Vốn FDI trong dịch COVID-19: Địa phương vào cuộc, doanh nghiệp quyết tâm cao

Vốn FDI trong dịch COVID-19: Địa phương vào cuộc, doanh nghiệp quyết tâm cao

 

(Chinhphu.vn) – Cùng với nỗ lực hết mình và các giải pháp căn cơ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước đã chủ động vào cuộc, lắng nghe, nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI. Nhiều doanh nghiệp FDI cũng cho thấy quyết tâm rất lớn để tiếp tục hoạt động và gắn bó lâu dài tại Việt Nam.

 

Có thể nói, tình hình càng khó khăn càng khẳng định niềm tin và nỗ lực của các bên với nhau trên tinh thần “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký kiểm tra tại Dự án may mặc của Công ty Weitai ngày 28/8.
Ảnh: Báo Quảng Ninh

 

Không doanh nghiệp nào rời Quảng Ninh

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chia sẻ, cốt lõi của thu hút FDI tại thời điểm này chính là ưu tiên số một cho phòng chống dịch và bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh an toàn.

Kể từ khi đợt dịch thứ 4 quay trở lại và bùng phát tại Bắc Giang, tỉnh Quảng Ninh đã xác định và áp dụng tất cả các biện pháp có thể, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cũng như thiếu hụt nguồn nhân lực cho các nhà máy, các doanh nghiệp trong mọi hoàn cảnh.

Đối với người lao động đến từ các địa phương khác, kể cả từ vùng dịch, tỉnh sẵn sàng bố trí xe miễn phí đón các chuyên gia nước ngoài, người lao động, ngay từ đầu tỉnh; bố trí chỗ ở, hỗ trợ ăn uống trong thời gian cách ly 14 ngày. Sau đó bàn giao cho doanh nghiệp và yêu cầu ký cam kết với chính quyền địa phương đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Đối với vận tải hàng hóa, nguyên phụ liệu đầu vào cho các nhà máy FDI từ Bắc Giang và những tỉnh khác về Quảng Ninh, tỉnh cấp giấy phép cho phép các xe vận tải nguyên liệu được vào tỉnh theo đúng cung đường đăng ký; hỗ trợ doanh nghiệp sàng lọc và xét nghiệm thường xuyên các lái xe với tiêu chí an toàn của lái xe là trên hết. “Phải coi việc bảo vệ người lái xe, người lao động an toàn chính là bảo vệ doanh nghiệp an toàn. Doanh nghiệp khỏe thì địa phương mới khỏe”, ông Ký nhấn mạnh.

Tỉnh đã tiến hành ưu tiên tiêm sớm vaccine phòng COVID cho toàn bộ công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, các nhà máy và cơ sở sản xuất, sau đó mới tiêm đến người dân. Bảo vệ người lao động là bảo vệ nguồn lực quan trọng của địa phương. Chính điều này đã tạo niềm tin cho các doanh nghiệp vào chính quyền địa phương.

Mấu chốt nữa là không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Lãnh đạo địa phương phải trực tiếp thị sát doanh nghiệp, coi việc của doanh nghiệp là việc của chính quyền. Doanh nghiệp cũng có thể trực tiếp gọi điện trao đổi với Bí thư, Chủ tịch khi gặp bất kể trở ngại gì, ngay từ những việc như an ninh trật tự, đổ đất, tắc ống nước, mất điện, thiếu lao động…, lãnh đạo tỉnh đều phải xắn tay vào cuộc cùng doanh nghiệp gỡ khó.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giải quyết vấn đề lao động thiếu hụt, tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giúp đỡ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lao động, thu nhận lao động từ các địa phương khác. Tỉnh cũng ban hành những chính sách thu hút lao động; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động từ nguồn ngân sách đối với những lĩnh vực khuyến khích đầu tư của tỉnh để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp FDI; hỗ trợ tạo điều kiện tối đa về quỹ đất để doanh nghiệp thực hiện việc xây dựng nhà ở cho công nhân.

“Cho đến thời điểm này, Quảng Ninh có thể tự tin khẳng định rằng, trong thời gian bùng phát đại dịch COVID-19, không một người nước ngoài nào, một doanh nghiệp nào rời tỉnh ra đi cả. Chúng tôi đã bảo đảm an toàn về tính mạng cho toàn bộ người dân bao gồm cả Việt Nam và nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại tỉnh trước đại dịch, bảo đảm họ đều được tiếp cận vaccine sớm và đầy đủ. Ngoài ra, chúng tôi còn bảo đảm những người được tiêm mũi một đều được tiêm mũi hai”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh.

Đánh giá về bức tranh toàn cảnh FDI của Việt Nam, Bí thư Nguyễn Xuân Ký khẳng định Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng tiên quyết vẫn phải khống chế, kiểm soát được dịch.

Chính phủ tập trung đầu tư cho hạ tầng, khai thác các nguồn lực. Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, thế hệ dân số vẫn đang nằm trong dân số vàng; thị trường gần 100 triệu dân; quy mô thị trường, quy mô nền kinh tế đang phát triển; các FTA thế hệ mới hội nhập sâu rộng; Chính phủ kiến tạo, chính quyền địa phương phục vụ… đều là những điều kiện vô cùng thuận lợi thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài.

Phòng chống dịch tốt, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh an toàn, được tiếp cận vaccine sớm và đầy đủ là cốt lõi của thu hút FDI tại thời điểm này.  Chúng ta cần có phương thức thích ứng an toàn, linh hoạt để giảm thiểu các tác hại do COVID-19 gây ra và cần nhất phải có chiến lược cụ thể phù hợp với thực tế mỗi địa phương, ông Nguyễn Xuân Ký chia sẻ.

Nguồn: Baochinhphu.vn

Vốn FDI trong dịch COVID-19: Địa phương vào cuộc, doanh nghiệp quyết tâm cao   (Chinhphu.vn) – Cùng với nỗ lực hết mình và các giải pháp căn cơ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa... Xem bài viết