Các thông số và yêu cầu chống cháy của Thang máy chữa cháy

Yêu cầu về ngăn cháy, chống cháy lan:

Thang máy chữa cháy phải được bố trí trong giếng thang và có một phòng đệm ngăn cháy có thiết kế hệ thống tăng áp trước khi vào thang máy ở mỗi tầng. Phòng đệm ngăn cháy của thang máy chữa cháy thường được bố trí chung với phòng đệm ngăn cháy của buồng thang bộ thoát nạn để bảo đảm cho người không đủ điều kiện về sức khỏe thoát nạn theo đường cầu thang bộ có thể chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp ứng cứu tại phòng đệm ngăn cháy này.

Phòng đệm có diện tích không nhỏ hơn 4 m2, trường hợp khi kết hợp với các sảnh của buồng thang bộ không nhiễm khói thì diện tích không nhỏ hơn 6 m2.

– Giới hạn chịu lửa của các cấu kiện thang máy chữa cháy:

+ Kết cấu bao che của cabin thang máy chữa cháy phải được làm từ vật liệu không cháy hoặc cháy yếu.

+ Cấu kiện ngăn cách của phòng đệm phải làm bằng vách ngăn cháy bảo đảm giới hạn EI 45, cửa ngăn cháy đảm bảo EI 30 có gioăng đệm kín để không lan truyền khói vào trong buồng thang máy.

Thang máy được bảo vệ trong các giếng thang riêng (không chung với các loại thang máy khác) và trong mỗi giếng thang máy như vậy chỉ được bố trí không quá 3 thang máy chữa cháy. Kết cấu bao bọc giếng thang máy phải có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 120.

– Trường hợp bố trí các thang máy khác trong cùng một giếng thang thì toàn bộ giếng thang chung phải đáp ứng các yêu cầu về giới hạn chịu lửa của các giếng thang máy chữa cháy và cửa của tất cả các thang trong giếng chung phải là cửa ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn EI 60.

– Cửa của cabin và giếng thang máy chữa cháy phải là loại cửa đẩy ngang mở tự động và phải đảm bảo khả năng làm việc khi có áp suất dư trong giếng thang do quạt điều áp chống tụ khói tạo ra. Cửa của giếng thang máy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn E 30.

– Lưu ý đối với các nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.2, F4.3 và nhà hỗn hợp (có chiều cao PCCC từ trên 50 m đến 150 m)

+ Giới hạn chịu lửa của giếng thang máy chữa cháy đạt REI 150 đối với nhà từ 50 đến 100m và REI 180 đối với nhà chiều cao lớn hơn 100m đến 150m.

+ Phải bố trí thang máy chữa cháy trong các giếng thang riêng biệt, có sảnh thang máy độc lập. Lối ra từ thang máy này đi ra ngoài nhà không được bố trí đi qua sảnh chung. Tường ngăn cách sảnh thang máy với khoang đệm của thang máy chữa cháy đảm bảo EI 60 đối với nhà từ 50 đến 100m và EI 90 đối với nhà chiều cao lơn hơn 100m đến 150m.

+ Các cấu kiện bao bọc cabin thang máy chữa cháy (tường, sàn, trần, cửa) phải được làm từ vật liệu không cháy hoặc từ nhóm vật liệu Ch1 (cháy yếu).

Các thông số, kích thước cơ bản của thang máy chữa cháy:

– Kích thước chiều rộng của cabin không được nhỏ hơn 1100 mm, kích thước chiều sâu không được nhỏ hơn 1400 mm và tải trọng định mức không được nhỏ hơn 630 kg. Chiều rộng nhỏ nhất của lối vào cabin phải là 800 mm.

– Khi thang máy chữa cháy được sử dụng có tính đến việc sơ tán người khỏi đám cháy và có sử dụng băng ca hoặc giường hoặc được thiết kế như một thang máy chữa cháy có hai lối vào thì tải trọng danh định nhỏ nhất phải là 1000 kg và kích thước chiều rộng của cabin phải không nhỏ hơn 1100 mm và chiều sâu của cabin phải không nhỏ hơn 2100 mm.

– Sức chở của thang máy chữa cháy không được nhỏ hơn 630 kg đối với nhà chung cư nhóm F1.3 và không nhỏ hơn 1000 kg đối với nhà sản xuất và nhà công cộng khác.

– Thang máy chữa cháy phải có một cửa sập khẩn cấp trên nóc của cabin với kích thước nhỏ nhất là 0,5m x 0,7 m. Riêng thang máy có tải trọng 630 kg thì cửa sập phải có các kích thước tối thiểu là 0,4m x 0,5m. Lối vào bên trong cabin qua cửa sập phải luôn thông thoáng, không bị cản trở bởi vật cố định hoặc đèn chiếu sáng. Khi có lắp trần giả thì trần này phải mở ra được hoặc tháo ra được một cách dễ dàng mà không phải dùng đến các dụng cụ chuyên dụng. Các điểm tháo phải được nhận biết rõ ràng từ bên trong cabin.

– Tốc độ di chuyển của thang máy chữa cháy không được nhỏ hơn 60 s tính từ tầng 1 đến tầng trên cùng của toà nhà.

Nguồn: thangmayvanphuc.com

Yêu cầu về ngăn cháy, chống cháy lan: – Thang máy chữa cháy phải được bố trí trong giếng thang và có một phòng đệm ngăn cháy có thiết kế hệ thống tăng áp trước khi vào thang máy ở mỗi tầng. Phòng đệm ngăn cháy của thang máy chữa cháy thường được bố trí… Xem bài viết