Doanh nghiệp ứng phó với cuộc khủng hoảng container như thế nào?

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung container đẩy giá cước vận tải tăng vọt, khiến các nhà bán lẻ và doanh nghiệp Mỹ đã phải “đau đầu” tính toán sao cho những mặt hàng được bày bán có chi phí hợp lý nhất.

Thế giới đang chứng kiến “cơn khát” container – những hộp thép khổng lồ đóng vai trò là một “mắt xích” trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung container trầm trọng đã đẩy giá cước vận tải tăng vọt, do đó các nhà bán lẻ và doanh nghiệp Mỹ đã phải “đau đầu” tính toán sao cho những mặt hàng được bày bán có chi phí hợp lý nhất.
Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng container
Doanh nhân người Mỹ Malcolm McLean đã sáng chế ra container vận chuyển cách đây 65 năm để dễ dàng chuyển hàng hóa từ xe tải lên tàu và ngược lại. Theo ông Willy Shih, Giáo sư ngành Quản trị chuỗi cung ứng tại Trường Kinh doanh Harvard (thuộc Đại học Harvard), trước khi container ra đời, những người bốc vác hàng phải xếp từng kiện hàng lên tàu, việc này vừa mất thời gian và vừa tốn kém. Vận chuyển bằng container là một cuộc cách mạng đối với thương mại toàn cầu, và trở thành một trụ cột của nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, ông Willy Shih chỉ ra rằng, sự mất cân bằng thương mại ngày càng nới rộng, với khối lượng hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ châu Á nhiều hơn xuất khẩu. Tàu chở hàng đến Mỹ thường bị mắc kẹt tại các cảng biển trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, do hoạt động bốc dỡ hàng mất rất nhiều thời gian.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều bến cảng bị đóng cửa và tình trạng thiếu nhân viên khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn. Trong khi đó, nhu cầu đối với hàng tiêu dùng lại tăng mạnh.
Giáo sư kinh tế tại Đại học Bang California, ông Seiji Steimetz, chỉ ra rằng đại dịch đã khiến nhiều người thay đổi cách mua sắm. Ngày càng nhiều người mua hàng trực tuyến từ các nhà bán lẻ như Amazon, Walmart và Target – những công ty chủ yếu dựa vào hàng nhập khẩu.

Khi các biện pháp giãn cách xã hội nhằm hạn chế lây lan dịch COVID-19 được triển khai, nhiều người ở nhà hơn, dẫn đến nhu cầu mua hàng hóa tăng lên và chi tiêu cho dịch vụ giảm đi. Doanh số bán nhà, ô tô và đồ chơi đều tăng trong thời kỳ đại dịch khi người tiêu dùng không chi tiền cho khách sạn, nhà hàng hay các quán bar.
Ông Seiji Steimetz nói thêm: “Nền kinh tế thế giới đang hồi phục sau giai đoạn ‘đóng băng’ do đại dịch. Ngày càng nhiều mặt hàng được nhập khẩu (vào Mỹ) hơn, điều này cũng tạo gánh nặng lên toàn bộ chuỗi cung ứng”.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, chỉ trong tháng 9/2021, Mỹ đã nhập khẩu số lượng hàng hóa trị giá 47,4 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng trở lại đây.
Niels Larsen, Chủ tịch phụ trách vận tải hàng không và đường biển khu vực Bắc Mỹ tại công ty vận tải và hậu cần DSV, nhấn mạnh đến một lý do khác, đó là tình trạng khan hiếm nhân viên bốc xếp tại các cảng, kho hàng và thiếu tài xế xe tải. Đây là nguyên nhân khiến khoảng 3 triệu container trên thế giới đang bị tắc nghẽn.
Các chuyên gia vận tải cho biết, cách khắc phục không chỉ đơn giản là tăng thêm số lượng container vì nguyên nhân thiếu hụt container có liên quan chặt chẽ đến chính sách đóng cửa biên giới của các nước, hoạt động kinh doanh trì trệ của doanh nghiệp, cũng như tình trạng thiếu lao động và những thay đổi cơ bản trong nền kinh tế.
Theo công ty tư vấn Drewry Shipping Consultants, các nhà sản xuất container – chủ yếu tập trung ở Trung Quốc – dự kiến sẽ tăng sản lượng lên 6,4 triệu container trong năm nay, cao gấp đôi so với mức trước đại dịch. Tuy nhiên, những nỗ lực đó đang bị cản trở bởi tình trạng thiếu nguyên liệu thô như thép và gỗ xẻ, và khan hiếm thợ hàn.
Nỗ lực ứng phó từ phía doanh nghiệp
Giá một container vận chuyển dài 40 feet (tương đương hơn 12 m) đã tăng từ 1.700 USD vào cuối năm 2019 lên 6.000 USD vào cuối năm 2020 và gần 11.000 USD vào giữa năm 2021. Trước tình hình đó, Chính phủ Mỹ mới đây đã công bố các biện pháp nhằm tăng cường công suất tại các cảng của Mỹ, như Long Beach và Los Angeles. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ không đặt nhiều kỳ vọng vào những nỗ lực này, đặc biệt là khi mùa mua sắm dịp lễ hội cuối năm đang cận kề.

