sản phẩm nhựa
-
Phần lớn NTD vẫn còn lo ngại về chất lượng sản phẩm thay thế nhựa chưa được kiểm soát chặt chẽ và giá thành cao.
Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa bảo vệ môi trường do Thủ tướng Chính phủ phát động, xu hướng sử dụng các loại bao bì, sản phẩm thay thế nhựa được làm từ các nguyên liệu thiên nhiên, tự phân hủy đang ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng (NTD) vẫn còn đắn đo khi mua sử dụng do sản phẩm thay thế có giá khá cao và chưa rõ về chất lượng, tính an toàn của sản phẩm...
Thực hiện xu hướng “tiêu dùng xanh”, bảo vệ môi trường, từ đầu tháng 4-2019, hàng loạt siêu thị đã triển khai thực hiện chiến dịch sử dụng lá chuối tươi gói rau củ thay thế bịch nilon và chiến dịch này ngay sau đó cũng đã lan tỏa đến các chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh rau củ quả.
Tiếp đến, nhiều điểm kinh doanh cũng rầm rộ công bố ngừng hẳn việc bán ống hút nhựa các loại, thay thế bằng các loại ống hút thân thiện với môi trường như: ống hút giấy, ống hút gạo (sử dụng một lần), ống hút bằng inox, thép không gỉ, thủy tinh (sử dụng nhiều lần); cốc bằng giấy thay thế cho cốc nhựa; găng tay dùng trong sản xuất, vận hành là loại tự hủy sinh học; các loại chén, dĩa, muỗng, hộp cơm, khay xốp đựng thực phẩm đang sử dụng được thay bằng các loại sử dụng nguyên liệu giấy, bã mía, mo cau, xơ tre…
Tại cửa hàng chuyên doanh sản phẩm thiên nhiên trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP Hồ Chí Minh), có nhiều sản phẩm gia dụng với những nguyên vật liệu thay thế nhựa được trưng bày đẹp mắt. Nhân viên bán hàng đưa chúng tôi xem loại hộp đựng thức ăn và giới thiệu: “Hộp này được làm từ bã mía, không chứa chất hóa học, kim loại nặng, không gây ung thư nên dùng rất an toàn. Loại hộp này đựng thoải mái thức ăn đặc, thức ăn nước, nóng, lạnh mà không sợ bị nóng chảy, biến dạng. Đặc biệt là dùng được trong cả trong lò vi sóng. Sau 6 tuần sử dụng, sản phẩm sẽ tự phân hủy trong môi trường tự nhiên, không gây ô nhiễm rất tiện lợi…”.
Người bán còn giới thiệu nhiều loại chén, dĩa, tô, muỗng, nĩa… được làm từ mo cau, xơ tre, bột sắn. Theo người bán, mo cau tự nhiên, không hóa chất, được rửa sạch và ép nhiệt tiệt trùng, có thể đựng thức ăn nóng mà không bị biến dạng. Để dùng bền chỉ nên rửa sạch bằng chất tẩy rửa hữu cơ hoặc chất tẩy rửa tự nhiên như nước bồ hòn. Còn sản phẩm làm từ bột xơ tre tự nhiên, bột sắn thì có màu sắc tự nhiên, không dùng chất tẩy trắng, có thể đựng thực phẩm từ -18 độ C đến 90 độ C và dùng được trong lò vi sóng khoảng 3 - 4 phút.
Khi chúng tôi tỏ ra lo ngại về chất lượng và độ an toàn của của các loại sản phẩm trên vì không có giấy tờ, thông tin, nhãn mác sản phẩm, người bán khẳng định: “Các loại bã mía, xơ tre thì hoàn toàn thiên nhiên và quá trình sản xuất cũng đã được kiểm soát chất lượng chặt chẽ nên khách cứ yên tâm dùng!”.
Đặc biệt, với sản phẩm được sử dụng hàng ngày tại các gia đình có trẻ em, các điểm kinh doanh cà phê, thức uống, nhà hàng, khách sạn, không thể thiếu đó là ống hút. Đón đầu xu hướng này, nhiều điểm kinh doanh đã chào bán nhiều loại sản phẩm ống hút thân thiện với môi trường thay thế ống hút nhựa như: Ống hút làm bằng tre, trúc, cỏ bàng, cỏ sậy... được quảng bá là “nguyên liệu thiên nhiên mọc rất phổ biến tại Việt Nam”.
Hầu hết các loại sản phẩm này đều làm thủ công, tái sử dụng được nhiều lần. Vì vậy, khi mua các loại ống hút này, thường được tặng kèm cọ rửa làm bằng xơ dừa để cọ rửa ống hút sau mỗi lần sử dụng.
Ngoài ống hút làm từ các nguyên liệu thiên nhiên trên, trên thị trường hiện đang phổ biến loại ống hút được làm bằng gạo với nhiều màu: Trắng, tím, xanh lá, đen. Theo giải thích của người bán thì các loại màu này không phải là màu hóa chất mà đó là những màu tự nhiên của các loại rau củ. Như màu tím chiết xuất từ củ dền, màu xanh lá chiết xuất từ lá củ dền, màu đen chiết xuất từ mè đen và màu trắng là bột gạo nguyên chất.
Do nguyên liệu ống hút được làm từ bột gạo nên sau khi sử dụng có thể ăn luôn. Tuy nhiên, cũng giống như ống hút được giới thiệu làm từ bột gạo và màu tự nhiên, các loại ống hút sử dụng nguyên liệu thiên nhiên bán phổ biến trên thị trường nhưng không có thông tin để chứng minh chất lượng và tính an toàn của sản phẩm khiến NTD lo ngại khi mua các loại ống hút này.
Nếu như trên thị trường, các loại sản phẩm thay thế nhựa gần như bị thả nổi, chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc sản phẩm thì tại một số hệ thống siêu thị, các loại sản phẩm thân thiện với môi trường có đầy đủ các thông tin về thành phần, cách sử dụng, bảo quản, hạn sử dụng, xuất xứ... Tuy nhiên, các sản phẩm này có giá cao gấp nhiều lần so với sản phẩm nhựa cùng loại, nên khiến NTD đắn đo khi mua sản phẩm.
Điển hình, ống hút làm từ bột gạo, mỗi bịch nửa kg (100 ống hút) có giá 60.000 đồng/bịch; ống hút bằng giấy 21.000 đồng/bịch (15 ống hút), cao hơn 10 lần so với ống hút nhựa; hộp đựng cơm bằng bã mía giá từ 125.000 – 250.000 đồng/lốc (50 cái) tùy kích cỡ; khay đựng thức ăn bằng bã mía giá 173.000 – 320.000 đồng/lốc (50 cái) cao 3-5 lần so với sản phẩm nhựa cùng loại. Các loại cốc, đĩa, chén, tô... làm bằng giấy, bã mía cũng có giá cao hơn nhiều lần so với sản phẩm nhựa.
