Covid 19
-
TPO - Ngày 29/11 Bộ Y tế cho biết có 6 doanh nghiệp trong nước nộp hồ sơ đăng kí thuốc kháng virus điều trị COVID-19.
Trường hợp Bộ Y tế được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho cơ chế cấp giấy lưu hành sản phẩm để tháo gỡ khó khăn do quy định tại Điều 56, Điều 87 (khoản 1) và Điều 89 (khoản 1, điểm b khoản 3) của Luật Dược thì các nhà máy trong nước có thể sớm chủ động được nhu cầu thuốc chứa Molnupiravir trong nước.
Hiện Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc trong điều trị bệnh nhân COVID-19 như thuốc ức chế sự nhân lên của virus: Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir... Ngoài ra thuốc kháng thể kép cũng đang được đưa vào điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Các thuốc hỗ trợ khác như thuốc ức chế phản ứng miễn dịch (Chất ức chế Interleukin-6, Baricitinib), thuốc chống đông, kháng sinh, kháng nấm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền (Xuyên tâm liên) cũng được đưa vào điều trị bệnh nhân COVID-19…
Trước đó Bộ Y tế đã triển khai Chương trình thí điểm điều trị sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir có kiểm soát cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng điều trị tại các cơ sở y tế, khu cách li, khu thu dung điều trị và tại nhà.
Mục tiêu của Chương trình là các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng được tiếp cận thuốc an toàn, hiệu quả, nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong, giảm tải điều trị và đặc biệt là giảm lây nhiễm ngoài cộng đồng.
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir trong điều trị COVID-19 đã công bố trên thế giới cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỉ lệ nhập viện, giảm tử vong; Căn cứ kết quả đánh giá giữa kì của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ và vừa tiến hành tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phổi Trung ương cho thấy tính an toàn và hiệu quả thuốc, Bộ Y tế đã cho phép triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ tại nhà và cộng đồng tại TPHCM từ giữa tháng 8/2021 và hiện nay đã mở rộng triển khai tại 36 địa phương có dịch trong toàn quốc.
Việc triển khai Chương trình tuân thủ các đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt và được theo dõi, kiểm soát, ghi nhận, đánh giá và tổng kết bởi các chuyên gia, cán bộ, nhân viên y tế.
Các kết quả báo cáo giữa kì của Chương trình tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỉ lệ bệnh nhân có kết quả RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỉ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỉ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong. Các kết quả rất khả quan của Chương trình đã đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của TPHCM và các địa phương có dịch.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương có dịch tham gia và triển khai Chương trình trên tinh thần tiếp cận sớm với thuốc song vẫn phải kiểm soát, theo dõi chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân tham gia Chương trình.
Hà Minh - Tiền phong
-
"Nếu bị chậm hoặc đứt gãy các đơn hàng cuối năm, doanh nghiệp sẽ mất nguồn thu nhập quan trọng nhất cho năm nay. Khả năng doanh nghiệp và người lao động mất Tết rất rõ", giám đốc công ty may chia sẻ.
Gần 2 tháng sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách, 230.000 lao động đã quay trở lại làm việc (chiếm 80%). Doanh nghiệp đều kỳ vọng vào các đơn hàng cuối năm để cứu cho một năm doanh thu thấp nhất lịch sử. Tuy vậy, kế hoạch hồi phục sản xuất có khả năng bị gián đoạn do F0 tăng trở lại.
Theo báo cáo, từ ngày 1/10 đến nay, tại các KCX, KCN và khu công nghệ cao ở TPHCM có gần 4.000 ca F0. Mỗi ngày có khoảng 100 F0 và liên tục tăng nhanh trong thời gian gần đây. Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, khu công nghệ cao đã thành lập trung tâm cách ly, điều trị Covid-19 tại nội khu, đây cũng là mô hình đầu tiên trong cả nước.
Tại công ty TNHH Pouyuen Việt Nam ở Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, gần 50.000 công nhân đã được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19. Các công nhân được yêu cầu tuân thủ 5K, được xét nghiệm định kỳ nhưng vẫn có nhiều F0, có ngày lên đến 25 ca.