Container hàng hóa được bốc dỡ tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Một số “người khổng lồ” bán lẻ như hãng sản xuất đồ nội thất Ikea đã sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua container chuyên chở hàng của riêng họ. Nhiều công ty khác, như Walmart, Target, Home Depot và Costco, thì lựa chọn thuê bao cả tàu để vận chuyển những mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp cuối năm.
Nhằm khai thác tối đa không gian chứa hàng của container, các nhà bán lẻ phải tính toán kỹ lưỡng tất cả các yếu tố, từ kích thước, nhu cầu và giá thành của sản phẩm để tiết kiệm chi phí tối đa.
Magi Raible, chủ sở hữu của hãng sản xuất túi du lịch LiteGear Bags ở California (Mỹ), đã dành hàng tuần, thậm chí hàng tháng để tìm kiếm các container vận chuyển hàng hóa của hãng từ các nhà máy ở Trung Quốc đến Mỹ. Cô Magi Raible cho biết: “Khi giá cước vận tải tăng chóng mặt, bài toán này không phù hợp với những mặt hàng lớn và cồng kềnh nữa”. Cô đã ưu tiên nhập khẩu những mặt hàng nhẹ và nhỏ gọn để bán trước, và tạm thời để lại một số sản phẩm dù đang bán chạy nhưng có cước phí quá đắt.
Một số cửa hàng quyết định nhập khẩu số lượng lớn các đồ trang trí và quà tặng cho mùa Giáng Sinh vì nếu không bán hết họ có thể để đến năm sau. Các nhà phân tích cho biết nhiều nhà sản xuất đồ điện tử đang cố gắng tích trữ nhiều món đồ kích thước nhỏ như máy tính bảng và tai nghe.
Theo Bà Nora O’Leary, Chủ tịch công ty đồ chơi Manhattan Toy Co., các mặt hàng bán chạy và có lãi nhất sẽ được ưu tiên, nhưng kể cả như vậy, công ty vẫn gặp nhiều rắc rối trong khâu vận chuyển. Bà Nora cho biết ít nhất 1 container hàng của công ty vẫn nằm ở cảng Los Angeles từ tháng Chín đến nay. Bà Nora chia sẻ: “Chúng tôi chỉ ưu tiên những mặt hàng mà chúng tôi biết chắc chắn sẽ bán được. Khi chi phí vận chuyển cao gấp 6-7 lần so với năm ngoái, chúng tôi không dám chấp nhận rủi ro với các sản phẩm mới.”
Chủ tịch công ty đồ chơi Sky Castle Toys, Joshua Loerzel, cho biết các nhà bán lẻ đã yêu cầu công ty thu nhỏ kích cỡ vỏ hộp đồ chơi để giảm chi phí vận chuyển. Do đó, gần đây công ty đã thu nhỏ 20% hộp bộ đồ chơi LetsGlow Studio. Với kích thước mới, một container 40 feet có thể xếp được 11.900 hộp, so với 8.700 hộp như trước.
Theo ông Joshua, việc “thu nhỏ” kích cỡ vỏ hộp này đã đi ngược lại các tiêu chí truyền thống trong ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi. Nhưng giờ đây, thay vì cố gắng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng bằng bao bì lớn và hào nhoáng, trước hết các sản phẩm phải được chọn để bày lên kệ đã.

Nguồn: Bnews

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung container đẩy giá cước vận tải tăng vọt, khiến các nhà bán lẻ và doanh nghiệp Mỹ đã phải “đau đầu” tính toán sao cho những mặt hàng được bày bán có chi phí hợp lý nhất. Thế giới đang chứng kiến “cơn khát” container – những hộp thép… Xem bài viết