Nhận thức tổng quan về bảo hộ lao động

1. Bảo hộ lao động (BHLĐ)

BHLĐ với nội dung chủ yếu là công tác an toàn và vệ sinh lao động là các hoạt động đồng bộ trên các mặt luật pháp, tổ chức, hành chính, kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật nhằm cải thiện điều kiện lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN), bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người lao động.

Hoạt động BHLĐ luôn gắn liền với hoạt động lao động sản xuất và công tác của con người. Sự phát triển của công tác này phụ thuộc vào nền kinh tế, trình độ khoa học, công nghệ và yêu cầu phát triển xã hội của mỗi nước. BHLĐ là một yêu cầu tất yếu khách quan để bảo vệ người lao động (NLĐ), yếu tố chủ yếu và năng động nhất của lực lượng sản xuất.

2. Mục đích, ý nghĩa của công tác BHLĐ

Mục tiêu của công tác BHLĐ là thông qua các biện pháp khoa học kỹ thuật, tổ chức kinh tế – xã hội để loại trừ các yếu tố nguy hiểm có hại phát sinh trong sản xuất, tạo nên điều kiện lao động tiện nghi, thuận lợi ngày càng được cải thiện tốt hơn để ngăn ngừa TNLĐ và BNN, hạn chế ốm đau, giảm sút sức khỏe và tính mạng NLĐ, trực tiếp góp phần bảo vệ và phát triển lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động.

Ở đâu có sản xuất, công tác thì ở đó phải tiến hành công tác BHLĐ. Bởi vậy, BHLĐ trước hết là phạm trù của sản xuất gắn liền với sản xuất để bảo vệ yếu tố năng động nhất của lực lượng sản xuất là NLĐ. Mặt khác nhờ chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng NLĐ, mang lại hạnh phúc cho bản thân và gia đình họ mà công tác BHLĐ có một hệ quả xã hội và nhân đạo to lớn.

Vì vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng BHLĐ là một chính sách kinh tế – xã hội lớn của Đảng và Nhà nước ta, là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của nước ta.

3. Tính chất của công tác BHLĐ:

Để đạt được mục tiêu kinh tế – xã hội như đã nêu, công tác BHLĐ nhất thiết phải mang đầy đủ 3 tính chất: khoa học kỹ thuật, luật pháp và quần chúng.

BHLĐ mang tính khoa học kỹ thuật là vì mọi hoạt động của nó đều nhằm loại trừ các yếu tố nguy hiểm có hại, phòng chống TNLĐ và BNN đều phải xuất phát từ cơ sở khoa học và bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật.

BHLĐ mang tính luật pháp thể hiện ở chỗ muốn đưa các giải pháp khoa học kỹ thuật, các biện pháp tổ chức xã hội về BHLĐ vào thực tiễn thì phải thể chế hóa chúng thành những luật lệ, chế độ chính sách, tiêu chuẩn quy định, hướng dẫn để buộc mọi cấp quản lý, tổ chức và các cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành, thực hiện. Đồng thời, phải tiến hành thanh kiểm tra thường xuyên, khen thưởng và xử phạt nghiêm minh, kịp thời thì công tác BHLĐ mới được tôn trọng và có hiệu quả thiết thực.

BHLĐ mang tính quần chúng rộng rãi vì tất cả mọi người từ người sử dụng lao động đến người lao động đều là đối tượng cần được bảo vệ, đồng thời họ là chủ thể tham gia vào việc tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác. BHLĐ là hoạt động hướng về cơ sở vì con người trước hết là người lao động./.​

1. Bảo hộ lao động (BHLĐ) BHLĐ với nội dung chủ yếu là công tác an toàn và vệ sinh lao động là các hoạt động đồng bộ trên các mặt luật pháp, tổ chức, hành chính, kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật nhằm cải thiện điều kiện lao động, ngăn ngừa tai… Xem bài viết