Thêm kết quả...

Covid 19

Miễn tiền mặt bằng cho các hộ bán hoa, cây cảnh dịp Tết
Miễn tiền mặt bằng cho các hộ bán hoa, cây cảnh dịp Tết
Nhằm chia sẻ khó khăn và giảm thiệt hại đối với các hộ trồng hoa, cây cảnh, hộ làm nghề thủ công mỹ nghệ do dịch Covid-19, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Hai Bà Trưng và Tây Hồ sẽ miễn phí thuê mặt bằng cho các hộ bán hoa, cây cảnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Ngày 8/1, UBND thành phố Hà Nội đã công bố kế hoạch tổ chức 78 điểm chợ hoa xuân phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, từ ngày 12/1 (tức ngày 10 tháng chạp) đến 20h ngày 31/1 (29 Tết).
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu chính quyền các địa phương tạo điều kiện cho các đơn vị trưng bày, giới thiệu cây cảnh, hoa, quả, các sản phẩm hàng Tết và các sản phẩm làng nghề truyền thống, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tham quan, giải trí của nhân dân, du khách đón Tết Nguyên đán đảm bảo an toàn, trật tự, văn minh đô thị và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Trao đổi với báo chí, đại diện lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, quận sẽ miễn phí tiền thuê mặt bằng cho các hộ trồng hoa, cây cảnh, hộ làm nghề thủ công mỹ nghệ có nhu cầu trưng bày sản phẩm tại chợ hoa xuân Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn quận.
Quận Hai Bà Trưng sẽ tổ chức 2 điểm chợ hoa xuân tại khuôn viên công viên Tuổi trẻ Thủ đô, phường Thanh Nhàn và khu vực phố Trần Nhân Tông – đối diện hồ Thiền Quang, phường Nguyễn Du.
Tương tự, đại diện lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết, trên địa bàn quận có 7 điểm bán hoa dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Để hỗ trợ người dân, quận sẽ tạo mọi điều kiện về việc thuê mặt bằng cũng như đảm bảo an ninh trật tự cho người dân an tâm buôn bán.
Theo laodongthudo.vn
12 Tháng Một, 2022 / by / in
Hạn chế tối đa tập trung đông người dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

Ngày 20/12, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Công văn số 1915/UBND-NV về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo ANTT trong dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

UBND quận yêu cầu Phòng Y tế quận thường xuyên cập nhật phân loại cấp độ dịch tại thành phố và quận; chủ động tham mưu, đề xuất các yêu cầu, điều kiện an toàn về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần tại các cơ sở tôn giáo, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung trên địa bàn quận.

Phối hợp UBND các phường đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo xây dựng Kế hoạch/Phương án phòng, chống dịch Covid-19 trong các dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Đồng thời, phối hợp Trung tâm Y tế quận, UBND các phường tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở tôn giáo trên địa bàn quận và các khu vực có nguy cơ khác.
Trung tâm Y tế quận tham mưu UBND quận triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức khoanh vùng, truy vết xử lý triệt để; không để dịch lây lan rộng; tổ chức, quản lý điều trị F0 và cách ly F1 tại nhà.
Phối hợp UBND các phường trọng điểm về tôn giáo và chỉ đạo Trạm Y tế phường thành lập Trạm y tế lưu động, lập chốt kiểm soát người tham dự lễ tại khu vực có cơ sở tôn giáo trong các dịp lễ tết; tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Công an quận triển khai và hướng dẫn Công an các phường xây dựng phương án đảm bảo ANTT trước, trong và sau các dịp lễ tết; chủ động phương án bố trí lực lượng kịp thời xử lý khi có các hoạt động tôn giáo trái pháp luật diễn ra trên địa bàn quận.
Chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố và các phòng, ban chuyên môn thuộc quận tổ chức phân luồng giao thông từ xa xung quanh khu vực trọng điểm về tôn giáo, không để xảy ra ùn tắc; tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý các vi phạm về trật tự đô thị, các hàng quán vỉa hè; kiểm tra, giải tỏa triệt để các điểm trông giữ xe tự phát, trái phép trong các khu vực trọng điểm trên địa bàn quận.
Xây dựng và triển khai phương án phòng, chống cháy nổ trên địa bàn quận và tại các địa bàn trọng điểm về tôn giáo; khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; trong khu phố cổ Hà Nội.
Chủ động phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an thành phổ Hà Nội nắm tình hình, phát hiện ngăn chặn kịp thời những hoạt động liên quan đến khủng bố phá hoại; những hoạt động tôn giáo trái pháp luật; đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội, không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng trên địa bàn.
UBND các phường thường xuyên đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn để kịp thời điểu chỉnh bồ sung, xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo theo diễn biến dịch và chỉ đạo của Trung ương và Thành phố; căn cứ cấp độ dịch trên địa bàn, khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nhất là trong dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đám tang, đám cưới…
Hướng dẫn tổ chức lễ Giáng sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh lây nhiễm dịch Covid-19.Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là giới trẻ thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, không tụ tập đông người, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, lo lắng thái quá.

Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như yêu cầu người dự lễ phải quét mã QR, đo thân nhiệt và thực hiện biện pháp 5K; tổ chức phát thanh, bố trí pano truyền thông khuyến cáo phòng chống dịch Covid-19 lưu động tại khu vực xung quanh các địa điểm, nơi tổ chức hoạt động trong dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần; trao đổi để chức sắc, chức việc Công giáo, Tin lành nhận thức rõ về tình hình dịch bệnh Covid-19 và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Thành phố và Quận.

