‘Cuộc chiến thang máy’ của các chung cư cũ tại China

Năm 2001, vợ chồng Wang Zhenyuan vui vẻ chuyển lên căn hộ ở tầng bảy tòa chung cư không thang máy mà chẳng ngờ 20 năm sau sẽ hối hận.

Khi đó, căn nhà cũ của họ bị phá bỏ để lấy đất làm đường. Mới ngoài 50 tuổi, việc lên xuống bảy tầng thang với hai công nhân nhà máy lụa không mấy vất vả.

20 năm trôi qua, vợ chồng Wang đã gần 80 tuổi và nhận ra mình không đủ sức leo bộ nữa. “Chân chúng tôi không còn tốt nữa”, Wang vừa nói vừa cười, để lộ hàm răng đã rụng vài chiếc.

Trong khi giới chức Bắc Kinh lo lắng về tỷ lệ sinh giảm và tìm cách khuyến khích các đôi vợ chồng đẻ thêm, người già như Wang chỉ băn khoăn mình sẽ lên xuống cầu thang như thế nào.

Vườn Bigui, khu tập thể nơi cặp vợ chồng này sống nằm ở ngoại ô Hàng Châu, miền đông Trung Quốc, gồm hơn 100 tòa nhà bảy tầng dùng chung một cầu thang bộ, mỗi tầng có 12 căn hộ. Tại Trung Quốc, những khu tập thể như Vườn Bigui không hề ít, hầu hết được nhà nước xây từ thế kỷ trước. Thống kê năm 2019 cho thấy hơn 100 triệu người Trung Quốc phải sống trong các tòa tập thể hơn 20 năm tuổi thiếu thốn tiện nghi cần thiết, ví dụ như thang máy.

Nhiều người đến ở từ hàng chục năm trước giờ đã nghỉ hưu. Nhóm cư dân này cũng đang ngày càng tăng bởi theo điều tra dân số mới nhất, tỷ lệ người trên 65 tuổi ở Trung Quốc đã tăng từ 9% năm 2010 lên 13,5% lên 2020. Tất cả họ đều cần một nơi ở thích hợp.

Các khu tập thể cũ khiến người già gặp khó khăn vì không có thang máy. Ảnh: CNN.

Từ năm 2008, nhiều tỉnh thành bắt đầu có chính sách hỗ trợ các tòa tập thể cũ lắp thang máy. Dù các cư dân cũng sẵn sàng đóng góp tiền, Xu Leiqing, giảng viên kiến trúc và thiết kế đô thị Đại học Tongji ở Thượng Hải nhận định nhiều nơi gặp bế tắc trong quá trình “hiện đại hóa” này.

Bên cạnh nguyên nhân chi phí hay cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng, hàng xóm bất hợp tác là một trong những cản trở lớn. Theo Xu, chỉ cần một người dân phản đối, thường là những người ở các tầng thấp, thang máy sẽ không bao giờ được lắp. Đó cũng là tình cảnh ở khu nhà Wang. “Người ở tầng cao muốn thang máy, người ở tầng dưới thì không”, cụ ông 79 tuổi kể.

Trước tình cảnh cư dân không thể thống nhất với nhau, chính quyền địa phương đã đưa ra một giải pháp chưa từng có khiến Vườn Bigui trở thành chủ đề bàn tán khắp Trung Quốc: Lắp thang máy và chỉ thu tiền những ai sử dụng, mỗi lần một tệ (hơn 3.500 đồng). Mô hình này được đặt tên “thang máy công cộng”.

Hiện nay, phần lớn các tòa nhà ở Vườn Bigui đã được lắp “thang máy công cộng“. Do hình thức thu tiền mỗi lần sử dụng, cư dân lên xuống nhiều trong ngày sẽ tốn một khoảng tiền đáng kể so với đồng lương hưu.

“Hơi đắt một chút”, Wang thừa nhận. Sau ba tháng dùng thang máy, ông đã tiêu hơn 300 tệ cho việc di chuyển. Để tiết kiệm, ông dùng thang bộ khi đi xuống.

