Thêm kết quả...

TRANG THIẾT BỊ ĐỒ BẢO HỘ LAO ĐỘNG GỒM NHỮNG GÌ?

Đồ bảo hộ lao động là những dụng cụ, thiết bị được doanh nghiệp trang bị cho người lao động của mình, giúp họ đảm bảo an toàn và giảm thiểu những thương tổn có thể xảy ra nếu chẳng may gặp phải các tai nạn lao động. Mỗi một ngành nghề, lĩnh vực sẽ có những thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động khác nhau. Có ngành nghề cần đến vật dụng này, có ngành nghề cần vật dụng khác… cũng có những ngành nghề sử dụng kết hợp nhiều loại đồ bảo hộ lao động khác nhau để tạo nên giải pháp bảo vệ hoàn thiện nhất.

1. GIÀY BẢO HỘ

Chấn thương vùng chân bao gồm hai kiểu chính: một là do dẫm phải đinh chưa được đập bằng xuống hay nhổ đi, hai là do vật liệu rơi vào chân. Cả hai loại chấn thương này đều có thể giảm được xuống mức thấp nhất bằng cách sử dụng giày an toàn và ủng bảo hộ chân. Kiểu giày an toàn hay ủng bảo hộ được sử dụng tùy thuộc vào bản chất công việc (chẳng hạn sự có mặt của mạch nước ngầm trên công trường), song mọi loại giày an toàn , ủng bảo hộ nên có đế chống thủng và ở mũi có tấm lót bằng sắt.

Bên cạnh mẫu mã đẹp, giày bảo hộ cần đảm bảo các yêu cầu về tính năng nổi bật như chống tĩnh điện, giảm nguy cơ phát sinh tia lửa điện, chất liệu chống cháy, thiết kế phù hợp với nhiều địa hình và thoải mái khi sử dụng.

Có nhiều loại giày an toàn, ủng bảo hộ như:

    • Giày bảo hộ bằng da nhẹ, đế bằng để leo trèo.
    • Giày an toàn và ủng bảo hộ bình thường dùng cho các công việc nặng.
    • Ủng làm bằng cao su hoặc chất dẻo để chống lại các chất ăn mòn, hóa chất và nước.

2. QUẦN ÁO BẢO HỘ LAO ĐỘNG

Quần áo bảo hộ lao động là trang thiết bị cần thiết không những giúp đảm bảo sức khỏe cho người lao động mà còn hạn chế sự thâm nhập vào cơ thể của các tác nhân gây hại. Đặc biệt, đối với những người làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại thì quần áo bảo hộ lao động lại càng quan trọng. Để một bộ quần áo bảo hộ phát huy tối đa tính năng bảo vệ của nó thì sản phẩm đó phải đảm bảo chất lượng và được cung cấp bởi các nhà sản xuất uy tín. Nếu quần áo bảo hộ đó kém chất lượng như những bộ quần áo bảo hộ giá rẻ tràn lan trên thị trường từ những cơ sở không uy tín có thể gây ảnh hưởng và nguy hiểm đến sức khoẻ của bạn.

Trong quá trình làm việc, hầu hết các doanh nghiệp đều cần thiết trang bị quần áo bảo hộ lao động cho công nhân, cho người lao động. Tuy nhiên, rất nhiều người sử dụng quần áo bảo hộ lao động mà không hiểu hết tính năng và ý nghĩa của nó. Quần áo bảo hộ lao động thông thường được làm riêng cho một công ty chuyên ngành nào đó, người lao động mặc vào sẽ cảm nhận được trách nhiệm và sự tự tin khi làm việc.

Bên cạnh đó, sử dụng quần áo bảo hộ giúp người lao động nhận thấy được sự quan tâm của công ty đến sức khẻo và tính mạng của mình, đồng thời giúp tạo ra sự khác biệt so với những công ty khác, tạo ra một thương hiệu riêng cho công ty mình. Và điều quan trọng nhất là khi người lao động mặc đồ bảo hộ sẽ giúp họ tăng hiệu suất, sự tập trung trong công việc và đảm bảo sự an toàn trong khi làm việc

3. MŨ BẢO HỘ

Những vật thể rơi, những vật treo lơ lửng và những vật sắc nhọn có mặt khắp nơi trên công trường xây dựng. Một dụng cụ nhỏ, hay một chiếc bu lông, nếu rơi từ độ cao từ 10 đến 20m xuống đầu người không được bảo vệ có thể gây ra chấn thương rất nặng, thậm chí dẫn tới tử vong. Những chấn thương ở đầu thường xãy ra khi làm việc, đi lại ở dưới đất.