Nguồn: kinhtedothi.vn

22 Tháng Mười Hai, 2021 / by / in ,
So sánh triệu chứng của biến thể Omicron và Delta

Một số bác sĩ ở Nam Phi đã điều trị các ca nhiễm biến thể Omicron cho biết, bệnh nhân có những triệu chứng khác so với người nhiễm Delta.

Triệu chứng của biến thể Omicron

Các triệu chứng liên quan đến biến thể Omicron đã được các bác sĩ ở Nam Phi mô tả là “cực kỳ nhẹ”. Họ là những người đầu tiên đưa ra cảnh báo về chủng virus SARS-CoV-2 mới.

Hầu hết các ca nhiễm Covid-19 mới ở Nam Phi từ 20 tới 30 tuổi. Các bác sĩ lưu ý, nhóm tuổi đó có các triệu chứng nhẹ hơn trong mọi trường hợp.

Họ nhận định, những người lớn tuổi bị nhiễm Omicron có thể có các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

So sánh triệu chứng của biến thể Omicron và Delta

Ảnh minh họa: Scidev

“Chúng tôi đã chứng kiến ​​sự gia tăng mạnh số ca bệnh trong 10 ngày qua. Đến nay, hầu hết là những trường hợp rất nhẹ với các triệu chứng giống như cúm: ho khan, sốt, đổ mồ hôi ban đêm, cơ thể đau nhức nhiều”, bác sĩ Unben Pillay, làm việc ở tỉnh Gauteng, nơi đầu tiên phát hiện ra biến thể Omicron, cho biết.

Tiến sĩ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi, bắt đầu thấy các bệnh nhân vào ngày 18/11 xuất hiện với “các triệu chứng bất thường” so với những ca nhiễm biến thể Delta, chủng virus đang chiếm ưu thế trên toàn cầu.

“Đó là một bệnh nhân nam khoảng 33 tuổi. Anh ấy rất mệt trong vài ngày qua, bị đau nhức toàn thân kèm theo một chút đau đầu”, bà Coetzee kể.

Bà cho biết, bệnh nhân không bị đau họng mà chỉ là “ngứa cổ họng” nhưng không ho, không mất vị giác hoặc khứu giác – các triệu chứng của các chủng virus SARS-CoV-2 trước đây.

Khi xét nghiệm, bệnh nhân và các thành viên trong gia đình có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, bà Coetzee tiếp xúc với nhiều bệnh nhân hơn vào ngày hôm đó có cùng các triệu chứng rất nhẹ, khác với biến thể Delta. Đồng nghiệp của bà Coetzee cũng ghi nhận những trường hợp tương tự.

Triệu chứng của biến thể Delta

Biến thể Delta gây ra các triệu chứng giống cảm lạnh. “Đau đầu, đau họng, sổ mũi và sốt xuất hiện dựa trên các cuộc khảo sát ở Anh, nơi hơn 90% ca bệnh nhiễm chủng Delta”, Tiến sĩ Inci Yildirim, bác sĩ bệnh truyền nhiễm nhi khoa của Yale Medicine (Mỹ), thông tin.

Biến thể Delta được đánh giá có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với Alpha. Các chuyên gia vẫn chưa rõ biến thể Omicron có khả năng phát tán như thế nào.

Triệu chứng chung của Covid-19

Tiến sĩ Emily Landon, chuyên gia về Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Chicago cho biết: “Bạn sẽ không thể phân biệt được biến thể Omicron với giai đoạn đầu của bệnh cúm hay hầu hết các ca cảm lạnh thông thường vào mùa đông”.

Các triệu chứng có sự trùng lặp do đó bạn phải tiến hành xét nghiệm.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, những người nhiễm Covid-19 có một loạt các triệu chứng, từ nhẹ đến nặng xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Đó là sốt hoặc ớn lạnh, ho, thở dốc hoặc khó thở, mệt, đau nhức cơ hoặc cơ thể, đau đầu, mất vị giác/khứu giác, đau họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy.

An Yên (Theo NBC)

1 Tháng Mười Hai, 2021 / by / in
6 doanh nghiệp trong nước nộp hồ sơ đăng kí thuốc kháng virus điều trị COVID-19
TPO – Ngày 29/11 Bộ Y tế cho biết có 6 doanh nghiệp trong nước nộp hồ sơ đăng kí thuốc kháng virus điều trị COVID-19.

Trường hợp Bộ Y tế được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho cơ chế cấp giấy lưu hành sản phẩm để tháo gỡ khó khăn do quy định tại Điều 56, Điều 87 (khoản 1) và Điều 89 (khoản 1, điểm b khoản 3) của Luật Dược thì các nhà máy trong nước có thể sớm chủ động được nhu cầu thuốc chứa Molnupiravir trong nước.

Hiện Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc trong điều trị bệnh nhân COVID-19 như thuốc ức chế sự nhân lên của virus: Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir… Ngoài ra thuốc kháng thể kép cũng đang được đưa vào điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Các thuốc hỗ trợ khác như thuốc ức chế phản ứng miễn dịch (Chất ức chế Interleukin-6, Baricitinib), thuốc chống đông, kháng sinh, kháng nấm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền (Xuyên tâm liên) cũng được đưa vào điều trị bệnh nhân COVID-19…

Trước đó Bộ Y tế đã triển khai Chương trình thí điểm điều trị sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir có kiểm soát cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng điều trị tại các cơ sở y tế, khu cách li, khu thu dung điều trị và tại nhà.

Mục tiêu của Chương trình là các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng được tiếp cận thuốc an toàn, hiệu quả, nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong, giảm tải điều trị và đặc biệt là giảm lây nhiễm ngoài cộng đồng.

Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir trong điều trị COVID-19 đã công bố trên thế giới cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỉ lệ nhập viện, giảm tử vong; Căn cứ kết quả đánh giá giữa kì của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ và vừa tiến hành tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phổi Trung ương cho thấy tính an toàn và hiệu quả thuốc, Bộ Y tế đã cho phép triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ tại nhà và cộng đồng tại TPHCM từ giữa tháng 8/2021 và hiện nay đã mở rộng triển khai tại 36 địa phương có dịch trong toàn quốc.

Việc triển khai Chương trình tuân thủ các đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt và được theo dõi, kiểm soát, ghi nhận, đánh giá và tổng kết bởi các chuyên gia, cán bộ, nhân viên y tế.

Các kết quả báo cáo giữa kì của Chương trình tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỉ lệ bệnh nhân có kết quả RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỉ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỉ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong. Các kết quả rất khả quan của Chương trình đã đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của TPHCM và các địa phương có dịch.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương có dịch tham gia và triển khai Chương trình trên tinh thần tiếp cận sớm với thuốc song vẫn phải kiểm soát, theo dõi chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân tham gia Chương trình.

30 Tháng Mười Một, 2021 / by / in , ,
TPHCM: F0 tăng trở lại, doanh nghiệp lo mất Tết

“Nếu bị chậm hoặc đứt gãy các đơn hàng cuối năm, doanh nghiệp sẽ mất nguồn thu nhập quan trọng nhất cho năm nay. Khả năng doanh nghiệp và người lao động mất Tết rất rõ”, giám đốc công ty may chia sẻ.

Gần 2 tháng sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách, 230.000 lao động đã quay trở lại làm việc (chiếm 80%). Doanh nghiệp đều kỳ vọng vào các đơn hàng cuối năm để cứu cho một năm doanh thu thấp nhất lịch sử. Tuy vậy, kế hoạch hồi phục sản xuất có khả năng bị gián đoạn do F0 tăng trở lại.

Theo báo cáo, từ ngày 1/10 đến nay, tại các KCX, KCN và khu công nghệ cao ở TPHCM có gần 4.000 ca F0. Mỗi ngày có khoảng 100 F0 và liên tục tăng nhanh trong thời gian gần đây. Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, khu công nghệ cao đã thành lập trung tâm cách ly, điều trị Covid-19 tại nội khu, đây cũng là mô hình đầu tiên trong cả nước.

Tại công ty TNHH Pouyuen Việt Nam ở Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, gần 50.000 công nhân đã được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19. Các công nhân được yêu cầu tuân thủ 5K, được xét nghiệm định kỳ nhưng vẫn có nhiều F0, có ngày lên đến 25 ca.

TPHCM: F0 tăng trở lại, doanh nghiệp lo mất Tết - 2

Để đảm bảo an toàn cho người lao động, UBND quận Bình Tân đã yêu cầu công ty tổ chức trung tâm thu dung, cách ly với quy mô 200 – 300 giường. Tuy vậy, doanh nghiệp khó thực hiện do thiếu nhân lực y tế, cơ sở vật chất, mặt bằng…

Tại công ty may M.P ở TP Thủ Đức, dù các phân xưởng đã được giãn cách, công nhân chia theo nhóm, làm việc theo ca và tuân thủ 5K nhưng F0 vẫn xuất hiện. Có những ngày hàng chục F0 trong công ty được phát hiện sau khi test nhanh dẫn đến dây chuyền sản xuất phải tạm ngưng để khử khuẩn.

“Thực sự rất khó khăn, chúng tôi đã cố gắng hết sức, làm hết sức nhưng không thể thực hiện ‘Zero F0’ được. Phải chấp nhận thay đổi chuỗi sản xuất để thích ứng nhưng tình hình phức tạp hơn chúng tôi nghĩ doanh nghiệp, người lao động có khả năng mất Tết”, ông Đào Duy Huy – giám đốc nhân sự công ty M.P cho hay.

Ông Huy phân tích, 4 tháng giãn cách công ty phải ngưng mọi hoạt động sản xuất nhưng công nhân vẫn được hỗ trợ lương căn bản. Những công nhân ở lại TPHCM được chu cấp thêm tiền phòng trọ, nhu yếu phẩm, thuốc men.

“Ngân sách gần như cạn kiệt, chúng tôi mong các đơn hàng dịp cuối năm để thu lợi nhuận nhằm duy trì công ty, hỗ trợ phúc lợi cho công nhân nhưng tình hình này rất khó. Khả năng doanh nghiệp lâm vào khủng hoảng, nợ nần, phá sản đang hiện rõ. Điều này thực sự nằm ngoài dự kiến, chúng tôi chưa bao giờ mong điều này xảy ra, không phải vì chúng tôi mà vì gia đình hơn 1.000 công nhân, người lao động”, ông Huy chia sẻ.

TPHCM: F0 tăng trở lại, doanh nghiệp lo mất Tết - 3

Ông Huy mong rằng, thời gian tới UBND TPHCM, Ban quản lý các KCX, KCN sẽ có thêm những biện pháp hỗ trợ điều trị F0. Cùng với đó, ông cũng mong các doanh nghiệp được tiếp cận thêm nhiều nguồn vay giá rẻ để thuận lợi hồi phục sản xuất, đổi mới dây chuyền công nghệ.

Theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, giày da, đồ gỗ… đều có tình trạng F0 tăng trở lại. Các doanh nghiệp đều đang gồng mình để thích ứng sản xuất trong điều kiện bình thường mới nhưng hiệu quả vẫn được bỏ ngỏ.

