Thêm kết quả...

23 CÔNG VIỆC LIÊN QUAN ĐẾN NGÀNH LUẬT BẠN NÊN BIẾT!

Có thể nói, ngày nay khi kinh tế xã hội và thị trường đang trên con đường phát triển vượt bậc thì song hành kèm theo sự tiến bộ này ắt hẳn sẽ tồn tại nhiều mối quan hệ xã hội nảy sinh. Theo đó, hiển nhiên sẽ không tránh khỏi những tranh chấp, vướng mắc mà nó cần có sự can thiệp nhất định phần nào đó của pháp luật. Cũng chính bởi vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng “Luật” sẽ là một ngành sẽ càng ngày trở nên hot, có sức thu hút lớn. Nói cách khác, đây là ngành mà hẳn sẽ nhận được sự yêu thích, quan tâm của nhiều người.

Song giờ đây, nếu bạn đã, đang hoặc sắp có ý định ứng tuyển vào ngành Luật trong kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông quốc gia tới đây thì hãy đừng đắn đo, do dự lo sợ rằng học luật ra chắc chỉ có con đường trở thành Luật sư mà bạn hãy yên tâm bởi vì: Học Luật cơ hội việc làm rất lớn, sẽ có rất nhiều công việc cho bạn lựa chọn sau khi tốt nghiệp. Nói rõ ràng và cụ thể hơn, chúng ta có thể định hình thế này: sau khi ra trường các bạn cử nhân Luật thường sẽ có 02 hướng đi:

(1) Một là, các bạn sẽ lựa chọn một số công việc phù hợp mà điều kiện cần đến việc bạn phải có được một tấm bằng cử nhân Luật sư

(2) Hai là, tùy vào khả năng và nguyện vọng, các bạn có thể tham gia học tiếp các khoá đào tạo chuyên sâu về kỹ năng rồi sau đó sẽ được công nhận đủ điều kiện hành nghề đối với một số công việc ngành luật cần chuyên môn cao.

Dưới đây mình sẽ thống kê một số công việc ngành luật mà các bạn có thể chọn lựa sau khi hoàn thành tấm bằng cử nhân Luật để giải đáp rõ ràng cho nhận định về cơ hội việc làm lớn của sinh viên luật mà mình đã đề cập phía trên nhá

  1. Tư vấn viên pháp luật:

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 77/2008/NĐ-CP thì tiêu chuẩn để trở thành tư vấn viên pháp luật là:

– Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam;

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;

– Có Bằng cử nhân luật;

– Có thời gian công tác pháp luật từ ba năm trở lên.

Tư vấn viên pháp luật được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật. Tư vấn viên pháp luật được hoạt động trong phạm vi toàn quốc.

Công chức đang làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân không được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật.

  1. Báo cáo viên pháp luật:

Báo cáo viên pháp luật là cán bộ, công chức, viên chức và sỹ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận để kiêm nhiệm thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

Theo Điều 35 Luật phổ biến giáo dục pháp luật 2012 thì báo cáo viên pháp luật phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

– Có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng vững vàng, có uy tín trong công tác;

– Có khả năng truyền đạt;

– Có bằng tốt nghiệp đại học luật và thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật ít nhất là 02 năm; trường hợp không có bằng tốt nghiệp đại học luật, nhưng có bằng tốt nghiệp đại học khác thì phải có thời gian công tác liên quan đến pháp luật ít nhất là 03 năm.

  1. Nhân viên hành chính nhân sự:

Một số danh nghiệp hiện nay khi tuyển dụng nhân viên hành chính nhân sự có xem xét điều kiện “có bằng cử nhân Luật” là một ưu tiên.

  1. Giảng viên ngành Luật:

Sau khi lấy được tấm bằng cử nhân Luật bạn có thể đầu quân làm giảng viên Luật tại chính ngôi trường bạn đã học hoặc cho những trường khác có đào tạo luật.

Theo quy định tại Luật giáo dục đại học 2012 và Luật giáo dục 2019 thì tiêu chuẩn trở thành giảng viên đại học là:

– Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp;

– Đạt trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy cao đẳng, đại học; có bằng thạc sĩ trở lên đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận văn thạc sĩ; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận án tiến sĩ.

  1. Người làm công tác pháp chế thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học:

– Công chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải là công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương, có trình độ cử nhân luật trở lên.

Viên chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập là viên chức có chức danh nghề nghiệp, có trình độ cử nhân luật trở lên.

– Người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất 05 năm trực tiếp làm công tác pháp luật.

  1. Trợ lý Luật sư:

Sau khi bạn hoàn thành chương trình học tập ngành luật và đạt được tấm bằng cử nhân Luật thì ngay sau khi ra trường bạn có thể đăng ký ứng tuyển làm trợ lý luật sư cho những doanh nghiệp hoặc Luật sự riêng có nhu cầu.