Để đảm bảo an toàn cho người lao động, UBND quận Bình Tân đã yêu cầu công ty tổ chức trung tâm thu dung, cách ly với quy mô 200 - 300 giường. Tuy vậy, doanh nghiệp khó thực hiện do thiếu nhân lực y tế, cơ sở vật chất, mặt bằng...
Tại công ty may M.P ở TP Thủ Đức, dù các phân xưởng đã được giãn cách, công nhân chia theo nhóm, làm việc theo ca và tuân thủ 5K nhưng F0 vẫn xuất hiện. Có những ngày hàng chục F0 trong công ty được phát hiện sau khi test nhanh dẫn đến dây chuyền sản xuất phải tạm ngưng để khử khuẩn.
"Thực sự rất khó khăn, chúng tôi đã cố gắng hết sức, làm hết sức nhưng không thể thực hiện 'Zero F0' được. Phải chấp nhận thay đổi chuỗi sản xuất để thích ứng nhưng tình hình phức tạp hơn chúng tôi nghĩ doanh nghiệp, người lao động có khả năng mất Tết", ông Đào Duy Huy - giám đốc nhân sự công ty M.P cho hay.
Ông Huy phân tích, 4 tháng giãn cách công ty phải ngưng mọi hoạt động sản xuất nhưng công nhân vẫn được hỗ trợ lương căn bản. Những công nhân ở lại TPHCM được chu cấp thêm tiền phòng trọ, nhu yếu phẩm, thuốc men.
"Ngân sách gần như cạn kiệt, chúng tôi mong các đơn hàng dịp cuối năm để thu lợi nhuận nhằm duy trì công ty, hỗ trợ phúc lợi cho công nhân nhưng tình hình này rất khó. Khả năng doanh nghiệp lâm vào khủng hoảng, nợ nần, phá sản đang hiện rõ. Điều này thực sự nằm ngoài dự kiến, chúng tôi chưa bao giờ mong điều này xảy ra, không phải vì chúng tôi mà vì gia đình hơn 1.000 công nhân, người lao động", ông Huy chia sẻ.
Ông Huy mong rằng, thời gian tới UBND TPHCM, Ban quản lý các KCX, KCN sẽ có thêm những biện pháp hỗ trợ điều trị F0. Cùng với đó, ông cũng mong các doanh nghiệp được tiếp cận thêm nhiều nguồn vay giá rẻ để thuận lợi hồi phục sản xuất, đổi mới dây chuyền công nghệ.
Theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, giày da, đồ gỗ... đều có tình trạng F0 tăng trở lại. Các doanh nghiệp đều đang gồng mình để thích ứng sản xuất trong điều kiện bình thường mới nhưng hiệu quả vẫn được bỏ ngỏ.
"Nhiều lao động khi chúng tôi chia sẻ họ cho biết sẵn sàng giảm lương, thưởng, thậm chí không cần thưởng Tết để cùng nhau vượt khó. Về phía doanh nghiệp, được người lao động hỗ trợ chúng tôi rất vui nhưng cũng rất nặng lòng. Họ gắn bó với mình bao nhiêu năm làm sao để họ phải chịu thiệt thòi. Hy vọng TP sẽ sớm khống chế được dịch để doanh nghiệp an tâm sản xuất nhằm đảm bảo hoạt động công ty và chế độ cho người lao động", đại diện doanh nghiệp may ở quận Thủ Đức thông tin thêm.
Nguồn: dantri.com.vn
-
Ngày 15/11, số F0 ghi nhận trong ngày của Hà Nội tiếp tục "lập đỉnh" với 289 ca bệnh. Gần đây nhất, ngày 9/11, Hà Nội cũng đã ghi nhận 222 F0 chỉ trong vòng 24h.
Không giãn cách diện rộng
Trước thực tế ca bệnh tăng cao này, nhiều người băn khoăn liệu Hà Nội có tính phương án giãn cách diện rộng.
Tuy nhiên, trao đổi với Dân trí, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội khẳng định, thành phố sẽ không giãn cách diện rộng như trước đây mà sẽ bám sát theo chủ trương thích với Covid-19 đã được đề ra.