“Nhiều lao động khi chúng tôi chia sẻ họ cho biết sẵn sàng giảm lương, thưởng, thậm chí không cần thưởng Tết để cùng nhau vượt khó. Về phía doanh nghiệp, được người lao động hỗ trợ chúng tôi rất vui nhưng cũng rất nặng lòng. Họ gắn bó với mình bao nhiêu năm làm sao để họ phải chịu thiệt thòi. Hy vọng TP sẽ sớm khống chế được dịch để doanh nghiệp an tâm sản xuất nhằm đảm bảo hoạt động công ty và chế độ cho người lao động”, đại diện doanh nghiệp may ở quận Thủ Đức thông tin thêm.

Nguồn: dantri.com.vn

22 Tháng Mười Một, 2021 / by / in , ,
F0 mới tiếp tục “lập đỉnh”, Hà Nội có giãn cách diện rộng?

Ngày 15/11, số F0 ghi nhận trong ngày của Hà Nội tiếp tục “lập đỉnh” với 289 ca bệnh. Gần đây nhất, ngày 9/11, Hà Nội cũng đã ghi nhận 222 F0 chỉ trong vòng 24h.

Không giãn cách diện rộng

Trước thực tế ca bệnh tăng cao này, nhiều người băn khoăn liệu Hà Nội có tính phương án giãn cách diện rộng.

Tuy nhiên, trao đổi với Dân trí, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội khẳng định, thành phố sẽ không giãn cách diện rộng như trước đây mà sẽ bám sát theo chủ trương thích với Covid-19 đã được đề ra.

“Thành phố sẽ không giãn cách diện rộng theo Chỉ thị 15, 16 hay 19 như trước đây, mà chỉ phong tỏa hẹp nhất, an toàn nhất tại khu vực có bệnh nhân”, ông Tuấn cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, hiện nay nhiều quận huyện ở Hà Nội đã thực hiện cách ly F1 tại nhà.

F0 mới tiếp tục lập đỉnh, Hà Nội có giãn cách diện rộng? - 1

Ông Tuấn nói: “Bộ Y tế và Hà Nội đã có hướng dẫn cho phép các F1 thuộc 4 nhóm đối tượng bao gồm: người già, người có bệnh nền, trẻ em, phụ nữ mang thai đồng thời đảm bảo đủ các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như khu vực cách ly được cách ly tại nhà”.

Một số điều kiện với F1 cách ly tại nhà có thể kể đến như: có phòng riêng để thực hiện cách ly, có nhà vệ sinh riêng, có người chăm sóc, thu gom, xử lý rác thải theo đúng quy định. Các F1 cách ly tại nhà cũng sẽ được thực hiện xét nghiệm Covid-19 định kì. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ xử lý theo quy định.

Thực tế, tại quận Nam Từ Liêm đã có gần 100 F1 đang được cách ly tại nhà tại 10/10 phường. Đây đều là những trường hợp thuộc 4 nhóm ưu tiên theo hướng dẫn;  tại quận Hà Đông, 4 nhóm đối tượng đủ điều kiện cũng được cách ly tại nhà. Trước đó, nhiều F1 là người già, người có bệnh nền, trẻ em tại Quốc Oai cũng đã được cách ly tại nhà.

F0 mới tiếp tục lập đỉnh, Hà Nội có giãn cách diện rộng? - 2

Bên cạnh đó, theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, thành phố cũng đã vừa đồng ý cho phép 12 khách sạn được tiếp nhận cách ly F1 do người cách ly tự nguyện chi trả phí.

Theo ngành y tế, việc thành phố “mở cửa” để phát triển kinh tế – xã hội sẽ xác định và đối diện với việc xuất hiện nhiều ca bệnh.

Thành phố luôn xác định phải chủ động cao hơn một mức so với thực tiễn, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Trước nguy cơ dịch vẫn còn rất cao, có khu vực dịch đã ngấm sâu trong cộng đồng…, Hà Nội đã chuẩn bị mức độ cao nhất các điều kiện phục vụ điều trị, cách ly, tăng cường cho cơ sở y tế về mọi mặt, tiếp tục củng cố, nâng cao về nhân lực, trang thiết bị cho cơ sở y tế hạng một.

11 chùm ca bệnh, ổ dịch phức tạp

Hiện tại, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 11 chùm ca bệnh/ổ dịch phức tạp. Đáng chú ý, ổ dịch tại phường Phú Đô đã gia tăng nhanh chóng số ca bệnh. Từ ngày 9/11 đến nay có tổng cộng 183 ca. Đây là phường duy nhất của Hà Nội nâng cấp độ dịch lên mức 4, tức màu đỏ, nguy cơ rất cao (tính đến ngày 12/11).

Ngoài ra, thành phố cũng phát sinh 2 chuỗi lây mới tại một công trường xây dựng ở quận Hà Đông và chợ Nam Đồng (quận Đống Đa). Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thành phố liên tục phát thông báo khẩn, tìm người từng đến nhiều địa điểm nguy cơ trên địa bàn.

CDC Hà Nội yêu cầu tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.

Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 6.043 ca trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 2.271 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 3.772 ca.

Nguồn: dantri.com.vn

16 Tháng Mười Một, 2021 / by / in
Chủ tịch nước: TPHCM cần chủ động đối mặt làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 5

“TP cần chuẩn bị tâm thế tốt hơn, chủ động hơn để phòng, chống làn sóng dịch Covid-19 thứ 5. Nếu không chúng ta sẽ bị động” – Chủ tịch nước yêu cầu. Còn cử tri mong sớm có vaccine Covid-19 trong nước.

