Cơ hội để phát triển ngành bao bì thông minh và bền vững

Khái niệm kinh tế tuần hoàn và các yêu cầu về tính bền vững ngày càng có ảnh hưởng đến thiết kế bao bì. Đặc biệt, các bao bì khả năng tái chế cao đang dần trở thành một phần quan trọng của quy trình đóng gói trong ngành thực phẩm và đồ uống. Đây cũng là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của ngành bao bì Việt Nam.

Khách tham quan gian hàng triển lãm về công nghệ xử lý, chế biến và đóng gói bao bì tại Việt Nam – ProPak Vietnam 2024. Ảnh: CTVKhách tham quan gian hàng triển lãm về công nghệ xử lý, chế biến và đóng gói bao bì tại Việt Nam –
ProPak Vietnam 2024. Ảnh: CTV

Tăng trưởng nhanh

Chia sẻ với phóng viên trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế lần thứ 17 về công nghệ xử lý, chế biến và đóng gói bao bì tại Việt Nam – ProPak Vietnam 2024 (diễn ra tại TPHCM từ ngày 3 đến 5/4/2024), ông Jeffrey Au, Giám đốc Kinh doanh Informa Markets Asia cho biết, với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 15% đến 20% trong những năm tới, bao bì được đánh giá là một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam. Hơn 900 nhà máy hiện đang hoạt động trong lĩnh vực này, với khoảng 70% trong số đó nằm ở khu vực phía Nam, chủ yếu ở TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Nhìn chung, thị trường vật liệu đóng gói được chia thành các phân khúc khác nhau, bao gồm giấy và bìa cứng, nhựa, kim loại, thủy tinh, gỗ, dệt may và các vật liệu phù hợp khác như xốp, da,… Phần lớn doanh thu bán hàng thuộc về phân khúc bao bì nhựa, bao bì giấy và carton, với tỷ lệ trên 80%.

Bên cạnh bao bì giấy, thị trường bao bì kim loại Việt Nam cũng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhờ vào sự gia tăng của ngành thực phẩm, đồ uống. Quy mô thị trường bao bì hộp kim loại Việt Nam ước tính đạt 2,11 tỉ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 2,45 tỉ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 3,07% trong giai đoạn 2024 – 2029.

Chia sẻ về cơ hội của ngành bao bì Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, quản lý Chương trình cao cấp Phòng Phát triển Kinh tế và Quản trị nhà nước thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho rằng, trong thời điểm hiện tại, bao bì không chỉ đơn thuần là công cụ bảo vệ sản phẩm, mà còn đóng vai trò to lớn trong việc gia tăng giá trị sản phẩm, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, khách hàng thông minh hơn và ngày càng trở nên “phòng thủ” với những chiến dịch quảng cáo hoa mỹ, sự cạnh tranh gay gắt đến từ các đối thủ.

Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, bao bì cũng tác động trực tiếp đến chỉ số sức mạnh thương hiệu và đã trở thành một năng lực cạnh tranh không thể thiếu, một phần tất yếu trong chiến lược marketing của doanh nghiệp. Việt Nam là một quốc gia tiếp nhận đầu tư nước ngoài lớn, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nên cơ hội phát triển cho ngành bao bì đang rất lớn.

Cơ hội xuất khẩu nhựa tái chế

Mặc dù được đánh giá có nhiều tiềm năng, cơ hội tăng trưởng cao trong thời gian tới, nhưng trên thế giới đang có xu hướng giảm thiểu, thay thế các sản phẩm, nguyên liệu nhựa do các quy định quản lý chất thải ngày một nghiêm ngặt đang gia tăng. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa về tương lai sẽ chuyển đổi dần sang quy trình sản xuất tuần hoàn. Trọng tâm chính của ngành lúc này là cung cấp nguyên liệu, thiết kế và các hệ thống đóng gói có khả năng tái chế cao, nhằm tích hợp ngành nhựa vào nền kinh tế tuần hoàn.

Đáng chú ý, kể từ khi chiến dịch “Race to Net Zero” – giảm phát thải ròng bằng 0 xuyên suốt đến năm 2050 được Chính phủ Việt Nam phát động, khái niệm kinh tế tuần hoàn và các yêu cầu về tính bền vững ngày càng có ảnh hưởng đến thiết kế bao bì. Đặc biệt, các bao bì khả năng tái chế cao đang dần trở thành một phần quan trọng của quy trình đóng gói trong ngành thực phẩm và đồ uống. Đây cũng là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của ngành bao bì giấy Việt Nam.

Là một trong những doanh nghiệp nằm trong danh sách doanh nghiệp tái chế bao bì, sản phẩm được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố vào ngày 20/2 vừa qua, DUYTAN Recycling được biết đến là doanh nghiệp tiên phong trong tái chế bao bì nhựa. Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững của DUYTAN Recycling cho biết, với công suất 60.000 tấn/năm, tương đương với hơn 4 tỷ chai nhựa được tái sinh mỗi năm. Khi vận hành tối đa công suất có thể đạt tới 100.000 tấn, tương đương 7 tỷ chai nhựa. Trong năm 2023, DUYTAN Recycling đã thu gom và tái chế được 30.800 tấn rác thải nhựa, tương đương 2,4 tỷ chai nhựa.

Số lượng chai nhựa đã được xử lý tái chế không chỉ cung cấp nguyên liệu cho các công ty đối tác nhãn hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn tại Việt Nam mà còn xuất khẩu sang 12 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ và châu Âu với sản lượng xuất khẩu là 60%.

Để đạt được những chứng nhận trên, toàn bộ hệ thống công nghệ của DUYTAN Recycling đều phải đảm bảo các tiêu chí đánh giá tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị và hiệu quả cao; có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc quốc tế.

“Điều này cho thấy ngành tái chế hiện nay không còn là ngành thô sơ như trước đây mà có tiềm năng trở thành ngành công nghệ tái chế dành cho các doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật cao và chất lượng quốc tế để có thể phục vụ cho thị trường xuất khẩu”, ông Lê Anh chia sẻ.

Nguồn: HQ online

Khái niệm kinh tế tuần hoàn và các yêu cầu về tính bền vững ngày càng có ảnh hưởng đến thiết kế bao bì. Đặc biệt, các bao bì khả năng tái chế cao đang dần trở thành một phần quan trọng của quy trình đóng gói trong ngành thực phẩm và đồ uống. Đây… Xem bài viết