Chị Nguyễn Thị Châu (ngụ quận 7) chia sẻ: “Tôi bán quán cơm mỗi ngày cũng cả trăm suất, khách mang đi chủ yếu đựng trong bọc nilon, hộp xốp, hộp nhựa, chi phí không đáng là bao, chỉ khoảng 1.000-2.000 đồng. Trong khi đó, nếu chuyển sang dùng hộp, khay làm bằng bã mía thì chi phí cao lên gấp nhiều lần, nếu cộng chi phí này vào thêm trong phần ăn thì sợ rằng khách hàng khó chấp nhận. Chính vì vậy, phải tính toán thật kỹ trước khi chuyển đổi”.
BS Trần Văn Ký – Hội Khoa Học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam nhận định, những dụng cụ chứa đựng thực phẩm làm từ nguyên liệu thiên nhiên thay thế sản phẩm nhựa được khuyến khích sử dụng là tốt nhưng phải có sự nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá của cơ quan chức năng để xác định sản phẩm là an toàn để NTD yên tâm sử dụng. NTD cần cẩn trọng khi dùng đồ đựng thực phẩm sử dụng nguyên liệu hữu cơ, trước khi mua phải tìm hiểu kỹ thông tin về an toàn chất lượng sản phẩm. Sản phẩm phải có thông tin nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Cũng theo BS Ký, xu hướng thế giới chủ yếu dùng đồ đựng bằng inox, sành sứ tráng men vì bền, không độc hại, chưa sử dụng nhiều đồ đựng là từ nguyên liệu thiên nhiên vì nhanh hỏng, giá thành cao. Cần lưu ý, khi các đồ đựng thực phẩm làm từ mo cau, bã mía, xơ tre… có dấu hiệu bị đổi màu, có mùi khác lạ thì NTD cần bỏ ngay, không sử dụng.
Chống rác thải nhựa là việc cần phải làm ngay và cấp thiết để bảo vệ môi trường. Thời gian qua cũng cho thấy, xu hướng NTD chuyển sang sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho sản phẩm nhựa đang phát triển theo chiều hướng tốt. Tuy nhiên, phần lớn NTD vẫn còn lo ngại về chất lượng sản phẩm thay thế nhựa chưa được kiểm soát chặt chẽ và giá thành cao.
Chính vì vậy, để phong trào thật sự đi vào đời sống, được sự hưởng ứng của toàn xã hội, thì phong trào cần phải được thực hiện xuyên suốt, lâu dài và đặc biệt là làm sao NTD được thuyết phục, chuyển sang sử dụng hoàn toàn sản phẩm thân thiện với môi trường.
Nguồn: vietnamnet.vn
-
UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố không sử dụng nước uống đóng chai nhựa.
Theo Công văn, UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc TP thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa từ ngày 1/9/2019, các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc TP thực hiện Kế hoạch cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị.
Cụ thể, không sử dụng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích 330ml - 500ml) trong công sở và khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (>20 lít) hoặc sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần và các vật liệu khác thân thiện với môi trường.
Không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm thiểu tối đa việc sử dụng túi nilon khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại cơ quan, nơi làm việc. Phát động và thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy trong cơ quan, đơn vị.
Yêu cầu của Thành phố được đưa ra nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “Chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa” và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên & Môi trường về các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa.
Theo UBND thành phố Hà Nội, bắt đầu từ năm 2020, Sở Tài chính Hà Nội sẽ không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp để mua sắm các sản phẩm nhựa dùng một lần sử dụng trong các cuộc họp hội nghị hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan đơn vị.
Đây là hành động thiết thực, ý nghĩa nhằm thay đổi những thói quen nhỏ nhưng có tác động lớn; UBND TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện.
Nguồn: kinhtemoitruong.vn
-
Hãy chọn các sản phẩm nhựa có nhãn số 2, số 4 và số 5 vì chúng được cho là an toàn hơn với sức khỏe.
Nếu bạn để ý, hầu hết những chiếc hộp nhựa và chai nhựa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đều được nhà sản xuất dập nổi một ký hiệu hình tam giác có 3 mũi tên vòng cung nối đuôi nhau. Đó chính là nhãn hiệu tái chế của loại nhựa mà họ sử dụng.
Và bằng cách đọc những con số trên nhãn hiệu tái chế này, bạn có thể biết chiếc hộp hoặc cái chai đó làm từ chất liệu nhựa gì, có phù hợp với mục đích sử dụng hay không? Trong trường hợp bạn đang tìm một cái chai được nước, hoặc một cái hộp để đựng thực phẩm, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên tránh xa các sản phẩm có nhãn số 3,6 và 7.
Đây là lý do tại sao:
1. Chai hộp nhựa có nhãn số 3
Nhãn tái chế số 3 có nghĩa là đồ vật của bạn được làm từ nhựa PVC (Polyvinyl Chloride), hay còn ký hiệu là V. Loại nhựa này có đặc tính dẻo vượt trội, thường được sử dụng để làm lớp bọc dây dẫn điện, ống nhựa, xốp bọt khí để bảo vệ hàng hóa…
Tuy nhiên để có được tính dẻo này, nhà sản xuất sẽ phải pha vào nhựa PVC một hóa chất độc hại là phthalate. Hóa chất này có khả năng gây rối loạn nội tiết tố, làm thay đổi khả năng sản xuất và duy trì hooc-môn trong cơ thể bạn.
Nó có thể bị rò rỉ vào nước uống hoặc thực phẩm, tiếp xúc với thời gian dài có thể gây ra nhiều nguy cơ sức khỏe bao gồm bệnh hen suyễn, béo phì ở trẻ em, bệnh tim mạch, rối loạn sinh dục và sinh sản ở nam giới.
Phthalate đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai, bởi nó có thể làm tăng nguy cơ xảy thai, thai nhi có chỉ số IQ thấp hoặc mắc bệnh ADHD.
Ngoài ra, các sản phẩm nhựa có nhãn số 3 còn chứa di-(2-ethylhexyl)adipate (DEHA). Đây là một hợp chất có thể gây ung thư nếu tiếp xúc lâu dài. DEHA cũng liên quan đến tình trạng loãng xương và các vấn đề về gan khác.
Mặc dù không được khuyến cáo để đựng thực phẩm, bạn vẫn có thể tìm thấy một số sản phẩm trên thị trường sử dụng nhựa PVC nhãn số 3 cho mục đích này, chẳng hạn như chai dầu ăn, cốc đựng sữa chua, bơ, chai nước trái cây…
Một số sản phẩm sử dụng nhựa PVC an toàn hơn bao gồm chai dầu động cơ, chai chất tẩy rửa, dầu gội đầu, bạn chỉ nên sử dụng những loại chai này 1 lần và không tái chế chúng cho các mục đích khác.
