Doanh nghiệp Mỹ cam kết “rót” thêm vốn đầu tư vào Việt Nam

(KTSG Online) – Bày tỏ niềm tin vào môi trường đầu tư và phát triển kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp Mỹ cam kết tiếp tục rót thêm vốn để mở rộng hoạt động; đồng thời mong muốn chính phủ và các địa phương triển khai tiêm mũi vaccine thứ 3 cũng như khuyến nghị các vấn đề hỗ trợ quá trình phục hồi, phát triển bền vững…

Vaccine cho người lao động là tiên quyết

Theo khuyến nghị của các doanh nghiệp Mỹ, vấn đề tiên quyết nhất hiện nay là tiếp cận vaccine cho người lao động, cùng một chính sách nhất quán, triển khai trên toàn quốc để sống chung an toàn với Covid-19.

Có 99% doanh nghiệp Mỹ lạc quan ở các mức độ khác nhau về khoản đầu tư của mình tại Việt Nam. Chỉ 1% doanh nghiệp nói có cái nhìn bi quan cho các khoản đầu tư ở đây.

Những thông tin này được ghi nhận tại sự kiện Gặp gỡ Hoa Kỳ với chủ đề “Chung tay hợp tác tái mở cửa, phục hồi và phát triển khu vực kinh tế phía Nam” do Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam tổ chức tại TPHCM vào chiều 23-11.

Sự kiện với sự tham gia của các tập đoàn lớn của Mỹ và những thương hiệu được biết đến rộng khắp thế giới như Intel, Coca Cola, P&G, First Solar, PepsiCo,…

Tại sự kiện, ông KJ Ung, Giám đốc First Solar ở Việt Nam, chia sẻ giữa dịch bệnh hoành hành công ty ông đã phải tăng nhiều chi phí để duy trì hoạt động tại nhà máy ở khu công nghiệp Đông Nam và vừa cho kết thúc làm việc “3 tại chỗ” được khoảng một tháng nay. Dù khó khăn vậy, nhưng theo ông Ung, First Solar vẫn có kế hoạch mở rộng đầu tư vào năm tới nhằm mua thêm các thiết bị công nghệ cho nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng có vốn đăng ký hơn 1 tỉ đô la Mỹ này.

Để tăng cường năng lực sản xuất và duy trì khả năng cạnh tranh, First Solar muốn đưa thêm 300 chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam. “Hiện công ty đang gặp khó khăn trong việc đưa chuyên gia người nước ngoài đến Việt Nam làm việc do quy trình nhập cảnh trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp”, ông KJ Ung nói.

Tại buổi gặp, Tổng giám đốc P&G Việt Nam cho biết trong những năm qua tập đoàn đã đầu tư và đưa nhà máy ở Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất lớn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Và việc mở rộng sản xuất của P&G vẫn được tiếp tục. Ông Tổng giám đốc P&G đánh giá cao nỗ lực của chính phủ trong việc hỗ trợ vaccine. Và theo ông, chiến lược vaccine cần tiếp tục tăng cường cũng như xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ hiệu quả, đáng tin cậy. Ông tin tưởng Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ và trở thành lực lượng mạnh mẽ trong toàn cầu đặc biệt là trong khu vực ASEAN.

Tiếp tục mở rộng đầu tư

Tổng giám đốc PepsiCo Việt Nam cho biết dù bị ảnh hưởng dịch bệnh trong 6 tháng qua, nhưng hãng chưa cho bất cứ nhân viên nào nghỉ việc. Hiện PepsiCo Việt Nam có khoảng 2.800 người lao động làm việc trực tiếp và hàng ngàn người làm việc gián tiếp.

Với cam kết tiếp tục mở rộng hoạt động, ông tin tưởng Chính phủ và chính quyền địa phương linh hoạt và nhất quán trong việc phòng chống dịch Covid-19. Theo ông, chính quyền cần có lộ trình mở cửa nền kinh tế và đáng chú ý là cần đi trước, đón đầu triển khai vaccine bởi sau 6 tháng mọi người phải được tiêm mũi 3.

Tương tự, ông Andrew Lien, Tổng Giám đốc Công ty Wanek Furniture, cho biết trước ảnh hưởng tiêu cực do đợt dịch bệnh bùng phát và kéo dài khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty cũng như đời sống việc làm của người lao động gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này hoạt động sản xuất tại nhà máy của Wanek Furniture ở Bình Dương đã hồi phục được hơn 70%. Có khoảng 22% lực lượng lao động đã về quê và công ty đang thuyết phục họ quay trở lại làm việc.

Ông Andrew Lien bày tỏ sự tin tưởng tương lai phát triển ở Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng hoạt động. Hiện Wanek Furniture đang xúc tiến dự án đầu tư mới ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với vốn hàng chục triệu đô la để phục vụ khách hàng nhiều quốc gia trên thế giới. Và để việc sản xuất không bị gián đoạn, lãnh đạo của Wanek Furniture kiến nghị Việt Nam tiếp tục triển khai vaccine để có thể tiêm mũi 3 cho người dân trong thời gian tới .

