Thêm kết quả...

TÌNH HÌNH ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP THÁNG 7 VÀ 7 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

Các yếu tố tác động đến tình hình đăng ký doanh nghiệp 7 tháng đầu năm 2021

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, Chính phủ đã đồng ý cho 16 tỉnh/thành phố cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Thành phố Hà Nội cũng ban hành công điện áp dụng các biện pháp mạnh gắn với Chỉ thị 16. Cùng với đó, dịch bệnh cũng có diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh/thành phố khác trong cả nước, gây khó khăn cho hệ thống y tế cũng như các hoạt động kinh tế – xã hội tại nhiều địa phương.

Với tác động của đợt bùng phát dịch này, ADB vừa công bố cập nhật báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2021, trong đó hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay xuống mức 5,8%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với lần dự báo hồi tháng 4. HSBC và Standard Chartered đều hạ dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam giảm nhẹ so với mức dự báo được đưa ra trước đó. Tuy nhiên, Standard Chartered cũng nhận định Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định nhờ vào việc kiểm soát tốt Covid-19 trong năm ngoái cũng như xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng gần đây “Khả năng kiểm soát dịch sẽ đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn”.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn và thách thức, Chính phủ đang nỗ lực trong việc tạo cơ chế sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa an toàn và thúc đẩy quá trình sản xuất, nhập khẩu và tổ chức tiêm vắc xin trong nước. Đến nay, lượng vắc xin tiếp nhận tại Việt Nam là 8.998.750 liều, đã thực hiện tiêm chủng được 4.283.906 liều vắc xin (chiếm 4,4% dân số Việt Nam) và dự kiến sẽ có khoảng 124 triệu liều từ các nguồn khác nhau được cam kết cung ứng cho Việt Nam cho tới cuối năm 2021[1].

Có thể thấy, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống Chính trị và nhân dân trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, tình hình – kinh tế xã hội Việt Nam thời gian qua vẫn giữ được sự ổn định. Tuy nhiên, Đợt bùng phát dịch thứ 4 đã kéo dài gần 2 tháng qua đã ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam, tạo ra nhiều thách thức đến đà tăng trưởng và gây áp lực lớn lên tình hình sản xuất kinh doanh và phát triển của các doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021.

  1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 7 tháng đầu năm 2021
  2. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Số doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2021 là 75.823  doanh nghiệp, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Đây là mức tăng thấp khi so sánh với mức tăng trung bình giai đoạn 2016-2020 (8,1%). Tuy nhiên, tỷ lệ này tích cực hơn khi so sánh với tỷ lệ giảm ở cùng kỳ năm 2020 (7 tháng đầu năm 2020 giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2019). Đáng chú ý, số vốn đăng ký thành lập trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 1.065.413 tỷ đồng, tăng đến 13,8% so với cùng kỳ 2020, trong khi 7 tháng đầu năm 2020 con số này giảm 6,3% so với cùng kỳ 2019.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2021 là 2.432.121 tỷ đồng (tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.065.413 tỷ đồng (tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020). Có 27.592 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 7 tháng đầu năm 2021 (tăng 31,7 % so với cùng kỳ năm 2020), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 1.366.708 tỷ đồng (tăng 18,0% so với cùng kỳ năm 2020). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2021 là 555.538 lao động, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2020. Số lao động đăng ký mặc dù có tỷ lệ giảm do việc thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, tuy nhiên mức giảm đã nhỏ hơn khi so sánh với mức giảm ở năm 2020 (giảm 19,5% so với cùng kỳ 2019).

– Phân theo lĩnh vực hoạt động:

Có 12/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Các lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh là: Kinh doanh bất động sản (tăng 33,8%); Vận tải kho bãi (tăng 15,6%); Thông tin và truyền thông (tăng 12,5%).

Các ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm tỷ lệ lớn nhất, gồm: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 25.383 doanh nghiệp (chiếm 33,5%); Công nghiệp chế biến, chế tạo có 9.823 doanh nghiệp (chiếm 13,0%); Xây dựng có 9.496 doanh nghiệp (chiếm 12,5%).

Có 5/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu là những ngành, nghề chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 63,7%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 10,7%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 10,5%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 7,9%) và Xây dựng (giảm 3,7%).