"Thành phố sẽ không giãn cách diện rộng theo Chỉ thị 15, 16 hay 19 như trước đây, mà chỉ phong tỏa hẹp nhất, an toàn nhất tại khu vực có bệnh nhân", ông Tuấn cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, hiện nay nhiều quận huyện ở Hà Nội đã thực hiện cách ly F1 tại nhà.
Ông Tuấn nói: "Bộ Y tế và Hà Nội đã có hướng dẫn cho phép các F1 thuộc 4 nhóm đối tượng bao gồm: người già, người có bệnh nền, trẻ em, phụ nữ mang thai đồng thời đảm bảo đủ các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như khu vực cách ly được cách ly tại nhà".
Một số điều kiện với F1 cách ly tại nhà có thể kể đến như: có phòng riêng để thực hiện cách ly, có nhà vệ sinh riêng, có người chăm sóc, thu gom, xử lý rác thải theo đúng quy định. Các F1 cách ly tại nhà cũng sẽ được thực hiện xét nghiệm Covid-19 định kì. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ xử lý theo quy định.
Thực tế, tại quận Nam Từ Liêm đã có gần 100 F1 đang được cách ly tại nhà tại 10/10 phường. Đây đều là những trường hợp thuộc 4 nhóm ưu tiên theo hướng dẫn; tại quận Hà Đông, 4 nhóm đối tượng đủ điều kiện cũng được cách ly tại nhà. Trước đó, nhiều F1 là người già, người có bệnh nền, trẻ em tại Quốc Oai cũng đã được cách ly tại nhà.
Bên cạnh đó, theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, thành phố cũng đã vừa đồng ý cho phép 12 khách sạn được tiếp nhận cách ly F1 do người cách ly tự nguyện chi trả phí.
Theo ngành y tế, việc thành phố "mở cửa" để phát triển kinh tế - xã hội sẽ xác định và đối diện với việc xuất hiện nhiều ca bệnh.
Thành phố luôn xác định phải chủ động cao hơn một mức so với thực tiễn, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Trước nguy cơ dịch vẫn còn rất cao, có khu vực dịch đã ngấm sâu trong cộng đồng..., Hà Nội đã chuẩn bị mức độ cao nhất các điều kiện phục vụ điều trị, cách ly, tăng cường cho cơ sở y tế về mọi mặt, tiếp tục củng cố, nâng cao về nhân lực, trang thiết bị cho cơ sở y tế hạng một.
11 chùm ca bệnh, ổ dịch phức tạp
Hiện tại, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 11 chùm ca bệnh/ổ dịch phức tạp. Đáng chú ý, ổ dịch tại phường Phú Đô đã gia tăng nhanh chóng số ca bệnh. Từ ngày 9/11 đến nay có tổng cộng 183 ca. Đây là phường duy nhất của Hà Nội nâng cấp độ dịch lên mức 4, tức màu đỏ, nguy cơ rất cao (tính đến ngày 12/11).
Ngoài ra, thành phố cũng phát sinh 2 chuỗi lây mới tại một công trường xây dựng ở quận Hà Đông và chợ Nam Đồng (quận Đống Đa). Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thành phố liên tục phát thông báo khẩn, tìm người từng đến nhiều địa điểm nguy cơ trên địa bàn.
CDC Hà Nội yêu cầu tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.
Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 6.043 ca trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 2.271 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 3.772 ca.
Nguồn: dantri.com.vn
-
Sau giãn cách xã hội, người lao động ở Đà Nẵng nộp sơ hồ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh, trong đó, nhân viên nhà hàng, khách sạn, du lịch chiếm tỷ lệ cao nhất.
Ngày 27/10, nhiều người lao động đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng để làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đang ngồi chờ đến lượt, anh Lê Tự Khương Điền (sinh năm 1985, trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cho biết, trước đây anh làm quản lý đường dây ở công ty điện lực. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe, anh Điền đã nghỉ việc hơn 3 tháng nay.
"Hiện tôi vẫn chưa tìm được công việc mới nên đến đây làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp", anh Điền nói.
Bên cạnh đó, chị Nguyễn Thu Hương (SN 1986, trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) cũng đang ngồi chờ đến lượt mình. Chị Hương trước là nhân viên tín dụng của một ngân hàng trên địa bàn thành phố. Giữa tháng 7, chị Hương xin nghỉ việc vì áp lực doanh số. Lần này chị Hương đến Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tháng thứ 3.