Mũ an toàn có thể bảo vệ đầu một cách hiệu quả khỏi những tai nạn này. Nên đội mũ bảo hộ bất cứ khi nào ở trên công trường, đặc biệt tại những khu vực đang có thi công trên cao. Những khu vực này thường được gọi là “khu vực yêu cầu đội mũ bảo hộ”, cần phải có những tín hiệu an toàn để rõ ràng ở những lối vào và ở những vị trí cần thiết khác

4. GĂNG TAY LAO ĐỘNG

Các bệnh về da là vấn đề thường gặp trong xây dựng, trong đó bệnh viêm da tiếp xúc là phổ biến nhất. Bệnh này gây mẩn ngứa, làm da có màu đỏ, kết vảy hoặc nẻ, và có thể trở nên rất tồi tệ, ảnh hưởng tới khả năng lao động của bạn. Xi măng ướt là một trong những nhân tố chính làm hại da. Một số hóa chất thậm chí còn gây ung thư da sau quá trình tiếp xúc lâu dài như hắc ín, nhựa đường, nhựa epoxy, các chất axit dùng để lau chùi, chất tẩy sơn. Vì vậy ngoài việc sử dụng găng tay, cần bôi thêm các lớp kem bảo vệ lên da, mặc quần áo dài tay và đi ủng cao su.

Tay là bộ phận rất dễ bị chấn thương, và cũng là bộ phận chịu nhiều chấn thương nhất trên cơ thể trong các tai nạn về xây dựng. Rách, trầy da, gẫy tay, sai khớp, cụt tay và bỏng tay là những tai nạn vẫn hay xảy ra. Những tai nạn này hầu hết có thể phòng tránh bằng cách sử dụng những thiết bị và kỹ thuật lao động chân tay tốt, dùng trang bị bảo hộ tay phù hợp như găng tay hay bao tay dài.

Những công việc nguy hiểm phổ biến nhất cần sử dụng đến trang bị bảo vệ tay là:

    • Những công việc có tiếp xúc với những bề mặt thô, sắc hoặc lởm chởm.
    • Tiếp xúc với các chất độc, ăn mòn, nóng, chất bắn tóe như nhựa rải đường bitum, nhựa cây.
    • Khi làm việc với các máy rung như máy khoan khí nén mang trang bị tay có phương pháp triệt rung.
    • Làm các công việc về điện trong điều kiện thời tiết ẩm ướt hoặc lạnh.

5. KHẨU TRANG

Khi dịch bệnh đang hoành hành với những bác sĩ tuyến đầu, khẩu trang là thứ vô cùng quan trong không thể thiếu được khi chăm sóc và chữa trị cho những bệnh nhân nhiễm covid-19.
Nếu làm việc trong môi trường đòi hỏi vô trùng hoặc có nhiều hóa chất, bụi bẩn thì khẩu trang chính là vật bất li thân của người lao động. Có khẩu trang bảo hộ, những nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến hô hấp sẽ giảm đáng kể.

6. MẶT NẠ BẢO HỘ

Trong trường hợp môi trường ô nhiễm nặng hoặc khi hàn có kim loại bắn ra… thì phải trang bị mặt nạ bảo hộ. Bạn nhớ chọn loại vừa vặn với mặt và đầu, thoải mái khi đeo để dễ dàng thao tác trong khi làm việc.

7. KÍNH BẢO HỘ

Kính bảo hộ giúp bảo vệ đôi mắt của bạn. Nếu thường xuyên làm việc trong môi trường có nguồn sáng lớn, ảnh hưởng đến mắt thì bắt buộc phải có kính bảo hộ. Ngoài ra trong một số ngành đòi hỏi tiêu chuẩn cao như sản xuất linh kiện điện tử, thực phẩm thì kính bảo hộ cũng được dùng để bảo vệ người lao động cũng như sản phẩm.

Nhiều chấn thương mắt sinh ra trong công nghiệp do những vật liệu bắn phải, do bụi hoặc bức xạ trong khi thực hiện những công việc sau:

    • Đập phá, cắt, khoan, đẽo hoặc lát đá, bê tông và xây gạch bằng tay hay bằng các công cụ bằng tay.
    • Bào hoặc đẽo những bề mặt được sơn hay bị ăn mòn.
    • Chặt hay cắt đứt bu lông và đinh tán nguội.
    • Mài khô các bề mặt bằng máy mài điện.
    • Hàn và cắt kim loại.