Sáng 16/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị 10 có buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn (TPHCM) sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu trước khi lắng nghe những ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, buổi tiếp xúc có ý nghĩa lớn trong bối cảnh, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thành phố vẫn còn hơn 1.000 ca mắc mới mỗi ngày. Do đó, người đứng đầu Nhà nước mong muốn được lắng nghe những góp ý, đề xuất, kiến nghị cụ thể của người dân trong từng lĩnh vực của đời sống.

“Chúng tôi rất muốn lắng nghe những góp ý của người dân về những vấn đề chưa đúng, những vấn đề bất cập được người dân quan tâm và cả những vấn đề vĩ mô khác. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với nhân dân”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc định hướng.

Chủ tịch nước: TPHCM cần chủ động đối mặt làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 5 - 1

Cử tri mong muốn sớm có vaccine Covid-19 trong nước

Tại hội nghị, hầu hết ý kiến các cử tri đều bày tỏ sự quan tâm đến công tác phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế củaTP.HCM  và cả nước. Trong đó, nhiều người dân kiến nghị, Trung ương, các bộ, ngành có biện pháp để đạt độ phủ cao nhất vaccine Covid-19 toàn dân trong thời gian ngắn nhất.

Cử tri Trần Thị Cúc, xã Phước Thạnh (huyện Củ Chi), nhìn nhận, thời gian qua, vaccine Covid-19 đã thể hiện rõ hiệu quả, tầm quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bằng chứng là số ca nhiễm, ca tử vong được kéo giảm từng ngày.

Chủ tịch nước: TPHCM cần chủ động đối mặt làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 5 - 2

“Cử tri biết, nước ta đã cho đầu tư, nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 trong nước nhưng đến nay chưa được cấp phép. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan tạo điều kiện hơn về cơ chế cùng các vấn đề khác để sớm đưa vaccine Covid-19 nội địa vào sử dụng, giúp chủ động trong phòng, chống dịch và đảm bảo nhu cầu của người dân”, bà Trần Thị Cúc đề xuất.

Cử tri Phan Thị Tuyết Anh (thị trấn Hóc Môn) bày tỏ lo lắng trước việc hiệu quả của vaccine có thể giảm theo thời gian. Bà Tuyết Anh mong muốn, các cơ quan sớm thực hiện tiêm mũi 3 vaccine Covid-19 cho người dân bằng nhiều hình thức.

“Phương án có thể áp dụng là người có điều kiện sẽ tiêm theo giá dịch vụ, người yếu thế, khó khăn sẽ được miễn phí. Điều này sẽ tăng khả năng tiếp cận vaccine cho người dân và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước”, cử tri thị trấn Hóc Môn hiến kế.

Nhiều cử tri khác của huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn cùng chung ý kiến, TPHCM cần sớm phân bổ thêm nguồn vaccine để thực hiện tiêm cho trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 12 tuổi.

Cần tăng cường công tác an sinh – xã hội

Tại điểm cầu thị trấn Củ Chi, Thượng tọa Thích Thiện Tâm, đặt vấn đề, với đặc điểm nằm ở ngoại thành, đời sống bà con huyện Củ Chi đa phần đến từ việc sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian dài chống chọi với đại dịch Covid-19, nhiều người đã lâm vào cảnh khó khăn.

Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi bày tỏ mong muốn, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TPHCM xem xét các cơ chế, chính sách giúp đỡ người dân làm nông nghiệp có thể tiếp cận các gói hỗ trợ để vượt qua hậu quả của đại dịch.

Cử tri Mai Thị Hòa Uyên, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, phát biểu, trong hàng chục năm qua, việc sản xuất nông nghiệp tại TPHCM và cả nước chủ yếu mang tính thời vụ, tự phát, không theo quy hoạch. Điều này khiến năng suất, hiệu quả thu được còn hạn chế, người dân loay hoay vấn đề đầu ra ngay cả khi được mùa.

“Hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp và cả tiêu thụ đều khó khăn nhưng chi phí đầu vào tăng mạnh khiến thu nhập người dân bị ảnh hưởng. Các cấp, các ngành cần có các gói hỗ trợ, tín dụng để người dân đỡ khổ và có niềm tin tái đầu tư, ổn định thu nhập”, cử tri xã Trung Lập Thượng góp ý.

Cử tri Phan Văn Nhớ, xã Bình Mỹ, cũng kiến nghị, trong bối cảnh đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn sau thời gian dài giãn cách xã hội, tổ đại biểu, lãnh đạo thành phố cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt người nghèo, người yếu thế. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh cũng cần được chú trọng.

Tránh bị động nếu xảy ra đợt bùng phát dịch mới

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đánh giá, mức độ lây nhiễm của dịch Covid-19 ở mức nghiêm trọng khiến thành phố phải áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài. Thực trạng này khiến nền kinh tế của thành phố đứt gãy, người dân ảnh hưởng về sức khỏe, tâm lý, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết cho cấp ủy và chính quyền thành phố.

“Chúng ta cần tiếp tục giải quyết các vấn đề này trong thời gian dài. Không chỉ năm nay là xong, thậm chí thành phố cần cả năm 2022, đến đầu năm 2023 mới đạt được trạng thái bình thường”, Chủ tịch nước nhìn nhận.