"Tôi được hưởng trợ cấp thất nghiệp gần 3 triệu đồng/tháng. Với mức hỗ trợ này cũng giúp tôi đỡ bớt khó khăn trong giai đoạn này", chị Hương chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng - cho biết, khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, trong tháng 8 chỉ có 349 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Sau giãn cách xã hội, tháng 9 có hơn 1.000 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 172% so với tháng 8, giảm 46% so với trước dịch (tháng 4) và giảm 66% so tháng cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 10 có 1.253 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 230% so với tháng 8, giảm 34% so với trước dịch (tháng 4) và giảm 36% so tháng cùng kỳ năm trước.
Lao động ngành nhà hàng - khách sạn - du lịch nộp hồ sơ thất nghiệp nhiều nhất với gần 3.000 trường hợp, chiếm hơn 20%.
Từ đầu năm đến nay, có hơn 14.000 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải nguyên nhân người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng sau dịch và giảm so với năm ngoái, ông Thành cho hay, theo quy định hiện hành, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo 2 cách: nộp trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến Trung tâm.
Khi thành phố thực hiện "ai ở đâu ở yên đó", người lao động gặp khó khăn trong việc gửi hồ sơ qua đường bưu điện. Mặt khác, thành phần hồ sơ phải nộp có bản gốc quyết định nghỉ việc và sổ BHXH nên người lao động thường e ngại việc gửi qua bưu điện và có khuynh hướng nộp trực tiếp. Vì vậy, sau giãn cách xã hội, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao.
Năm 2021, số người lao động nộp hồ sơ giảm đi so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là các doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp tại Đà Nẵng, nhìn chung mức độ ảnh hưởng của dịch Covid -19 không nặng như các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ (bao gồm cả đợt dịch lần thứ 4).
Do đó, số người nghỉ việc, mất việc trong khu vực sản xuất không tăng đột biến, vẫn duy trì ở mức bình thường như các năm trước.
Năm 2021, ngành du lịch dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, người lao động lại bị thất nghiệp nhưng phần lớn không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp do đã hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020. Vì vậy, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2021 giảm đi so với năm 2020.
Nguồn: dantri.com.vn
-
Nhóm chuyên gia tại Singapore đưa ra cảnh báo về virus mới mang tên SARS-CoV-3, lây truyền từ người ngược trở lại dơi.
Trong Hội nghị Bộ trưởng Đặc biệt về Y tế Công cộng Kỹ thuật số ASEAN hôm 6/10 một vị chuyên gia đã đưa ra cảnh báo mới về đại dịch mới có thể xuất hiện nếu virus trên được chứng minh lây nhiễm từ người trở lại động vật.
Giáo sư Wang nhấn mạnh: “Những gì xảy ra tiếp theo là sự lây truyền mạnh mẽ virus từ người sang người. Song, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là loại virus này có thể dễ dàng lây ngược trở lại từ người sang động vật.
Sẽ rất đáng lo nếu con người có thể lây nhiễm virus cho vật chủ mới, ví dụ dơi ở lục địa Mỹ, vốn không phải tổ chức virus tự nhiên.
Tình huống khác có thể xảy ra là một người bị nhiễm bệnh để lại trái cây, thực phẩm ăn dở. Sau đó, một con dơi nhặt được và ăn tiếp. Từ đây, chuỗi lây nhiễm mới sẽ hình thành và lây lan như chúng ta đã chứng kiến ở Covid-19. Dơi có hệ thống miễn dịch rất độc đáo, chúng có thể duy trì virus mà không phát triển bệnh.
Tuy nhiên, virus vẫn có thể đột biến và truyền sang động vật X, Y hoặc Z. Vì vậy, khi virus đột biến đó chuyển sang động vật X, Y, Z và đến với con người, đây sẽ là nơi chúng ta mắc bệnh X, Y, Z hoặc SARS-CoV-3.”
Giáo sư Wang là thành viên của nhóm chuyên gia Singapore, ông cũng là thành viên của Ủy ban khẩn cấp do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập từ đầu đại dịch.