2. Chai hộp nhựa có nhãn số 6
Nhãn tái chế số 6 được in hoặc dập nổi trên các sản phẩm làm từ nhựa PS (Polystyrene). Đây là một loại nhựa xốp rẻ tiền, thường được sử dụng ở các nước đang phát triển. Nhiều sản phẩm như hộp đựng thực phẩm, dao, dĩa, thìa nhựa dùng một lần là thứ mà bạn sẽ gặp được làm từ nhựa PS nhãn số 6.
Vấn đề của loại nhựa này là nó có chứa styrene, một hóa chất tạo ra độ xốp. Styrene đặc biệt dễ bị rò rỉ nếu bạn dùng nó để đựng thực phẩm nóng chẳng hạn như cà phê hoặc xôi. Trong khi, phơi nhiễm với styrene có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, ảnh hưởng đến chức năng thận, thính giác và tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư hạch, ung thư máu.
Nhựa PS an toàn hơn khi nó được sử dụng để làm hộp đựng trứng, bao bì xốp và vật liệu cách nhiệt. Nhưng nó chắc chắn không bao giờ phù hợp để đựng nước hay thực phẩm.
3. Chai hộp nhựa có nhãn số 7 hoặc không có nhãn
Các sản phẩm nhựa được dán nhãn số 7 (nhãn cuối cùng) hoặc không có nhãn thực chất là nhựa không được phân loại. Tuy nhiên, nó thường chứa thành phần chính là nhựa PC (polycarbonate). Nguyên liệu của loại nhựa này có chứa bisphenol-A (BPA) là một hóa chất rất độc hại với sức khỏe.
BPA hoạt động như một loại estrogen tổng hợp, giống với phthalate, nó có thể gây ra rối loạn nội tiết tố, làm tăng nguy cơ vô sinh, ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ thai nhi, làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ em.
Ngoài ra, BPA còn làm tăng nguy cơ hai loại ung thư là ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
4. Vậy nên chọn các loại nhựa nào?
Ngoài 3 loại nhựa trên, chúng ta có các sản phẩm nhựa nhãn số 2, số 4 và số 5 được cho là an toàn với sức khỏe. Nhựa có nhãn số 1 là nhựa PETE hoặc PET (Polyethylene Terephthalate) cũng thường được dùng để làm chai đựng nước khoáng, nước ngọt, bia.
Mặc dù loại nhựa này ít có nguy cơ rò rỉ hóa chất vào thực phẩm hơn, tuy nhiên, bạn không nên tận dụng các chai nhựa PET này để đựng nước đi đựng nước lại nhiều lần. Đó là bởi nhựa số 1 rất dễ tích tụ vi khuẩn, có thể khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm.
Nhựa có nhãn số 2 là nhựa HDPE (High Density Polyethylene). Đây là loại nhựa an toàn nhất nên thường được dùng để làm bình đựng sữa cho trẻ sơ sinh. Đó là bởi nhựa HDPE có chất lượng cao, không phát hành hóa chất vào thực phẩm. Các chuyên gia y tế đều khuyên dùng loại nhựa này.
Nhựa có nhãn số 4 là LDPE (Low Density Polyethylene) cũng được coi là an toàn. Tuy nhiên, nó thường ít được sử dụng để làm chai hoặc hộp đựng thực phẩm. Thay vào đó, nhựa LDPE hay được dùng làm túi nilon, giấy gói bánh. Bạn có thể yên tâm nếu trên nhãn túi nilon đựng thực phẩm của mình có nhãn số 4 này.
Nhựa có nhãn số 5 là PP (Polypropylene) thường được dùng làm hộp các sản phẩm thực phẩm có màu sắc bắt mắt như kem, siro, sữa chua. Đó là bởi nhựa PP có màu trắng, dễ nhuộm và trang trí. Ưu điểm của PP là nó có khả năng chịu nhiệt tốt, nên sẽ không tan chảy hoặc phát hành hóa chất nếu dùng để đựng thực phẩm ở nhiệt độ cao.
Tham khảo Theguardian, Ongreenplanet
-
Ép phun nhựa hiện đã trở thành phương pháp chủ yếu để tạo ra đa dạng các sản phẩm ngành nhựa
Công nghệ ép phun nhựa ra đời không chỉ tạo ra khối lượng sản phẩm nhựa vô cùng lớn, mà còn đa dạng chủng loại, màu sắc để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của con người.
Công nghệ ép phun nhựa là gì?
Công nghệ ép phun nhựa là quá trình để sản xuất ra các sản phẩm nhựa bằng cách làm nóng chảy nhựa và bơm vào khuôn ép để tạo hình sản phẩm. Sau đó, các khuôn được làm nguội để giải phóng các bộ phận nhựa đã hoàn thành.
Ép phun nhựa rất linh hoạt và có thể tạo ra các sản phẩm nhựa từ đơn giản đến phức tạp, với số lượng lớn phục vụ cho nhiều ứng dụng khác nhau.
Một số sản phẩm nhựa được sản xuất bằng công nghệ ép phun nhựa
Đa dạng các sản phẩm nhựa được tạo ra bởi công nghệ ép phun
Ép phun nhựa là công nghệ sản xuất nhựa hiện đại, được ứng dụng và tạo ra hàng ngàn, hàng triệu các sản phẩm nhựa dùng trong đời sống hay sản xuất chi tiết lắp đặt công nghiệp. Dưới đây là một số sản phẩm nhựa thường gặp nhất:
Chai nhựa: là sản phẩm phổ biến được sản xuất để sử dụng hàng tỷ đơn vị mỗi năm, với nhiều hình dạng, kích cỡ và màu sắc. Thông thường, các chai nhựa được sử dụng để đựng nước và đồ uống được sản xuất bằng công nghệ ép phun được làm từ nhựa PET bởi vừa nhẹ lại bền khi sử dụng
Đồ gia dụng: Đồ gia dụng nhựa xuất hiện ngay ở bên cạnh chúng ta, từ những hộp đựng, đến tủ bàn, đồ dùng nhà bếp,...
Vỏ đồ điện tử - các thiết bị như tivi, máy tính, điều khiển từ xa, các linh kiện điện tử tiêu dùng khác,... cũng được chế tạo phổ biến bằng công nghệ ép phun nhựa
Đồ chơi nhựa: Nhựa với đặc tính nhẹ và bền, với nhiều kích cỡ và màu sắc khác nhau vì thế là lựa chọn tuyệt vời để sản xuất các sản phẩm đồ chơi nhựa.
Thiết kế cho thị trường nông nghiệp đang chuyển dịch từ vật liệu kim loại sang nhựa như một giải pháp để giảm thiểu chi phí. Sản phẩm nhựa có khả năng chống lại các tác động trong quá trình sử dụng: chịu được độ ẩm cao, bền ở nhiệt độ cao và thấp, không bị ăn mòn,...
Linh kiện nhựa thiết bị y tế: Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, có hàng nghìn sản phẩm được tạo ra từ quá trình ép phun. Các sản phẩm nhựa đa dụng được sử dụng trong y tế phần lớn là đồ dùng một lần, dùng để vô trùng, ngăn ngừa sự lây lan của vi trùng hoặc bệnh tật.
Linh kiện ô tô: Một chiếc ô tô hiện nay bao gồm rất nhiều các chi tiết được sản xuất bằng công nghệ ép phun nhựa. Chúng ta phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô những chi tiết như bảng điều khiển, loa, ghế ngồi,...
Các ứng dụng của sản phẩm ép phun nhựa bao gồm các sản phẩm tiêu dùng, thương mại và công nghiệp. Công nghệ ép phun nhựa cung cấp tính linh hoạt để tạo ra các thiết kế có chi tiết từ đơn giản đến phức tạp ở bất kỳ kích thước nào.
-
Ứng dụng công nghệ lồng nuôi HDPE (kiểu Na Uy) nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nông dân Khánh Hòa có thể nuôi cá tại các vùng biển xa bờ, chịu được sóng gió lớn cấp 12, giảm thiệt hại thấp nhất khi xảy ra bão lũ.
Lồng tròn bằng nhựa HDPE đặc chủng, bao gồm khung lồng, túi lưới và dụng cụ neo. Lồng tròn đặc điểm tách riêng biệt với lồng khác, không kết lại thành bè với hàng chục ô như lồng gỗ truyền thống. Điều này giúp cho lồng nuôi thông thoáng, nhờ đó tỷ lệ cá sống cao hơn, ít bệnh, phát triển khỏe mạnh.
Anh Trần Ngọc Sĩ, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, cho biết, ngoài bè gỗ nuôi truyền thống, năm 2021 anh đã áp dụng nuôi cá ở lồng tròn HDPE với khoảng 1.000 con cá giò (cá bớp). Lồng nuôi này được anh thực hiện theo Dự án "Xây dựng mô hình nuôi cá giò giai đoạn 2020-2022", do Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa hỗ trợ.
Anh Sĩ cho biết, khác với lồng bè truyền thống có kích thước bề mặt 4x4m và cao từ 5-10m; còn lồng HDPE tròn, đường kính 10m, thể tích lồng 500m3 do Việt Nam sản xuất, giá khoảng 180 triệu đồng, giá thấp hơn một nửa so với lồng Na Uy nhập khẩu và có thể thả khoảng 1.000 con giống/ lồng.
Sau 7 tháng thả nuôi, tỷ lệ cá sống đạt từ 80-90%, cao hơn so với lồng truyền thống và đạt trọng lượng khoảng 5kg/con. Tuy nhiên, hiện tại do ảnh hưởng dịch COVID-19, giá cá thấp nên anh Sĩ vẫn đang tiếp tục nuôi để chờ giá tăng cao trong dịp cuối năm. Hơn nữa, việc nuôi cá biển trong lồng tròn HPDE quy trình chăm sóc không khác với lồng truyền thống, chỉ cần 2 người là có thể vận hành tùy ý.
"Từ lúc nuôi lồng HDPE, tôi đỡ sợ hơn khi nghe tin có bão về; mặt khác với hiệu quả trước mắt như thế này, tôi sẽ tiếp tục vay mượn tiền để đầu tư thêm để nuôi tôm hùm, có giá trị kinh tế cao hơn". Anh Sĩ cho hay.
Còn ông Nguyễn Xuân Hòa, với 21 năm nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong cho biết, năm 2017, gia đình ông mất trắng 250 lồng nuôi, thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Trong khi đó, lồng nhựa HDPE của doanh nghiệp nước ngoài trên vịnh vẫn chống chọi qua cơn bão này. Vì vậy, mô hình lồng nhựa HDPE được đưa về triển khai tại địa phương, ông Nguyễn Xuân Hòa đã đầu tư nuôi thử nghiệm 1 lồng.
"Từ năm 2020 nuôi theo mô hình mới này, cá ít dịch bệnh, năng suất cao hơn, đặc biệt là an toàn khi mùa mưa bão về. Do đó, tôi hy vọng bà con nuôi trồng của mình nếu có điều kiện thì nên chuyển đổi mô hình này để nuôi trồng thủy sản, giá cả đầu tư ban đầu hơi đắt nhưng sử dụng được lâu dài", ông Hòa chia sẻ.
Ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh hòa cho biết, cơn bão 12 năm 2017 đổ bộ vào Khánh Hòa gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản; trong đó, có nuôi cá, tôm hùm trên biển thuộc vịnh Vân Phong. Vì vậy, Trung tâm đã nghiên cứu và đặt vấn đề với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và được hỗ trợ thực hiện Dự án "Xây dựng mô hình nuôi cá giò giai đoạn 2020-2022", với 6 lồng nuôi với kinh phí 4,75 tỷ đồng; trong đó, kinh phí khuyến nông hỗ trợ 3 tỷ đồng.
Quá trình thực hiện dự án, Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật xây dựng mô hình, nhân rộng mô hình. Sau gần 2 năm triển triển khai dự án, do thấy hiệu quả mô hình mang lại nên bà con nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong đã học tập và làm theo, nhân rộng lên đến trên 100 lồng HDPE. Cùng với đó, hiện một số công ty ở các địa phương khác cũng về đây đầu tư, chuyển hệ thống nuôi bằng lồng gỗ sang lồng HDPE.
Từ năm 2020 đến nay, dự án đã hỗ trợ nông dân 3 lồng tròn HDPE, tính đến năm 2021 người dân tham gia dự án đối ứng vốn khoảng 1,3 tỷ đồng. Người dân tham gia dự án thu lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, trong năm 2020 một lồng nuôi HPDE với 900 con cá giò của nông dân thu hoạch được 4,2 tấn, giá bán bình quân từ 125 -140 nghìn đồng/kg, lợi nhuận thu được khoảng 88 triệu đồng.
"Quan trọng nhất về hiệu quả môi trường, mô hình này góp phần từng bước chuyển đổi phương thức nuôi trồng bằng bè gỗ truyền thống sang vật liệu nhựa sẽ thay thế vật liệu gỗ, việc việc khai thác rừng lấy gỗ để làm lồng gỗ truyền thống sẽ được giảm dần, góp phần bảo vệ môi trường", ông Khánh nói.