Để sinh hoạt thuận tiện hơn, một số khu tập thể lắp thang máy công cộng, chỉ thu tiền những người sử dụng. Ảnh: CNN.

Mô hình “thang máy công cộng” sẽ kéo dài 20 năm. Kết thúc thời hạn đó, cư dân sẽ quyết định xem tiếp tục hình thức trả tiền mỗi lần đi thang máy hay trả phí bảo trì, vận hành để được đi thoải mái miễn phí.

Đối với công ty thang máy, kết quả tương đối thất vọng. “Ít người dùng thang máy hơn chúng tôi nghĩ”, Jiang Fei, đại diện công ty Onton, đơn vị lắp thang máy cho Vườn Bigui, chia sẻ với tờ The Paper của Thượng Hải. Trong bài phỏng vấn khác với tạp chí Newsweek, Jiang “không rõ kế hoạch này có lợi nhuận hay không”.

Tháng 5, cuối bản tin về “thang máy công cộng”, kênh CCTV của Trung Quốc nhận định cách tiếp cận này không thể là giải pháp cho tất cả các khu tập thể cũ ở nước này. Một số báo cáo khác chỉ ra “thang máy công cộng” ở Vườn Bigui có thể là thách thức đối với người cao tuổi vì đòi hỏi dùng smartphone và ứng dụng thanh toán trực tuyến. Đến nay, Wang vẫn loay hoay mỗi lần mở điện thoại.

Cư dân có thể trả tiền đi thang máy bằng cách quét khuôn mặt cho camera nhận dạng nhưng theo Wang, cách thức này “rất, rất chậm”, ngay cả khi không đeo khẩu trang. Dù vậy, bất chấp chi phí và những phiền toái, vợ chồng Wang vẫn rất thích thang máy. “Tôi dùng nó mỗi ngày”, ông khoe.

Cũng ở Vườn Bigui song Yu 54 tuổi không có cơ hội sử dụng “thang máy công cộng”. Hàng xóm trên tầng hai phản đối kế hoạch, cho rằng mức phí một tệ mỗi lần sử dụng bất kể sống ở tầng nào là bất công và rằng thang máy sẽ cản trở tầm nhìn.

“Đây là một chính sách tốt. Nhưng chỉ vì một gia đình không đồng ý mà 11 gia đình còn lại bị tước đoạt quyền lợi”, Yu nói. Mỗi lần từ tầng một lên nhà ở tầng bảy, Yu phải chia quãng đường làm năm. Nếu phải xách túi đồ tạp hóa, lên xuống cầu thang bộ càng vất vả. Rốt cuộc, bà đành bán căn hộ dù thích sự yên tĩnh và thuận tiện của khu tập thể.

Đối diện tòa nhà nơi Wang ở, các cư dân lại hòa thuận với nhau. Tại đó, Shen Shuiying 74 tuổi và hàng xóm đồng ý góp tiền lắp thang máy chung. Các hộ ở tầng cao nhất góp 60.000 tệ, gia đình Shen ở tầng bốn góp hơn 20.000 tệ còn các hộ ở tầng dưới cùng không cần trả tiền. Nhờ chính quyền hỗ trợ thêm 200.000 tệ, họ có thang máy vào tháng 8 năm ngoái.

Shen tiết lộ thêm cuộc đàm phán phân chia số tiền cần đóng của mỗi hộ diễn ra suôn sẻ. Phần lớn hàng xóm của bà chưa tới tuổi nghỉ hưu nhưng đều ủng hộ lắp thang máy.

“Ai rồi cũng già đi”, Shen nói.

Nguồn: vnexpress.net

Năm 2001, vợ chồng Wang Zhenyuan vui vẻ chuyển lên căn hộ ở tầng bảy tòa chung cư không thang máy mà chẳng ngờ 20 năm sau sẽ hối hận. Khi đó, căn nhà cũ của họ bị phá bỏ để lấy đất làm đường. Mới ngoài 50 tuổi, việc lên xuống bảy tầng thang… Xem bài viết