Giáo sư Wang cho biết để chuẩn bị và đối phó nếu dịch mới mang tên SARS-CoV-3 xảy ra thì chúng ta sẽ có ba mức độ chuẩn bị.
Giai đoạn 1: Các nhà khoa học cần phối hợp chính phủ, các tổ chức quốc tế về Y tế chuẩn bị các biện pháp đối phó nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus mới. Cần chuẩn bị tốt cho công tác trước khi virus mới bùng phát một cách mạnh mẽ.
Giai đoạn 2: Đây sẽ là giai đoạn cảnh báo sớm, nếu xuất hiện những trường hợp nghiêm trọng do virus SARS-CoV-3 gây nên.
Giai đoạn 3: khi virus bắt đầu lây lan, biện pháp cuối cùng là phát triển vaccine và phương pháp điều trị.
Nguồn: vtv.vn
-
BNEWS Ngày 27/10, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã có văn bản về chính sách thuế đối với các khoản chi phí liên quan đến dịch COVID–19.
Ngày 27/10, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã có văn bản số 4110/TCT-DNNCN gửi Đại sứ quán Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam, Hiệp hội châu Âu tại Việt Nam và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam về chính sách thuế đối với các khoản chi phí liên quan đến dịch COVID–19.
Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, đối với các khoản chi phí cách ly y tế do dịch COVID–19 ở trong nước và tại nước ngoài đối với trường hợp đi công tác tại nước ngoài như chi phí tiền ăn, ở, xét nghiệm COVID–19, đưa đón từ nơi nhập cảnh vào Việt Nam hoặc từ nơi phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế; chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế... để thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các khoản chi phí xét nghiệm COVID–19 hoặc mua kit xét nghiệm COVID–19 cho người lao động, chi phí mua các thiết bị cho người lao động nhằm bảo vệ người lao động khỏi nguy cơ lây nhiễm trong quá trình làm việc và các chi phí ăn , ở của người lao động ở tại doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" thì các khoản chi phí này được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.
Bộ Tài chính lưu ý rằng các khoản chi phí nêu trên phản ánh thực tế phát sinh và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn vướng mắc, Bộ Tài chính đề nghị các tổ chức liên hệ với cơ quan thuế để được hướng dẫn cụ thể.
Nguồn: bnews
-
Miễn tiền mặt bằng cho các hộ bán hoa, cây cảnh dịp Tết
Nhằm chia sẻ khó khăn và giảm thiệt hại đối với các hộ trồng hoa, cây cảnh, hộ làm nghề thủ công mỹ nghệ do dịch Covid-19, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Hai Bà Trưng và Tây Hồ sẽ miễn phí thuê mặt bằng cho các hộ bán hoa, cây cảnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Ngày 8/1, UBND thành phố Hà Nội đã công bố kế hoạch tổ chức 78 điểm chợ hoa xuân phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, từ ngày 12/1 (tức ngày 10 tháng chạp) đến 20h ngày 31/1 (29 Tết).
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu chính quyền các địa phương tạo điều kiện cho các đơn vị trưng bày, giới thiệu cây cảnh, hoa, quả, các sản phẩm hàng Tết và các sản phẩm làng nghề truyền thống, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tham quan, giải trí của nhân dân, du khách đón Tết Nguyên đán đảm bảo an toàn, trật tự, văn minh đô thị và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Trao đổi với báo chí, đại diện lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, quận sẽ miễn phí tiền thuê mặt bằng cho các hộ trồng hoa, cây cảnh, hộ làm nghề thủ công mỹ nghệ có nhu cầu trưng bày sản phẩm tại chợ hoa xuân Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn quận.
Quận Hai Bà Trưng sẽ tổ chức 2 điểm chợ hoa xuân tại khuôn viên công viên Tuổi trẻ Thủ đô, phường Thanh Nhàn và khu vực phố Trần Nhân Tông - đối diện hồ Thiền Quang, phường Nguyễn Du.
Tương tự, đại diện lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết, trên địa bàn quận có 7 điểm bán hoa dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Để hỗ trợ người dân, quận sẽ tạo mọi điều kiện về việc thuê mặt bằng cũng như đảm bảo an ninh trật tự cho người dân an tâm buôn bán.