Cũng theo ông Khánh, đây là định hướng của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cũng như định hướng của tỉnh Khánh Hòa trong việc chuyển hình thức nuôi từ lồng gỗ sang lồng HDPE trong thời gian tới. Theo đó, đến năm 2030, toàn bộ lồng nuôi bằng gỗ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ được chuyển sang lồng HDPE. Để thực hiện được, ngành nông nghiệp Khánh Hòa cần xây dựng chính sách hỗ trợ thay đổi lồng nuôi nhằm tạo cảnh quan môi trường, kết hợp với du lịch và tiến tới nuôi biển xa bờ.
Ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn huyện có khoảng 1.200 hộ, gần 40.000 lồng nuôi tôm hùm, nuôi cá biển. Việc chuyển đổi từ lồng gỗ sang lồng nhựa là xu hướng phù hợp với tình hình, nhất là đang biến đổi khí hậu như hiện nay. Tuy nhiên, để người dân thay đổi thói quen, Nhà nước cũng cần có thêm nhiều mô hình nuôi cũng như chính sách hỗ trợ.
"Lồng HDPE giá thành vẫn còn khá đắt. Mỗi lồng đường kính 10m là 180 triệu đồng, bà con cũng ngại đầu tư. Do đó, để người dân chủ động nuôi trồng bằng lồng nhựa HDPE cần có một chính sách hỗ trợ vốn vay hay lãi suất. Điều này cũng phù hợp với điều kiện hiện tại, ứng phó với biến đổi khí hậu", ông Nguyễn Ngọc Ý cho biết.
Trong chuyến kiểm tra thực tế nuôi cá giò trong lồng tròn HPDE kiểu Na Uy tại xã Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa ngày 16/11, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, mô hình nuôi trên lồng nhựa HDPE có hiệu quả thực tế, người dân vào cuộc nuôi theo mô hình này khá là bền vững và cần được nhân rộng ở các địa phương nuôi biển. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức các diễn đàn để giúp nhiều bà con có thể tiếp cận kỹ thuật nuôi này, kiến nghị với các cấp để có chủ trương chính sách giúp đỡ cho người nuôi Khánh Hòa.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa tăng cường các lớp đào tạo, huấn luyện, đưa bà con ngư dân những nơi chưa tiếp cận kỹ thuật này đến tham quan trực tiếp. Từ đó, những ngư dân nơi đây sẽ chuyển giao công nghệ tại chỗ cho những ngư dân khác.
Được biết, hiện nay Việt Nam có tiềm năng nuôi biển khoảng 500.000 ha. Năm 2010, sản lượng nuôi biển chỉ đạt hơn 156.000 tấn, đến năm 2019 đạt gần 598.000 tấn, với tốc độ tăng trưởng bình quân 16%/năm. Ngành nuôi trồng thủy sản trên biển được đánh giá là ngành tiềm năng phát triển kinh tế cao trong tương lai.
Bài, ảnh: Phan Sáu (TTXVN)
-
TTO - Một nhóm nghiên cứu của Đại học Indonesia ở Depok đã tìm ra cách xử lý bã cà phê thành than chì, một loại carbon, để biến chúng thành vật liệu chế phần cực dương trong pin xe điện.
Theo Đài Channel News Asia, nghiên cứu này được ví như "một mũi tên bắn hai con chim" vì Indonesia vừa có lượng rác bã cà phê lớn lại vừa có tham vọng lớn với ngành sản xuất pin xe điện.
Ngoài bã cà phê, nhóm nghiên cứu cũng xử lý gáo dừa thành carbon hoạt tính, để dùng cho cực dương của viên pin.
Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Anne Zulfia Syahrial cho biết pin lithium-ion của họ được làm từ lithium titanate oxide (LTO), có khả năng tạo ra dòng điện ổn định hơn so với pin lithium graphite được sử dụng trong hầu hết các xe điện hiện nay.
LTO không dễ bị đoản mạch trong quá trình sạc nhưng dung lượng của LTO chỉ là 175 miliampe giờ/gram, kém hơn so với dung lượng của graphite là 372 miliampe giờ/gram.
Để khắc phục, họ phải chế tạo tấm Graphene để trộn với LTO. Graphene là một loại siêu vật liệu mới được các nhà khoa học phát minh ra trong khoảng 20 năm gần đây.
Phát minh này giúp nhóm tác giả đoạt giải Nobel vật lý năm 2010. Graphene có nhiều ưu điểm như mỏng nhẹ, siêu bền, siêu cứng và có tiềm năng to lớn trong ứng dụng sản xuất viên pin.
Ý tưởng sử dụng bã cà phê, rác thải nhựa, gáo dừa xuất hiện vì nhóm nghiên cứu muốn giúp giải quyết các vấn đề đau đầu về rác thải của Indonesia. Tuyệt vời hơn, các vật chất này làm viên pin lithium-ion của họ nhẹ hơn, thời gian sạc nhanh hơn.
Pin graphite lithium sử dụng trong các xe điện hiện nay nặng khoảng 500kg, trong khi pin LTO chỉ khoảng 300kg. Pin LTO chỉ cần 30 phút để sạc đầy trong khi đa số các pin xe điện hiện nay cần đến 2 giờ. Nhóm nghiên cứu đang tìm cách để giảm thời gian sạc xuống chỉ còn 15 phút.
Họ cũng sẽ xem xét các loại bã cà phê khác nhau để xác định loại nào hoạt động như than chì tốt nhất và giữa rác nhựa, bã cà phê và gáo dừa thì loại nào cho đặc tính tốt nhất.
Quy trình xử lý bã cà phê thành graphene khá đơn giản, chỉ mất vài tiếng.
1. Rửa bã cà phê với ethanol
2. Sấy khô bã cà phê ở nhiệt độ 120 độ C trong 2 giờ.
3. Nung nóng bã cà phê ở nhiệt độ 150 độ C trong 6 giờ.
4. Lọc và sấy khô cặn
5. Phân hủy cặn ở 900 độ C trong 3 giờ
6. Hòa các cặn đã phân hủy ở bước 5 vào acid sulfuric 10%
7. Kiểm tra carbon và tạo tấm Graphene.
Nghiên cứu được công bố vào tháng trước đang nhận được sự quan tâm lớn. Hiện nay, nhóm nghiên cứu cho biết họ không thể sản xuất số lượng pin lớn nếu không có sự đồng hành của các nhà sản xuất pin.
Nguồn: Tuổi trẻ
-
1. Nhựa phân hủy sinh học PLA là gì?
1.1. Định nghĩa
Nhựa sinh học là vật liệu nhựa được làm từ nguồn nguyên liệu tái tạo được và tùy từng loại mà chúng có thể phân hủy sinh học hoặc không. Hiện nhựa sinh học gồm có polylactic acid (PLA) và polyhydroxyalkanoate (PHA).