Trong một số quá trình công nghiệp cũng có một số mối nguy hiểm như những loại chất lỏng nóng hoặc có tính ăn mòn bị đổ tràn, rò rỉ hay bắn tóe.

♦ Những điều cần nhớ: 90% các chấn thương mắt có thể ngăn ngừa trước bằng trang bị bảo vệ mắt phù hợp.

8. BỊT TAI CHỐNG ỒN

Bịt tai chống ồn là dụng cụ bảo hộ lao động ít khi được sử dụng nhất. Chỉ trong những nhà máy có tiếng ồn lớn, ảnh hưởng đến thính lực của người lao động nếu tiếp xúc trong thời gian dài mới cần trang bị.

Bạn nên chú ý chọn mua những sản phẩm bảo hộ lao động phù hợp với ngành nghề sản xuất của mình để bảo vệ sức khỏe người lao động và giúp nâng cao năng suất làm việc. Sự chuyên nghiệp của một doanh nghiệp không chỉ thể hiện qua sản phẩm họ cung cấp mà còn trong khâu sản xuất.

9. MẶT NẠ PHÒNG ĐỘC

    • Bất cứ khi nào nghi ngờ trong không khí có những chất độc, phải đeo mặt nạ phòng độc ngay. Kiểu mặt nạ phù hợp phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm và điều kiện làm việc và bạn cần được hướng dẫn cách sử dụng, lau chùi và bảo quản. Cần tham khảo cách chọn loại mặt nạ và bộ lọc phù hợp ở những người chịu trách nhiệm về an toàn và vệ sinh.
    • Loại mặt nạ đơn giản nhất là kiểu làm bằng giấy không phân hủy. Cần nhớ rằng loại này chỉ có tác dụng chống bụi.

Có 3 kiểu bán mặt nạ có bộ lọc

    1. Loại dùng để chống các chất khí và khói, ví dụ như khi sử dụng sơn chứa dung môi: có một bộ lọc chứa than hoạt tính.
    2. Bộ lọc hỗn hợp bao gồm cả bộ lọc bụi và bộ lọc khí. Bộ lọc của loại này phải được thay thường xuyên.
    3. Loại mặt nạ che kín mặt có thể lắp những bộ lọc như trên, bảo vệ được cả mắt và khuôn mặt.

♦ Những điểm cần nhớ:

    • Dùng sai loại mặt nạ hoặc không đúng cỡ sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng.
    • Bộ lọc chỉ có thời hạn sử dụng nhất định. Phải tuân theo các chỉ định và không cố sử dụng những loại bộ lọc đã quá hạn.

10. ĐAI LƯNG AN TOÀN

Phần lớn số tai nạn chết người xảy ra trong xây dựng là do ngã cao. Khi công việc không thể tiến hành trên giàn giáo hay thang dẫn, hoặc trên xe có sàn công tác lên xuống được thì mang trang bị bảo hộ là cách duy nhất để tránh thương vong.

Các trường hợp bắt buộc phải sử dụng trang thiết bị bảo hộ đã được nói đã được quy định pháp luật hiện hành. Một trường hợp khá phổ biến khác có thể phải sử dụng trang bị bảo hộ, thậm chí đôi khi phải có lưới an toàn phụ trợ thêm, là công việc bảo dưỡng trên các kết cấu thép như cầu đường hoặc các cột tháp.

Có rất nhiều kiểu đai lưng an toàn và quần áo bảo hộ. Nên hỏi nhà sản xuất để biết rõ tác dụng, cách sử dụng và bảo quản của từng loại. Nên sử dụng cả một bộ trang bị an toàn đầy đủ hơn là chỉ có một đai lưng an toàn.

Một bộ trang bị an toàn và các dây đai an toàn hoặc dây an toàn toàn thân phải thỏa mãn các điều kiện sau:

    • Hạn chế khả năng bạn có thể bị rơi từ độ cao trên 2m bằng một thiết bị hãm.
    • Đủ chắc để chịu được trọng lượng cơ thể.
    • Được gắn vào một cấu trúc cứng vững chắc qua một điểm neo chắc chắn nằm phía trên vị trí làm việc.

♦ Những điều cần nhớ: Hãy tạo một thói quen sử dụng trang bị bảo hộ lao động.

Nguồn: pro-pro.com.vn