Người đứng đầu Nhà nước đặt vấn đề, hiện tại, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 5 đã xuất hiện ở một số nước trên thế giới. Trong khi đó, dịch bệnh tại TPHCM vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

“Thành phố cần chuẩn bị tâm thế tốt hơn, chủ động hơn để phòng, chống làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 5. Nếu không đặt vấn đề này sớm, chúng ta sẽ bị động. Cấp ủy, chính quyền thành phố cùng các cơ quan cần thực hiện các nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất”, Chủ tịch nước yêu cầu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, trong thời gian tới, thành phố cần tập trung vào các phần việc trọng tâm để vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. Trong đó, các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp cần được tăng cường thông qua việc đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp.

Chủ tịch nước: TPHCM cần chủ động đối mặt làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 5 - 5

Ngoài ra, tất cả người lao động quay lại thành phố cần được tiêm vaccine Covid-19. Thành phố cần tích cực hơn trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.

“Các doanh nghiệp, cấp ủy, chính quyền cần giải quyết công việc bằng tất cả trách nhiệm của mình. Tinh thần ở đây là khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp 3 mới vượt qua được”, Chủ tịch nước phát biểu.

Các nhiệm vụ tiếp theo được Chủ tịch nước đặt ra cho TPHCM là khôi phục, đảm bảo thông suốt hoạt động giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, điểm cung ứng. Chính quyền cần đối thoại, nắm bắt khó khăn của từng doanh nghiệp để đưa ra phương án giải quyết.

“Song song với các trụ cột của nền kinh tế, thành phố cần quan tâm, giải quyết các vấn đề an sinh, xã hội. Ngoài ra, thành phố cần tập trung tiêm vaccine đầy đủ cho học sinh, sinh viên để chuẩn bị cho thời gian quay lại trường học”, ông Nguyễn Xuân Phúc nêu ý kiến.

Nguồn: dantri.com.vn

16 Tháng Mười Một, 2021 / by / in
Dịch Covid-19 ở TPHCM có chiều hướng phức tạp trở lại

UBND TPHCM đánh giá, dịch Covid-19 trên địa bàn có chiều hướng phức tạp trở lại. Các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cùng thủ trưởng các sở, ngành, doanh nghiệp cần tăng cường các biện pháp chống dịch.

Chiều 11/11, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã ký văn bản gửi thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các doanh nghiệp trên địa bàn về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Qua đánh giá cấp độ dịch, UBND TPHCM cho biết, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn có chiều hướng diễn biến phức tạp. UBND TPHCM yêu cầu ban chỉ đạo phòng, chống dịch các sở, ngành, đơn vị thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ, Chỉ thị 18 của thành phố; tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả gắn với khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội.

Dịch Covid-19 ở TPHCM có chiều hướng phức tạp trở lại - 1

Cụ thể, việc kiểm tra công tác phòng, chống dịch cần tăng cường tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà máy… nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe. Quy trình xử lý F0 khi phát hiện tại cơ sở cần được đặc biệt quan tâm, các trường hợp cố tình vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch, có biểu hiện trốn tránh trách nhiệm làm lây lan dịch bệnh cần xử lý nghiêm.

Các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát dịch trong giai đoạn hiện nay, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. TP Thủ Đức, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra, đánh giá dịch bệnh, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, không để dịch lây lan rộng, khó kiểm soát.

Đối với lĩnh vực y tế, UBND TPHCM yêu cầu chủ động rà soát, chuẩn bị và kịp thời cấp phát túi thuốc cho F0. Tuyệt đối không để bất kỳ F0 nào cách ly tại nhà không tiếp cận được thuốc điều trị.

Các địa phương rà soát lại tình hình nguồn nhân lực để chủ động thành lập trạm y tế lưu động tương ứng với số ca mắc Covid-19 mới, nhanh chóng nâng cao năng lực y tế cơ sở.

Thành phố sẽ tổ chức bố trí các điểm tiêm vaccine lưu động, đặc biệt tại cửa ngõ giáp ranh, bến xe, nhà ga để tiêm cho người dân quay lại địa bàn. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra việc thực hiện cấp mã QR qua Cổng thông tin An toàn Covid tại các sở, ban, ngành, trụ sở chính quyền các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, đơn vị không thực hiện kiểm tra mã QR sẽ bị xử lý nghiêm.

UBND TPHCM yêu cầu các cấp cơ sở rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19, phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể cho từng thành viên. Các đơn vị bổ sung phương án, kịch bản phòng, chống dịch trên địa bàn một cách linh hoạt, hiệu quả.

Nguồn: dantri.com.vn

12 Tháng Mười Một, 2021 / by / in
TPHCM có siết chặt kiểm soát khi dịch Covid-19 phức tạp trở lại?

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, độ mở của các hoạt động kinh tế, xã hội sẽ tùy thuộc vào tình trạng của dịch bệnh. Khi tình hình dịch Covid-19 xấu đi, các hoạt động cần hạn chế lại.

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 12/11, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM – đánh giá tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn có xu hướng phức tạp lại. Điều này thể hiện qua việc, số ca F0 gia tăng những ngày gần đây.

“Việc F0 tăng là điều nằm trong dự kiến. Khi thành phố mở cửa lại, sự giao thương, tiếp xúc, đi lại cũng gia tăng”, ông Phan Văn Mãi cho hay.

Biện pháp trước mắt của thành phố là từng địa phương phải theo dõi sát, đưa ra các phương án khi nhìn thấy dấu hiệu bất thường. Chủ tịch UBND TPHCM lấy ví dụ, khi huyện Hóc Môn, Nhà Bè nhận diện nguy cơ, các biện pháp truy vết nhanh, xử lý kịp thời đã được đưa ra.