Nhựa phân hủy sinh học PLA là một loại nhựa sinh học nhiệt dẻo có nguồn gốc từ thực vật như bột ngô, củ sắn, mía, tinh bột khoai tây,.. Vì thế chúng có khả năng tự phân hủy và được sử dụng để sản xuất các đồ dùng hàng ngày như bao bì đựng thực phẩm, khay đựng, cốc, chén, màng thực phẩm gói rau, dụng cụ y tế,…
1.2. Nhựa phân hủy sinh học PLA sản xuất như thế nào?
Nhựa phân hủy sinh học PLA được sản xuất bằng phương pháp trùng ngưng axit lactic. Các nhà sản xuất sẽ lên men đường lấy từ nguồn nguyên liệu tái tạo như tinh bột ngô, bột sắn hột, mía đường, tinh bột khoai tây… và thu lấy axit lactic.
Theo giáo sư Bert Sels của Trung tâm xúc tác và hóa học bề mặt thì axit lactic được đưa vào một lò phản ứng và được trùng ngưng thành “lactide” trong môi trường chân không và điều kiện là nhiệt độ cao.
Sau đó, lactide này dưới tác dụng của xúc tác và nhiệt độ phân giải ra thành chuỗi và liên kết với nhau tạo ra PLA. Trong quá trình sản xuất nhựa PLA, người ta vẫn sử dụng xúc tác kim loại sinh ra rác thải trong các bước trung gian (bước tạo ra lactide).
Ngày nay, để tăng hiệu quả kinh tế, các nhà khoa học đã đưa ra ý tưởng sử dụng zeolite (một khoáng chất xốp được tạo ra từ nhôm, oxy, silic) làm chất xúc tác trong lò phản ứng để dẫn đường cho quá trình chuyển đổi từ axit lactic thành lactide. Kim loại sinh ra rác thải trong các bước trung gian được loại bỏ.
Theo nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ Michiel Dusselier thì “Bằng cách lựa chọn một dạng zeolite cụ thể dựa trên hình dạng lỗ của nó, chúng tôi có thể chuyển đổi axit lactic thành các khối xây dựng cho PLA mà không tạo ra sản phẩm phụ lớn hơn không vừa với lỗ của zeolite”.
2. Ưu và nhược của nhựa phân hủy sinh học PLA
Với cách sản xuất như trên nhựa phân hủy sinh học PLA có một số ưu, nhược điểm sau:
2.1. Ưu điểm
Trước hết, nhựa phân hủy sinh học PLA có một số ưu điểm nổi bật là:
PLA được sản xuất từ các thành phần có nguồn gốc từ nguyên liệu tái tạo như tinh bột ngô, củ sắn, mía, tinh bột khoai tây… nên thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng, thích hợp để sản xuất ra các đồ dùng hàng ngày và dụng cụ y tế.
Đây là nguyên liệu tái sinh, sau khi sử dụng chúng được các vi sinh vật phân hủy thành các sinh khối tại các nhà máy xử lý rác thải và được dùng như phân bón vi sinh trên cây trồng.
PLA chuyển hóa thành phân bón sinh học sau khi được xử lý phân hủy sinh học công nghiệp. Bề mặt nhựa PLA thẩm thấu tốt, giúp sinh vật dễ xâm nhập để thúc đẩy quá trình phân hủy tự nhiên. Ở điều kiện thích hợp, dưới tác động của vi sinh vật, nhựa PLA có thể phân hủy thành carbon dioxide, nước, mùn sinh học tốt cho cây và không gây ô nhiễm môi trường.
PLA không tạo ra các chất bay hơi độc hại khi đốt như các loại nhựa truyền thống thường có nên không gây ô nhiễm môi trường.
PLA có thời gian phân hủy ngắn, chỉ vài tháng hoặc vài năm. Trong khi thời gian phân hủy của nhựa truyền thống có thể lên đến hàng trăm năm, hàng nghìn năm. Vì thế, PLA tạo ra được những tác dụng tích cực lên môi trường, không như các loại nhựa truyền thống.
2.2. Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật, nhựa phân hủy sinh học PLA có một số nhược điểm như:
Việc sản xuất phụ thuộc nhiều vào vùng nguyên liệu: Bởi các nhà máy sản xuất nhựa phân hủy sinh học PLA cần được đặt gần vùng nguyên liệu như những cánh đồng bắp, sắn, mía hoặc củ cải đường… lớn.
Nhựa PLA chỉ có thể phân hủy trong điều kiện xử lý công nghiệp: Phần lớn các sản phẩm có sử dụng PLA đều có đặc điểm này, chúng sẽ phân hủy ở những điều kiện nhiệt độ, vi sinh vật… đạt tiêu chuẩn nhất định.
Nhựa PLA nếu xử lý không đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng nhựa tái chế: Nhựa PLA nếu lẫn với các nguyên liệu tái chế sẽ gây ảnh hưởng lên chất lượng sản phẩm sau khi tái chế.
Chưa có nhiều nhà sản xuất PLA ở quy mô công nghiệp và sản lượng PLA hiện nay đang trong tình trạng cung không đủ cầu. Việc sản xuất nhựa PLA trong quy mô công nghiệp đòi hỏi công nghệ cao, chi phí nhiều nên giá thành cao hơn các loại nhựa có nguồn gốc hóa thạch như PA, PE, PP,…
3. Ứng dụng của nhựa phân hủy sinh học PLA trong đời sống
Vì nhựa phân hủy sinh học PLA không độc hại với cơ thể người nên được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực sau:
3.1. Ứng dụng trong kỹ thuật cấy mô
Phương pháp cấy mô liên kết các tế bào sống với hệ thống khung thông qua các vật liệu sinh học. Nhờ đó, các tế bào sống có thể sinh sôi, nảy nở theo các chiều hướng khác nhau giúp tái tạo các mô sống.
Vật liệu sinh học giúp thay thế các mô sống và mang lại lợi ích cho việc cấy ghép nội tạng. Biopolymer, đặc biệt là nhựa PLA chính là lựa chọn tối ưu trong trường hợp này.
Nhựa PLA đã được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho phép ứng dụng lâm sàng ở người. Nó đã được thử nghiệm thành công trong việc tái tạo mô ở các cơ quan như xương, sụn, bàng quang, gan, van tim cơ học.
3.2. Ứng dụng làm vật liệu mang, dẫn truyền thuốc
Nhựa PLA có khả năng tương thích sinh học cao, phân hủy sinh học, xử lý nhiệt và có độ bền cơ học cao, độ hòa tan trong các dung môi hữu cơ nên nó được sử dụng nhiều trong vật liệu dẫn truyền thuốc.
