, mẫu mã của sản phẩm còn hạn chế. Công tác quản lý chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Kết quả các chỉ tiêu trong thang đo yếu tố về cầu đạt từ 2,9 đến 3,3 điểm, kết quả đánh giá cho thấy năng lực ngành sản xuất thiết bị điện được khảo sát ở mức trung bình.
+ Yếu tố sản xuất: Doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện trong giai đoạn vừa qua đã có những đóng góp đáng kể trong việc chế tạo các thiết bị ngành điện, nhưng vẫn đang gặp không ít khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển như: Thiếu vốn để đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ và đầu tư mới; lực lượng nghiên cứu phát triển, đội ngũ thiết kế còn thiếu kinh nghiệm; tổng công trình sư hoặc kỹ sư trưởng và lực lượng công nhân có tay nghề cao để tham gia chế tạo thiết bị cho nhà máy điện chưa nhiều. Về công nghệ, máy móc chỉ ở mức trung bình. Một số yếu tố khác như thí nghiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất và trước khi xuất xưởng nhiều nơi chưa được thực hiện đầy đủ. Kết quả các chỉ tiêu trong thang đo yếu tố sản xuất đạt từ 3,2 đến 3,6 điểm. Yếu tố sản xuất của ngành được đánh giá ở mức trung bình.
+ Chiến lược phát triển ngành: Chiến lược phát triển ngành có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh ngành. Những ngành có chiến lược và cơ cấu phù hợp với các định chế và chính sách của quốc gia, hoạt động trong môi trường có cạnh tranh trong nước tốt sẽ có tính cạnh tranh quốc tế mạnh hơn. Tuy nhiên, với ngành sản xuất thiết bị điện công nghiệp trong cả một giai đoạn dài từ năm 2006 đến nay chỉ có 2 nghiên cứu liên quan đến ngành là: (1) Quy hoạch phát triển ngành sản xuất thiết bị điện đến giai đoạn 2006-2015 và (2) Đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển ngành sản xuất thiết bị điện giai đoạn 2006-2015. Kết quả các chỉ tiêu trong thang đo chiến lược phát triển ngành đạt từ 2,1 đến 2,9 điểm. Đánh giá chung yếu tố chiến lược phát triển ngành được đánh giá ở mức thấp.
+ Vai trò của Nhà nước: Chủ trương của Nhà nước về phát triển ngành cơ khí trọng điểm, khuyến khích dùng hàng sản xuất trong nước… đã góp phần thúc đẩy sản xuất, giảm kim ngạch nhập khẩu thiết bị điện, tiết kiệm chi phí. Đồng thời, cơ chế, chính sách đã có nhiều thay đổi tích cực trong thúc đẩy phát triển ngành. Quyết định 186/QĐ-TTg nhấn mạnh: Xây dựng ngành sản xuất thiết bị điện hiện đại, đến năm 2020 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực về công nghiệp thiết bị điện và vật liệu điện; đầu tư mới, đầu tư chiều sâu thiết bị điện với công nghệ tiên tiến để nhanh chóng nâng cao năng lực chế tạo thiết bị điện, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước, thay thế các thiết bị nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra thị trường khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg cũng đề cập đến cơ chế hỗ trợ các dự án đầu tư sản xuất thiết bị cho các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện, các sản phẩm như máy biến áp từ 220 KVA trở lên, toàn bộ phần thiết bị trạm biến áp từ 220 KV trở lên, theo đó sản xuất những sản phẩm này được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư, kích cầu, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, về thuế phí… Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển ngành thiết bị điện. Kết quả các chỉ tiêu trong thang đo vai trò của Nhà nước đạt được khá cao từ 3,9 đến 4,5 điểm. Đánh giá chung tiêu chí này đạt ở mức khá.
+ Các ngành công nghiệp liên quan: Phân tích từng chỉ tiêu liên quan đến các ngành công nghiệp liên quan cho thấy yếu tố này còn yếu, thể hiện ở đánh giá chỉ tiêu bình quân lần lượt chỉ đạt từ 2,58 đến 3,21 điểm. Kết quả này cho thấy năng lực cung ứng vật tư, phục tùng, thiết bị phục vụ sản xuất của ngành thiết bị điện công nghiệp còn thấp và mối quan hệ giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn ở mức hạn chế.
+ Hỗ trợ từ chương trình KHCN quốc gia: Trong thời gian vừa qua Chính phủ và các bộ, ngành rất quan tâm đến và đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp trong nước, cụ thể là các chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và các kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tế đã có nhiều tiến bộ. Các doanh nghiệp ngành sản xuất thiết bị điện đã nhận thức được lợi ích của việc đầu tư công nghệ và cũng đã tiến hành đầu tư cải thiện chất lượng sản phẩm, do vậy nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đổi mới công nghệ. Doanh nghiệp cũng đã từng bước tiếp cận được các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Phân tích kết quả điều tra cho thấy các chỉ tiêu trong thang đo mức độ hiệu quả của chương trình đổi mới công nghệ đối với ngành ở mức trung bình theo đánh giá là đạt 3,86 điểm. Mức độ ứng dụng kết quả nghiên cứu R&D đối với ngành được đánh giá trong thang đo từ 3,78 đến 4,2 điểm. Kết quả này cho thấy các chương trình KHCN quốc gia từng bước đem lại hiệu quả và là nhân tố thúc đẩy ngành phát triển.
+ Nguồn nhân lực phát triển ngành: Chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển ngành lao động chưa cao. Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ cao còn ít. Tỷ lệ công nhân được đào tạo nghề một cách bài bản thấp. Đội ngũ cán bộ lâu năm trong nghề hiện nay đã lớn tuổi, tính thích nghi với cơ chế và công nghệ mới bị hạn chế. Đội ngũ cán bộ trẻ thay thế có tính năng động, sáng tạo, tuy nhiên lòng nhiệt tình, sự gắn bó tâm huyết với nghề với doanh nghiệp chưa cao. Kết quả các chỉ tiêu trong thang đo nguồn nhân lực đạt từ 2,9 đến 3,3 điểm. Theo kết quả đánh giá mức độ đáp ứng về nhân lực cho ngành về số lượng và chất lượng tốt được đánh giá ở mức trung bình.
Đánh giá chung về năng lực cạnh tranh của ngành: Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển và năng lực cạnh tranh của ngành thiết bị điện cho thấy năng lực cạnh tranh của ngành chỉ ở mức trung bình, điều này thể hiện qua các tiêu chí đánh giá thông qua các giá trị của các thang đo. Về quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, công nghệ còn lạc hậu, chủ yếu là gia công và lắp ráp. Về đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, máy móc thiết bị ở mức độ chậm. Năng lực quản trị, điều hành còn hạn chế, kỹ năng quản trị doanh nghiệp chưa bài bản, khả năng lập kế hoạch, phương án, dự án sản xuất – kinh doanh yếu. Vai trò của Nhà nước trong việc định hướng và tạo môi trường thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thiết bị điện phục vụ cho xuất khẩu còn ở mức độ nhất định, chưa có một chính sách đặc thù nào cho ngành dẫn đến việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và các khâu có giá trị gia tăng cao còn hạn chế.
Sản xuất thiết bị điện công nghiệp là một trong những ngành công nghiệp then chốt, đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện điện khí hoá nói riêng và công nghiệp hoá nói chung. Ngoài việc cung cấp các trang thiết bị chủ yếu để phát triển lưới điện, các sản phẩm thiết bị kỹ… Xem bài viết