Thêm kết quả...

TÌNH HÌNH ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP THÁNG 6 VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

Các yếu tố tác động đến tình hình đăng ký doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2021

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, với 2 đợt dịch bùng phát vào tháng 01 và tháng 4 năm 2021, đã ảnh hưởng khá nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội. Đợt dịch lần thứ 4 này đã tác động đến trung tâm kinh tế vùng Đông Nam Bộ là thành phố Hồ Chí Minh, gây đảo lộn sản xuất tại một số khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh.

Mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân; duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; ổn định việc làm, hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp khó khăn; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Trong nửa năm qua, kinh tế vĩ mô của nước ta vẫn duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt, cân đối ngân sách được đảm bảo; tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp đáng khích lệ, tăng trưởng tín dụng tiếp tục phục hồi nhanh, lãi suất ở mức thấp tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh; tăng trưởng hoạt động xuất khẩu ở mức cao. So với cùng kỳ, sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, hoạt động bán lẻ hàng hoá dịch vụ, vốn đầu tư… đều tăng trưởng khá.

Với tinh thần và chiến lược xuyên suốt là chiến thắng dịch bệnh bằng công thức “5K và vắc xin”, Việt Nam quyết tâm sớm đạt miễn dịch cộng đồng, mục tiêu tiêm đủ vắc xin cho 70% dân số, đồng thời duy trì ý thức phòng ngừa cao ở mỗi người và cả cộng đồng nhằm triển khai hiệu quả “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế – xã hội.

Những yếu tố này đã tác động tích cực đến tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2021

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021 là 93.225 doanh nghiệp (tăng 6,9% so với cùng kỳ 2020), bao gồm: 67.083 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 8,1%) và 26.142 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 3,9%). Trung bình mỗi tháng có 15.538 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021 là 67.083 doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm từ trước đến nay, vượt qua cột mốc 66.958 doanh nghiệp của giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019. Sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã thể hiện sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.

Một điểm đáng chú ý là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt bùng phát dịch bệnh lần này vẫn có sự gia tăng về số doanh nghiệp gia nhập thị trường so với cùng kỳ năm ngoái như: Bắc Giang (tăng 11,82%), thành phố Hồ Chí Minh (tăng 5,34%), Bắc Ninh (tăng 1,06%)…

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021 là 2.095.163 tỷ đồng (tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 942.648 tỷ đồng[1] (tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2020), đây cũng là mức vốn đăng ký mới cao nhất từ trước đến nay trong giai đoạn 6 tháng đầu năm. Có 23.708 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 6 tháng đầu năm 2021 (tăng 31,4 % so với cùng kỳ năm 2020)số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 1.152.515 tỷ đồng (tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2020). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi khá mạnh so với năm ngoái nên nhu cầu vốn của các doanh nghiệp là khá lớn. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%).

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2021 là 484.302 lao động, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2020.

– Phân theo lĩnh vực hoạt động:

Có 13/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Các lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh là: Kinh doanh bất động sản (tăng 44,8%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 22,6%); Giáo dục và đào tạo (tăng 21,9%); Vận tải kho bãi (tăng 21,1%);

Các ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm tỷ lệ lớn nhất, gồm: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 22.484 doanh nghiệp (chiếm 33,5%); Công nghiệp chế biến, chế tạo có 8.665 doanh nghiệp (chiếm 12,9%); Xây dựng có 8.403 doanh nghiệp (chiếm 12,5%).

Có 4/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 49,1%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 2,8%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 2,4%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,5%).

– Phân theo quy mô vốn:

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở cả 5 quy mô vốn. Trong đó, doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 59.033 doanh nghiệp (chiếm 88%, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng là 3.721 doanh nghiệp (chiếm 5,5%, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2020); ở quy mô vốn từ 20 – 50 tỷ đồng là 2.215 doanh nghiệp (chiếm 3,3%, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 – 100 tỷ đồng là 1.037 doanh nghiệp (chiếm 1,5%, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm 2020) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng là 1.077 doanh nghiệp (chiếm 1,6%, tăng 51,5% so với cùng kỳ năm 2020).

– Phân theo địa bàn hoạt động:

Trong 6 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng ở 49/63 địa phương, giảm ở 14/63 địa phương.

Trong số 54 địa phương ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong các đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua, có 12 địa phương ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, tỷ lệ giảm nhiều nhất là các tỉnh/thành phố: Ninh Thuận (giảm 26,1%), Gia Lai (giảm 24,9%), Đắk Lắk (giảm 16,1%), Thừa Thiên-Huế (giảm 10,6%), Hải Dương (giảm 10%), Khánh Hòa (giảm 9,6%)…

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021 là 26.142 doanh nghiệp, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong tháng 6 năm 2021 là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (9.146 doanh nghiệp, chiếm 35%); Xây dựng (3.938 doanh nghiệp, chiếm 15,1%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (3.240 doanh nghiệp, chiếm 12,4%).

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 11/17 lĩnh vực, mức tăng cao nhất ghi nhận ở một số lĩnh vực sau: Kinh doanh bất động sản (831 doanh nghiệp, tăng 19,6%); Hoạt động dịch vụ khác (372 doanh nghiệp, tăng 15,9%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (202 doanh nghiệp, tăng 11,6%); Thông tin và truyền thông (590 doanh nghiệp, tăng 10,9%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.472 doanh nghiệp, tăng 7,8%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.445 doanh nghiệp, tăng 5%).