PLA được dùng để dẫn truyền cho bệnh uốn ván, hỗ trợ dẫn truyền cho thuốc insulin xịt ở miệng cho bệnh đái tháo đường loại 2, dẫn truyền cho nhóm thuốc paclitaxel chống ung thư, dẫn truyền cho nhóm thuốc 5 FU và paclitaxel, dẫn truyền thống cho quá trình điều trị ung thư,…
Ngoài ra, PLA biến tính còn có trong các sản phẩm cấy ghép hoặc dùng trong vật liệu chế tạo các thiết bị y tế như chỉ tự tiêu, thanh định hình, ghim, tấm, thiết bị truyền dịch một lần, bao bì phân phối thuốc,… hoặc ứng dụng trong phương pháp điều trị da như điều trị sẹo trên mặt, teo mỡ,…
3.3. Ứng dụng trong lĩnh vực bao bì đóng gói
PLA biến tính còn có trong các vật liệu được sử dụng để làm khay, hộp đựng thức ăn, sản xuất màng phim mỏng đóng gói thực phẩm, túi đựng đồ siêu thị, đĩa, ly, muỗng,…
Đặc biệt PLA biến tính được gia cường bằng bentonite, phủ lớp microcrystalline cellusose, silicate có khả năng kháng tia UV và ánh sáng khả kiến (nguyên nhân gây biến tính chất lượng sản phẩm) nên còn được dùng làm bao bì bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, loại bao bì này còn có tính kháng khuẩn, thích hợp với việc bảo quản thực phẩm sống như rau củ quả, thịt cá,…
3.4. Ứng dụng trong lĩnh vực ô tô vận tải
Vật liệu composites nền PLA được nhiều công ty sử dụng trong lĩnh vực vận tải như:
Công ty Toyota sử dụng composite nền PLA và sợi kenaf làm lốp xe dự phòng và nghiên cứu để sản xuất tấm trải sàn, tay cầm, ghế ngồi.
Công ty Ford dùng composite nền PLA làm hệ thống vòm xe, tấm thảm trải
Công ty Mitsubishi sử dụng PLA sợi, Nylon 6 làm tấm trải xe.
Công ty ô tô Fiat (Italy) nghiên cứu vật liệu polymer “xanh” để chế tạo các bộ phận trong ô tô.
3.5. Ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp
PLA được sử dụng trong các ứng dụng làm màng phủ sinh học có tác dụng tăng tốc độ chín của quả trên cây trồng, giữ phân bón, độ ẩm, ức chế nhiễm nấm, sự phát triển của cỏ dại và sự phá hoại của côn trùng. Ngoài ra, có loại màng phủ sinh học còn giúp cây trồng chống chịu với sự thay đổi của thời tiết
Bên cạnh đó, PLA biến tính cũng được dùng làm dây buộc cà chua, chậu cây và một số vật dụng khác
3.6. Ứng dụng trong lĩnh vực điện tử
Nhựa phân hủy sinh học PLA biến tính được các công ty chế tạo và sử dụng khá nhiều trong lĩnh vực điện tử như:
Năm 2002, công ty Mitsubishi chế tạo ra PLA chịu nhiệt làm vỏ máy nghe nhạc.
Năm 2004, công ty NEC Corp của Nhật gia cường sợi kenaf cho vật liệu composite nhựa nền PLA để tăng khả năng chịu nhiệt và làm dummy cắm trực tiếp vào laptop chống bụi bẩn tác động, vỏ điện thoại (năm 2006).
Năm 2005, Fujitsu dùng composite của PLA vào thiết bị chống cháy trong nhà. Họ cũng dùng hỗn hợp blend PLA/PC/phosphorus làm hệ thống khung của máy tính.
Năm 2007, Samsung dùng PLA/Polycarbonate bisphenol A (PC) có khả năng chịu nhiệt, va đập vào sản xuất các vỏ linh kiện điện tử như vỏ máy tính, vỏ điện thoại… .
Ngoài những lĩnh vực trên, nhựa PLA còn được sử dụng để làm chai lọ đựng thuốc viên, vải lều, bề mặt chiếu, in ấn 3D… .
Nguồn: aneco.com.vn
-
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID - 19 tác động đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề gặp khó khăn, trong đó có ngành công nghiệp nhựa, nhưng năm 2020 ngành nhựa vẫn duy trì khá tốt được hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành Nhựa Việt Nam đã nắm bắt được xu hướng dịch chuyển sản xuất của thế giới. Bên cạnh việc giữ vững, đạt mức tăng trưởng tốt ở những thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và Trung Quốc thì mặt hàng sản phẩm nhựa của Việt Nam đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác.
Túi nhựa là sản phẩm nhựa chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao nhất trong giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng bình quân của mặt hàng túi nhựa không cao vì trong những năm gần đây rất nhiều thị trường lớn của sản phẩm túi nhựa của Việt Nam như Nhật Bản và một số thị trường EU như Hà Lan, Đức đều hạn chế hoặc cấm sử dụng sản phẩm túi nhựa dùng một lần, khó phân hủy ảnh hưởng đến môi trường.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm túi nhựa trong năm 2020 đạt 910 triệu USD, tăng 46,3% so với năm 2016. Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm túi nhựa chiếm 25,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa trong năm 2020, giảm 3,2 điểm phần trăm so với năm 2016.
Các mặt hàng sản phẩm nhựa khác của Việt Nam xuất khẩu trong giai đoạn 2016 - 2020 cũng nhiều biến động theo nhu cầu của các thị trường xuất khẩu nhựa như: tăng cường xuất khẩu các mặt hàng dùng trong cuộc sống hằng ngày hay sử dụng cho xây dựng như tấm, phiến, màng nhựa, sản phẩm nhựa gia dụng, đồ dùng trong xây lắp...
Bên cạnh đó, cơ cấu chủng loại mặt hàng sản phẩm nhựa xuất khẩu của Việt Nam đã dịch chuyển khá rõ dưới tác động của dịch COVID - 19. Thói quen mua sắm của người dân như ở một số thị trường lớn của mặt hàng nhựa như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc... đã chuyển từ hàng hoá cơ bản sang những hàng hóa phục vụ cho việc làm đẹp tại nhà hoặc xây dựng, sửa sang trang trí nhà cửa trong thời gian dịch COVID - 19 do người dân ở nhà nhiều hơn. Thị trường nhà mới đang được thúc đẩy nhờ số lượng căn tồn ở gần mức thấp kỷ lục, đặc biệt là những nhà cấp thấp. Dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu về chỗ ở rộng rãi và đắt tiền hơn khi hàng triệu người phải làm việc và học tập tại nhà.
Chính vì vậy, sản phẩm nhựa Việt Nam tập trung xuất khẩu các mặt hàng mà trong thời kỳ dịch bệnh mọi người ở nhà nhiều hơn nên dành nhiều thời gian làm đẹp hay sửa sang, trang trí nhà cửa như tấm, phiến, màng nhựa; sản phẩm nhựa gia dụng; vải bạt; đồ dùng trong xây dựng; linh kiện lắp đặt đồ đạc trong nhà, xe cộ; vỏ mỹ phẩm…và giảm tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng như túi nhựa.
