Ngân hàng thương mại trong nền kinh tế thị trường

Ngân hàng thương mại trong nền kinh tế thị trường

 

Hệ thống trung gian tài chính nói chung và ngân hàng thương mại nói riêng có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường, là cầu nối giữa các chủ thể trong nền kinh tế, làm cho các chủ thể gắn bó, phụ thuộc lẫn nhau, tăng sự liên kết và năng động của toàn bộ hệ thống. Ngày nay NHTM trở thành định chế tài chính không thể thiếu để vận hành nền kinh tế, riêng hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước còn được coi là “cánh tay đắc lực” của Chính phủ trong thực thi chính sách tiền tệ nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

Định nghĩa ngân hàng thương mại

Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây: nhận tiền gửi; cấp tín dụng; cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.[Luật các Tổ chức tín dụng 2010].

Sự hình thành và phát triển NHTM

Hệ thống ngân hàng dần hình thành và phát triển theo sự phát triển của quan hệ hàng hóa – tiền tệ. Trải qua quá trình dài nhiều thăng trầm, loại hình ngân hàng hiện đại thực sự xuất hiện vào thế kỷ XVII, các ngân hàng tuy đã thành hệ thống nhưng vẫn hoạt động độc lập nhau với quyền phát hành giấy bạc ngân hàng riêng. Từ thế kỷ XIX, quy mô và phạm vi lưu thông hàng hóa phát triển mạnh, để xóa bỏ tình trạng nhiều ngân hàng cùng phát hành tiền gây cản trở quá trình lưu thông và phát triển kinh tế, để thống nhất chế độ lưu thông tiền tệ, các quốc gia đã cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thành hai cấp: Ngân hàng Trung ương (một số quốc gia gọi là Ngân hàng Nhà nước, Quỹ dự trữ liên bang…) và Ngân hàng thương mại (NHTM). Trong đó duy nhất NHTW được nhà nước giao việc phát hành tiền vào lưu thông và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ.

Các quan điểm trên thế giới đều thống nhất coi NHTM là một tổ chức kinh doanh tiền tệ và cung cấp các dịch vụ có liên quan đến tiền tệ cho thị trường. Tại Việt Nam, khái niệm NHTM được quy định rõ trong Pháp lệnh ngân hàng 1990, Luật các Tổ chức tín dụng 1997, sửa đổi năm 2010.

 

Ảnh minh họa

Ngày nay, hệ thống ngân hàng thương mại đã phát triển mạnh mẽ, với nhiều ngành dịch vụ, tham gia sâu rộng vào mọi lĩnh vực kinh tế xã hội và trở thành tổ chức kinh doanh không thể thiếu để phát triển kinh tế xã hội.

Chức năng và nghiệp vụ của NHTM

Chức năng

– Chức năng làm trung gian tín dụng: Là “cầu nối” giữa người thừa và người thiếu vốn, NHTM huy động các nguồn tiền tạm thời nhàn rồi từ các chủ thể kinh tế để hình thành nên nguồn vốn cho vay và sử dụng nguồn vốn này để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các chủ thể thiếu vốn (cần bổ sung vốn, gửi vào tài khoản dự trữ bắt buộc hoặc tài khoản thanh toán tại ngân hàng trung ương, NHTM,…) mà chủ yếu là cho vay ngắn hạn. Với chức năng này NHTM vừa đi vay, vừa cho vay. Chức năng trung gian tín dụng xuất phát từ yêu cầu cần khắc phục khiếm khuyết của thị trường tài chính (cung và cầu về vốn không khớp nhau về thời gian và số lượng đã ảnh hưởng lớn tới tính tuần hoàn liên tục của quá trình tái sản xuất). Chức năng trung gian tín dụng phản ánh rõ nét nhất bản chất của NHTM trên lĩnh vực kinh doanh tiền tệ.

– Chức năng trung gian thanh toán: NHTM đứng ra làm trung gian thanh toán giữa các khách hàng, giúp họ không phải trực tiếp thanh toán với nhau.

Chức năng trung gian thanh toán là kết quả của chức năng trung gian tín dụng. Khi thực hiện chức năng trung gian tín dụng, rất nhiều khách hàng đến mở tài khoản tại hệ thống, NHTM sẽ có thể thực hiện chức năng trung gian thanh toán khi tiến hành trích tiền từ tài khoản người mua (theo lệnh của bên mua) để thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ hoặc nhập vào tài khoản của người bán hay thực hiện các khoản thu khác theo lệnh của khách hàng.

NHTM ra đời và phát triển đã làm thay đổi căn bản hoạt động thanh toán, tạo ra hệ thống TTKDTM khá hoàn hảo trên phạm vi toàn thế giới. NHTM cung cấp các hình thức thanh toán tiện ích: séc, uỷ nhiệm thu/chi, thanh toán điện tử, thanh toán bù trừ,.. .cho phép khách hàng lựa chọn hình thức thanh toán hiệu quả và an toàn nhất.

– Chức năng tạo tiền. Quá trình tạo tiền của NHTM thực chất là quá trình kết hợp chặt chẽ hoạt động tín dụng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (giữa chức năng trung gian thanh toán và trung gian thanh toán), làm cho hệ thống NHTM có khả năng tạo ra tiền ghi sổ (bút tệ) trên tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng tại NHTM. Khi NHTM sử dụng khoản tiền gửi để cho vay, khách hàng sử dụng tiền vay (số dư trên tài khoản trung gian thanh toán) để thanh toán hàng hóa dịch vụ … tức là ngân hàng đã tạo tiền. Chức năng tạo tiền của NHTM chỉ xảy ra khi các hoạt động này được thực hiện bằng chuyển khoản, ghi Nợ cho tài khoản này, ghi Có cho tài khoản liên quan.

Các chức năng của NHTM có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong đó chức năng trung gian tín dụng là cơ bản nhất, tạo cơ sở cho việc thực hiện các chức năng sau

Nghiệp vụ

Theo sự phát triển của kinh tế xã hội và nhu cầu của khách hàng, nghiệp vụ ngân hàng thương mại ngày càng gia tăng về số lượng, cải thiện về chất lượng và được quy về 3 loại chính:

– Nghiệp vụ Tài sản Nợ: gồm vốn tự có và các khoản nợ mà NHTM nợ thị trường.

– Nghiệp vụ Tài sản Có: gồm các nghiệp vụ: ngân quỹ, tín dụng và đầu tư

– Nghiệp vụ trung gian: thanh toán, đại lý, bảo lãnh, ủy thác, ký gửi, tư vấn .v.v…

Nói cách khác, NHTM kinh doanh chủ yếu và thường xuyên ở 3 nghiệp vụ:

– Huy động vốn: NHTM huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội dưới các hình thức như: nhận tiền gửi tiết kiệm (có kỳ hạn và không kỳ hạn), tiền gửi thanh toán…; phát hành giấy tờ có giá (trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi) hoặc đi vay từ NHNN, từ các NHTM và các tổ chức tín dụng khác. Huy động vốn là nghiệp vụ cơ bản giúp NHTM thực hiện chức năng tạo tiền

– Sử dụng vốn: Chủ yếu là cấp tín dụng (cho vay trung/dài/ngắn hạn, cho thuê tài chính, bảo lãnh…). NHTM dùng nguồn vốn đã huy động được để cho vay từ đó thu lợi nhuận trên cơ sở chênh lệch phí đầu vào và phí đầu ra. Đây là nghiệp vụ chủ yếu mang lại lợi nhuận cho NHTM nhưng cũng chứa đựng rủi ro rất cao. Sử dụng vốn còn bao gồm nghiệp vụ ngân quỹ (dự trữ, đảm bảo an toàn thanh toán) và nghiệp vụ đầu tư đầu tư (liên doanh liên kết, kinh doanh chứng khoán).

– Trung gian thanh toán: NHTM thực hiện thanh toán theo yêu cầu của khách hàng bằng cách cung cấp các công cụ thanh toán thuận lợi như: séc, uỷ nhiệm thu/chi, thẻ thanh toán, thanh toán điện tử… Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, các nghiệp vụ của NHTM cũng phát triển phong phú, đa dạng và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nghiệp vụ tài sản Nợ quyết định đến quy mô và phạm vi hoạt động của nghiệp vụ tài sản Có. Mỗi nghiệp vụ đều là tiền đề, điều kiện để duy trì và phát triển các nghiệp vụ khác. Tuy nhiên, nghiệp vụ tín dụng vẫn quan trọng nhất, là nghiệp vụ sinh lời chủ yếu, quyết định kết quả kinh doanh của NHTM.

