Thêm kết quả...

GIỚI THIỆU VỀ NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1. NGÂN HÀNG LÀ GÌ?

– Ngân hàng là một tổ chức tài chính và trung gian tài chính chấp nhận tiền gửi và định kênh những tiền gửi đó vào các hoạt động cho vay trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các thị trường vốn. Ngân hàng là kết nối giữa khách hàng có thâm hụt vốn và khách hàng có thặng dư vốn.

– Các ghi chép cổ xưa nhất còn được lưu lại về hoạt động của ngân hàng thì có thể truy nguồn tới nước Ý thời trung cổ và đầu Phục Hưng, đến các thành phố giàu có ở phía bắc như Firenze, Lucca, Siena, Venice và Genoa. Các Bardi và các gia đình Peruzzi thống trị hoạt động ngân hàng trong Florence thế kỷ 14, bằng cách thành lập chi nhánh ở nhiều nơi khác của châu Âu. Một trong những ngân hàng nổi tiếng nhất của Ý là Ngân hàng Medici, được thành lập bởi Giovanni di Bicci de ‘Medici năm 1397. Ngân hàng tiền gửi nhà nước được biết đến sớm nhất, Banco di San Giorgio (Bank of St. George), được thành lập năm 1407 tại Genoa, Ý.

– Từ ngân hàng(bank) được vay mượn trong tiếng Anh trung cổ, từ tiếng Pháp trung cổ banque, từ tiếng Ý cổ banca, từ Old High German banc, bank “ghế, quầy”. Các ghế đã được sử dụng như các cái bàn hay các quầy giao dịch trong thời kỳ Phục hưng bởi những nhà hoạt động ngân hàng Florentine, những người đã từng tiến hành các nghiệp vụ của họ trên mặt những chiếc bàn được phủ khăn trải bàn màu xanh lá cây.

2. NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI LÀ GÌ?

Ở các nước khác nhau thì khái niệm ngân hàng thương mại cũng khác nhau:

  • Ở Mỹ: Ngân hàng thương mại là công ty kinh doanh tiền tệ, chuyên cung cấp dịch vụ tài chính và hoạt động trong ngành công nghiệp dịch vụ tài chính.
  • Đạo luật ngân hàng của Pháp (1941) cũng đã định nghĩa: “Ngân hàng thương mại là những xí nghiệp hay cơ sở mà nghề nghiệp thường xuyên là nhận tiền bạc của công chúng dưới hình thức ký thác, hoặc dưới các hình thức khác và sử dụng tài nguyên đó cho chính họ trong các nghiệp vụ về chiết khấu, tín dụng và tài chính”.
  • Ở Việt Nam, Định nghĩa Ngân hàng thương mại: Ngân hàng thương mại là tổ chức kinh doanh tiền tệ mà hoạt động chủ yếu và thường xuyên là nhận tiền ký gửi từ khách hàng với trách nhiệm hoàn trả và sử dụng số tiền đó để cho vay, thực hiện nghiệp vụ chiết khấu và làm phương tiện thanh toán.

3. CHỨC NĂNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

3.1 CHỨC NĂNG TRUNG GIAN TÍN DỤNG

– Chức năng trung gian tín dụng được xem là chức năng quan trọng nhất của Ngân hàng thương mại. Khi thực hiện chức năng trung gian tín dụng, NHTM đóng vai trò là cầu nối giữa người thừa vốn và người có nhu cầu về vốn. Với chức năng này, ngân hàng thương mại vừa đóng vai trò nhận tiền gửi, vừa đóng vai trò là người cho vay và hưởng lợi nhuận là khoản chênh lệch giữa lãi suất nhận gửi và lãi suất cho vay và góp phần tạo lợi ích cho tất cả các bên tham gia: người gửi tiền và người đi vay… Cho vay luôn là hoạt động quan trọng nhất của ngân hàng thương mại, nó mang đến lợi nhuận lớn nhất cho ngân hàng thương mại.

3.2 CHỨC NĂNG TRUNG GIAN THANH TOÁN

– Ở đây NHTM đóng vai trò là thủ quỹ cho các doanh nghiệp và cá nhân, thực hiện các thanh toán theo yêu cầu của khách hàng như trích tiền từ tài khoản tiền gửi của họ để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ hoặc nhập vào tài khoản tiền gửi của khách hàng tiền thu bán hàng và các khoản thu khác theo lệnh của họ.

– Các NHTM cung cấp cho khách hàng nhiều phương tiện thanh toán tiện lợi như séc, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, thẻ rút tiền, thẻ thanh toán, thẻ tín dụng… Tùy theo nhu cầu, khách hàng có thể chọn cho mình phương thức thanh toán phù hợp. Nhờ đó mà các chủ thể kinh tế không phải giữ tiền trong túi, mang theo tiền để gặp chủ nợ, gặp người phải thanh toán dù ở gần hay xa mà họ có thể sử dụng một phương thức nào đó để thực hiện các khoản thanh toán. Do vậy các chủ thể kinh tế sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian, lại đảm bảo thanh toán an toàn. Chức năng này vô hình trung đã thúc đẩy lưu thông hàng hóa, đẩy nhanh tốc độ thanh toán, tốc độ lưu chuyển vốn, từ đó góp phần phát triển kinh tế.

3.3 CHỨC NĂNG TẠO TIỀN

– Tạo tiền là một chức năng quan trọng, phản ánh rõ bản chất của NHTM. Với mục tiêu là tìm kiếm lợi nhuận như là một yêu cầu chính cho sự tồn tại và phát triển của mình, các NHTM với nghiệp vụ kinh doanh mang tính đặc thù của mình đã vô hình trung thực hiện chức năng tạo tiền cho nền kinh tế.

– Chức năng tạo tiền được thực thi trên cơ sở hai chức năng khác của NHTM là chức năng tín dụng và chức năng thanh toán. Thông qua chức năng trung gian tín dụng, ngân hàng sử dụng số vốn huy động được để cho vay, số tiền cho vay ra lại được khách hàng sử dụng để mua hàng hóa, thanh toán dịch vụ trong khi số dư trên tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng vẫn được coi là một bộ phận của tiền giao dịch, được họ sử dụng để mua hàng hóa, thanh toán dịch vụ… Với chức năng này, hệ thống NHTM đã làm tăng tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của xã hội. Ngân hàng thương mại tạo tiền phụ thuộc vào tỉ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng trung ương đã áp dụng đối với nhtm. do vậy ngân hàng trung ương có thể tăng tỉ lệ này khi lượng cung tiền vào nền kinh tế lớn.

Ngân hàng là một dịch vụ không thể thiếu được trong cuộc sống của chúng ta.

Nguồn: vi.wikipedia.org