Theo laodongthudo.vn
-
Ngày 20/12, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Công văn số 1915/UBND-NV về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo ANTT trong dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
UBND quận yêu cầu Phòng Y tế quận thường xuyên cập nhật phân loại cấp độ dịch tại thành phố và quận; chủ động tham mưu, đề xuất các yêu cầu, điều kiện an toàn về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần tại các cơ sở tôn giáo, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung trên địa bàn quận.
Phối hợp UBND các phường đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo xây dựng Kế hoạch/Phương án phòng, chống dịch Covid-19 trong các dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Đồng thời, phối hợp Trung tâm Y tế quận, UBND các phường tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở tôn giáo trên địa bàn quận và các khu vực có nguy cơ khác.
Trung tâm Y tế quận tham mưu UBND quận triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức khoanh vùng, truy vết xử lý triệt để; không để dịch lây lan rộng; tổ chức, quản lý điều trị F0 và cách ly F1 tại nhà.
Phối hợp UBND các phường trọng điểm về tôn giáo và chỉ đạo Trạm Y tế phường thành lập Trạm y tế lưu động, lập chốt kiểm soát người tham dự lễ tại khu vực có cơ sở tôn giáo trong các dịp lễ tết; tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Công an quận triển khai và hướng dẫn Công an các phường xây dựng phương án đảm bảo ANTT trước, trong và sau các dịp lễ tết; chủ động phương án bố trí lực lượng kịp thời xử lý khi có các hoạt động tôn giáo trái pháp luật diễn ra trên địa bàn quận.
Chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố và các phòng, ban chuyên môn thuộc quận tổ chức phân luồng giao thông từ xa xung quanh khu vực trọng điểm về tôn giáo, không để xảy ra ùn tắc; tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý các vi phạm về trật tự đô thị, các hàng quán vỉa hè; kiểm tra, giải tỏa triệt để các điểm trông giữ xe tự phát, trái phép trong các khu vực trọng điểm trên địa bàn quận.
Xây dựng và triển khai phương án phòng, chống cháy nổ trên địa bàn quận và tại các địa bàn trọng điểm về tôn giáo; khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; trong khu phố cổ Hà Nội.
Chủ động phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an thành phổ Hà Nội nắm tình hình, phát hiện ngăn chặn kịp thời những hoạt động liên quan đến khủng bố phá hoại; những hoạt động tôn giáo trái pháp luật; đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội, không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng trên địa bàn.
UBND các phường thường xuyên đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn để kịp thời điểu chỉnh bồ sung, xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo theo diễn biến dịch và chỉ đạo của Trung ương và Thành phố; căn cứ cấp độ dịch trên địa bàn, khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nhất là trong dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đám tang, đám cưới...
Hướng dẫn tổ chức lễ Giáng sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh lây nhiễm dịch Covid-19.Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là giới trẻ thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, không tụ tập đông người, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, lo lắng thái quá.
Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như yêu cầu người dự lễ phải quét mã QR, đo thân nhiệt và thực hiện biện pháp 5K; tổ chức phát thanh, bố trí pano truyền thông khuyến cáo phòng chống dịch Covid-19 lưu động tại khu vực xung quanh các địa điểm, nơi tổ chức hoạt động trong dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần; trao đổi để chức sắc, chức việc Công giáo, Tin lành nhận thức rõ về tình hình dịch bệnh Covid-19 và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Thành phố và Quận.
Nguồn: kinhtedothi.vn
-
(PLO) - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết việc một bộ phận người lao động rời TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… sẽ làm tăng nguy cơ thiếu hụt lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vừa có văn bản gửi liên đoàn lao động các tỉnh, thành và công đoàn trên cả nước yêu cầu thuyết phục người lao động (NLĐ) không tự rời nơi đang cư trú để về quê.
Liên đoàn lao động các tỉnh, thành cũng được giao chỉ đạo công đoàn cơ sở bàn bạc, thương lượng với doanh nghiệp trong việc ban hành các chế độ, chính sách giữ chân NLĐ. Chẳng hạn như trả lương tạm nghỉ việc, hỗ trợ tài chính để NLĐ duy trì, tổ chức cuộc sống gia đình; tăng lương, thưởng, phúc lợi khi doanh nghiệp đi vào sản xuất có hiệu quả.