Số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021 giảm ở 6/17 lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (352 doanh nghiệp, giảm 13,5%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (224 doanh nghiệp, giảm 12,8%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (249 doanh nghiệp, giảm 7,1%); Khai khoáng (227 doanh nghiệp, giảm 5,4%); Vận tải kho bãi (1.357 doanh nghiệp, giảm 0,2%); Giáo dục và đào tạo (583 doanh nghiệp, giảm 0,2%).

2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Số liệu doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường tăng so với cùng kỳ năm 2020 cho thấy tín hiệu tích cực, tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục chịu tác động lớn từ dịch bệnh, thể hiện qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục có sự gia tăng, với 70.209 doanh nghiệp, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể là những doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ và là đối tượng liên tiếp chịu tác động từ những đợt bùng phát dịch bệnh trong thời gian qua.

2.1. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2021 là 35.607 doanh nghiệp, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nếu so sánh với giai đoạn 2016-2021 thì tỷ lệ này cơ bản không có sự thay đổi lớn (tỷ lệ tăng trung bình giai đoạn 2016-2021 là 24,1%). Tỷ lệ này cũng thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ tăng 38,2% của giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020/2019.

Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (13.194 doanh nghiệp, chiếm 37,1%); Xây dựng (4.946 doanh nghiệp, chiếm 13,9%), Công nghiệp chế biến, chế tạo (4.225 doanh nghiệp, chiếm 11,9%).

Có thể nhận thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, những lĩnh vực có số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh lớn nhất cũng là những ngành nghề có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất. Điều này phản ánh sự thanh lọc mạnh mẽ đang diễn ra trong các lĩnh vực trên.

Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 32.251 doanh nghiệp (chiếm 90,6%, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng có 1.827 doanh nghiệp (chiếm 5,1%, tăng 36,0% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 – 50 tỷ đồng có 1.004 doanh nghiệp (chiếm 2,8%, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 – 100 tỷ đồng có 316 doanh nghiệp (chiếm 0,9%, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2020) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 209 doanh nghiệp (chiếm 0,6%, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2020).

Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2021 có thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 0-5 năm với 18.619 doanh nghiệp (chiếm 52,3%); 9.269 doanh nghiệp hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 26,0%)  7.719 doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm (chiếm 21,7%).

2.2. Doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể

Trong 6 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 24.660 doanh nghiệp, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2020.

So với cùng kỳ năm 2020, số lượng các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 16/17 lĩnh vực. Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (9.022 doanh nghiệp, chiếm 36,6%); Xây dựng (2.966 doanh nghiệp, chiếm 12%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (2.937 doanh nghiệp, chiếm 11,9%).

Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 5/5 quy mô vốn và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 22.224 doanh nghiệp (chiếm 90,1%, tăng 26,0% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô vốn từ 10 – 20 tỷ đồng có 1.194 doanh nghiệp (chiếm 4,8%, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 – 50 tỷ đồng có 653 doanh nghiệp (chiếm 2,6%, tăng 23,0% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 – 100 tỷ đồng có 281 doanh nghiệp (chiếm 1,1%, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020) và trên 100 tỷ đồng có 308 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020).

2.3. Doanh nghiệp đã giải thể

Số doanh nghiệp đã giải thể trong 6 tháng đầu năm 2021 là 9.942 doanh nghiệp, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có gần 20% (1.953 doanh nghiệp) trước đó đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Vì vậy, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường này không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm.

17/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp đã giải thể tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp đã giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas; Khai khoáng và Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với tỷ lệ tăng lần lượt là 151,3%; 117,1% và 43,4%.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp đã giải thể có thời gian hoạt động từ 0-5 năm là 6.418 doanh nghiệp (chiếm 64,6%); 1.830 doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 18,4%) và 1.694 doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 10 năm (chiếm 17,0%).

Phân theo quy mô vốnsố lượng doanh nghiệp đã giải thể tăng ở 4/5 quy mô vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 8.883 doanh nghiệp (chiếm 89,3%, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng có 538 doanh nghiệp (chiếm 5,4%, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 – 50 tỷ đồng có 298 doanh nghiệp (chiếm 3,0%, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 – 100 tỷ đồng có 118 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, tăng 18,0% so với cùng kỳ năm 2020) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 105 doanh nghiệp (chiếm 1,1%, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2020).

III. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 6 năm 2021

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 6 năm 2021 là 16.181 doanh nghiệp (giảm 13,6% so với cùng kỳ 2020), bao gồm: 11.314 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 17,6%) và 4.867 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 2,6%).

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Trong tháng 6 năm 2021, số doanh nghiệp ký thành lập mới là 11.314 doanh nghiệp (giảm 17,6% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2020), số vốn đăng ký là 164.321 tỷ đồng (tăng 18,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020).

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6 năm 2021 là 71.881 người, giảm 28,2% so với cùng kỳ năm 2020.

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Tháng 6 năm 2021 ghi nhận có 4.867 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2020.

2. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong tháng 6 năm 2021, có 11.024 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có:

– 3.867 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2020;

– 5.238 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2020;

– 1.919 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh