Thị trường thép công nghiệp kỳ vọng tiếp tục tăng giá trong năm 2022

So với năm 2020, thị trường ngành thép công nghiệp năm 2021 hoạt động khá sôi động, nhất là vào dịp cuối năm. Triển vọng thị trường ngành thép năm 2022 vẫn tích cực khi kinh tế toàn cầu tiếp tục hồi phục sau đại dịch Covid-19. Theo tìm hiểu, thép xây dựng cuối năm có mức tiêu thụ thấp ở các công trình dân dụng và nhỏ lẻ, tuy nhiên lại có sức mua mạnh ở các dự án và công trình lớn.

Số liệu gần đây cho thấy, từ quý IV/2020 đến tháng 5/2021 giá thép công nghiệp xây dựng trong nước tăng nhanh theo giá thép thế giới và khu vực. Tuy nhiên đến đầu tháng 7/2021, nhu cầu tiêu thụ thép giảm khi Việt Nam bước vào mùa mưa, kết hợp với tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn ra phức tạp khiến nhiều công trình phải ngừng thi công. Đặc biệt là ở các tỉnh, thành phía Nam chịu tác động lớn khi có nhiều tỉnh phải thực hiện giãn cách. Thêm vào đó sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà sản xuất thép lớn trong nước khiến giá thép trong nước tại quý III/2021 giảm nhẹ 5 – 10% so với quý II/2021.

Trong 3 tháng cuối năm 2021, nhu cầu tiêu thụ thép tăng do khi dịch bệnh tại các địa phương dần được kiểm soát, nhiều công trình xây dựng hoạt động trở lại. Cùng với đó, nguồn cung thép dần đa dạng và dồi dào hơn do các hoạt động sản xuất thép trong nước của các doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Trong khi đó, sau đợt tăng giá thép vào tháng 10 thì đến tháng 11 giá thép xây dựng trong nước bán ra được các nhà máy sản xuất thép hạ nhiệt từ 400 đồng/kg đến 600 đồng/kg. Trước đó, trong nửa cuối tháng 10/2021, giá nguyên liệu thép nói chung liên tục giảm, trong đó giá thép cuộn cán nóng đã giảm khoảng 15% tính đến đầu tháng 11. Điều này được cho là sẽ khiến các doanh nghiệp thép Việt Nam bị giảm tính cạnh cạnh về giá bán thành phẩm. Mặc dù vậy, kết thúc tháng 11/2021 giá sắt, thép vẫn nằm mức cao.

Mặc cho nguyên liệu thép trên thế giới đã giảm nhiệt, thì giá thép tại thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa cho thấy có tín hiệu gì điều chỉnh. Thậm chí, giá thép vẫn ở mức cao trong xu hướng tăng giá mạnh của vật liệu xây dựng nói chung.

Số liệu thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam mới đây cho thấy, tính chung 11 tháng đầu năm 2021, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép công nghiệp các loại vẫn tăng khá do kế thừa được kết quả kinh doanh tốt của những tháng đầu năm 2021.

Cụ thể, sản xuất đạt 21,589 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Tiêu thụ đạt 21,171 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,136 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ 2020.

Trong khi đó, sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 30,5 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020. Bán hàng thép các loại đạt 26,9 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ 2020. Đáng chú ý, xuất khẩu các thành viên VSA đạt 7,1 triệu tấn, tăng đáng kể so với cùng kỳ 2020.

Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan công bố lại cho thấy, xuất khẩu sắt thép công nghiệp các loại trong tháng 11 giảm so với tháng trước, tuy nhiên tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã vượt mốc 10 tỷ USD, tăng tới 130,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Về thị trường xuất khẩu trong 11 tháng qua, sắt thép các loại được các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường ASEAN đạt 3,49 triệu tấn, giảm 8%; sang Trung Quốc đạt 2,6 triệu tấn, giảm 20,1%; sang EU đạt 1,71 triệu tấn, tăng gấp 7 lần; sang Hoa Kỳ đạt 916 nghìn tấn, tăng 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá, giá thép trong nước cũng bị tác động bởi giá thép thế giới. Giá thép thế giới có xu hướng tăng do nhu cầu nhập khẩu của một số nước tăng như Trung Quốc tăng cao và giá thép tại các nước Mỹ hay tại Châu Âu tăng khá cao do sự thiếu hụt nguồn cung và do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid. Điều này khiến giá thép dự báo sẽ có xu hướng tăng trong năm tới.

Ngoài ra, khi dịch Covid-19 được kỳ vọng được kiểm soát nhờ độ phủ vaccine sẽ khiến các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động hơn. Bên cạnh đó, những tín hiệu tích cực từ động lực đầu tư công và sự phục hồi ngành BĐS trên toàn quốc dự báo trong năm 2022, ngành thép sẽ tiếp tục sôi động hơn với những kỳ vọng về sự tăng giá, sốt nóng của thị trường.

Nguồn: tuoitre.vn

So với năm 2020, thị trường ngành thép công nghiệp năm 2021 hoạt động khá sôi động, nhất là vào dịp cuối năm. Triển vọng thị trường ngành thép năm 2022 vẫn tích cực khi kinh tế toàn cầu tiếp tục hồi phục sau đại dịch Covid-19. Theo tìm hiểu, thép xây dựng cuối năm… Xem bài viết