Công đoàn hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Ảnh: V.LONG
Cạnh đó, viết thư hoặc nhắn tin mời NLĐ đã về quê sớm trở lại doanh nghiệp. Bố trí phương tiện đón NLĐ từ các địa phương hoặc chi trả, hỗ trợ tiền đi đường, các chi phí khác khi họ trở lại doanh nghiệp…
Để giữ chân NLĐ ở lại các thành phố, ngày 1-10, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành quyết định hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho đoàn viên NLĐ đang thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến” của doanh nghiệp tại các tỉnh, thành thực hiện giãn cách. Mức hỗ trợ tối đa là 1 triệu đồng/người, từ ngày 1 đến 31-10-2021.
Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, thời gian qua một bộ phận NLĐ rời TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về quê tự phát. Tình trạng này có thể gây nhiều hệ lụy liên quan đến an toàn khi di chuyển, an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt làm tăng nguy cơ thiếu hụt lao động phục vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh ở địa bàn đi, nhưng xuất hiện tình trạng thất nghiệp của nhiều lao động ở địa bàn đến…
Nguồn: Viết Long/plo.vn
Mức hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19
-
"TP cần chuẩn bị tâm thế tốt hơn, chủ động hơn để phòng, chống làn sóng dịch Covid-19 thứ 5. Nếu không chúng ta sẽ bị động" - Chủ tịch nước yêu cầu. Còn cử tri mong sớm có vaccine Covid-19 trong nước.
Sáng 16/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị 10 có buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn (TPHCM) sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu trước khi lắng nghe những ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, buổi tiếp xúc có ý nghĩa lớn trong bối cảnh, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thành phố vẫn còn hơn 1.000 ca mắc mới mỗi ngày. Do đó, người đứng đầu Nhà nước mong muốn được lắng nghe những góp ý, đề xuất, kiến nghị cụ thể của người dân trong từng lĩnh vực của đời sống.
"Chúng tôi rất muốn lắng nghe những góp ý của người dân về những vấn đề chưa đúng, những vấn đề bất cập được người dân quan tâm và cả những vấn đề vĩ mô khác. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với nhân dân", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc định hướng.
Cử tri mong muốn sớm có vaccine Covid-19 trong nước
Tại hội nghị, hầu hết ý kiến các cử tri đều bày tỏ sự quan tâm đến công tác phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế củaTP.HCM và cả nước. Trong đó, nhiều người dân kiến nghị, Trung ương, các bộ, ngành có biện pháp để đạt độ phủ cao nhất vaccine Covid-19 toàn dân trong thời gian ngắn nhất.
Cử tri Trần Thị Cúc, xã Phước Thạnh (huyện Củ Chi), nhìn nhận, thời gian qua, vaccine Covid-19 đã thể hiện rõ hiệu quả, tầm quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bằng chứng là số ca nhiễm, ca tử vong được kéo giảm từng ngày.
"Cử tri biết, nước ta đã cho đầu tư, nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 trong nước nhưng đến nay chưa được cấp phép. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan tạo điều kiện hơn về cơ chế cùng các vấn đề khác để sớm đưa vaccine Covid-19 nội địa vào sử dụng, giúp chủ động trong phòng, chống dịch và đảm bảo nhu cầu của người dân", bà Trần Thị Cúc đề xuất.
Cử tri Phan Thị Tuyết Anh (thị trấn Hóc Môn) bày tỏ lo lắng trước việc hiệu quả của vaccine có thể giảm theo thời gian. Bà Tuyết Anh mong muốn, các cơ quan sớm thực hiện tiêm mũi 3 vaccine Covid-19 cho người dân bằng nhiều hình thức.
"Phương án có thể áp dụng là người có điều kiện sẽ tiêm theo giá dịch vụ, người yếu thế, khó khăn sẽ được miễn phí. Điều này sẽ tăng khả năng tiếp cận vaccine cho người dân và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước", cử tri thị trấn Hóc Môn hiến kế.
Nhiều cử tri khác của huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn cùng chung ý kiến, TPHCM cần sớm phân bổ thêm nguồn vaccine để thực hiện tiêm cho trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 12 tuổi.