– Phân theo địa bàn hoạt động:

Trong 7 tháng đầu năm 2020, cả nước có 03/06 khu vực có số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với cùng ký năm 2020, gồm: Tây nguyên (2.375 doanh nghiệp, giảm 9,6%); Đông Nam Bộ (30.318 doanh nghiệp, giảm 2%) và Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (10.334 doanh nghiệp, giảm 1,9%). Đặc biệt, đối với Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng ca nhiễm trong cộng đồng cao nhất cả nước và là địa phương thực hiện giãn cách sớm có sự sụt giảm về cả số doanh nghiệp đăng ký thành lập và số vốn đăng ký với tỷ lệ 3,8% và 4,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức sụt giảm này thấp hơn mức giảm của 7 tháng đầu năm 2020 với tỷ lệ 8,1% và 6,3% so với cùng kỳ 2019.

– Phân theo quy mô vốn:

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở 4/5 quy mô vốn so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng là 4.162 doanh nghiệp (chiếm 5,5%, tăng 3,8%); ở quy mô vốn từ 20 – 50 tỷ đồng là 2.584 doanh nghiệp (chiếm 3,4%, tăng 16,1%); từ 50 – 100 tỷ đồng là 1.192 doanh nghiệp (chiếm 1,6%, tăng 30,7%) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng là 1.256 doanh nghiệp (chiếm 1,7%, tăng 41,3%). Riêng ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng thì số doanh nghiệp thành lập mới là 66.629 (chiếm 87,9%, giảm 0,9%).

Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm 2021, số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới giảm trong 12/17 lĩnh vực, mức giảm nhiều nhất ghi nhận ở các lĩnh vực sau: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 52,2%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 18,9%); Nông, lâm, nghiệp và thủy sản (giảm 18,7%); Giáo dục và đào tạo (giảm 17%).

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng đầu năm 2021 là 29.602 doanh nghiệp, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong tháng 7 đầu năm 2021 là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (10.365 doanh nghiệp, chiếm 35%); Xây dựng (4.415 doanh nghiệp, chiếm 14,9%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (3.656 doanh nghiệp, chiếm 12,4%).

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 13/17 lĩnh vực, mức tăng cao nhất ghi nhận ở một số lĩnh vực sau: Kinh doanh bất động sản (963 doanh nghiệp, tăng 23%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (237 doanh nghiệp, tăng 15,0%); Hoạt động dịch vụ khác (404 doanh nghiệp, tăng 10,1%); Thông tin và truyền thông (657 doanh nghiệp, tăng 10,1%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.662 doanh nghiệp, tăng 7,8%).

Số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 7 tháng đầu năm 2021 giảm ở 04/17 lĩnh vực: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (252 doanh nghiệp, giảm 11,6%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (415 doanh nghiệp, giảm 10,8%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (279 doanh nghiệp, giảm 6,4%); Giáo dục và đào tạo (658 doanh nghiệp, giảm 0,2%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động ở Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục gia tăng với tỷ lệ 14,5% thấp hơn mức tăng trung bình 7 tháng đầu năm giai đoạn 2016-2020 (23,8%).

  1. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Dưới tác động của dịch bệnh, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm 2021 tiếp tục có sự gia tăng, với 79.673 doanh nghiệp, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 40.251 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm 2021.

Tính riêng Thành phố Hồ Chí Minh, trong 7 tháng đầu năm 2021 có  23.199 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (chiếm 29,1% số doanh nghiệp rút lui của cả nước), tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020. Sự gia tăng về doanh nghiệp rút lui chủ yếu đến từ sự gia tăng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (12.071 doanh nghiệp, tăng 25,7%).

2.1. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm 2021 là 40.251 doanh nghiệp, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức tăng trung bình giai đoạn 2016-2020 (tăng 27%).

Có thể thấy, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư từ ngày 27/4/2021 đến nay đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế – xã hội tại nhiều địa phương. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội thì việc số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có sự gia tăng là điều dễ hiểu.

Mặc dù vậy, có thể nhận thấy, xu hướng thanh lọc mạnh mẽ tiếp tục diễn ra ở các ngành nghề, phản ánh thông qua việc những lĩnh vực có số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh lớn nhất cũng là những ngành nghề có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất. Điều này cũng cho thấy, khủng hoảng, khó khăn hay các yếu tố tiêu cực cũng là lúc cho các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn.

Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (15.180 doanh nghiệp, chiếm 37,7%); Xây dựng (5.491 doanh nghiệp, chiếm 13,6%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo (4.717 doanh nghiệp, chiếm 11,7%).

Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 36.436 doanh nghiệp (chiếm 90,5%, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng có 2.095 doanh nghiệp (chiếm 5,2%, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 – 50 tỷ đồng có 1.132 doanh nghiệp (chiếm 2,8%, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 – 100 tỷ đồng có 362 doanh nghiệp (chiếm 0,9%, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 226 doanh nghiệp (chiếm 0,6%, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2020).

Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm 2021 có thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 0-5 năm với 21.129 doanh nghiệp (chiếm 52,5%); 10.469 doanh nghiệp hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 26,0%) và 8.653 doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm (chiếm 21,5%).

Tính riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm 2021 đã lên đến 12.071 (chiếm 30% số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh của cả nước), tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là kỷ lục về số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh[2], thời gian qua, dịch Covid-19 đã làm trên 70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, đa số doanh nghiệp khác đều giảm từ 50% đến 90% doanh thu so với thời điểm trước dịch bệnh. Bên cạnh đó, do chưa thể đáp ứng thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ) trong một thời gian quá ngắn (01 ngày) theo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh của UBND thành phố Hồ Chí Minh nên nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động.

2.2. Doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể

Trong 7 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 28.038 doanh nghiệp, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2020.

So với cùng kỳ năm 2020, số lượng các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 16/17 lĩnh vực. Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (10.170 doanh nghiệp, chiếm 36,3%); Xây dựng (3.387 doanh nghiệp, chiếm 12,1%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (3.328 doanh nghiệp, chiếm 11,9%).

Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 5/5 quy mô vốn và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 25.209 doanh nghiệp (chiếm 89,9%, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô vốn từ 10 – 20 tỷ đồng có 1.375 doanh nghiệp (chiếm 4,9%, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 – 50 tỷ đồng có 776 doanh nghiệp (chiếm 2,8%, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 – 100 tỷ đồng có 336 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2020) và trên 100 tỷ đồng có 342 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, tăng 23,0% so với cùng kỳ năm 2020).

2.3. Doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại

Số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại trong 7 tháng đầu năm 2021 là 11.384 doanh nghiệp, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2020.

17/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là: Khai khoáng; Sản xuất phân phối, điện, nước, gas và Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với tỷ lệ tăng lần lượt là 122,0%; 118,7% và 42,7%.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại có thời gian hoạt động từ 0-5 năm là 7.343 doanh nghiệp (chiếm 64,5%); 2.137 doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 18,8%) và 1.904 doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 10 năm (chiếm 16,7%).

Phân theo quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng ở 4/5 quy mô vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 10.105 doanh nghiệp (chiếm 88,8%, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng có 645 doanh nghiệp (chiếm 5,7%, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 – 50 tỷ đồng có 360 doanh nghiệp (chiếm 3,2%, tăng 40,1% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 – 100 tỷ đồng có 143 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 131 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2020).

III. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 7 năm 2021

  1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Trong tháng 7 năm 2021, số doanh nghiệp ký thành lập mới và số vốn đăng ký sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2020, trong đó nguyên nhân chính là tình hình dịch covid-19 ngày càng phức tạp, dẫn đến số ca bị lây nhiễm bởi biến chủng mới ngày càng tăng, nhiều tỉnh, thành phố và một số địa bàn cụ thể đã phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Cụ thể có 8.740 doanh nghiệp (giảm 33,8% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2020) với số vốn đăng ký là 122.765 tỷ đồng (giảm 48,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020). Đây cũng là tháng có số doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp nhất kể từ tháng 02/2021.

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 năm 2021 là 71.236 người, giảm 22,0% so với cùng kỳ năm 2020.

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Tháng 7 năm 2021 ghi nhận có 4.947 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020.

  1. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong tháng 7 năm 2021, có 9.901 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có:

– 4.527 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2020;

– 3.932 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020;

– 1.442 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn: dangkykinhdoanh.gov.vn