TPHCM có siết chặt kiểm soát khi dịch Covid-19 phức tạp trở lại? - 1

Người đứng đầu chính quyền thành phố chia sẻ, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn diễn ra hàng ngày, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 vẫn theo dõi sát tình hình tại TPHCM và đưa ra chỉ đạo. Đối với thành phố, ngành y đã có hướng dẫn cụ thể các cơ sở trong vấn đề xử lý khi xuất hiện F0

“Tinh thần là dịch Covid-19 tại TPHCM và các địa phương vẫn diễn biến phức tạp. Chúng ta phải chủ động trong phòng, chống dịch, không được lơ là, coi đây là việc thường xuyên”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Hiện tại, thành phố chia công tác phòng, chống dịch thành 2 nhóm là trước khi có F0 và sau khi phát hiện F0. Trong đó, trước khi xuất hiện F0, từng người dân, gia đình, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, ngừa, cần hình thành các thói quen tích cực mới.

Khi xuất hiện các F0, ngành y tế cùng các đơn vị phải xử lý kịp thời để hạn chế sự lây nhiễm. Bệnh nhân mắc Covid-19 cần được tiếp xúc với thuốc điều trị kịp thời nhằm ngăn chặn ca chuyển nặng, tử vong.

Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ thêm, hiện tại, thành phố đang thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt. Độ mở của các hoạt động kinh tế, xã hội sẽ tùy thuộc vào tình trạng của dịch bệnh.

“Khi dịch Covid-19 giảm, vùng xanh được mở rộng, các hoạt động sẽ được mở nhiều hơn. Còn khi dịch xấu đi thì bắt buộc các hoạt động cần hạn chế lại”, ông Phan Văn Mãi phân tích.

Thời điểm hiện tại, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận số ca F0 trên địa bàn đang gia tăng, các biện pháp phòng ngừa cần được thực hiện cẩn trọng. Hiện tại, toàn địa bàn thành phố vẫn đang là cấp độ 2, tuy nhiên TPHCM sẽ đánh giá tình hình dịch bệnh từng địa bàn theo tuần và đưa ra các quyết định về độ mở của các hoạt động.

Về vấn đề tăng cường, củng cố hệ thống y tế, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố đã có kế hoạch củng cố y tế cộng đồng, y tế điều trị, y tế phục hồi. Đối với tuyến cơ sở, các trạm y tế sẽ kiện toàn bộ máy lãnh đạo, Trưởng và Phó trạm, cán bộ.

“Có những điều thuộc về chủ trương, cũng có cái thuộc về cơ chế cần tìm cách giải quyết. Về trước mắt, thành phố sẽ tăng cường cán bộ y tế của bệnh viện cấp thành phố, quận, huyện để hỗ trợ các trạm y tế lưu động. Về lâu dài, thành phố tính tới giải pháp cơ chế để sinh viên tốt nghiệp ngành y sẽ về làm việc tại các đơn vị y tế cơ sở trong thời gian nhất định”, ông Phan Văn Mãi thông tin.

Nguồn: dantri.com.vn

12 Tháng Mười Một, 2021 / by / in
Nỗi lo Covid-19 xâm nhập doanh nghiệp sản xuất

Sau hơn một tháng nối lại hoạt động sản xuất trong điều kiện “bình thường mới”, các doanh nghiệp sản xuất đã dần bắt nhịp ổn định, lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021…

Khi nhiều tỉnh thành nới lỏng giãn cách, quay lại cuộc sống bình thường mới, các doanh nghiệp lập tức tái khởi động, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất với mong muốn vực lại công ty, bù đắp thất thoát. Tuy nhiên, do vẫn đối mặt nỗi lo tái dịch nên nhiều nơi vẫn thận trọng, với nhiều đề xuất để yên tâm hoạt động lại.

NGUY CƠ TẠI NHIỀU TỈNH, THÀNH

Những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận nhiều ca bệnh Covid-19. Người lao động bị nhiễm bệnh sau khi về nhà lại lây nhiễm cho người thân trong gia đình và cộng đồng.

Cụ thể, trong tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 tại các doanh nghiệp là hơn 1.200 ca, tăng gấp 6 lần so với thời gian thực hiện “3T” trước đây. Một số địa phương như: Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Định Quán cũng ghi nhận các F0 liên quan đến các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và những huyện lân cận.

Đối với các ổ dịch lớn, phức tạp, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hỗ trợ để xử lý ổ dịch trong thời gian ngắn nhất có thể. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh mới đây, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai phối hợp với đơn vị quản lý hạ tầng khu công nghiệp chủ động bố trí địa điểm, cơ sở hạ tầng để triển khai các khu cách ly tập trung F1 trong các khu công nghiệp hoặc ký túc xá của người lao động.

Trường hợp không bố trí được các khu cách ly tập trung F1 chung cho khu công nghiệp thì từng doanh nghiệp phải bố trí khu cách ly F1 ngay trong doanh nghiệp để chủ động cách ly F1. Các đơn vị, địa phương liên quan có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai khu cách ly F1 trong doanh nghiệp đúng quy định phòng dịch.

Ngày 4/11, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đã ban hành văn bản đề nghị tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Lý do là gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tục có các ca nhiễm trong cộng đồng, nhất là tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Công tác truy vết, công tác kiểm tra của chính quyền địa phương cho thấy còn nhiều đơn vị chưa chấp hành nghiêm trong công tác phòng chống dịch như: chưa quản lý chặt chẽ phương tiện ra vào, để nhân viên tiếp xúc lái xe không tuân thủ chặt các biện pháp 5K… Việc thiếu chặt chẽ trong kiểm soát đã tạo cơ hội cho dịch bệnh có thể xâm nhập từ bên ngoài vào và gây ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân, người lao động.