Đáng chú ý, tấm, phiến, màng nhựa là mặt hàng lớn có tỷ trọng xuất khẩu trong năm 2020 đạt 21,5%, tăng 6,3 điểm phần trăm so với năm 2016. Trong 7 tháng đầu năm 2021, sản phẩm tấm, phiến, màng nhựa thay thế túi nhựa trở thành sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam. Sản phẩm nhựa này xuất khẩu tăng trưởng mạnh là do nhu cầu của thị trường Mỹ tăng mạnh nhất là đối với các mặt hàng tấm trải sàn bằng plastic dạng rời; mút xốp; cuộn nhựa…Ngoài ra, sản phẩm nhựa này được xuất khẩu nhiều nhất đến các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và một số thị trường ASEAN với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng rất mạnh.
Ngoài ra, các mặt hàng đồ dùng trong xây lắp, vỏ mỹ phẩm của Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2021 là do xuất khẩu tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Theo dõi tình hình xuất khẩu sản phẩm nhựa Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021 nhận thấy, cơ cấu sản phẩm nhựa xuất khẩu của Việt Nam xuất trong 7 tháng đầu năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2020 có sự thay đổi đáng kể. Trong nhóm cơ cấu về 5 mặt hàng sản phẩm nhựa lớn nhất, sản phẩm đồ dùng trong xây lắp thay thế cho sản phẩm nhựa công nghiệp trở thành một trong 5 sản phẩm nhựa xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021.
Tấm, phiến, màng nhựa thay thế túi nhựa trở thành sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021. Trong khi tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm túi nhựa giảm từ 27,7% trong 7 tháng đầu năm 2020 xuống 19,6% trong 7 tháng đầu năm 2021 thì tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm tấm, phiến màng nhựa tăng từ 19,4% trong 7 tháng đầu năm 2020 lên 20,3% trong 7 tháng đầu năm 2021.
Trong giai đoạn năm 2016-2019, Nhật Bản giữ vững là thị trường lớn nhất của sản phẩm nhựa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2020, do tác động dịch COVID - 19, một số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng rất mạnh như tấm, phiến, màng nhựa và đồ dùng trong xây lắp do nhu cầu cao nên Mỹ thay thế Nhật Bản trở thành thị trường lớn nhất của sản phẩm nhựa xuất khẩu Việt Nam.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, các sản phẩm nhựa của Việt Nam xuất khẩu tới hơn 150 thị trường. Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất của sản phẩm nhựa xuất khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021, chiếm tới 36,8% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa, đạt 1,01 tỷ USD, tăng 93,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Các mặt hàng đồ dùng trong xây lắp của Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ là một trong nguyên nhân dẫn đến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa sang Mỹ tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm 2021. Sản phẩm nhựa này đáp ứng nhu cầu của người Mỹ trong xây dựng, sửa sang trang trí nhà cửa như tấm sàn nhựa, ván sàn nhựa, rèm treo cửa, tấm trải sàn…Và một mặt hàng khác cũng đẩy mạnh sang thị trường Mỹ là các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu làm đẹp như là bộ móng tay nhựa, dũa móng…
Theo ITC, trong 6 tháng đầu năm 2021, mặt hàng nhựa đồ vật dùng trong xây lắp (HS 3925) xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1,27 tỷ USD. Chứng tỏ nhu cầu sản phẩm nhựa đồ vật dùng trong xây lắp của thị trường Mỹ trong năm 2021 là rất lớn.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 5 cung cấp mặt hàng sản phẩm nhựa này cho thị trường Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2021 với kim ngạch tăng khá mạnh, đạt 108,2 triệu USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8,5% tổng trị giá nhập khẩu của thị trường Mỹ. Sản phẩm nhựa đồ dùng trong xây lắp (HS 3925) của Việt Nam có nhiều triển vọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong năm 2021 do nhu cầu mặt hàng này tại thị trường Mỹ đang tăng mạnh.
Khả năng cạnh tranh của sản phẩm nhựa Việt Nam được nâng cao, thị phần mặt hàng sản phẩm nhựa xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới tăng. So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam có một số lợi thế để tranh thủ sự dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng, như chính trị - xã hội ổn định, nguồn lao động trẻ dồi dào, tiềm năng thị trường gần 100 triệu dân với tầng lớp khá giả ngày càng tăng... Mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia được nhiều doanh nghiệp đánh giá là một lợi thế lớn của Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư di chuyển sản xuất sang Việt Nam nhằm tiếp cận các thị trường có FTA với Việt Nam. Đơn cử như, FTA Việt Nam - EU (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8-2020, tạo cho Việt Nam lợi thế đi trước hầu hết các nước trong khu vực từ 7 - 10 năm về đặc quyền tiếp cận thị trường EU rộng lớn với cam kết giảm thuế quan đối với gần 100% dòng thuế.
Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhựa trong bối cảnh khó khăn đã cho thấy, các sản phẩm nhựa của Việt Nam đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng, khẳng định vị trí quan trọng của ngành sản xuất nhựa trong tổng thể lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói chung. Tại thị trường nước ngoài, sản phẩm nhựa của Việt Nam đã được đánh giá là có khả năng cạnh tranh cao do công nghệ sản xuất một bộ phận lớn đã tiếp cận với trình độ hiện đại của thế giới. Sản phẩm nhựa của Việt Nam đã được tiêu thụ ở cả những thị trường có nền công nghiệp phát triển và khó tính trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, EU,...
Dịch COVID-19 đã dẫn đến những biến đổi lớn trên thị trường chất dẻo toàn cầu, khiến cho các nhà sản xuất polyme phải vất vả chuyển hướng và điều chỉnh trong thời gian ngắn. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa xuất khẩu Việt Nam cũng điều chỉnh với xu hướng mới của thế giới.
Dịch bệnh COVID-19 đã làm bộc lộ những khó khăn khi cung ứng các sản phẩm nhựa bị gián đoạn, không kịp thời do mạng lưới chuỗi cung ứng trải rộng toàn cầu cũng như nhiều chuỗi cung ứng quá phụ thuộc vào các trung tâm sản xuất và các thị trường lớn, nhất là Trung Quốc. Bên cạnh việc tối ưu hóa sản xuất và chi phí, việc dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng còn nhằm để phân tán và giảm thiểu rủi ro. Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc ngày càng quyết liệt, xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu đang thể hiện mạnh mẽ, đặt ra cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
Có thể thấy, dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc thực chất là một xu hướng khách quan đã diễn ra trong nhiều năm nay với động lực chính được thúc đẩy bởi mục tiêu lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất, chi phí và sự phát triển của khoa học - công nghệ. Dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, xu hướng này được đẩy mạnh hơn, bởi ngoài các động lực nói trên nay có thêm động lực phân tán và giảm thiểu rủi ro./.