Với việc tái mở cửa phục hồi kinh tế, lãnh đạo Coca Cola Việt Nam cũng tin tưởng Việt Nam sẽ phát triển mạnh và nhanh trở lại. Do đó, ngoài ba nhà máy tại TPHCM, Hà Nội, và Đà Nẵng với vốn đầu tư hơn 1 tỉ đô la, Coca Cola cũng tiếp tục mở rộng đầu tư với dự án nhà máy mới sẽ được xây ở khu vực miền Nam.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp Mỹ cũng chỉ ra những rủi ro cơ bản đang hạn chế hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Khoảng 66% phản hồi đó là hạn chế đi lại quốc tế vào Việt Nam; 56% lo ngại sự đứt gãy về chuỗi cung ứng tại Việt Nam, cùng một số vấn đề khác như sự hạn chế đi lại trong nước, các chính sách liên quan đến F0 hay F1…

Đáng chú ý là lo ngại về thiếu hụt lao động. Có 57% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tình trạng thiếu hụt lao động sau dịch mà nguyên nhân chủ yếu là người lao động đã về quê và không có ý định quay trở lại thành phố. Trong khi đó trẻ em chưa thể đến trường buộc phụ huynh phải ở nhà làm việc, hướng dẫn con học trực tuyến. Các doanh nghiệp cũng lo ngại về thủ tục đưa chuyên gia, lao động nước ngoài vào Việt Nam.

Ngoài ra, có đến 79% doanh nghiệp khảo sát cảm thấy cách thực thi chống dịch trong điều kiện mới của các tỉnh chưa nhất quán. Nhiều nơi vẫn áp dụng chính sách cách ly F1 tại nhà kể cả khi họ đã tiêm vaccine, xét nghiệm âm tính. Theo bà Maria Tarnowkova, đây được xem là mối quan ngại rất lớn của doanh nghiệp khi mở cửa hoạt động sản xuất trở lại.

Do đó, theo khuyến nghị của các doanh nghiệp Mỹ, vấn đề tiên quyết nhất là tiếp cận vaccine cho người lao động, cùng một chính sách nhất quán, triển khai trên toàn quốc để sống chung an toàn với Covid-19.

Hợp tác tái mở cửa, phục hồi và phát triển!

Theo bà Marie Damour, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua dịch Covid-19 đã gây tác động nặng nề đến Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay tại TPHCM, Bình Dương… đang chứng kiến cuộc sống sôi động quay trở lại với người dân học cách sống an toàn với Covid-19.

Mỹ tự hào góp phần vào nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, nhất là chiến dịch triển khai tiêm phòng Covid-19 của Việt Nam với 20 triệu liều vaccine, trong đó 16 triệu liều đã về đến Việt Nam; đồng thời ủng hộ khoảng 30 triệu đô la cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam.

Bà Marie Damour cho rằng kinh tế Việt Nam đang trên đà khởi sắc trở lại. Đây là một dấu hiệu đáng mừng đối với cả Mỹ, bởi nền kinh tế hai nước có mối liên hệ chặt chẽ. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam cũng là nhà nhập khẩu lớn từ Mỹ với các vật tư, hàng hóa phục vụ hỗ trợ sự phát triển nền kinh tế.

Vì vậy, hội nghị là một cơ hội quý báu để Mỹ – Việt Nam, các doanh nghiệp và các địa phương trao đổi, tìm ra giải pháp, cách thức chung tay hỗ trợ tái phục hồi sản xuất, gia tăng năng lực hợp tác phục hồi, phát triển nền kinh tế.

Thay mặt lãnh đạo TPHCM, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định về quyết tâm của chính quyền Thành phố tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh…; thiết lập, áp dụng môi trường pháp lý công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh cho mọi thành phần kinh tế, cả trong nước và nước ngoài; kiên quyết chống tham nhũng, đẩy mạnh cải cách hành chính.

TPHCM sẽ duy trì đối thoại thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, để kịp thời có điều chỉnh chính sách phù hợp với lợi ích phát triển của thành phố và lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Thành phố cam kết tiếp tục lắng nghe, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và sẵn sàng là địa phương tiên phong, khởi xướng, thử nghiệm những mô hình, cơ chế mới để hợp tác phát triển với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương phía Nam.

Nguồn: kinh tế sài gòn

(KTSG Online) – Bày tỏ niềm tin vào môi trường đầu tư và phát triển kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp Mỹ cam kết tiếp tục rót thêm vốn để mở rộng hoạt động; đồng thời mong muốn chính phủ và các địa phương triển khai tiêm mũi vaccine thứ 3 cũng như khuyến… Xem bài viết