Số ca nhiễm Covid-19 tại các doanh nghiệp tại Đồng Nai những ngày gần đây đã tăng so với thời gian thực hiện "3T" trước kia.
Số ca nhiễm Covid-19 tại các doanh nghiệp tại Đồng Nai những ngày gần đây đã tăng so với thời gian thực hiện “3T” trước kia.

Trong khi đó, tại phía Bắc, thông tin từ UBND TP. Uông Bí cho biết, địa phương này vừa phát hiện trên địa bàn 5 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; 8 ca test nhanh dương tính, đang chờ kết quả khẳng định; 1 ca ngoài cộng đồng có liên quan cũng đã khẳng định dương tính.

Đến rạng sáng nay, 5/11, TP.Uông Bí đã lấy mẫu xét nghiệm cho 3.143 công nhân thực tế đi làm tại đơn vị này. Cùng với đó, TP. Uông Bí đang tiếp tục khẩn trương truy vết lấy mẫu đối với các trường hợp F1, F2; sàng lọc người ho, sốt; lấy mẫu nhóm nguy cơ; đồng thời cách ly toàn bộ 388 người tại phân xưởng C7, Công ty TNHH Sao Vàng (nơi có ca F0 và các trường hợp là F1 tại doanh nghiệp này).

DOANH NGHIỆP CẦN CHỦ ĐỘNG

Có thể nói, hiểu rõ nguy cơ bùng phát dịch, có năng lực dự phòng virus lây lan… là yếu tố giúp doanh nghiệp giải bài toán nâng cao năng lực y tế. Theo TS., BS Nguyễn Thu Anh – Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Trường Đại học Sydney, Australia): “Năng lực y tế trong doanh nghiệp là bài toán khó, cần sớm có lời giải, nhất là khi cuộc sống dần trở lại bình thường và hoạt động kinh doanh, sản xuất tái khởi động”.

Theo ông Chánh phương, Phó Chủ tịch Hội Chế biến gỗ và Mỹ nghệ TP.HCM, sau một tháng nới lỏng giãn cách, qua sàng lọc triệu chứng và xét nghiệm định kỳ, nhiều đơn vị phát hiện F0. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, người lao động và địa phương đã bình tĩnh xử trí tình huống, không hoang mang như trước. Hiện vẫn còn nhiều đơn vị áp dụng khu cách ly tại nhà máy, công xưởng để nhân viên ở lại, tránh lây lan dịch cho người thân lẫn xóm trọ của họ. Không ít công ty bố trí nơi điều trị F0, trường hợp bệnh nhân trở nặng, họ lập tức liên hệ cơ sở y tế địa phương.

Theo Sở Y tế  Đồng Nai, bộ phận y tế doanh nghiệp cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về phòng, chống dịch, nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc, chú trọng nâng cao ý thức người lao động trong việc chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch. Xây dựng phương án, phương tiện sơ cứu, cấp cứu, thuốc thiết yếu và tình huống cấp cứu tai nạn lao động, tổ chức tập huấn sơ cứu, cấp cứu cho người lao động tại cơ sở.

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai kế hoạch phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp theo hướng dẫn của ngành Y tế. Trong đó có phương án xử lý khi doanh nghiệp có ca nghi nhiễm và ca nhiễm Covid-19. Xây dựng và tổ chức xét nghiệm cho người lao động tại doanh nghiệp; hướng dẫn người lao động tự xét nghiệm nhằm tầm soát kịp thời nguy cơ, hạn chế thấp nhất lây nhiễm trong doanh nghiệp.

Các cơ sở sản xuất, nhà máy phải tổ chức khu vực làm việc thông thoáng, người lao động tuân thủ 5K, giữ khoảng cách 1m...
Các cơ sở sản xuất, nhà máy phải tổ chức khu vực làm việc thông thoáng, người lao động tuân thủ 5K, giữ khoảng cách 1m…

Còn Sở Y tế TP.HCM thì đã có văn bản về việc hướng dẫn tạm thời phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động liên tục khi phát hiện ca nhiễm Covid-19. Theo đó, người lao động tham gia hoạt động sản xuất phải đảm bảo một trong các điều kiện sau: đã tiêm vaccine đủ liều, đã tiêm ít nhất 1 mũi và có kế hoạch tiêm mũi 2, hoặc nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh.

Khi phát hiện người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 hoặc có yếu tố dịch tễ, bộ phận sàng lọc thông tin ngay cho tổ y tế hoặc báo cáo lãnh đạo cơ sở, doanh nghiệp liên hệ với đơn vị y tế để tổ chức xét nghiệm kiểm tra Covid-19 theo quy định. Sở Y tế đề nghị cơ sở trên phải tổ chức khu vực làm việc thông thoáng, người lao động tuân thủ 5K, giữ khoảng cách 1m; người lao động ăn theo ca, giữ khoảng cách 2m, không ngồi đối diện, có vách ngăn, phân luồng ra vào nhà ăn…

Đặc biệt, doanh nghiệp không cần dừng hoạt động nếu phát hiện ca F0 mà tạm thời cách ly F0 ở buồng cách ly hoặc khu vực cách ly của đơn vị và liên hệ ngay cơ quan y tế địa phương để được hỗ trợ. Nếu F0 ở 1 dây chuyền sản xuất thì xử lý trên quy mô dây chuyền. Nếu F0 ở từ 2 dây chuyền sản xuất trở lên trong cùng 1 phân xưởng thì xử lý trên quy mô toàn phân xưởng…

Nguồn: vneconomy.vn

5 Tháng Mười Một, 2021 / by / in