Cảnh báo sớm để giúp doanh nghiệp bớt rủi ro

Theo Bộ Công thương, các doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành hàng nên thường xuyên theo dõi danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) được công bố để chủ động trong sản xuất, kinh doanh, giảm bớt rủi ro. Về phía các DN, hiệp hội cũng mong ngành Công thương có cảnh báo sớm, hỗ trợ DN bảo vệ quyền lợi.

 

Đầu năm 2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM. Mục tiêu của đề án là xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về PVTM và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc PVTM trong và ngoài nước.

* Biết sớm, tránh nhiều rủi ro

Trong giai đoạn 2016-2020, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) tăng nhanh, gấp 3-5 lần so với giai đoạn trước. Trong đó, có những mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu giá rẻ vì có ưu thế về lao động, nguyên liệu, ưu đãi về thuế quan. Do đó, nhiều quốc gia đã dựng lên hàng rào kỹ thuật, các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước. Đây là việc các DN, hiệp hội ngành hàng ở Việt Nam phải làm quen để chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện về PVTM của nước ngoài. Tuy nhiên, các DN, hiệp hội cũng cần các tham tán thương mại Việt Nam ở các nước sớm nắm bắt những nguy cơ về những mặt hàng sẽ bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM thông báo nhanh cho DN trong nước để chuẩn bị.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên lưu ý: “Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại với các nước, thị trường xuất khẩu mở rộng, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng cao. Bên cạnh những cơ hội mang lại cũng đi kèm nhiều thách thức DN phải nắm rõ thị trường, mặt hàng mình xuất khẩu vào. EU, Hoa Kỳ là những thị trường đòi hỏi rất khắt khe về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa. DN phải nâng cấp sản phẩm, đáp ứng đầy đủ, rõ ràng những tiêu chuẩn về hàng hóa, như vậy sẽ tránh rủi ro khi bị điều tra, áp dụng PVTM”.

Cũng theo ông Khanh, các DN thường xuyên liên hệ với tham tán thương mại các quốc gia mình đang xuất khẩu hàng hóa qua để kịp thời nắm rõ những thay đổi về chính sách, có sự chuẩn bị trước, điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Hiện nay, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai cũng như cả nước. Đồng Nai có trên 3,5 ngàn DN tham gia xuất khẩu hàng hóa với hơn 50 mặt hàng xuất khẩu chính, trong đó có 7-8 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, DN rất cần những thông tin về thị trường các nước trên thế giới để xây dựng kế hoạch sản xuất cho phù hợp.

Theo ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương, khi Bộ Công thương có những cảnh báo về danh mục các mặt hàng có nguy cơ điều tra về PVTM, Sở đều kịp thời thông báo cho DN trên địa bàn tỉnh nắm bắt để chủ động phòng tránh, giảm bớt nguy cơ thiệt hại. Tuy nhiên, tỉnh cũng chưa có nhiều chương trình tọa đàm, tuyên truyền sâu về PVTM cho DN vì phải đợi các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn từ Chính phủ, Bộ Công thương.

Quản chặt xuất xứ hàng hóa

Khi tham gia vào thương mại với quốc tế, DN sản xuất, xuất khẩu cần xác định việc gặp phải những vụ điều tra PVTM của nước ngoài sẽ diễn ra nhiều và thường xuyên hơn. Vì thế, từ khâu lựa chọn nguyên liệu, sản xuất, xuất khẩu, DN phải tuân thủ đầy đủ những quy định của thị trường mình sẽ bán hàng. Đồng thời, DN cũng chuẩn bị sẵn kế hoạch cho những trường hợp không may bị áp dụng PVTM với ngành hàng mình đang sản xuất, xuất khẩu để có điều chỉnh kịp thời trong sản xuất, kinh doanh và tìm thêm những thị trường mới nhằm giảm bớt thiệt hại.

Ông Carsten  Schittek, Trưởng ban Thương mại, Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết: “Trong bối cảnh hậu Covid-19, giao thương giữa Việt Nam – EU tiếp tục được mở rộng, nhưng sẽ có những thay đổi về cơ cấu sản phẩm, xu hướng tiêu dùng, phương thức thương mại. Tuy nhiên, yêu cầu tiêu dùng của người dân EU là sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ, quá trình sản xuất phải rõ ràng từ khâu sản xuất nguyên liệu đến hoàn thành sản phẩm. DN thực hiện được các điều kiện trên hàng hóa rất dễ vào thị trường EU với số lượng lớn và lâu dài”.

Ngoài thị trường EU, những thị trường khác như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đòi hỏi rất cao về chất lượng hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ. Đơn cử như mặt hàng may mặc, nhiều nước đòi hỏi rõ nguồn gốc, xuất xứ từ khâu sản xuất bông, dệt sợi, vải cho đến may mặc ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành), Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai chia sẻ: “Hàng hóa xuất khẩu vào Nhật Bản, châu Âu đòi hỏi rất cao về chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất. Tuy nhiên, hàng hóa đáp ứng được các yêu cầu trên rất dễ mở rộng thị trường tiêu thụ tại các quốc gia này và những nước khác. DN sản xuất hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, áp dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường sẽ giảm bớt được rủi ro trong PVTM”.

Uyển Nhi – baodongnai

Theo Bộ Công thương, các doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành hàng nên thường xuyên theo dõi danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) được công bố để chủ động trong sản xuất, kinh doanh, giảm bớt rủi ro. Về phía các DN, hiệp hội… Xem bài viết