  1. Trợ giúp viên pháp lý

Theo quy định hiện hành tại Điều 11 Luật trợ giúp pháp lý 2017 thì tiêu chuẩn để bạn trở thành một trợ giúp viên pháp lý thì bạn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau đây:

– Công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước;

– Có phẩm chất đạo đức tốt;

– Có trình độ cử nhân luật trở lên;

– Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý;

– Có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý;

– Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.

  1. Cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước:

Theo quy định hiện hành tại Điều 24 Luật trợ giúp pháp lý 2017, để trở thành một cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thì bạn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau đây: Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, tự nguyện tham gia trợ giúp pháp lý mà không thuộc một trong các trường hợp không được tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định thì được Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, công nhận và cấp thẻ cộng tác viên trong các trường hợp sau đây:

– Trợ giúp viên pháp lý;

– Thẩm phán, thẩm tra viên ngành Tòa án;

– Kiểm sát viên, kiểm tra viên ngành kiểm sát;

– Điều tra viên;

– Chấp hành viên, thẩm tra viên thi hành án dân sự;

– Chuyên viên làm công tác pháp luật tại các cơ quan nhà nước.

  1. Chấp hành viên:

Có thể hiểu, chấp hành viên là một chủ thể mang quyền lực của nhà nước trong việc tổ chức việc thi hành án dân sự.

Chấp hành viên được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm và theo Điều 18 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014) phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau:

– Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt,

–  Có trình độ cử nhân luật trở lên;

–  Có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

  1. Ủy viên Ban Giải quyết khiếu nại thuộc Bộ phận pháp chế của Liên Đoàn Bóng Đá Việt Nam:

Theo quy định tại Điều 59 Quyết định 224/QĐ-BNV thì Các Ủy viên Ban Giải quyết khiếu nại phải có bằng cử nhân luật.

  1. Giám thị, Phó giám thị, Trưởng phân trại, Phó trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó đội trưởng trại giam:

Theo quy định tại Điều 17 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì Giám thị, Phó Giám thị, Trưởng phân trại, Phó trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó đội trưởng phải là người có trình độ đại học cảnh sát, đại học an ninh hoặc cử nhân luật trở lên và bảo đảm các tiêu chuẩn khác theo quy định.

  1. Thừa phát lại:

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan. Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thừa phát lại trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì tiêu chuẩn trở thành Thừa phát lại là:

– Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.

– Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.

– Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.

– Tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại quy định tại Điều 7 của Nghị định này.

– Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.

  1. Công chứng viên:

Công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế – xã hội.

Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng.

Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Theo quy định tại Điều 8 Luật Công chứng 2014 thì tiêu chuẩn để trở thành Công chứng viên là:

– Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;

– Có bằng cử nhân luật;

– Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;

– Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 của Luật này hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này;

– Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.

  1. Điều tra viên vụ việc cạnh tranh:

Điều tra viên vụ việc cạnh tranh (sau đây gọi là điều tra viên) do Bộ trưởng Bộ Thương mại bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh. Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ điều tra vụ việc cạnh tranh cụ thể theo quyết định của Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh.

Theo Điều 53 Luật Cạnh tranh 2018 thì Người có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể được bổ nhiệm làm điều tra viên:

– Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực.

– Là công chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

– Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, tài chính và công nghệ thông tin.

– Có tổng thời gian công tác thực tế ít nhất là 05 năm trong một hoặc một số lĩnh vực quy định tại khoản 3 Điều này.

– Được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đi

  1. Thành viên hội đồng cạnh tranh:

Hội đồng cạnh tranh là cơ quan do Chính phủ thành lập. Hội đồng cạnh tranh có nhiệm vụ tổ chức xử lý, giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh.

Theo quy định tại Điều 55 Luật cạnh tranh 2018​​​​​​​ thì người có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng cạnh tranh:

– Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, khách quan, có tinh thần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa;

– Có trình độ cử nhân luật hoặc cử nhân kinh tế, tài chính;

– Có thời gian công tác thực tế ít nhất là chín năm thuộc một trong các lĩnh vực quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

– Có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

  1. Luật sư:

Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Theo quy định của Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012) thì:

– Tiêu chuẩn trở thành luật sư:

+ Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.

+ Có bằng cử nhân luật;

+ Đã được đào tạo nghề luật sư: Người có bằng cử nhân luật được đăng ký tham dự khoá đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư.

+ Đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư: Thời gian đào tạo nghề luật sư là sáu tháng.

+ Có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.

– Điều kiện hành nghề: Người có đủ tiêu trên muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.

  1. Thẩm phán:

Thẩm phán là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật này được Chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử.

Theo quy định tại Điều 67 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 thì tiêu chuẩn để trở thành Thẩm phán là:

– Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.

– Có trình độ cử nhân luật trở lên.

– Đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử.

– Có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật.

– Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

  1. Kiểm sát viên:

Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Theo quy định tại Điều 75 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 thì tiêu chuẩn để trở thành Kiểm sát viên là:

– Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

– Có trình độ cử nhân luật trở lên.

– Đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát.

– Có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của Luật này.

– Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

  1. Thư ký Tòa án:

Thư ký Tòa án là công chức làm việc tại Tòa án, có nhiệm vụ: ghi chép, tống đạt văn bản tố tụng, nhận, giữ, sắp xếp hồ sơ; hướng dẫn, phổ biến cho đương sự…

Theo quy định tại Điều 92 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 thì tiêu chuẩn trở thành Thư ký Tòa án là:

– Người có trình độ cử nhân luật trở lên;

– Được Tòa án tuyển dụng (đỗ kỳ thi tuyển công chức Tòa án);

–  Được đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án;

–  Được bổ nhiệm vào ngạch Thư ký Tòa án.

Các bạn tham khảo thêm về tiêu chuẩn và điều kiện trở thành thẩm tra viên tại Quyết định 1718/QĐ-TANDTC

  1. Thẩm tra viên:

Thẩm tra viên là công chức chuyên môn của Tòa án. Thẩm tra viên có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Thẩm tra hồ sơ các vụ việc mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo sự phân công của Chánh án Tòa án; Kết luận việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra với Chánh án Tòa án; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án…….

Theo quy định tại Điều 93 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 thì Điều kiện để trở thành thẩm tra viên là:

– Đã làm Thư ký Tòa án từ 05 năm trở lên;

–  Được đào tạo nghiệp vụ Thẩm tra viên;

– Được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm tra viên.

Các bạn tham khảo thêm về tiêu chuẩn và điều kiện trở thành thẩm tra viên tại Quyết định 1718/QĐ-TANDTC.

  1. Công chức làm công tác hộ tịch:

Công chức làm công tác hộ tịch bao gồm: công chức tư pháp – hộ tịch ở cấp xã; công chức làm công tác hộ tịch ở Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; viên chức ngoại giao, lãnh sự làm công tác hộ tịch tại Cơ quan đại diện.

Theo quy định tại Điều 72 Luật Hộ tịch 2014 thì điều kiện trở thành:

– Công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã là phải có các tiêu chuẩn sau đây:

+ Có trình độ từ trung cấp luật trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch;

+ Có chữ viết rõ ràng và trình độ tin học phù hợp theo yêu cầu công việc.

– Công chức làm công tác hộ tịch tại Phòng Tư pháp phải có trình độ cử nhân luật trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch.

– Viên chức ngoại giao, lãnh sự làm công tác hộ tịch tại Cơ quan đại diện đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch.

  1. Quản tài viên:

Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.

Theo quy định hiện hành tại Điều 12 Luật phá sản 2014 thì điều kiện để được hành nghề quản tài viên là:

– Những người sau đây được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên:

  1. a) Luật sư;
  2. b) Kiểm toán viên;
  3. c) Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo.

– Điều kiện được hành nghề Quản tài viên:

  1. a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  2. b) Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;
  3. c) Có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.
  4. d) Đấu giá viên

Đấu giá viên là người thuộc tổ chức đấu giá có trách nhiệm thực hiện việc đấu giá theo đúng quy định pháp luật, để trở thành đấu giá viên phải đáp ứng một số điều kiện theo luật định.

Theo quy định tại Điều 10 Luật Đấu giá tài sản 2016 thì Đấu giá viên phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

– Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;

– Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng;

– Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá quy định tại Điều 11 của Luật, trừ trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá quy định tại Điều 12 của Luật;

– Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá. (thời gian tập sự 06 tháng + Thi kiểm tra)

Kết luận: Có thể nói, ngoài những công việc mà mình đã đề cập trên thì thực tế sẽ còn nhiều công việc khác cũng cần đến tấm bằng cử nhân luật nữa. Tuy nhiên, kim chỉ nam hành nghề là dù làm công việc gì đi chăng nữa thì quan trọng nhất là bạn phải có sự đam mê, yêu thích nó rồi mới chọn lựa, bởi vì, có như thế bạn mới thật sự nạp đủ nhiệt huyết và năng lượng để có thể làm việc hết mình và cảm thấy hạnh phúc khi bạn làm việc. Chúc các bạn sống đúng với đam mê của mình và hãy dũng cảm để theo đuổi ước mơ của nhé!

Nguồn: lawnet.thukyluat.vn