Cần tăng cường công tác an sinh - xã hội
Tại điểm cầu thị trấn Củ Chi, Thượng tọa Thích Thiện Tâm, đặt vấn đề, với đặc điểm nằm ở ngoại thành, đời sống bà con huyện Củ Chi đa phần đến từ việc sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian dài chống chọi với đại dịch Covid-19, nhiều người đã lâm vào cảnh khó khăn.
Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi bày tỏ mong muốn, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TPHCM xem xét các cơ chế, chính sách giúp đỡ người dân làm nông nghiệp có thể tiếp cận các gói hỗ trợ để vượt qua hậu quả của đại dịch.
Cử tri Mai Thị Hòa Uyên, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, phát biểu, trong hàng chục năm qua, việc sản xuất nông nghiệp tại TPHCM và cả nước chủ yếu mang tính thời vụ, tự phát, không theo quy hoạch. Điều này khiến năng suất, hiệu quả thu được còn hạn chế, người dân loay hoay vấn đề đầu ra ngay cả khi được mùa.
"Hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp và cả tiêu thụ đều khó khăn nhưng chi phí đầu vào tăng mạnh khiến thu nhập người dân bị ảnh hưởng. Các cấp, các ngành cần có các gói hỗ trợ, tín dụng để người dân đỡ khổ và có niềm tin tái đầu tư, ổn định thu nhập", cử tri xã Trung Lập Thượng góp ý.
Cử tri Phan Văn Nhớ, xã Bình Mỹ, cũng kiến nghị, trong bối cảnh đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn sau thời gian dài giãn cách xã hội, tổ đại biểu, lãnh đạo thành phố cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt người nghèo, người yếu thế. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh cũng cần được chú trọng.
Tránh bị động nếu xảy ra đợt bùng phát dịch mới
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đánh giá, mức độ lây nhiễm của dịch Covid-19 ở mức nghiêm trọng khiến thành phố phải áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài. Thực trạng này khiến nền kinh tế của thành phố đứt gãy, người dân ảnh hưởng về sức khỏe, tâm lý, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết cho cấp ủy và chính quyền thành phố.
"Chúng ta cần tiếp tục giải quyết các vấn đề này trong thời gian dài. Không chỉ năm nay là xong, thậm chí thành phố cần cả năm 2022, đến đầu năm 2023 mới đạt được trạng thái bình thường", Chủ tịch nước nhìn nhận.
Người đứng đầu Nhà nước đặt vấn đề, hiện tại, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 5 đã xuất hiện ở một số nước trên thế giới. Trong khi đó, dịch bệnh tại TPHCM vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
"Thành phố cần chuẩn bị tâm thế tốt hơn, chủ động hơn để phòng, chống làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 5. Nếu không đặt vấn đề này sớm, chúng ta sẽ bị động. Cấp ủy, chính quyền thành phố cùng các cơ quan cần thực hiện các nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất", Chủ tịch nước yêu cầu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, trong thời gian tới, thành phố cần tập trung vào các phần việc trọng tâm để vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. Trong đó, các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp cần được tăng cường thông qua việc đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp.
Ngoài ra, tất cả người lao động quay lại thành phố cần được tiêm vaccine Covid-19. Thành phố cần tích cực hơn trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.
"Các doanh nghiệp, cấp ủy, chính quyền cần giải quyết công việc bằng tất cả trách nhiệm của mình. Tinh thần ở đây là khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp 3 mới vượt qua được", Chủ tịch nước phát biểu.
Các nhiệm vụ tiếp theo được Chủ tịch nước đặt ra cho TPHCM là khôi phục, đảm bảo thông suốt hoạt động giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, điểm cung ứng. Chính quyền cần đối thoại, nắm bắt khó khăn của từng doanh nghiệp để đưa ra phương án giải quyết.
"Song song với các trụ cột của nền kinh tế, thành phố cần quan tâm, giải quyết các vấn đề an sinh, xã hội. Ngoài ra, thành phố cần tập trung tiêm vaccine đầy đủ cho học sinh, sinh viên để chuẩn bị cho thời gian quay lại trường học", ông Nguyễn Xuân Phúc nêu ý kiến.
Nguồn: dantri.com.vn