Vai trò của ngân hàng thương mại trong nền kinh tế thị trường

Khi nền kinh tế hàng hóa phát triển đến trình độ cao nhất, là nền kinh tế thị trường, ngân hàng thương mại ngày càng hoàn thiện và trở thành định chế tài chính không thể thiếu để vận hành nền kinh tế.

– NHTM là nơi cung cấp vốn cho nền kinh tế, là công cụ quan trọng thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển: Hoạt động kinh doanh tiền tệ với chức năng trung gian tín dụng, NHTM khắc phục những khiếm khuyết của thị trường tài chính, khơi thông nguồn vốn nhàn rỗi ở mọi tổ chức, cá nhân, mọi thành phần kinh tế … hình thành nên quỹ cho vay và sử dụng chúng để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Là một kênh phân phối vốn có hiệu quả NHTM tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có khả năng tận dụng cơ hội đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, cải tiến qui trình công nghệ, từ đó nâng cao năng suất lao động để có thể đứng vững trong sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Với khả năng cung cấp vốn, NHTM đã trở thành một trong những điểm khởi đầu cho sự phát triển kinh tế của mồi quốc gia.

– NHTM là cầu nối giữa doanh nghiệp với thị trường: Để có thể đưa sản phẩm hàng hóa dịch vụ tiếp cận với thị trường đầu ra và tìm kiếm lợi nhuận, các doanh nghiệp cần phải có vốn (yếu tố đầu vào quan trọng, nền tảng của mọi hoạt động) để thực hiện sản xuất. Khi vốn tự có không đủ hoạt động, các doanh nghiệp phải tìm đến các nguồn vốn khác. NHTM sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết được khó khăn bằng nguồn vốn tín dụng. Như vậy, NHTM chính là cầu nối đưa doanh nghiệp đến với thị trường, giúp doanh nghiệp tìm được vốn đầu vào, bôi trơn hoạt động sản xuất kinh doanh và thanh toán để tạo ra thành phẩm cho thị trường. NHTM giúp doanh nghiệp và thị trường gần nhau hơn cả về không gian và thời gian.

– NHTM là công cụ để nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế: Các NHTM một mặt chịu sự tác động trực tiếp từ các công cụ của chính sách tiền tệ (thị trường mở, dự trữ bắt buộc, lãi suất,…) mặt khác gián tiếp tham gia điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua mối quan hệ với các tổ chức kinh tế, cá nhân về các hoạt động tài chính tín dụng. Thông qua hoạt động của NHTM với các chủ thể khác trong nền kinh tế, mọi thông tin có liên quan đến việc hoạch định chính sách tiền tệ sẽ được phản hồi lại NHTW, giúp NHTW có thể hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp trong từng thời kỳ để đảm bảo thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển ổn định.

– NHTM là cầu nối nền tài chính quốc gia với nền tài chính quốc tế: Ngày nay, mồi quốc gia độc lập đều phát triển quan hệ quốc tế đa dạng và phức tạp trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hoá, khoa học công nghệ,… trong đó quan hệ kinh tế được chú trọng nhất. Áp lực cạnh tranh buộc mỗi quốc gia khi mở cửa hội nhập phải có tiềm lực lớn mạnh. Hệ thống NHTM với các nghiệp vụ như: thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại hối, uỷ thác đầu tư, … sẽ giúp nền kinh tế của một quốc gia hòa nhập với phần còn lại của thế giới. Hệ thống NHTM trong nước đã điều tiết tài chính trong nước phù hợp với sự vận động của nền tài chính quốc tế, đưa nền tài chính trong nước bắt kịp với nền tài chính quốc tế.

Tham khảo:

– Luật các Tổ chức tín dụng (Luật số 47/2010/QH12, ngày 16/6/2010.

– Nguyễn Thu Giang (2017). Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại NHTMCP Ngoại thương Việt Nam trong điều kiện cạnh tranh tự do giữa các NHTM ở Việt Nam hiện nay.

Nguồn: ditiep.com

Ngân hàng thương mại trong nền kinh tế thị trường   Hệ thống trung gian tài chính nói chung và ngân hàng thương mại nói riêng có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường, là cầu nối giữa các chủ thể trong nền kinh tế, làm cho các chủ thể gắn... Xem bài viết